Chủ nhật, 27/9/2020, 14:19 (GMT+7)

Suarez - một mai qua cơn mê

Bị đẩy khỏi Barca, nhưng Luis Suarez có thể tự do chơi bóng đúng nghĩa, như giấc mơ vốn ăn sâu vào tiềm thức của anh.

Chỉ có các đồng đội thân thiết như Messi, Busquets, Pique, Alba và Sergi Roberto tới dự buổi lễ nhỏ khi Suarez chia tay Barca. Ảnh: FCB.

Đến lặng lẽ và ra đi lặng lẽ

Sáu năm ở Barca đủ để Suarez giành những danh hiệu cao quý nhất cấp CLB: Champions League, La Liga, Cup Nhà Vua Tây Ban Nha, FIFA Club World Cup, Siêu Cup châu Âu, Siêu Cup Tây Ban Nha. Cũng chỉ trong ngần ấy năm, Anh còn kịp vào ba top cầu thủ ghi bàn nhiều trong lịch sử CLB với 198 bàn. Nhưng cuộc chia tay Suarez đã diễn ra trong lặng lẽ. Không có trận cầu tri ân nào cả. Gói gém đồ đạc từ hôm trước, rồi sau cuộc họp báo hôm 24/9, anh chỉ việc chụp ảnh, ôm lấy vài đồng đội thân, lên xe và ra đường. Từ hôm sau, anh và họ sẽ là đối thủ trên sân cỏ.

Ngày Suarez ra mắt Barca cũng lặng lẽ không kém. Năm 2014, anh nổi tiếng không phải vì đã đoạt cả bốn giải thưởng cá nhân của Ngoại hạng Anh - gồm Cầu thủ hay nhất của Ban tổ chức, Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp (PFA), Hiệp hội Phóng viên Thể thao (FWA) và người hâm mộ Premier League) cũng như là Vua phá lưới của giải. Anh nổi tiếng vì vụ cắn vào vai Giorgio Chiellini ở World Cup. Hệ quả là lệnh cấm của FIFA. Chính lệnh cấm và tai tiếng ấy khiến Barca không tổ chức một cuộc họp báo nào cả để giới thiệu bản hợp đồng trị giá 81 triệu euro.

Cái cách Suarez ra mắt Barca, nói không ngoa, chẳng khác gì một cầu thủ được đôn lên từ đội trẻ. Anh được giới thiệu trong một trận đấu tiền mùa giải ở Trofeo Joan Gamper. Và cảm giác của Suarez khi ấy là gì? "Thực sự, anh thấy mình như cầu thủ khách mời tới chơi một trận cho CLB vậy", Suarez đã trả lời vợ Sofi, khi được hỏi ra mắt như thế nào.

Những đóng góp của Suarez ở Barca (bấm vào đây để xem đầy đủ đồ hoạ). Graphics: Tiến Thành

Có thể có những lý do để biện minh cho sự đến và đi lặng lẽ của Suarez trong sắc áo Barca. Nhưng ở góc độ duy tâm, nó có thể là định mệnh. Định mệnh không cho phép Suarez xuất hiện tại Nou Camp hoành tráng như Thierry Henry, Samuel Eto’o trước kia, hay Antoine Griezmann sau này. Định mệnh cũng khước từ anh cái quyền được rời khỏi CLB một cách xúc động như Eric Abidal. Nhưng định mệnh bù lại cho anh thứ không ai trong số những cầu thủ kể trên có được: là một phần lịch sử của CLB đúng nghĩa, khi nhìn vào cột mốc kỷ lục ghi bàn.

Còn xét ở góc độ duy vật, sợi dây gắn kết Barca - Suarez đơn thuần như một phi vụ làm ăn. Khi chúng tôi cần anh, vâng, mời anh tới, tiền thù lao ngần này nhé? Ok phải không? Vào việc. Và khi chúng tôi không còn cần anh nữa. Ra đi hả? Được thôi. Đợi chúng tôi xét xem khả năng nào có lợi hơn cả trong các khả năng.

