"Ghi nhớ. Nước về bản hồi 9h30, ngày 7/9/2014 (tức 14/8/2014), kịp Tết Trung thu". Dòng chữ viết bằng phấn trắng từ sáu năm trước, in trên bức vách phòng hiệu bộ điểm lẻ Khuổi Chặng, thuộc trường Tiểu học bán trú Yên Lỗ. Trưởng thôn đã đánh dấu khi nối thông đường ống nước từ suối cách một km về điểm trường. Phía trên là khẩu hiệu của ngành giáo dục, nét phấn phai mờ, không rõ mặt chữ.
30 năm cắm bản, thầy Hoàng Văn Kiếm không nhớ xuống nhà dân xin nước bao nhiêu lần, gùi bao nhiêu can nước về trường. Tan học, thầy cùng sáu đồng nghiệp bỏ áo sơ mi, quần âu, xỏ dép tổ ong, quần cộc phóng xe tỏa đi các bản. Sau yên xe chằng chiếc can 30 lít. Họ đến nhà dân xin nước về nấu ăn cho 48 học sinh bán trú. Quãng đường trở về vượt những dốc cua tay áo xóc nảy đến rơi can, hoặc qua sông bằng cầu tre. Nước ăn xin của dân, nước tắm giặt dẫn từ con sông cách đó 500 m. Các thầy giáo không biết đất đá nơi này là loại địa chất gì, chỉ thấy khoan sâu gần 40 m mà vẫn chưa bắt được mạch ngầm.
Năm ngoái, trước khai giảng ba tuần, Hiệu trưởng Lâm Văn Bài gọi điện cho thợ khoan giếng, khẩn khoản nhắn "cố vào khoan cho trường cái giếng", để các thầy có nước nấu ăn cho học sinh. "Ối giời, xa lắm. Bọn em đi vào mất mấy triệu mà chắc gì đã có nước", thầy Bài nghe thợ khoan giếng gào lên qua chiếc điện thoại tậm tịt vì sóng yếu. Thế nên, "nước về bản" trở thành sự kiện cần ghi nhớ.
Yên Lỗ cách đường biên giới Việt - Trung gần trăm cây số, có tên trong danh sách xã 135, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư của tỉnh Lạng Sơn. Tỷ lệ hộ nghèo hơn 60%, gấp gần 11 lần mức bình quân của cả nước. Đường từ huyện lỵ Bình Gia lên Yên Lỗ gần 50 km và gần một nửa vẫn là đường đất, đầy khúc cua tay áo. Dọc đường in dấu vết những trận sạt lở đất đầu mùa mưa.
Điểm trường Khuổi Chặng hiện trên bản đồ vệ tinh mang màu xám tro của núi đá, chìm nghỉm giữa những mảng xanh của rừng, sông và ruộng bậc thang. Đối lập là hai mảng màu đỏ - hai dãy nhà bê tông được lợp tôn. Một dãy bốn phòng học bán kiên cố của cấp tiểu học xây từ 14 năm trước, một là của khối mầm non xây năm ngoái. Phòng tạm của khối lớp 3 cũng mang màu xám, nằm cạnh dãy nhà bán kiên cố. Từ vị trí ấy đi ra khắp vùng, không có thêm mái ngói nào khác, cho đến khi bản đồ chỉ đến UBND xã Yên Lỗ cách đó 7 km.
Con sông chảy quanh hai bản Khuổi Chặng, Khuổi Cọ, ôm lấy điểm trường nằm trên đồi cao. Người dân hai bản đi chợ, ra trung tâm huyện, học sinh đến trường đều phải qua sông. Trường bán trú Yên Lỗ có ba điểm trường gồm điểm chính, hai điểm lẻ Bản Mè và Khuổi Chặng, tổng cộng 159 học sinh. Điểm Khuổi Chặng ở cuối xã, có 49 học sinh của hai thôn Khuổi Chặng và Khuổi Cọ. Mùa nước cạn, học sinh qua sông bằng cây cầu ghép lại từ tám thân tre, ở giữa lót một ván gỗ rộng một gang tay cho xe đi qua không trật bánh.
