Cô giáo Thìn đang chăm sóc mẹ, bà Nguyễn Thị Nương nay đã hơn 90 tuổi. Ảnh: SGGP. |
Căn nhà cũ rêu phong của mẹ con bà Nương nay tròn 80 năm tuổi, từng che giấu cán bộ cách mạng, hứng chịu bom đạn chiến tranh, nhưng vẫn đủ sức chở che cho lớp học tình thương. Đang nghỉ hè nhưng trong nhà vẫn ê a tiếng trẻ đọc bài. Trên bục giảng, một phụ nữ gương mặt phúc hậu, dong dỏng cao đang say sưa dạy học…
Cô Thìn, con gái bà Nương, giải thích về việc học hè: “Tôi dạy liên tục, hết tốp này tới tốp khác để các cháu học cho cứng cáp, khi vào lớp 2 trường chính quy không thua bạn bè. Đa số tụi nhỏ đều nghèo và đồng bào Khmer, tôi vừa dạy vừa trông chừng luôn thể để cha mẹ các cháu đỡ lo”.
Cha cô Thìn là ông Lê Văn Tân, tham gia cách mạng thời kháng chiến chống Pháp. Cha mẹ cô có 6 người con, nhưng chỉ còn lại 3. Lớp học tình thương này do bà Nguyễn Thị Nương (là giáo viên dạy học ở huyện Duyên Hải, mẹ cô Thìn) dày công gây dựng.
Năm 1950, chồng bị bắt, bà mở lớp học tình thương tại nhà, chủ yếu dạy chữ cho con em cán bộ cách mạng và cũng là nơi lưu chuyển tài liệu cách mạng. Giặc thường gây sức ép với bà giáo Nương nhưng không kết quả. Từ năm 1972, học sinh khi học qua lớp 1 của bà thì được theo tiếp lớp 2 do con gái bà là cô giáo Thìn đảm trách.
Sau năm 1975, cô Thìn làm giáo viên ở Trường Tiểu học Mỹ Hòa B (nay là Trường Tiểu học thị trấn Cầu Ngang). 5 năm sau cô được đề bạt làm hiệu trưởng Trường Mỹ Hòa B, rồi Phó trưởng phòng Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang… Đến năm 1990, cô nghỉ hưu. Bà Nương lúc này tuổi cao sức yếu nên cô Thìn nối tiếp mẹ duy trì lớp học đến nay.
Truyền lửa cho con
Lớp của cô Thìn được công nhận trong hệ thống của Trường Tiểu học thị trấn Cầu Ngang. Mỗi năm, nơi đây tiếp nhận 25-30 học sinh lớp 1. Cuối mỗi năm học, cô lại chuyển hồ sơ các em sang Trường Tiểu học thị trấn Cầu Ngang học tiếp lớp 2. Hầu hết các em con gia đình lao động nghèo, chưa được học mẫu giáo nên rất bỡ ngỡ với môi trường mới. Nhờ lớp học của cô mà các em được rèn từng con chữ vỡ lòng.
Cô Thìn tâm sự: “Cháu nào nghèo quá thì miễn phí hoàn toàn, gia đình nào khá thì tôi thu chút tiền (khoảng 30.000 đồng/cháu/tháng) để giúp các cháu khác cùng được học”. Tiền thu học phí chẳng là bao, chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng, nhưng cô Thìn dành hết mua sách vở, thiết bị cho lớp học. Không chỉ dạy chữ, các em còn được cô dạy biết yêu thương, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, tôn trọng, lễ phép với người lớn… nên được nhiều phụ huynh tín nhiệm.
Nhiều năm qua, cuộc sống của cô và người mẹ già chủ yếu dựa vào đồng lương hưu và tiền chính sách gia đình có công cách mạng. Khó khăn nhưng chưa bao giờ cô có ý nghĩ từ bỏ lớp học tình thương. Hàng trăm học sinh nghèo huyện Cầu Ngang đã nhận được sự tiếp sức quý báu từ lương hưu cô dành dụm: từ quyển tập, cuốn sách đến học bổng cho những học sinh nghèo.
Nhiều em trong số này nay đã vào đại học. Em Huỳnh Thị Thu được hỗ trợ 300.000 đồng/năm, em Nguyễn Thị Thảo từng được cô hỗ trợ học bổng suốt những năm cấp 3. Giờ Thảo là sinh viên ĐH Cần Thơ. Còn số học sinh vùng sâu ra huyện học cấp 3 được cô Thìn cho ở trọ miễn phí phải tính đến hàng trăm.
Cứ thế 57 năm qua, lớp học tình thương này từng là điểm tựa cho bao thế thệ học sinh nông thôn, vượt qua nghèo khó đến với con chữ và bước vào đời.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)