Thứ ba, 7/5/2019, 00:08 (GMT+7)

Người già mong ngóng rồi qua đời, trẻ con lớn lên lập gia đình rồi sinh con, bốn thế hệ dân Thanh Đa trải qua bao lần tuyệt vọng vì "quy hoạch". 

***

Tuần lễ trước Noel năm 1998, pháo hoa vụt sáng trên bến Bạch Đằng. Một chuỗi các hoạt động văn hóa và lễ hội tiếp nối. Hội chợ, triển lãm, biểu diễn, hội thao... Sài Gòn - Gia Định kỷ niệm 300 năm ngày thành lập. Một giai đoạn đầy hứa hẹn của thành phố và đất nước. "Lệnh cấm vận của Mỹ đã được gỡ bỏ, bây giờ Sài Gòn sẽ rất nhanh lấy lại ánh hào quang của thế kỷ 19", tác giả Robert Tompkins viết mùa Hè năm đó, nhắc tới bối cảnh kinh tế đặc biệt của quãng thời gian này.

Năm 1998, quyết định phê duyệt quy hoạch thành phố đến 2020 của Thủ tướng liên tục nhấn mạnh "vai trò đặc biệt" với "cả nước và quốc tế", với "các nước trong khu vực và quốc tế".

Tuần lễ hội đó, ở một khúc sông khác của Sài Gòn, cách đó chưa đầy 7 cây số, bán đảo Thanh Đa vẫn chìm trong bóng tối. Đường dây hạ thế chưa về tới phần này của thành phố. Cô bé Phúc học bài bên ánh đèn dầu. Cha mẹ em sống bằng làm ruộng, nuôi bò. Cư trú cùng một quận, nhưng đường đi học của em không có bêtông, trải nhựa, đèn đường như nhiều bạn cùng trường. Mùa mưa, nước sông dâng cao, có lúc cha phải cõng Phúc qua chỗ ngập.

Ba thế hệ gia đình chị Phúc tại một khu đất hoang trên bán đảo Thanh Đa.

Tuần lễ hội đó, Phúc cũng như hầu hết cư dân trên bán đảo Thanh Đa không biết đời mình vừa được quy hoạch. Ngày 18/12/1998, chính quyền TP HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung quận Bình Thạnh. Trong số các hạng mục hạ tầng, nhiều lần cái tên "Thanh Đa" và "phường 28" (đơn vị hành chính của phần lớn Thanh Đa) được xướng lên trong một triển vọng về một khu đô thị mới. 

Trong bản quy hoạch năm 1998, khu vực này được dự tính có một hạ tầng cấp nước riêng, một khu du lịch - dịch vụ hàng trăm hecta và nhiều hạ tầng giao thông khác.

Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã tồn tại trên giấy trong suốt 6 năm trước đó, từ tận 1992. Nhưng trong trí nhớ của Phúc, phần lớn cuộc đời cô đã đi qua mà không hề cảm nhận được tầm quan trọng của các "quyết định" quy hoạch này. Những thay đổi hạ tầng đến rất phập phù. "Cảnh giống dưới quê miền Tây hơn là trên Sài Gòn", Phúc mô tả lại ấu thơ của mình.

Ba thế hệ cư dân Thanh Đa hồi ấy đón quy hoạch với những tâm thế khác nhau. Phúc thuộc thế hệ sinh những năm 90, ngày đó vẫn là những đứa trẻ vô lo học bài dưới ánh đèn dầu. Ông Út - ba Phúc hay ông Hiếu gần nhà, thuộc về thế hệ sinh thập kỷ 60, khi đó đang bước vào độ tuổi tất bật gánh vác. Ông cụ Ba, một người sinh trong thập kỷ 20, lại khấp khởi chờ ngày quê hương đổi mới.

Lớp người tuổi lao động ở Thanh Đa những ngày mới nhận tin "vào quy hoạch" mang nỗi lo rất riêng: sợ phải bỏ ruộng đồng. Thời ấy, nhiều người ở đây như ông Hiếu vẫn là nông dân thuần chất, canh tác thủ công, không có cả máy gặt, máy cày. 