Căn phòng hiệu bộ của điểm lẻ Khuổi Chặng được ghép bằng gần trăm miếng ván gỗ. Bàn họp và chiếc ghế băng dài choán gần hết gian nền đất. Kiểu bàn ghế từ những năm 1990 thường xuất hiện trong các lớp học nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, giờ không còn thấy ở miền xuôi. Nhà hiệu bộ cũng là nơi ăn nghỉ của 7 thầy giáo cắm bản. Ba thầy ở các xã Quang Trung, Thiện Thuật lưu trú tại trường. "Chưa có chỗ ở an toàn nên nhà trường chưa bố trí các cô xuống dạy".
"So với năm 1991, trường thay đổi nhiều lắm rồi", thầy Hoàng Văn Kiếm nhớ về ngày đầu tiên đặt chân về điểm trường.
Ngày 1/9 năm ấy, khi vừa tốt nghiệp trung cấp sư phạm, chàng trai 20 tuổi Hoàng Văn Kiếm nhét vào balo tờ quyết định phân công về điểm trường Khuổi Chặng của Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn. "Tốt rồi", ông bố vỗ vai con trai, thầy giáo đầu tiên của bản.
Mùa thu năm 1991, điểm Khuổi Chặng có hai thầy giáo tuổi đôi mươi cùng 56 học sinh đứng giữa bãi đất trống làm lễ chào cờ, khai giảng năm học mới. Thầy Kiếm nhìn xuống những gương mặt thân quen, lũ trẻ đều lớn lên trong bản, có đứa là anh em họ hàng.
Phía sau lá cờ là hai lớp học ghép bằng những tấm ván gỗ lợp ngói nâu. Trường chỉ có khối 1 và 2. Thầy Kiếm chủ nhiệm 36 học sinh lớp 1. Lớp 2 do giáo người xã bên phụ trách. Hai năm sau, điểm trường có thêm khối lớp 3. Năm 1994 có thêm khối 4 và 1995 có đủ năm lớp tiểu học. 30 mùa khai giảng đã qua, hai phòng học gỗ vẫn còn, một cái thành nhà hiệu bộ, một cái giờ vẫn là lớp học tạm, luân phiên các năm cho khối ít học sinh nhất.
Làm thầy trên núi, nhưng đất Khuổi chặng lại dạy cho thầy Kiếm phải biết bơi, biết vượt lũ, chèo đò. Mùa nước về trùng dịp khai giảng, thầy Kiếm dậy từ 6h ra đầu cầu đón học sinh. Tháng 8 năm ngoái trước khai giảng ba tuần, mưa đột xuất, lũ về, nước sông dâng lên quá gốc cây xoan ở mép sông. Thầy cõng từng học sinh qua sông, phụ huynh đứng ở bên bờ đón. Thầy giáo không nhớ cõng bao nhiêu chuyến, nhưng biết chỗ nào nước cao, chỗ nào nước xiết, dưới lòng sông nơi nào đá tảng có thể bám vào.
Học sinh của điểm lẻ Khuổi Chặng đều khó khăn. Nhà nữ sinh Triệu Thị Huệ dựng trên một mỏm đồi cao, nhìn sang bên kia trường, cách đúng quãng sông. Mùa khai giảng 4 năm trước, lần đầu được thầy chọn vào đội văn nghệ của trường, cô bé lớp 3 háo hức dậy từ sớm nhờ mẹ buộc tóc, cài hoa, đi đôi dép mới, đợi trời sáng để sang trường. Nhưng mưa bất ngờ ập xuống, nước sông dâng ngập ngang tầm mắt. Huệ cùng gần 20 đứa trẻ "bên này sông" tiu nghỉu đứng ở bậu cửa, ngó sang bên kia sông, nghe tiếng trống khai trường vọng lại.
Giờ lên cấp 2, trường học ở trung tâm xã vẫn cách nhà 2 lần vượt sông. Cả thời học sinh của Huệ trước nay là những sớm ngủ dậy, ngó ra ngoài, mong trời khô ráo. Khi đó, mấy nữ sinh sẽ đi bộ từ cuối bản qua nhà Huệ, đứng dưới gốc mận í ới gọi nhau, rủ đi học. Những ngày không mưa, nước sông xanh rì, đám trẻ tíu tít đạp chân qua 6 khúc bè tre, vượt qua 2 lần dốc là đã thấy bạn, thấy trường.