Rất thị trường. Rất sòng phẳng. Chỉ có điều, trớ trêu thay, trong tất cả đội bóng mà Suarez từng khoác áo, Barca chính là tình yêu, và ước mơ, được nuôi dưỡng từ tấm bé. Một kênh truyền hình của Uruguay vẫn còn lưu giữ đoạn tư liệu phỏng vấn cậu bé Suarez khi còn khoác áo Học viện Nacional, với câu trả lời "Con muốn chơi cho Barca một ngày không xa".

Sẽ có những trách cứ Barca về cách đối xử với Suarez, và điều đó không có gì là phi lý cả. Nhưng bóng đá bây giờ đã là một ngành công nghiệp chứ không chỉ gói gọn trong không gian của một trò chơi thể chất đơn thuần. Nó là lợi ích, chứ không toàn phần chỉ là niềm vui, và cảm xúc. Vì thế, việc nó sòng phẳng, nhiều khi đến mức bạc bẽo, cũng là lệ thường.

Hãy chỉ nhớ đến lúc Suarez tới và lúc rời Barca, với những gì Suarez đang có, Barca đã có, biên độ vị tha sẽ được nới rộng hơn. Thực tế, sau cú cắn Branislav Ivanovic vào tháng 4/2013 ở Ngoại hạng Anh, Suarez gần như là kẻ thù của truyền thông và giới chức bóng đá Anh. Richard Scudamore, Chủ tịch Ngoại hạng Anh, nói rằng Suarez "mang lại một hình ảnh tệ hại cho giải đấu". Ngay cả thủ tướng Anh ngày ấy, ông David Cameron, còn yêu cầu phải phạt thật nặng. Ngay từ lúc đó, Suarez đã muốn ra đi.

Barca làm video tri ân Luis Suarez
 
 
Barca làm video tri ân Suarez.

Không một lời mời nào dành cho anh, trừ lời mời đầy kỳ dị của Arsenal với mức phí cao hơn phí giải phóng hợp đồng đúng ... 1 bảng Anh. Suarez cũng định đi khỏi Liverpool ngay từ 2013, khi Liverpool thiếu sự ủng hộ anh một cách công khai. Nhưng Steven Gerrard đã từ tốn khuyên một lời khuyên mà sau này nhớ mãi: "Hãy ở lại thêm đúng một mùa thôi, chơi thật tốt, và năm sau chắc chắn Bayern, Real hay Barca sẽ muốn có cậu".

Gerrard đã đúng. Nhưng chỉ Barca cần có anh mà thôi. Phần còn lại vẫn nhìn anh như một "dị thú" với ba lần cắn người. Cú cắn Chiellini xảy ra ngay sau cú cắn Ivanovic chỉ một năm và nó chỉ làm xấu thêm hình ảnh Suarez. Không ai dang tay ra với anh, trừ Barca. Họ sẵn lòng bỏ cả núi tiền để mua một "rủi ro scandal đầy mình". Và Suarez nợ Barca điều đó.

Nhưng Suarez cũng đáp đền. Sáu năm với 198 bàn. Sáu năm liên tục là "kẻ khủng bố các hàng thủ" là quá đủ sòng phẳng cho món nợ kia. Hãy thử hình dung, nếu Barca của mùa giải 2014-2015 không có Suarez, liệu họ có thể lên ngôi vô địch Champions League không? Bàn nâng tỷ số lên 2-1 ở trận chung kết của anh rất quan trọng, tạo ra bước ngoặt thực sự, trong một buổi tối mà Messi không thể ghi bàn.

