Cuối tháng 7 vừa qua, Vietstar Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên được cấp chứng nhận khai thác tàu bay (Aircraft Operator Certificate - AOC) cho máy bay phản lực thương gia từ Cục Hàng không Việt Nam.
Mới đây, hãng chính thức triển khai cung cấp dịch vụ thuê máy bay phản lực thương gia cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tên gọi Fly VIP, phục vụ mạng bay 23 sân bay trong nước, hoặc hành trình khứ hồi từ Việt Nam đến các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong tầm bay 8 tiếng.
Khác với các chuyến bay charter phục vụ các đoàn khách lữ hành số lượng lớn, dịch vụ Fly VIP của Vietstar Airlines hướng đến đáp ứng nhu cầu của những thương gia, nhân vật có địa vị trong xã hội. Do đó, phương tiện chuyên chở cho dich vụ này không phải những tàu bay dân dụng hàng trăm chỗ ngồi thường thấy, mà là những chiếc phản lực hạng thương gia.
Đội bay của Vietstar Airlines gồm ba chiếc. Đầu tiên là máy bay cánh quạt tốc độ cao Beechcraft King Air B350, sức chứa tối đa 8 người và tầm di chuyển tối đa 4 tiếng đồng hồ. Kế đến là Embraer Legacy 600 có khoang nội thất theo hướng cổ điển, ghế ngồi bọc da, các chi tiết ốp giả gỗ cho cảm giác sang trọng. Còn chiếc Legacy 650 vừa nhập về từ Mỹ là phiên bản cao cấp nhất của dòng máy bay Embraer, nội thất, hệ thống chiếu sáng, hệ thống giải trí theo phong cách hiện đại.
Cả Embraer Legacy 600 và Legacy 650 đều có sức chứa tối đa 13 người, bố trí cabin tương tự với hệ thống ghế ngồi có thể ngả nằm, chuyển cabin thành buồng ngủ. Cách mỗi khoang trang bị rèm cửa, tạo sự riêng tư, thoải mái tối đa cho khách hàng. Tầm bay thẳng của hai chiếc Legacy lên đến 8 giờ, trong bán kính khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phục vụ trên các chuyến bay của Vietstar Airlines là đội ngũ phi công nước ngoài, sẵn sàng 24/7 cho các yêu cầu di chuyển của hành khách. Đội ngũ tiếp viên đào tạo theo chương trình chuyên biệt cho khoang thương gia. Trong chuyến bay, khách hàng có thể đặt trước bữa ăn với thực đơn từ bếp của các khách sạn 5 sao, bố trí bàn ký kết hợp đồng kinh doanh, hoặc thư giãn, giải trí qua hệ thống màn hình TV. Ngoài ra, trên máy bay còn có cả Wi-Fi tốc độ cao, đáp ứng mọi nhu cầu giải trí của khách hàng.
Bên cạnh tàu bay hạng sang, dịch vụ Fly VIP của Vietstar Airlines còn lược bỏ các thủ tục quen thuộc xếp hàng check in, chờ bay, chờ sắp chỗ hạ cánh.
Ông Hoàng Xuân Hùng - Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines ví dịch vụ Fly VIP của mình không khác "gọi một cuốc taxi". Khi thuê, khách hàng chỉ cần gọi điện đặt chuyến. Đúng ngày, đúng giờ theo yêu cầu đặt trước sẽ có xe của Vietstar Airlines đến tận nhà hoặc khách sạn của hành khách. Nhân viên Vietstar Airlines sẽ đón hành khách tại cổng khu vực làm thủ tục, kiểm tra an ninh riêng và có phương tiện đưa thẳng đến chỗ đậu máy bay.
Theo đại diện Vietstar Airlines, nhờ quy trình này mà hành khách chỉ cần thông báo trước cho hãng trước 1-2 tiếng là có thể khởi hành. Hãng đáp ứng nhu cầu bay "sáng đi chiều về" cho các hành trình trong nước, đơn cử như TP HCM - Hà Nội. Hoặc khách hàng bay đến nơi, thoải mái làm việc hoặc du lịch trong vài ngày. Sau đó chỉ cần báo giờ đón trước vài tiếng, máy bay sẽ có mặt để đưa về. Vietstar Airlines còn cung cấp cả hướng dẫn viên hoặc tài xế cá nhân phục vụ toàn bộ hành trình.
Đi cùng với dịch vụ đẳng cấp, các hàng khách của Fly VIP sẽ phải chi trả mức giá cao, ứng với từng dòng phương tiện và đường bay trong hay ngoài nước.
Cụ thể, với bay nội địa, khách thuê Beechcraft King Air 350 phải trả 80-90 triệu đồng cho một giờ bay, đã bao gồm thuế phí. Còn hạng Legacy có giá 230 triệu đồng cho một giờ bay. Ví dụ, bay một chiều TP HCM - Hà Nội mất khoảng 460 triệu đồng. Đối với bay quốc tế, hãng hàng không cộng thêm phí phát sinh, phụ thuộc chính sách, phí bay qua không phận từng nước.
"Mức giá vài trăm triệu đồng cho một giờ bay cấu thành từ chi phí đầu tư máy bay, bộ máy vận hành, đội ngũ bảo dưỡng. Có thể cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, nhưng đây là mức giá bình quân thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới", ông Hùng nhận xét.
Với kinh nghiệm hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải, logistics, lãnh đạo Vietstar Airlines đánh giá tiềm năng thị trường rất lớn. Giai đoạn này phù hợp để triển khai dịch vụ bởi nhiều tập đoàn bất động sản, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng quốc tế đang chọn Việt Nam là thị trường chiến lược. Ngoài ra nhu cầu di chuyển, đi lại của các chủ doanh nghiệp Việt Nam rất cao.
Kỳ vọng lớn hơn của đội ngũ lãnh đạo Vietstar Airlines là triển khai dịch vụ cấp cứu SOS bằng máy bay. Đây là dịch vụ chiếm tới 30-40% nhu cầu sử dụng máy bay thuê máy bay cá nhân trên thế giới.
Tại Việt Nam, hiện chưa có đơn vị nào triển khai loại hình này. Đa số các trường hợp cấp cứu cần di chuyển xa, trong khi đường bộ hoặc máy bay thương mại khá bị động về thời gian, còn sử dụng trực thăng không đảm bảo cho bệnh nhân bởi đây là máy bay buồng hở. Nhiều hãng bảo hiểm hiện triển khai dịch vụ cấp cứu máy bay cho khách hàng, nhưng phần lớn đều đặt máy bay từ nước ngoài. Chi phí cao hơn và thời gian chờ đợi cũng lâu hơn.
Vietstar Airlines đang kết nối với các trung tâm cấp cứu và bệnh viện lớn thuộc mạng bay trong lẫn ngoài nước. Thời gian để chuyển đổi công năng máy bay từ chuyên chở hành khách sang cứu thương chỉ mất khoảng vài phút. Các thiết bị cho cứu hộ dùng trên ba dòng máy bay của hãng cũng chủng loại chuyên dụng, nhập khẩu từ Mỹ, đảm bảo tình trạng của bệnh nhân cũng như hoạt động sơ cấp cứu của các chuyên gia y tế.
Nội dung: Bảo An
Hình ảnh: Hữu Khoa
Video: Công Khang
Thiết kế: Lợi Nguyễn