Nhưng cũng có những ngày cơn mưa ập xuống cuối buổi học. Lũ trẻ từ phòng tạm ghép bằng ván gỗ nghe "lộp độp" dội trên mái tôn là biết ngay thầy sẽ "lùa" cả đám lên khu kiên cố. "Tối nay thầy nấu gì?", mấy đứa nhỏ ngước ra ngoài sân, rồi quay sang hỏi thầy giáo. Chúng đã dần quen với việc ở lại trường những ngày con nước lớn tràn bờ sông.
Huệ nhớ lần đầu phải ngủ qua đêm bên trường là hồi lớp 2. Bữa ấy, mưa ba ngày liền không dứt, 17 đứa trẻ, từ lớp 1 đến lớp 5 không thể về nhà, khóc như ri. Phụ huynh đứng phía bờ sông, nước cuốn đục ngầu, thấy con mà không đón về được, chỉ biết chụm tay, hét vọng sang "Nghe lời thầy, ở yên đấy". Ba thầy giáo vừa đe nẹt, vừa dỗ dành và nhóm củi nấu được ba nồi cơm, bắt trẻ ăn hết rồi lên giường đi ngủ.
"Cơm thầy nấu không ngon mấy", cô bé Huệ tủm tỉm cười, xoa đầu 2 thằng em sinh đôi, giờ cũng là học trò thầy Kiếm. Việc vượt sông đi học ở đất này cũng giống như những phòng học ghép bằng ván gỗ ở điểm trường Khuổi Chặng, bao năm nay không có gì đổi khác. Những đứa em Huệ hôm nay vẫn như chị chúng 4-5 năm trước, tỉnh giấc với tâm thế mưa sẽ không thể sang trường. Khi sang được đến trường những ngày nắng ráo, chúng sẽ phấp phỏng liệu tối có thể về nhà ngủ cùng bố mẹ. Những sáng âm u, bà mẹ sẽ nhét thêm vào cặp nắm cơm, túi bánh, "nhỡ phải ở ngủ lại".
Ngược con đường về nhà Huệ khoảng gần một giờ đi xe máy, bố con anh Chu Văn Pọn sống thiếu bàn tay phụ nữ hơn nửa năm nay. Công việc của Pọn hàng ngày có vẻ nhàn nhã: Gọi thằng cu Lập dậy, cho ăn, đưa đi học rồi về đi nương, chiều lại đón về. Nhưng ở Yên Lỗ, "đưa con đi học" không phải là việc dành cho bất kỳ ai mà thường chỉ dành cho đàn ông.
Ở Khuổi Chặng, những gia đình người Nùng chỉ khác nhau ở xác nhà rộng hẹp, mái tranh hay mái ngói, do điều kiện từ thời mẹ cha tích cóp để lại, còn nguồn sinh kế không có gì khác ngoài trồng trọt trên những mỏm đồi. Pọn cùng 2 anh trai chăm chung hơn 100 gốc hồi, năm nào mưa thuận gió hòa, được quả đem bán ngoài chợ Hồng Phong, họ chia nhau khoản lãi non chục triệu đồng.
Thanh niên trong xã đã xuống xuôi gần hết, gia nhập vào hàng dài những người chấm công, tăng ca tại các khu công nghiệp. "Một tháng công ty bằng cả vài năm làm lúa nương", chị Nổi, vợ Pỏn bàn với chồng, khăn gói xuống Bắc Ninh sau 2 năm mất mùa hồi liên tiếp. Gạo trong nhà đã đến lúc phải vay, nhưng để một người phải đi, chắc chắn không thể là Pọn. Hỏi anh sao không để vợ ở nhà, anh cười lớn: "Vợ ở nhà không đưa con đi học được. Vợ không biết bơi".
Thằng bé con đã lên lớp 3, ngày đi học nhưng đêm đến vẫn tìm hơi mẹ, khóc đòi, rồi hậm hực đến nửa đêm mới ngủ. Hơn 2 tháng sau, Nổi mới có tiền gửi về theo xe khách. Pọn chạy hơn 30 km xe máy ra "đường to" nhận về, khoản đầu tiên, vừa kịp đóng tiền học đầu năm cho thằng bé và đổ đầy một can xăng 20 lít để góc nhà, cố gắng dùng trong đúng một tháng. "Chỉ đi tiết kiệm thôi, đưa con đi học mới đi xe máy. Đi nương, đi chơi thì đi bộ", Pọn thật thà tâm sự.