Và có một điều ít ai hiểu về Suarez, về những cú cắn của anh. Khi Suarez căng thẳng tột độ, cảm thấy mình vô dụng, anh sẽ bật ra cái nóng nảy ấy. Ở Ajax, anh cắn Bakkal vì biết áp lực sa thải Martin Jol đang lớn dần. Ở Liverpool, anh cắn Ivanovic vì hiểu đội nhà cần chiến thắng ấy cho vị trí Champions League năm sau ra sao. Và ở đội tuyển Uruguay, anh cắn Chiellini khi cảm thấy mình "kém tài" trước một Gianluigi Buffon thần thánh.

Sáu năm ở Barca, Suarez không cắn ai cả. Điều đó có nghĩa là anh cảm thấy hữu dụng ở Camp Nou. Áp lực lớn nhất kể từ khi anh đến CLB có khi chính là lúc Koeman gọi anh để nói về một kế hoạch không còn cần anh nữa. Thật may, không có dấu răng nào trên vai vị tân HLV người Hà Lan.

Ba cú cắn tai tiếng của Suarez
 
 
Ba lần Suarez cắn đối thủ.

Sóng gió ở Barca

Khi Suarez tới sân tập Barca lần đầu năm 2014, HLV Luis Enrique gọi tất cả cầu thủ lại gần và giới thiệu: "Cuối cùng họ cũng lôi anh ta ra khỏi nhà tù Guantanamo để tới tập luyện với chúng ta hôm nay". Cả đội cười khúc khích và vỗ tay chào đón "tù nhân mới được phóng thích". Còn Suarez, anh không giấu nổi sự xấu hổ, và vùi đầu vào tập luyện, để không trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.

Cái cách Enrique đùa ấy không hề vô hàm ý. Những người mang văn hoá Barca thuần thành, tôn thờ chủ nghĩa Cruyff đều phản đối Suarez có mặt ở Nou Camp. Chính Cruyff đã chỉ trích trên tờ Telegraf rằng "tôi chẳng hiểu CLB này sẽ chơi bóng kiểu gì với Neymar, Suarez và Messi. Tất cả họ đều cá nhân. Rõ là CLB này đã bắt đầu thích các cá nhân hơn là một tập thể chơi một thứ bóng đá chất lượng".

Nhìn vào cái cách Barca thiết lập được bộ ba hủy diệt MSN ngày ấy, nhìn vào số bàn thắng và cả những danh hiệu mà họ có được dưới thời Luis Enrique, chắc chắn nhiều người sẽ cho rằng phê phán này của Cruyff có vấn đề cá nhân gì đó, hoặc thiếu chuẩn xác. Nhưng thực tế, các danh hiệu, các thành tích cá nhân không thể khoả lấp được một thực tế ở Barca suốt sáu năm qua.

Suarez hợp cùng Neymar và Messi trở thành bộ ba tấn công hay bậc nhất thế giới những năm 2015-2017. Ảnh: Reuters

Sự xuất hiện của Suarez, nói về chất lượng chuyên môn, là một đóng góp lớn cho CLB. Nhưng nói về tổng thể, nó góp phần làm Barca chìm sâu hơn vào khủng hoảng, kéo dài hơn khủng hoảng ấy bởi những hào nhoáng bên ngoài ru ngủ. Cơ bản, Suarez, Neymar đã chắp thêm cánh cho Messi để tạo thành một thế lực thực sự. Chính thế lực ấy đã khiến Barca mất đi bản sắc của họ, và phải thay đến năm HLV kể từ khi Tito Vilanova nằm xuống.

Ở chung kết Champions League 2014-2015, đội hình chính Barca chỉ còn năm cầu thủ từ lò La Masia. Họ là Jordi Alba, Gerard Pique, Sergio Busquets, Messi và Andres Iniesta. Và khi thua Bayern 2-8 tháng trước, số cầu thủ từ La Masia cũng chỉ là năm, với Sergi Roberto thế chỗ của Iniesta. Năm năm không có một chuyển biến nào cả. Người Barca nhìn vào đó và rất sợ một điều: văn hoá cantera đáng tự hào của họ đã bị đánh mất.