Năm anh em có 5.000 mẫu đất ao trồng sen, thuê thêm gần 2.000 mét đất hợp tác xã để trồng lúa. Họ sợ mất sinh kế, sợ phải vào chung cư ở không quen, sợ tiền đền bù không đủ lo chỗ ở mới.

Ông Hiếu - một người nông dân Thanh Đa cũ - hiện vẫn duy trì vài luống rau.

Người già Thanh Đa lại chờ đợi với nhiều hy vọng. Người trong nhà đều còn nhớ sự khấp khởi của ông Ba. Ông liên tục hỏi thăm cán bộ khu phố và con cháu trong nhà. Ông tin là cuộc quy hoạch sẽ khiến mình không phụ thuộc con cháu khi về già: tiền đền bù mảnh đất đang sống có thể đủ cho ông định cư nơi mới, và dưỡng già.

Năm 2000, điện về bán đảo, đứng xem thợ kéo dây, người dân hoan hỉ cắm trụ bằng cây, ông Ba vui vẻ nói: "Sắp quy hoạch đó bây".

Năm đó, 8 năm sau ngày có dự án không thấy động tĩnh gì, đứa con gái đầu lòng đã 4 tuổi, ông Hiếu quyết định xây căn nhà cho cả gia đình.

Tới quãng năm 2002, một thập niên sau ngày có "khu đô thị trên giấy", nước sạch về đầu bán đảo, ông Ba hăm hở đi xem người ta đào ống, rồi nhắc lại: "Sắp quy hoạch đó bây".

Nhưng quy hoạch vẫn chưa được thực hiện. Năm 2006, Phúc đã vào cấp ba. Thành phố một lần nữa nêu quyết tâm biến Thanh Đa thành khu đô thị mới. Lời phát biểu được nhấn mạnh nhiều lần trong các cuộc họp. Con đường tới trường của Phúc vẫn là đường đất, gần 2 mét chiều ngang, mùa nắng có mùi sình khô, mưa nhiều nước ngập, nước rút bùn lún nửa bánh xe đạp. Ông Út thường ra vườn lựa bẻ một nhánh cây rồi tuốt sạch lá đưa cho con gái đi học ngày mưa. Phúc xắn quần áo dài trắng trên đầu gối, cầm theo cành cây của cha để gỡ từng mảng bùn đang bám chặt vào tăm làm bánh xe đạp không quay được.

Khung cảnh tương phản của Thanh Đa với sự phát triển của thành phố.

Những năm đó, ông Hiếu đã có đứa con thứ hai. Sinh kế gắn với cánh đồng bắt đầu bấp bênh. Những thúng sen được mang đến chợ Bến Thành rồi mang về gần như nguyên vẹn. Ruộng lúa chung sống với nước ngập từ sông Sài Gòn và sâu bệnh dần không nuôi sống nổi gia đình. Xem các chương trình nông nghiệp trên ti vi, ông Hiếu muốn biến ruộng của mình thành vườn cam, vườn bưởi. Nhưng ông không dám liều.

"Ai mà biết được khi nào nhà nước giải toả. Toàn cây trồng lâu năm, lỡ mất trắng...". Ông đành bấm bụng bỏ mặc luôn 50.000 m2 đất cha ông để lại. Vài năm không người lui tới, những búp sen lụi tàn, không dấu tích, nhường chỗ cho đám cỏ hoang, cây dại chen lên.

Vài năm sau đó, Phúc lấy chồng. Hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn vẫn còn trên giấy. Đường vào Thanh Đa vẫn độc đạo. Xe ô tô rước dâu của họ nhà trai đỗ ngoài đường lớn đầu bán đảo. Phúc nắm tay chú rể, đi bộ gần hai cây số. Gấu váy cưới dài màu trắng quét trên con đường đất ngày bé cô dâu đến trường.

