Biểu tượng của cả nền văn minh đang teo nhỏ trước sự lộng hành của tội phạm.
"Sông Hồng" là tên một nền văn minh của người Việt. Họ đã tạo dựng những nhà nước đầu tiên, hoàn thiện kết cấu xã hội, bồi đắp nền văn hóa và hình thành tập quán lao động quanh dòng chảy đỏ phù sa này, trước khi mở rộng xuống phía Nam.
Suốt nhiều thế kỷ, những người Việt vùng châu thổ mang thói quen cầu xin sông Hồng điều họ cần. Khắp một dải đồng bằng, từ Bạch Hạc (Phú Thọ), Lảnh Giang (Hà Nam) cho đến Nhật Tân, Xuân Trạch (Hà Nội), trung tâm của các nghi thức tín ngưỡng là múc và rước nước sông Hồng. Dòng sông, nhân cách hóa qua các vị thủy thần, được đề nghị giúp đỡ phần lớn hoạt động sản xuất, thương mại, an ninh quốc gia.
Ở đền Tam Giang, ngã ba sông Bạch Hạc - cạnh nơi Vua Hùng dựng nước - bây giờ "xin nước thiêng" thành một nghề. Dân địa phương tổ chức hậu cần cho khách thập phương xin nước sông Hồng đem về nhà: dòng sông khi đó tài trợ cả các công việc cá nhân. Mọi việc lớn bé, người Việt đều chắp tay xin sông Hồng.
Nhưng đến thế kỷ 21, trong cơn khát của một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, không cần ai cấp phép, người ta cắm thẳng những ống hút vào cơ thể của sông Hồng.
Dưới lòng sông là cát - loại khoáng vật ngày một đắt giá. Súng nổ, máu rơi, tù tội không ngăn được cơn "đói khát" của ngành xây dựng. Lợi nhuận khổng lồ tạo nên những nhóm tội phạm có tổ chức.
Năm 2010, khi Hà Nội chuẩn bị cho đại lễ Nghìn năm Thăng Long, mực nước thấp nhất của sông Hồng, đo tại Trạm thủy văn Hà Nội chỉ còn 0,56 m. Đó là mức cạn kỷ lục trong vòng hai trăm năm.
Tại nơi mà một nghìn năm trước Lý Thái Tổ ca ngợi rằng "muôn vật tươi tốt phồn thịnh", những sự kiện dị thường diễn ra: người dân bắt đầu thấy sợ dòng sông thiêng. Họ sợ thiếu nước tưới, sợ ruộng vườn biến mất dưới lòng sông và sợ dòng sông sẽ liếm căn nhà đi như vụn bánh. Sông Hồng biến dạng chưa từng thấy cả về dòng chảy, mực nước lẫn tính cách.
"Vấn đề cốt lõi của sông Hồng hiện nay là đáy lòng dẫn bị hạ thấp, dẫn đến mực nước cũng bị hạ thấp rất nghiêm trọng" - GS.TS Trần Đình Hòa, Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẳng định.
Hình dáng của sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội từ năm 1989 đến nay có những biến đổi rõ rệt. Lòng sông teo lại. Một nhánh sông lớn ở khu vực giữa Mê Linh và Đông Anh đã biến mất. Phía đông cầu Thăng Long, nơi sau này là cầu Nhật Tân, mực nước hạ tạo ra một bãi bồi khổng lồ.
Những người dân nội thành cũng rất dễ nhận ra sự biến đổi ở khu vực cầu Long Biên: trong thập kỷ 80 và 90, Bãi Giữa từng tách biệt với trung tâm thành phố bởi một nhánh sông. Nay nhánh sông đó đã biến mất, chỉ còn một vùng ngập nước xâm xấp. Một bãi bồi mới gần đó cũng đang hình thành.
Mực nước sông Hồng thấp tạo ra hàng loạt hệ lụy: xói lở ven bờ; thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; các hồ chứa thủy điện phải xả nhiều nước hơn để bù đắp, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng; xâm nhập mặn ven bờ; ô nhiễm môi trường; giao thông thủy tê liệt...