Cantera, trong tiếng Tây Ban Nha, nghĩa đen là "cái mỏ". Và ở Barca, đó là một niềm hãnh diện lớn lao khi đội hình của họ luôn có các trụ cột phải là những cầu thủ đi từ "cái mỏ" La Masia đúng nghĩa. Nhưng chính việc duy trì những cầu thủ ngôi sao được mua về trong đội hình chính đã khiến những tiềm năng của các sản phẩm từ La Masia không còn đất phát triển.

Hãy thử hình dung, nếu năm 2006, lãnh đạo Barca không mạnh dạn sử dụng Messi, và sau đó đẩy luôn những Javier Saviola, Ludovic Giuly, Maxi Lopez... đi ở mùa giải 2006-2007, liệu Messi có thể gặp đúng thời điểm vàng để phát triển hay không? Câu chuyện càng hay ho hơn khi ở mùa kế tiếp, Deco, Ronaldinho, Edmilson, Gianluca Zambrotta cũng phải chia tay CLB để lứa vàng La Masia khẳng định vị thế chủ nhân của họ trong đội.

Đó chính là cantera, là thứ mà Cruyff từng thực hiện với những Luis Enrique, Pep Guardiola, Amor, Ferrer, Sergi... Cantera không phủ nhận việc phải có các siêu sao từ bên ngoài. Thậm chí, nó luôn chào đón các ngôi sao bên ngoài như Romario, Hristo Stoichkov, Ronaldinho, Rivaldo, Henry, Eto’o, hay "hiệp hội Hà Lan", cùng tham chiến trong màu áo Barca nữa là khác. Nhưng cantera cần nhất là vai trò trụ cột, vai trò thủ lĩnh phải nằm trong tay La Masia chứ không thể bị thao túng bởi các siêu sao tăng cường.

Và ở Barca suốt sáu năm qua, Messi đã tạo dựng nên một thế lực Nam Mỹ với Suarez, Neymar sát cánh bên anh. Khi Neymar ra đi, Barca ngỡ như đã "bắn tỉa" được một nhân tố mạnh mẽ và khiến thế lực ấy suy yếu. Nhưng khi còn Suarez ở đó, Messi vẫn liên tục nhắc tới bộ ba MSN 2014-2015 như một yêu sách. Và chính Chủ tịch Bartomeu đã mắc trong cái bẫy mà tự ông tạo ra. Ông nghĩ rằng đầu tiên chỉ cần đứng về phía Messi là có thể thao túng được quyền lực. Song, khi chính Messi và Bartomeu không còn mặn mà với nhau nữa, Bartomeu mới giật mình nhận thấy ông trở thành tấm bia chỉ trích lớn nhất. Thực tế, ông cũng đáng như vậy khi những năm ngồi ghế Chủ tịch, ông đã hủy hoại Barca rất nhiều.

Thế lực ngầm của Messi cùng vai trò chuyên môn quá lớn của anh và Suarez khiến Barca trở thành con tin trong tay bộ đôi Nam Mỹ này.

Cái tình trạng rối rắm ấy trong nội bộ Barca từng được Cruyff gọi là "trạng thái entorno", đại ý một môi trường làm việc tiêu cực. Và điều đó đã được Messi giật dây hoàn hảo. Nhiều người còn nghĩ Messi là nạn nhân của Bartomeu là khác. Nhưng ít ai biết, vì biết mình là một thiên tài, lại bắt nguồn từ La Masia, chính Messi có lần suýt cho Luis Enrique bay ghế.

Theo cuốn Legacy of Barcelona, mùa 2014-2015, sau khi thua Real ở El Clasico hôm 25/10, Barca lại thua Celta Vigo tại Nou Camp lần đầu tiên trong lịch sử. Căng thẳng nảy sinh, và áp lực lên Enrique bắt đầu từ đó. Thậm chí, trong một cuộc trưng cầu không chính thức, 68% người bỏ phiếu còn cho rằng nên sa thải Enrique. Và căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào Giáng sinh. Messi, Rakitic, Pique, Neymar, Dani Alves bị ngồi dự bị trong trận thua Real Sociedad ngày 4/1/2015. Lý do, ba cầu thủ Nam Mỹ mới trở lại sau một kỳ nghỉ Giáng sinh kéo dài đầy ưu đãi đặc quyền.

