
Lớp học "ba không" của trẻ em tỉnh Hodeidah, Yemen. Ảnh: Khaled Ziad
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Khaled Ziad, chụp một lớp học tại làng Hays, tỉnh Hodeidah phơi bày tình trạng thiếu thốn cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em ở Yemen. Trong ảnh, khoảng 50 đứa trẻ ngồi học giữa một căn phòng không mái che, không bàn ghế. Ziad nói, hầu hết trẻ em được học cơ bản về đọc viết, làm toán ở Hays - ngôi làng thuộc tỉnh Hodeidah - là người ly tán từ các khu vực khác. Các em và gia đình cố gắng chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh.
Bảy năm trong cuộc chiến tranh thảm khốc, dẫn đến khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, xung đột ở Yemen chưa có dấu hiệu kết thúc, đặt tương lai của thế hệ trẻ trước nguy cơ bị hủy hoại. Khoảng 3 triệu trẻ em không được đến trường, theo Hội Chữ thập đỏ, và 8,1 triệu trẻ cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp.
"Trẻ em phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình", nhiếp ảnh gia người Yemen, Khaled Ziad, cho biết. "Một số trẻ em ở Yemen đã 10 tuổi vẫn chưa từng có cơ hội đăng ký vào bất kỳ trường học nào. Nếu các gia đình không có tiền mua thức ăn, thuốc men và viện phí, làm sao họ có thể trang trải chi phí học tập?".
Theo Unicef, các bên tham chiến đã tấn công trường học ít nhất 231 lần kể từ tháng 3/2015. Năm 2018, một cuộc không kích thả tên lửa lên chiếc xe bus chở học sinh ở trung tâm Saada, Houthi, khiến 44 người thiệt mạng. "Học sinh không cảm thấy an toàn ở trường học. Nhiều năm trôi qua, trẻ em vẫn không có cơ hội hưởng nền giáo dục đúng đắn", Ziad nói.
Lương công chức ở một số khu vực đã không được trả trong vài năm nay, nghĩa là nhiều giáo viên, bác sĩ đã và đang làm việc miễn phí. Yemen có khoảng 170.000 giáo viên ở trường tiểu học và trung học, hai phần ba số đó không được nhận lương thường xuyên. "Các giáo viên nói rằng, dù không có lương và phải dạy học trong điều kiện khắc nghiệt, họ cảm thấy vẫn nên tiếp tục làm việc. Nếu họ từ bỏ giáo dục, thảm họa còn tồi tệ hơn", Ziad nói.
Về phần mình, nhiếp ảnh gia không nghĩ con trai hai tuổi của anh hay những đứa trẻ còn lại ở Hodeidah có thể có một tương lai tốt đẹp hơn, nếu mọi thứ vẫn tiếp diễn như này.
Thanh Hằng (Theo The Guardian)