Viện Khoa học Thủy lợi chỉ ra hai nguyên nhân chính khiến đáy sông hạ thấp: các hồ chứa thượng nguồn giữ lại phù sa và việc khai thác cát quá mức. Nhưng nếu hồ chứa thượng nguồn là đối tượng có pháp nhân, có thể tranh biện, phản đối, kiến nghị - thì chân dung những con tàu hút cát dọc dòng sông lại là điều bí ẩn. Vì nhiều lý do, chúng không được điểm mặt, chỉ tên.
Những đêm hè năm 2016, ông Bình thường khó ngủ, trở dậy bật màn hình điện thoại để đầu giường. Ông không dám ngủ sâu, không dám để điện thoại hết pin. Chỉ cần có chuông là ông phóng xe ra bãi Âm Sa. Anh em phục kích ngoài đó còn không được ngủ. Một tháng ròng "săn" tàu hút cát, ai nấy rệu rã.
Đội chống cát tặc của thôn Bắc Sơn có hơn mười người, đều là các hộ trồng chuối ngoài bãi. Ông Bình, Bí thư thôn là chỉ huy. Mỗi đêm, họ chia hai ca gác. Năm người một ca thay phiên nhau nhặt gạch ném để đuổi tàu.
Trong đêm đen, những con tàu lớn lừ lừ tiến vào sát bãi. Từ thân tàu, ống hút cắm xuống sông. Cát theo ống hút từ lòng sông lên nằm gọn trong lòng tàu.
Một loạt gạch từ vườn chuối rào rào bay ra. Không chạm đến tàu, gạch rơi ủm xuống sông. Người trên tàu nghe động, chỉ ngẩng lên nhìn rồi làm tiếp việc.
Những người đàn ông Bắc Sơn lượng sức, chỉ dám ném để xua đuổi đoàn tàu ra xa. Họ sợ làm "bọn cát tặc" bị thương thì gặp rắc rối với pháp luật. Gọi là "đội chống cát tặc" nhưng vũ khí duy nhất họ có là mấy viên gạch vỡ và tiếng hô hoán, thậm chí không đủ hoàn thành vai trò của một "đội dọa cát tặc".
Thôn Bắc Sơn, xã Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình có hai bãi sông màu mỡ. Sông Hồng để lại phù sa cho làng này một bãi Âm Sa phía trong, một bãi Tân Bồi phía ngoài. Trên những bãi ấy, dân làng trồng dâu, trồng chuối. Bao nhiêu mùa lũ tràn về không ngập hết được bờ bãi.
Từ năm 2012, một công ty được tỉnh Thái Bình cấp phép khai mỏ. Mỏ cát trên sông tưởng giữ được bãi Tân Bồi cho làng, nhưng hóa ra là họa. Cát ở đây hạt mịn, là loại mà dân công trường rất ưa. Mấy năm sau, tàu bè đến ngày càng nhiều, cắm ống hút cả ngày lẫn đêm.
Năm 2012, bãi Tân Bồi bắt đầu biến mất. Mùa hè 2016, bãi Âm Sa cũng theo đất lở ầm xuống sông.
Người dân bắt đầu phản ứng. Họ lập đội chống cát tặc. Phục kích, ném đá không ăn thua, có lần, đội chống cát tặc lên thị trấn tìm thợ ảnh có máy xịn để chụp lấy bằng chứng đưa ra công an. Mấy thợ ảnh đều lắc đầu, dù 5 triệu đồng bằng tiền công chụp hai đám cưới ở quê. Họ sợ bị trả thù.
Dân báo cáo lên xã, đưa đơn xuôi xuống huyện, đơn ngược về tỉnh. Công an về tuần tra, những chiếc tàu hút cát biến mất. Khi bóng áo xanh rời đi, chúng lại xuất hiện.
Năm 2019 này, đội chống cát tặc không còn hoạt động. Đi xuyên qua cánh đồng chuối, ra sát mép sông, ông Bình cầm một hòn gạch ném xuống. Chỗ viên gạch rơi từng là bãi Tân Bồi, giờ đã thành sông nước mênh mang. Những chiếc tàu chở cát vẫn xuôi ngược giữa dòng.