Đó là năm thứ sáu liên tục, Messi được nghỉ ngơi ở trận đầu tiên mà anh quay lại sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Nhưng với Enrique, nó không còn là đặc quyền nữa. Vì Messi trốn buổi tập trước trận Sociedad với lý do trào ngược dạ dày mà đen đủi sao chỉ cách đó vài tuần, Xavi tiết lộ thường khi trốn tập các cầu thủ hay viện lý do đau bao tử, Enrique muốn trừng phạt thực sự. Không Messi, không Neymar, Barca thua Real Sociedad 0-1. Trên sân tập sau trận đấu ấy, Messi cãi nhau tay đôi với Enrique. Enrique muốn trừng phạt ngôi sao của đội thật nặng, nhưng biến cố đã xảy ra.

Người chống lưng lớn nhất của Enrique, Giám đốc Thể thao Adoni Zubizarreta, bị sa thải sau phát ngôn ẩn ý "đừng lấy công trạng thời Pep Guardiola để so sánh với tôn chỉ 'Còn hơn một CLB'". Ngay sau khi Zubizaretta bị sa thải, Carles Puyol, mới vừa nhận làm trợ lý cho ông sau khi giải nghệ, cũng xin nghỉ theo. Tất cả đều do Messi tạo áp lực với Bartomeu.

Đổi lại, Bartomeu dàn xếp một cuộc họp giữa Enrique với Messi. Hoà bình được lập lại. Không có án phạt nào cũng như không có nguy cơ sa thải nào. Enrique đưa Barca về đích vinh quang ở cuối mùa giải. Nhưng kể từ đó, ông đơn độc hoàn toàn. Zubizaretta là người quyết định rất lớn trong chuyện bổ nhiệm ông. Puyol là đồng minh của ông. Enrique chịu trận đến hết hợp đồng được cũng bởi Barca còn lại Iniesta. Ông hiểu, sớm muộn gì khi Iniesta giải nghệ, Messi sẽ độc tôn vị trí ông chủ đội bóng.

Tất cả đều hiểu giá trị của Messi nên có thể lý giải được tại sao uy quyền của Messi lớn đến thế, buộc Bartomeu phải nhún nhường suốt nhiều năm dẫn tới hủy hoại cả truyền thống Barca. Nhưng ai cũng sẽ đặt ra câu hỏi "Vì sao ở thời Pep Guardiola hay Tito Vilanova, Messi không dám lộng hành đến vậy?".

Luis Enrique từng suýt mất ghế ở Barca, vì dám chống lại thế lực của Messi.

Đơn giản, với Ronaldino, Henry, Eto’o hay thậm chí với những Pedro, Bojan Krkic, Messi không thể chi phối họ. Nhưng với Neymar và Suarez thì khác. Cùng là dân Nam Mỹ với nhau, cùng sự láu cá ngấm ngầm, họ đồng cảm đến mức họ mới là một đội bóng nhỏ trong lòng đội bóng lớn là Barca. Messi có sức hút của một tài năng để họ, đặc biệt là Suarez, trở thành "huynh đệ" một cách dễ dàng. Và khi bộ đôi Messi - Suarez (sau khi Neymar đã ra đi) lại là những người ghi bàn chủ đạo của đội, cả hai cho rằng họ có quyền "ra giá".