"May là hôm ấy trời nắng, khô ráo", Phúc vẫn biết ơn thời tiết vào ngày vui của mình.

Thanh Đa nhìn từ trên cao, so với Thảo Điền bên kia sông.

Thanh Đa năm 2015 vẫn bất động. Vài nhà đầu tư đến rồi đi khỏi dự án. Cũng năm này, một lần nữa, nút thắt Thanh Đa lại có hy vọng được gỡ, một liên danh đang cho bán đảo vào tầm ngắm.

Năm đó, 1.600 m2 đất thuê từ hợp tác xã Bình Quới, sinh kế cuối cùng của ông Hiếu cũng đứt đoạn. Đất cằn cỗi, mùa màng thất bát. Người trồng lúa thưa dần. Những đám ruộng ít ỏi còn lại thu hút chuột, sâu bọ. Chuột sâu ăn hạt tròn chắc, hạt lép để lại cho người. Lừng khừng, bỏ lúa rồi lại trồng lúa, sau cùng, ông Hiếu quyết định bỏ hẳn cánh đồng. Ông theo anh em trong xóm tới Bình Chánh, Long An làm thợ hồ.

Bán đảo Thanh Đa (hình elipse chính giữa bản đồ) bất biến qua hơn hai thập kỷ đô thị hóa của các vùng xung quanh.

Hai mươi lăm năm sau ngày quy hoạch, năm 2017, bờ kè sông được làm lại, ông cụ Ba chống gậy khập khiễng băng cỏ đi xem, và lại chắc mẩm: "Kỳ này quy hoạch thiệt đó bây".

Một năm sau ngày bờ kè xây mới, cụ Ba mất. Cuộc liên doanh đầu tư vào dự án cũng tan vỡ, nhà đầu tư nước ngoài rút lui. Đám tang tiễn ông cụ đi qua những cánh đồng hoang phế.

Năm 2018, Phúc sinh con đầu lòng. Xe taxi bốn chỗ chở hai mẹ con từ bệnh viện về vừa vặn đi qua con đường nay đã được đổ bê tông. Người dân đã hùn tiền nâng cấp con đường. Riêng số phận Thanh Đa vẫn tiếp tục treo. Lần thứ tư, nhà đầu tư rút lui khỏi dự án.

Ông Hiếu giờ cũng đã có cháu ngoại. Đứa con gái đầu lòng sinh ra khi dự án đã được phê duyệt 4 năm, nay đã có con 3 tuổi. Gia đình ông vẫn sống trong căn nhà xây từ năm 2000, tường đã nứt. Ông Hiếu giờ đã trở thành thợ hồ lành nghề. Đã hai năm ông ra thăm đầm sen của gia đình. "Chỗ nào cũng toàn cỏ dại. Vào làm gì cho xót".

Từ ông cụ Ba đến những đứa trẻ trong nhà ông Hiếu, ông Út, đã bốn thế hệ dân Thanh Đa vật lộn cùng quy hoạch treo.

Phúc lấy chồng, rồi muốn xây một ngôi nhà riêng cho tổ ấm của mình. Nhà cô có 1.200 m2 đất. Cha mẹ cô chẳng tiếc gì con. Nhưng đất Thanh Đa "nằm trong quy hoạch" không ai được phép xây dựng đã hơn 20 năm nay.

Vợ chồng Phúc đành ở tạm trong một cái nhà kho cũ. Nhưng rồi Phúc mang bầu, đứa bé ra đời không thể sống chung trong nhà ông bà ngoại hay cái nhà kho ba mẹ nó đang ở.

Gia đình Phúc đánh liều làm trái Luật Quy hoạch. Một ngôi nhà cấp bốn được xây "chui" trong một tháng. Nhà Phúc chỉ được xây nhà vào thứ Bảy và Chủ nhật, để tránh bị cán bộ đô thị tuần tra phát hiện. Hàng xóm của cô, nhiều người đã phải tháo dỡ nhà đang xây sửa, chưa kể phải nộp phạt cả chục triệu đồng.