Bên ngoài thành phố Mumbai, Ấn Độ, lạch Vasai đục ngầu, kẹt cứng nửa cây số bởi những chiếc thuyền. Ở đó, người ta bắt gặp một khung cảnh còn hỗn loạn hơn những truyền thuyết săn vàng thời "miền Tây hoang dã" của nước Mỹ.
Mỗi thuyền chở khoảng chục người đàn ông. Họ lặn xuống đáy lạch, xúc một xô cát đầy để người đứng trên thuyền kéo lên. Mỗi người thợ lặn khoảng hai trăm lần trong vòng sáu tiếng, không một thiết bị bảo hộ. Mỗi ngày, phu cát kiếm được 15 USD. Số cát ấy sau khi sàng rửa sẽ được các ông chủ bán cho công trường xây dựng với giá gấp năm lần.
Không đâu trên thế giới, khai thác cát lại nhiều và hỗn loạn như ở Ấn Độ. Tại quốc gia này, cát được mệnh danh là "India’s gold" - vàng Ấn. Ngành này sử dụng 35 triệu nhân công và mang lại 126 tỷ USD mỗi năm, chỉ tính con số hợp pháp. Một nghiên cứu của Tạp chí tội phạm học châu Âu năm 2016 chỉ ra mô hình tội phạm có tổ chức đang hình thành từ Âu sang Á, đặc biệt là tại Ấn Độ, "trong một số vụ, những người dám đứng lên chống lại những kẻ khai thác cát lậu đã mất tích hoặc được tìm thấy đã chết".
Cát là loại vật liệu chính trong ngành xây dựng, để sản xuất bê tông, nhựa đường. Những đô thị khổng lồ đang mọc lên khắp thế giới đều phải dùng cát. Cát xây dựng thành thứ tài nguyên được khai thác nhiều thứ hai hành tinh, sau nước. Nhưng không phải cát sa mạc: đặc tính cơ học của loại cát này không cho phép dùng trong xây dựng. Cát mà nhân loại đang thèm khát, là loại như cát lấy từ sông Hồng.
Ba mươi năm tới, hai phần ba nhân loại sẽ sống ở thành thị. Thiếu cát trở thành "thách thức lớn nhất với sự phát triển bền vững trong thế kỷ 21", theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Cát sẽ là nguồn cơn của những cuộc tranh giành trong thế kỷ tiếp theo.
Trên các con sông của Việt Nam, việc hút cát bất hợp pháp không cần lặn ngụp như ở Ấn Độ. Tội phạm công khai điều tàu tới những đoạn sông cấm và chỉ việc cắm vòi xuống lòng sông.
Tại ngã ba sông tiếp giáp Hà Nội - Vĩnh Phúc, năm 2014, Bộ Công an tổ chức cuộc vây bắt số tàu hút cát lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc đột kích bất ngờ huy động
hơn hai trăm nhân sự thuộc các lực lượng của Bộ Công an và Công an TP Hà Nội. Công an địa phương không được biết.
Mười sáu tàu hút, ba tàu cẩu, hơn ba mươi tàu chở cát đi tiêu thụ và hàng chục người bị bắt. Trên các tàu đều trữ vũ khí nóng.
Hoạt động dưới sự bảo kê của một băng xã hội đen và lấy danh nghĩa một công ty cổ phần thương mại được cấp phép, chúng mở rộng khai thác tại bảy điểm nằm giữa sông Hồng. Nhóm này chuyên hút cát ban đêm, từ Phú Thọ đến Vĩnh Phúc rồi về Hà Nội, thu một tỷ đồng mỗi ngày từ hai nghìn mét khối cát lòng sông. Kẻ cầm đầu đã bảy lần thay đổi giấy phép kinh doanh.
Khi lực lượng chức năng Phúc Thọ kiểm tra tàu cát thì họ nói đang khai thác trên địa bàn Vĩnh Phúc. Cũng khúc sông ấy, khi có "cát tặc" thì Vĩnh Phúc khẳng định đó là địa phận của Hà Nội. Sự chồng lấn trong quản lý địa phận đường thủy đã giúp các đối tượng hoạt động nhiều năm.