Việc Suarez bị quyến rũ bởi Messi cũng bắt đầu từ 2014. Uruguay bị loại sớm, và Suarez về Montevideo nghỉ ngơi. Điện thoại của anh đổ chuông. "Tôi nghe. Luis đây". Đầu dây bên kia là Messi. Và chính Messi đã vẽ ra một viễn cảnh cho Suarez về "Barca- của - Messi". "Hãy đến. Tôi coi cậu như gia đình. An cư xong hai vợ chồng ghé nhà tôi chơi. Tôi, cậu, và Neymar sẽ hỗ trợ nhau tốt hơn. Nhưng trên hết, anh em phải vui". Lời hứa ấy của Messi thành sự thật. Họ đã rất vui, nhưng Barca thì không.

Suarez không chỉ là một đồng đội ăn ý với Messi trên sân bóng. Họ tạo thành một băng đảng đúng nghĩa. Phòng thay đồ thuộc về họ. Sân tập thuộc về họ. HLV thì... thuộc về chuyện của Bartomeu, nếu Messi không hài lòng.

Có thể Suarez không bao giờ lên tiếng "ta đây" ở Nou Camp. Có thể Suarez không bao giờ ý thức về chuyện quyền lực đen ở Barca. Nhưng chính sự thân thiết giữa anh và Messi, cùng vai trò chuyên môn của họ, đã khiến Messi có một chỗ dựa vững chắc. Không một cầu thủ tấn công tiềm năng trẻ trung nào từ La Masia trở thành tài năng mới lộ sáng trong suốt thời kỳ hai anh sát cánh tại Barca cả. Phải chăng, Messi không bao giờ muốn thấy một câu chuyện huyền thoại thứ hai kiểu như của chính anh được tái hiện, ít nhất là khi anh còn có thể chơi bóng trên sân?

Barca phải trở lại và Suarez cũng thế

Với Koeman, Barca được cho là đã thắng trận đầu trong cuộc chiến chống lại quyền lực ngầm của Messi. Ảnh: Reuters

Sẽ không ai biết Koeman dẫn Barca tới đâu. Nhưng cái cách kiên quyết gạt Suarez cho thấy ông quá hiểu văn hoá cantera ở Camp Nou. Ông muốn Messi không còn vây cánh nữa. Ông muốn Messi phải thỏa hiệp. Và câu chuyện ra đi không thành với cú burofax của Messi đã cho thấy: Koeman thắng trận đầu.

Nhưng Barca sẽ phải trở lại với cantera như thế nào, khi mà thế hệ kế thừa từ La Masia còn quá trẻ? Hơn nữa, suốt một thời gian dài, họ không được tạo cơ hội nên phải đi chinh chiến theo dạng cho mượn, như Carles Alena, Oriol Busquets hay Juan Marinda. Và nếu sốt ruột trước áp lực kết quả, Koeman cũng dễ sa vào cái bẫy cantera khi bắt đầu dùng các cầu thủ ngoại nhập, nhiều hơn là những tài năng La Masia.

Thực tế, không phải lò đào tạo nào, dù là số một đi nữa, cũng có thể mỗi lứa đào tạo đều cho xuất xưởng một cầu thủ đẳng cấp. Có lứa thành công, chắc chắn cũng có lứa thất bát. Barca cũng từng sống qua thời kỳ lực lượng kế cận từ La Masia bị khủng hoảng. Nhưng cái cơ bản nhất là những con người không có nguồn gốc cantera kia đều nắm được một ý thức cơ bản là ở Barca, không cá nhân nào nổi trội hơn đội bóng. Messi đã mắc sai lầm ấy. Koeman cần gầy dựng những đối trọng để chính Messi cũng phải biết tôn trọng họ trong sự hợp tác, thay vì chống đối như anh từng làm với Zlatan Ibrahimovic.