Một tháng vẫn nhanh hơn nhiều so với nhà của chị gái Phúc được xây trước đó. Nhà chị Phúc được dựng trên nền cái chuồng bò của ba mẹ, phải mất hơn 3 năm mới thành hình hài. Tường gạch cao vài phân, ông Út lại cẩn trọng cho dừng lại. Ông sợ ngôi nhà mới xuất hiện quá đột ngột.

Căn nhà của Phúc năm 2017 (trái) và hiện nay có được nhờ xây lén.

Hai tổ ấm của con gái may mắn được xây xong trót lọt, cũng là lúc cả đại gia đình ba thế hệ thoát được tình cảnh gần 20 người dùng chung một nhà vệ sinh. Nhưng ông Út vẫn ấm ức.

"Lẽ ra nhà của hai đứa phải ở chỗ ấy, xây công khai, rộng rãi, sáng sủa hơn", ông Út chỉ tay vào miếng đất gần nhà trước kia đã từng là đồng ruộng, nay bỏ hoang cỏ mọc xanh um, xa xa là những toà cao ốc ở quận 2 và quận 1.

"Thế này đã tốt hơn xưa nhiều rồi", Phúc đáp lại lời cha.

Ngôi nhà ông Hiếu bây giờ xuất hiện thêm nhiều vết nứt, sau vài lần nước lụt. Ông nay đã là thợ xây chắc nghề nhưng vẫn không thể sửa lành được ngôi nhà của mình.

Đất rộng nhưng ông không thể tách thửa để chia đất cho con lúc nó đi cưới chồng. Ông bèn lén xây cho con cái nhà riêng ngay trong sân nhà mình. Sợ chính quyền phát hiện, gia đình ông che chắn lại, chỉ làm vào cuối tuần.

Thợ xây chuyên nghiệp không ai nhận làm lắt nhắt như thế, ông bèn nhờ họ hàng giúp. 5 người lén lút vận chuyển gạch đá, đào, xây trong 2 tháng được căn nhà cấp bốn có một phòng ngủ, một phòng khách và gian bếp. Không chắc chắn lắm, nhưng ở được tới đâu thì hay tới đó, còn hơn tốn tiền thuê trọ. Đó cũng là lần duy nhất xem như có sự phản kháng với chính quyền của ông Hiếu.

Nhà ông Hiếu xây từ năm 2000 đã xuất hiện nhiều vết nứt.

Nội dung quy hoạch đổi thay theo từng số hiệu văn bản các năm không làm tăng giá trị của đất, ngược lại, còn kéo giá đất ở đây xuống mức như nhiều người nhận xét là "rẻ hơn dưới quê". "Không ai dại mua đất dính quy hoạch, làm gì cũng không xong".

Trật tự đô thị sáng chiều vẫn chạy xe máy quần quần xem nhà nào xây, chạy theo xe ba gác chở sắt thép để tìm chủ nhân. Gần 10.000 ngày quy hoạch treo và những căn nhà mọc lên từ sự phản kháng không làm thay đổi thực tế: Thanh Đa vẫn phải đóng băng chờ khu đô thị trên giấy.

Từ lâu, ông Hiếu đã thôi không theo dõi tin tức về kế hoạch dự án của thành phố. 27 năm qua, ông chỉ im lặng, chờ đợi. "Mình học tới lớp 4, viết đơn cũng không biết gửi ai".

"Thành phố luôn mời chào nhà đầu tư thực hiện dự án này, song 26 năm là quãng thời gian quá dài, đã quá sức chịu đựng của cử tri", ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố) phát biểu về Thanh Đa, trong kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM diễn ra hồi tháng 7 năm ngoái.

Nhưng cái tên Thanh Đa không phải là trường hợp duy nhất được nhắc tới. Báo cáo của kỳ họp dày đặc bức xúc về các dự án đang treo lửng lơ khắp thành phố. 