"Ngã ba tam tỉnh" nơi có thôn Bắc Sơn của ông Bình cũng là một ví dụ điển hình cho địa thế ưa thích của những tên cướp ngày trên sông. Ngã ba sông này là ranh giới tự nhiên giữa Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình, cũng là ranh giới hành chính, ranh giới luật pháp, và là nơi công lý trông chờ vào vài hòn gạch người dân tự ném tàu hút cát.
Vũ Anh Toàn, kẻ cầm đầu nhận 38 tháng tù trong phiên tòa năm 2016. Đó là một trong những vụ truy tố hình sự hiếm hoi.
Hai năm nay, công an cả nước phát hiện hơn 13.000 vụ với hơn 4.000 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về khai thác cát. Nhưng chỉ 7 vụ với 7 bị can bị truy tố về hành vi "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".
Lãnh đạo Bộ Công an lý giải khó truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi theo quy định phải xác định đối tượng khai thác cát trái phép thu lời bất chính trên 100 triệu đồng, hoặc giá trị tang vật trên 500 triệu đồng.
Cơ quan chức năng dù kiểm tra cũng không thể xử phạt, bởi không có văn bản nào quy định cách tính diện tích đối với mỏ cát sỏi dưới nước, để biết các đối tượng có khai thác vượt mức không.
Nhiều doanh nghiệp đã lấy danh nghĩa dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa, tận thu sản phẩm để qua mặt cơ quan chức năng. Một số lượng lớn cát đưa vào công trình bằng cách khác: mua từ những người dân thuê thuyền đi hút trộm. Các công ty này sau khi có giấy phép thường thỏa thuận với hộ dân để họ thuê tàu hút cát trộm.
"Nếu công an bắt được thì xử lý người dân. Còn công ty đó coi như không liên quan. Nếu người dân hút trót lọt thì bán lại cho công ty có giấy phép với giá rẻ chưa bằng một nửa giá thị trường. Hút được cát là có đầu mối thu mua ngay. Có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu", một đầu nậu cát giấu tên nói với VnExpress.
Các công ty có thể ký hợp đồng cung cấp cát cho công trình, doanh nghiệp lớn. Bằng cách nào đó, họ vẫn xuất được hóa đơn giao dịch đúng pháp luật khi cơ quan chức năng yêu cầu. Thông qua cả kênh đại lý bán lẻ, họ đưa số cát lậu này vào các công trình nhỏ hơn trong khu dân cư.
Bà Thảo mất ngủ từ mùa hè 2017. Một đêm, bà bỗng thấy chiếc giường rung như đang nằm trên thuyền. Người phụ nữ choàng dậy, nghe tiếng xình xịch của những chiếc tàu đang cắm vòi sát mép sông. Căn nhà ba gian nằm dưới chân đê rung lên từng chặp. Bà Thảo dựng hai đứa cháu trai, rồi hô vợ chồng con gái dậy. Năm người chạy ra khỏi nhà. Đêm ấy, họ cứ ngồi ngoài sân cho đến khi những chiếc tàu hút cát rời đi.
Sáng hôm sau, bà báo ủy ban xã Cẩm Đình. Công an viên tuần tra ban ngày, những chiếc tàu mất hút. Đến đêm, chúng lại kéo tới. Ròng rã một tháng, bà Thảo sọp đi mấy cân. Sống trong sợ hãi lâu dần thành quen, bà đánh liều ở vậy. Căn buồng có trần bằng bê tông nhường cho vợ chồng con gái với hai đứa cháu. Ngôi nhà hai năm qua không xây dựng, cũng không mua sắm thêm gì.
Tháng bảy năm ngoái, người dân thôn Cựu Đình, xã Cẩm Đình, Phúc Thọ, Hà Nội chuyền tay nhau một lá đơn có chữ ký của từng nhà. Hơn hai mươi người kéo nhau lên huyện Phúc Thọ yêu cầu xử lý dứt điểm nạn khai thác cát lậu. Lãnh đạo cầm đơn, bảo cứ về đi rồi xử lý. Chính quyền biết từ nhiều năm nay, nhưng bất lực.