Cái Koeman cần nhất ở Messi có lẽ là để Messi dần hiểu ra anh đã không còn nhanh, mạnh và năng nổ như cách đây năm năm nữa rồi. Chính cái cách tự hiểu mình ấy có thể khiến Messi nắm bắt được anh cần một đội bóng hỗ trợ sau lưng nhiều đến mức nào, thay vì cần một đồng minh kiểu như Suarez, Neymar, và xa hơn nữa là Dani Alves ngày xưa. Và đồng đội hỗ trợ Messi có thể là bất kỳ ai trong hệ thống mà Koeman sẵn sàng xoay tua: Griezmann hay Philippe Coutinho, Ousmane Dembele hay Ansu Fati, Pedri hay Trincao, Miralem Pjanic hay Riqui Puig - tài năng mà Koeman rất muốn đưa lên đội một.

Messi chấp nhận ở lại và hợp tác với Koeman trong nỗ lực vực dậy Barca.

Patadons - ngụ ý như con thuyền không bến - là một từ để ám chỉ triết lý bóng đá mà Cruyff gầy công tạo dựng cho Barca. Lối chơi của đội bóng phải như một con thuyền mà đối thủ không bao giờ xác định được bến đỗ của nó ở đâu. Điều đó đồng nghĩa với chuyện mũi tấn công của đội bóng là không thể được đoán định trước. Tất cả cầu thủ cùng tham gia vào các phương diện của cả đội, và hướng tấn công có thể bất thần từ đâu, khi đối thủ lộ ra một điểm yếu. Năm năm nay, con thuyền Barca chỉ có hai bến đỗ là Messi và Suarez. Bởi thế, trước một Bayern khoa học, Barca chẳng còn gì là bất ngờ như cái ngày họ từng hạ đội bóng Đức này 5-1 ở cả lượt đi lẫn về mùa 2008-2009.

Với Suarez, ở tuổi 33, Atletico là nơi quá tốt để anh dành những năm tháng cuối sự nghiệp tìm lại bản thân. Không phải Suarez tìm lại những đỉnh cao vinh quang của một sát thủ ghi bàn. Càng không phải anh tìm lại cơn nóng giận điên rồ sẵn sàng cắn ai đó khi dưới trướng một HLV điên rồ nhưng tài năng như Diego Simeone. Mà anh tìm lại anh, cậu bé chân trần bốn tuổi, cậu bé có biệt danh El Salta - Thằng choi choi.

Trong cuốn sách Luis Suarez - A sticker's Story, tác giả Michael Part đã kể về một ngày bình thường năm 1991. Trên con phố nằm ở đỉnh một đồi của Barrio El Cerro, thành phố Salto, Uruguay, có ba cậu bé khoảng 6-7 tuổi đang chơi bóng, với cột gôn là những ống bơ cũ. Rồi một người đàn ông chở một đứa bé 4 tuổi trong bộ đồ của CLB Deportivo Artigas quẹo từ góc đường vào, dừng lại. Ông tên là Sergio, HLV của đội bóng nhi đồng Deportivo Artigas.

Cùng theo Sergio hộ tống cậu bé là Paolo, anh ruột của cậu bé. Người anh ngồi ở gióng trước chiếc xe đạp. Cậu bé 4 tuổi ngồi sau, ôm quả bóng, và đi chân trần. Sergio muốn cậu bé chơi bóng thử với đám nhóc kia. Và mặc cho chúng trêu chọc vì đôi chân trần của mình, cậu bé dõng dạc "Tên tôi là El Salta. Chơi thôi, một đánh ba".

Những tưởng sẽ có đứa em út để dạy nó đá bóng thế nào, không ngờ ba cậu nhỏ ấy đã bị El Salta loại ngay từ những đường bóng đầu. Nó đi bóng qua họ, xỏ háng, đảo người... và nó ghi bàn. Khi nó hô lên "Vàoooo", cái miệng của nó... y như Suarez hôm nay.

El Salta chính là biệt danh của Suarez.

Suarez ra mắt ở Atletico Madrid
 
 
Suarez ra mắt và tập buổi đầu cùng Atletico Madrid.