TS. Huỳnh Thế Du – Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ĐH Fulbright Việt Nam cho rằng, khi một nhà đầu tư không thể khai thác dự án đúng thời hạn và ra đi, vấn đề có thể nằm ở năng lực tài chính hạn chế hoặc do doanh nghiệp không ưu tiên dự án này. Nhưng khi điều đó lặp đi lặp lại suốt hai mươi mấy năm với nhiều nhà đầu tư khác nhau, thì nguyên nhân gốc rễ là do quy hoạch đã sai ngay từ đầu.

Rất có thể vì dự án chưa đủ sức hấp dẫn, lợi nhuận kỳ vọng trong ước tính của doanh nghiệp là không cao. Khi động lực thị trường là chưa đủ lớn, khi doanh nghiệp chưa nhìn thấy được nhiều triển vọng thành công, ngần ngại trong triển khai dự án là có thể hiểu: những gì được vẽ ra trong quy hoạch Thanh Đa là không đủ sức hút.

Một góc Thanh Đa.

"Việc trên lô đất nào sẽ xây cái gì là do thị trường, do các nhà đầu tư bất động sản quyết định" – ông Du phân tích – "Chứ không phải do người làm quy hoạch quyết định". Một quy hoạch chỉ được vẽ ra theo trí tưởng tượng hoặc góc nhìn chủ quan mà không quan tâm đến nhu cầu và tình hình thực tế thì chắc chắn không thể thành công. "Nhưng đáng tiếc, nhiều năm qua, thành phố đã mắc lỗi này".

Tại kỳ họp HĐND lần đó, sau ý kiến của ông Khuê, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ giải quyết triển khai nhanh dự án ở Thanh Đa và thừa nhận để dân phải sống khổ như thế hơn 20 năm "cái này có trách nhiệm của các cơ quan chính quyền".

Trong trí nhớ của ông Hiếu, vợ chồng ông Út, trước năm 1992, Thảo Điền (quận 2) là nơi trũng, sình lầy. Dân Thanh Đa hay chèo thuyền sang đó cắt cỏ nuôi bò. Từ bờ bên ấy nhìn lại về Thanh Đa, nhìn thấy quê hương trù phú, nhất là khi vào vụ lúa chín, không ít lần họ cảm thấy may mắn, tự hào.

Nhưng sau ngày quy hoạch, giá đất Thảo Điền trong thập kỷ trước đã lên tấc vàng, không một chỗ trống, còn ở Thanh Đa, là những khu đất bạt ngàn bỏ hoang.

Một "trái nhà" ở Thanh Đa.

Năm 2019, lần đầu tiên, chính quyền TPHCM quyết định tổ chức đấu thầu chọn chủ đầu tư cho dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Bán đảo quay về vạch xuất phát. Cách đình thần làng hai cây số, ngoài địa phận bán đảo là một bộ mặt đô thị với những nhà hàng, khu du lịch sinh thái sầm uất. Ở bên kia bán đảo, là khu đô thị Thảo Điền, là những toà cao ốc.

Hồi mới cầm bay, giấc mơ mỗi đêm của ông Hiếu thường có cảnh ruộng lúa trĩu bông vàng rực. Đoạn đường đi làm hơn hai tiếng chạy xe máy mỗi ngày lẫn những lần bưng vác nặng nhọc mới đầu làm ông tủi thân, ấm ức "tại sao có đất, có ruộng mà phải khổ thế này". Nhưng giờ, nghề nông chỉ còn là quá vãng. Bàn tay ông nay đã quen với vôi vữa.

Người nông dân nay đã không còn nhớ rõ cây cuốc, lưỡi cày, mình đã cất ở đâu. "Nghĩ tới rồi tiếc chứ làm được gì. Cứ phải nghĩ không phải một mình mình chịu cảnh này", ông Hiếu giải thích cho sự quên của mình.

Bài: Bảo Uyên
Ảnh: Thành Nguyễn - Quốc Huy