Mỗi chiều thứ ba và năm hàng tuần, ông Sơn, Chủ tịch Hội những người ái mộ bác sĩ A.Yersin mở cửa nhà riêng ở khu dân cư Vĩnh Điềm Trung, TP Nha Trang đón 14 em khuyết tật theo học lớp kỹ năng phục vụ nhà hàng, khách sạn. Lớp diễn ra trong căn phòng rộng khoảng 30 m2. Các học sinh khiếm thính, chậm phát triển, phần lớn đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng - giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa, được học cách pha chế đồ uống, bưng bê, trang trí bàn ăn kiểu Á, Âu...
Từng là giám đốc khách sạn lớn, ông Sơn mang nhiều trăn trở và luôn dành tình cảm đặc biệt cho những bạn trẻ khuyết tật. Sau khi về hưu, ông muốn truyền kinh nghiệm, kiến thức giúp các em nên tập hợp đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn thay phiên nhau đứng lớp.
![Ông Sơn hướng dẫn các học viên cách sắp xếp bàn ăn. Ảnh: Bùi Toàn](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/19/lop-hoc-tre-khuyet-tat-3-6924-1652934842.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9ngxBznX7v0G4z9MmJiNqA)
Ông Sơn hướng dẫn học viên cách sắp xếp bàn ăn. Ảnh: Bùi Toàn
Để các em hiểu và nắm bắt nhanh bài học, các thầy cô chia nhỏ kiến thức, dùng hình ảnh và lặp đi lặp lại động tác nhiều lần, với sự trợ giúp của hai giáo viên ngôn ngữ. "Việc dạy cho các em phải hết sức kiên trì, định lượng kiến thức ở mức độ vừa phải mới có hiệu quả", ông Sơn nói và cho biết, những ngày đầu đến lớp, các em khá luống cuống, ly, dĩa thường xuyên rơi vỡ. Nhưng chỉ sau vài tuần, các em thành thạo nhiều kỹ năng.
Ông nhận thấy ngoài dạy nghề, lớp học phải giúp học viên nhận ra mình là người có ích, từ đó giải tỏa được những bức bối trong người và luôn vui vẻ với cuộc sống. "Tâm lý của các bạn rất phức tạp. Một số hay tự làm hại bản thân hoặc tấn công người thân vì không được thấu hiểu và chia sẻ", ông Sơn nói.
Sau ba tháng tham gia lớp, Nguyễn Thái Bảo Trân, 15 tuổi đã xếp khăn, bưng bê thuần thục. Cha mẹ làm nghề tự do, em sống với ông bà nội từ nhỏ. Quãng đường xa nhất mà Trân có thể đi hàng ngày là từ nhà đến trung tâm phục hồi chức năng. Từ khi tham gia lớp học, cô bé chưa bỏ buổi nào. Em cẩn thận chép lại công thức pha chế, cách trang trí để về nhà ôn luyện, thực hành.
Trân khoe, bây giờ đã có thể phụ giúp gia đình được nhiều thứ, pha nước cam cho ông bà, bố mẹ. "Em ước mơ sau này có thể làm nhân viên phục vụ nhà hàng hoặc mở quán ăn với các bạn có cùng khiếm khuyết", Trân nói.
![Họcviên luyện tập cách pha chế đồ uống. Ảnh: Bùi Toàn](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/19/lop-hoc-tre-khuyet-tat-2-3728-1652934842.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ODSOXyUY_iR6CD4HhfLStA)
Học viên luyện tập cách pha chế đồ uống. Ảnh: Bùi Toàn
Theo nguyện vọng của người dân tại Khánh Hòa, với tấm lòng ái mộ bác sĩ A. Yersin, Hội Những người Ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh Khánh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa thành lập vào năm 1992. 30 năm qua, Hội đã tổ chức các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tuyên truyền và phát huy những di sản quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học A. Yersin, đồng thời lan tỏa tấm lòng nhân ái và tình yêu con người của ông thông qua nhiều hoạt động cụ thể.
Bà Trần Thị Ngọc Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa - hiện là Phó chủ tịch Hội những người ái mộ bác sĩ A.Yersin, cho biết lớp học tạo môi trường cho các học sinh khuyết tật va chạm với nghề, phát huy tối đa khả năng của bản thân. "Khi về nhà các học viên có điều kiện tương tác với gia đình như phụ giúp cha mẹ nấu ăn, pha nước uống, điều khó có thể xảy ra trước đây", bà Liên nói.
Bà Liên cho biết, 15 năm qua, Hội những người ái mộ bác sĩ A.Yersin đồng hành cùng trẻ khuyết tật và đang nuôi 38 bạn trẻ bị khiếm khuyết, mỗi tháng hỗ trợ 300.000 đồng. Sắp tới, hội dự định mở quán cà phê giúp cho các em có cơ hội làm nghề, và có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Các em được dạy quy trình pha chế, phục vụ. Video: Bùi Toàn
Bùi Toàn