Giấc mơ chơi bóng với đôi chân trần như những ngày còn ở Salto ngày nào vẫn thường trở lại với Suarez. Từng có lần, ngay sau mùa giải 2014-2015 thành công rực rỡ với Barca, Suarez kể lại rằng anh mơ thấy mình đang chơi bóng chân trần trên đường phố cũ. Ngồi trên những bờ tường hàng hiên xem anh đá bóng là ông chú Sergio, anh Paolo, bố, mẹ, ông, bà anh. Họ cổ vũ. Và anh chạy. Rồi dưới chân anh không là đường nữa mà là cỏ. Rồi dưới chân anh không là cỏ nữa mà là cái gì đó bồng bềnh. Không thấy cầu môn nữa chỉ thấy Sofi, vợ anh, đứng đó với đôi giày vàng. Thằng bé chân trần chạy tới với giải thưởng đôi giày vàng.

Giấc mơ chân trần có lẽ đã nằm trong tiềm thức của Suarez, đủ để trở lại ở mỗi nơi anh từng qua: Nacional, Ajax, Liverpool, Barca... Đó là giấc mơ tuyệt diệu nhất của tất cả những người chơi bóng. Khát vọng của nó chân thành. Đam mê của nó thánh thiện.

Nhưng cuộc chiến đời thật để có đôi giày vàng lại khác. Nó có thể sẽ là những phút rồ dại với dấu răng đủ làm trò cười cho cả thế giới, và khiến người ta coi anh như ác qủy. Nó có thể là những phút bốc đồng để rồi cuối cùng "được liệt vào hàng ngũ của một nhóm cừu đen". Nó có thể là cả ẩn ức với giới truyền thông luôn soi mói đến mức sẵn sàng khăn gói chuyển sang một CLB khác bất chấp mình có yêu nó hay không. Ít ai hiểu, chẳng có kẻ nào là thiên thần trên cõi đời này cả. Cũng chẳng có kẻ nào là ác qủy. Trong mỗi con người có cả vạn con người. Chỉ có giấc mơ trở về với đôi chân trần mới là thánh thiện nhất.

Đó là giấc mơ của kẻ chơi bóng đơn độc, một giấc mơ kiểu mã thượng anh hùng. Ở Atletico, Suarez có thể sẽ sống lại phần nào giấc mơ ấy. Simeone cần những quái thủ độc lập tác chiến đủ để một đòn phản công của đội bóng của ông cũng thành đòn chí mạng. Vì thế, Simeone cần El Salta.

Suarez trên sân tập Atletico Madrid hôm 26/9. Anh vừa được HLV Simeone điền tên vào danh sách chuẩn bị cho trận tiếp Granada lúc 21h hôm nay Chủ nhật 27/9. Ảnh: ATM

Suarez sẽ còn chơi bóng được bao lâu nữa? Có thể cùng lắm cũng chỉ như Francesco Totti, đến tuổi 40, là kinh khủng lắm rồi. Vậy thì ở Atletico, còn được năm nào, cứ biết năm ấy. Cơ hội của anh bây giờ mới là chơi bóng đúng nghĩa, không bị bất kỳ một áp lực ngôi sao nào. Thế nên, nói anh đến với Atletico là để trở lại cũng đúng. Nó là một sự trở lại của thứ bóng đá từng bắt đầu trong con người Suarez thời ở Salto.

Câu chuyện Suarez thực ra là một câu chuyện hấp dẫn bậc nhất của bóng đá thời đại bây giờ. Nó có đầy đủ mọi dư vị của đời sống, đầy đủ mọi hỉ-nộ-ái-ố của con người. Và nó lạ kỳ ở chỗ, cái kết cục của đời cầu thủ hoá ra rất rõ. Cứ phấn đấu mãi vì những danh vọng và hào quang, để cuối cùng thứ cần tìm về cũng chỉ là chính mình, với thứ bóng đá không còn cần so đo gì, với đôi chân trần của trẻ thơ đúng nghĩa...

Hà Quang Minh