Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 28/2 ban hành thông tư mới về quy chế tổ chức hoạt động của trường THPT chuyên. So với thông tư hiện hành được áp dụng từ năm 2012, quy định mới yêu cầu "không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên".
Thông tư mới có hiệu lực từ 15/4, nhưng quy định bỏ lớp không chuyên áp dụng từ năm học 2024-2025. Những lớp không chuyên đã tuyển sinh vẫn được duy trì đến khi học sinh tốt nghiệp THPT để không gây xáo trộn đột ngột trong hoạt động dạy học và tuyển sinh năm tới.
Hồi tháng 10/2022 khi Bộ công bố dự thảo của thông tư, các nhà giáo, lãnh đạo trường chuyên từng có quan điểm trái chiều về việc này. Nhiều người cho rằng trường chuyên cần được đưa về đúng vai trò là phát hiện học sinh ưu tú; nhưng lãnh đạo một số trường chuyên muốn được trao quyền tự quyết việc bố trí, tổ chức các lớp dựa vào nhu cầu, tiềm lực của mình.
Ngoài bỏ lớp không chuyên, quy định mới cũng điều chỉnh việc tuyển bổ sung vào trường chuyên. Các trường có thể tuyển sung học sinh cho cả ba khối, thay vì chỉ lớp 10 và 11 như quy định cũ. Học sinh có thể đăng ký thi tuyển bổ sung vào trường chuyên nếu có kết quả học tập, rèn luyện tốt trong năm học liền trước.
Thông tư mới không thay đổi cách tổ chức lớp chuyên. Các lớp vẫn được tổ chức theo môn học, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh. Dựa vào các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp của trường quyết định số môn và lớp chuyên.
Cả nước hiện có 78 trường chuyên, 71 trường thuộc quản lý của địa phương, 7 trường thuộc đại học (chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên Khoa học Tự nhiên, chuyên Ngoại ngữ, chuyên Đại học Vinh, chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phổ thông năng khiếu, chuyên Đại học Khoa học Huế). Trong số này, gần một nửa tuyển sinh lớp không chuyên.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số học sinh chuyên vào năm 2020 khoảng 73.000, chiếm 2,1% tổng số học sinh THPT toàn quốc.
Thanh Hằng