"Mấy buổi đầu đi học, nghe cô giáo gọi đến tên là con thấy xấu hổ, hai chân quýnh lại, chẳng dám đứng dậy. Nhưng giờ con thích đến lớp lắm, được hát, được kể chuyện và nói hay giống như các anh các chị trong lớp", Minh hồn nhiên kể.
Đọc - diễn thuyết là một trong những môn nghệ thuật mới, nổi bật của Trung tâm phát triển và sáng tạo Eveil (Đông Các, Đống Đa, Hà Nội), dành cho trẻ 4-15 tuổi. Lớp hoạt động theo mô hình học mà chơi, chơi mà học, giúp các em rèn kỹ năng tự tin trước đám đông, biết cách diễn đạt lưu loát ý kiến của bản thân...
Mỗi buổi học các em sẽ nói chuyện theo một chủ đề. Em nào cũng được đứng lên trình bày phần chuẩn bị của mình. Sau đó, chính các bạn khác sẽ nhận xét từ cách nói, nội dung, cách thể hiện trên khuôn mặt... Có những nhận xét rất hồn nhiên như: "Bạn nói rất hay nhưng hơi cứng, nếu tươi thêm tí nữa thì hơn ạ", hay "Em thấy bạn cứ nhìn về một hướng, chẳng nhìn khắp lớp", "Giọng bạn rất hay, em thích lắm ạ". Sau đó, cô giáo mới tổng hợp lại và đưa ra ý kiến của mình.
Ngoài việc nói theo chủ đề, các em còn được đọc hay kể chuyện theo tranh với sự sáng tạo của từng cá nhân.
Các em trong lớp đọc-diễn thuyết của cô Thủy đang chăm chú nghe phần trình bày của bạn. Ảnh: M.T. |
Cô giáo Đặng Thị Lệ Thủy, phụ trách bộ môn này cho biết, phần lớn các em mới đến lớp đều rất nhút nhát, không dám nhìn thẳng vào mắt người đối diện, nhiều em còn khóc, ngại đứng lên, thậm chí đòi về.
Những buổi học đầu các em được trình bày theo nhóm, sau đó sẽ là từng người, nhưng có cô hỗ trợ bên cạnh. Đến khi các em đã dần quen, sẽ đứng một mình, cô ngồi bên dưới như một khán giả. Cuối cùng, lúc các em đã hoàn toàn tự tin còn có thể vừa nói vừa ứng đối những câu hỏi vặn vẹo của các bạn khác.
"Dạy các em đọc - diễn thuyết không chỉ là hướng dẫn các em nói thế nào cho hay, cho thuyết phục mà đầu tiên là phải khơi gợi để các em biết chia sẻ, biết nói những điều chân thành từ trái tim mình", cô Thủy chia sẻ.
Chị Dương Thị Quỳnh Hoa, giám đốc Trung tâm, cho hay, lớp học sẽ khơi dậy những khả năng sẵn có và phát huy niềm say mê sáng tạo ở trẻ, đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em ngay từ nhỏ.
"Điều lớn nhất mình nhận thấy là con mình rèn được kỹ năng giải quyết vấn đề. Giờ bố mẹ vắng nhà là con có thể tiếp khách thay được rồi đấy. Biết pha nước mời khách, ăn nói thì đâu ra đấy", chị Thơm (Cầu Giấy, Hà Nội), mẹ của một bé trai lớp 1, rất hứng thú với lớp học này, tâm sự.
Tương tự là trường hợp của Cảnh Hiếu, học sinh lớp 4. Bố mẹ Hiếu rất lo em bị tự kỷ vì thấy con ở nhà chẳng nói chuyện với ai, đến lớp chỉ ngồi một góc. Đưa con đến Trung tâm, bố mẹ em không hy vọng con mình có khả năng diễn thuyết mà chỉ coi như một phép thử xem em có bình thường. Sau một thời gian gần gũi, cô Thủy biết Hiếu trở nên như vậy là do ở nhà bố mẹ quá khắt khe, áp đặt. Cô gần gũi chia sẻ, làm cho em cảm thấy lớp học như một nơi bình yên và thoải mái bộc lộ bản thân. Sau khóa học, Hiếu đã cởi mở và biết chia sẻ với người khác. Bây giờ, khi bị bố quát mắng, Hiếu không co mình lại hay tỏ thái độ bất hợp tác mà biết nhẹ nhàng nói: "Bố bình tĩnh thì bố con mình mới nói chuyện với nhau được".
Mỗi khóa học đọc - diễn thuyết kéo dài 24 buổi. Thường sau 12 buổi các vị phụ huynh sẽ được tham dự để thấy được sự tiến bộ của con mình. Có bà mẹ đến dự buổi tổng kết đã chảy nước mắt khi nghe con chia sẻ: "Tôi rất hay buồn bởi vì ở nhà tôi chỉ có chị gái. Bố ở nước ngoài, mẹ kinh doanh nhà đất, đi suốt ngày. Tôi chỉ ước một điều, được có đầy đủ cả bố mẹ, gia đình quây quần như những bạn khác".
Chị Hằng (Mỹ Đình, Hà Nội) có cậu con trai học lớp 4 kể, con chị rất nghịch, khái tính. Được nghỉ hè ở nhà nhiều cháu đâm ra cáu kỉnh. Mới đầu cháu cũng không thích học lớp này nhưng mẹ cứ đưa đến, bảo con thử không thích thì thôi. Không ngờ, mới học được một buổi, không hiểu cô giáo nói có sức cuốn hút thế nào mà cu cậu mê liền, về nhà cũng khác ngay, ăn tối xong là lăng xăng giúp mẹ thu dọn.
Minh Thùy