Tháng 10, mưa trên núi đổ về, Pọn nhiều sáng tỉnh dậy thấy mưa, biết chắc hôm nay sông ngập lớn, phân vân cho thằng cu Lập đi trường hay nghỉ, nhưng thằng bé nhất quyết đòi đi. Pọn chiều ý con, quấn nó trong áo mưa, dặn ôm bố thật chắc, rồi lại vượt qua những cung đường nứt đôi, nhớp nháp sình lầy để xuống trường.
Đến đoạn sông chia cắt, không có cầu bắc ngang, Pọn dừng xe, dặn con đứng im, xa bờ còn mình cởi áo, bơi sang bên kia sông để lấy đò sang đón con. Trườn qua những phiến đá trơn như bôi mỡ và dòng nước xiết, tay Pỏn bám chặt dây neo, vừa bơi vừa kéo, mắt vẫn không rời thằng bé. Những ngày như thế, thời gian đi học thường lâu gấp đôi, nhưng Pỏn không mấy khi kể cho vợ. Sau giờ cơm, gọi cho Nổi, hai bố con chỉ nhắc toàn chuyện vui.
"Hôm nay trường con có thợ đào giếng, ồn không nghe thấy tiếng thầy nói", một tối cuối tháng 9, thằng bé khoe với mẹ bằng cái giọng không rõ hớn hở hay giận hờn. Còn Pỏn thì mừng, vì cuối cùng, bọn trẻ và các thầy sắp có nước để dùng. Lớp 3 năm nay ít học sinh nhất điểm trường nên thằng bé bị xếp vào học ở khu phòng tạm bằng gỗ, nền đất. Gặp bố đi đón, hôm nào nó cũng vạch ra lưng áo, mông quần bê bết đất, nói "Cũng thích, nhưng mà lắm lúc lạnh".
Mùa đông này, để đối phó lại những đợt gió mùa đông bắc xộc vào lớp học của con, Pỏn dặn vợ mua thêm cho nó ít áo ấm gửi về. "Nó cao lớn hơn, đồ gì cũng chật", Pỏn nói dối vợ. Còn Nổi thì vẫn tưởng năm nay thằng bé vẫn được học ở khu trường kiên cố.
"Ở đây, cho con cái đi học lên cao là một sự phức tạp, vì làm gì có tiền, đường xá lại xa xôi", thầy Kiếm nói về những trở ngại của học sinh Yên Lỗ, đúc rút từ chính cuộc đời mình. Bốn mươi năm trước, cậu học trò Hoàng Văn Kiếm cũng từng ước mơ đi khỏi Khuổi Chặng. Nhưng bao nhiêu mùa mưa nhìn dòng nước thượng nguồn đổ về cuộn lên ùng ục, lại ứa nước mắt, quay về. Lên cấp hai, cậu chuyển ra điểm chính cách nhà 7 km. Bạn học ít dần, cho đến khi chỉ còn mình Kiếm theo đến bậc phổ thông nhưng ít khi về nhà, vì mỗi lần đi mất nửa ngày đường, đánh vật với từng đoạn đường đất.
"Mong muốn cũng rất nhiều, bếp ăn học sinh, phòng nghỉ cho thầy cô, đồ dùng cho các cháu", thầy Kiếm trăn trở nói, giờ chỉ mong cuộc đời đám học trò mình rồi sẽ khác thầy, hoặc ít ra là ngồi ở một lớp học khang trang hơn thầy lúc trước - một lớp học được xây kiên cố để lũ trẻ không còn phải co ro khi mùa đông đến. Một dãy nhà bán trú để các em có nơi ăn trưa, không phải chia nhau nằm trên nền đất lạnh hoặc ghép dãy bàn lại với nhau. Lũ trẻ không phải lội qua sông về nhà khi mùa mưa đến, và các thầy không phải đi xin nước ở nhà dân.
Và sẽ không có những đứa bé như Huệ, như Lập, phải nghỉ ở nhà trong ngày học sinh cả nước đến trường đón năm học mới.
Hoàng Phương - Thanh Lam
Khuổi Chặng là một trong những điểm trường tiếp theo Quỹ Hy Vọng mong muốn xây dựng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho công cuộc trồng người của những giáo viên cắm bản, cải thiện môi trường giáo dục cho học sinh. Để góp những viên gạch xây trường, quý độc giả có thể xem chi tiết tại đây.