Năm đó, bên lề cuộc họp hội đồng thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho báo giới xem một đoạn video. Trong video, hai tàu hút cát lậu hoạt động trên sông Hồng đoạn qua xã Cẩm Đình, chỉ cách tàu cảnh sát đường thủy vài chục mét.
Mặt cắt đáy thể hiện sự biến dạng của sông Hồng. Hiện tượng xói sâu bắt đầu từ những năm 2000. Cho đến năm 2012, diện tích mặt cắt ngang dòng dẫn chính đã tăng 40% so với năm 2000. Điều này khiến mực nước sông hạ xuống.
"Từ năm 2000 đến nay, bình quân mỗi năm đáy sông bị hạ thấp 8 cm", PGS Phạm Đình, Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam nói.
Lòng dẫn chính của sông đã bị xói sâu khoảng 2 mét, khiến mực nước hạ theo. Tỷ lệ phân lưu vào sông Đuống cũng thay đổi, do lòng sông Đuống đã bị hạ thấp nhiều hơn so với sông Hồng - cũng bởi hai chữ "hút cát".
Trong vòng mười lăm năm, từ 1997 đến 2012, gần 244 triệu mét khối cát đã bị lấy đi khỏi lòng sông Hồng. Nhiều nhất là ngã ba Việt Trì đến ngã ba tam tỉnh Hưng Yên - Hà Nam - Thái Bình. Có năm khối lượng cát bị lấy đi (theo nguồn thống kê được) riêng tại Hà Nội lớn gấp 3 lần lượng phù sa về tới Sơn Tây.
Kể từ khi Việt Nam mở cửa, chỉ một lần tốc độ hút cát từ sông Hồng giảm xuống: đó là giai đoạn sau năm 2011, khi bất động sản Việt
Nam đóng băng và nền kinh tế bớt cơn thèm cát. Nhưng cơn khát trở lại rất nhanh.
Cát bị lấy đi, cùng phù sa bị giữ lại các hồ chứa không đủ bù đắp làm đáy sông liên tục hạ thấp. Hai bên bờ sông bắt đầu sạt lở.
Căng thẳng chắc chắn sẽ leo thang. Tổng trữ lượng cát sỏi xây dựng được cấp phép hiện còn hơn 691 triệu mét khối. Công suất khai thác khoảng 62 triệu mét khối, trong khi nhu cầu lên đến 130 triệu mét khối mỗi năm.
"Nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50 %", ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Bộ Xây dựng nói. Số thiếu hụt phải trông vào một trong hai thứ: cát lậu, hoặc vật liệu thay thế.
Vật liệu thay thế gồm cát nhân tạo hoặc tro xỉ của một số nhà máy gang thép đã gia công có thể đạt được tiêu chuẩn thay thế cát xây dựng. Thay thế cát san lấp có tro xỉ nhiệt điện với lượng tồn đọng khoảng 30 triệu tấn.
Nhưng Việt Nam đang rất chậm trong việc tìm vật liệu và công nghệ thay thế. "Có địa phương mới ra tiêu chuẩn về vật liệu thay thế cách đây vài tháng", ông Bắc nói. Mọi con đường đều dẫn về giải pháp đơn giản nhất: những sà lan của cát tặc.
"Các quốc gia cảm thấy quá đắt đỏ để điều chỉnh và hành pháp (trong vấn đề hút cát lậu)", tổ chức Hòa Bình Xanh nhận định.
Đoạn đê của xã chạy qua nhà mới kè năm ngoái, năm nay đã lở một phần ba, bà Thảo không biết khi nào đến lượt ngôi nhà của mình. Nỗi ám ảnh ấy
đến hàng đêm, ngay cả trong giấc mơ.
Con gái bà, chị Thơm đưa hai đứa con từ Cẩm Đình về Sen Chiểu đi tập bơi ngày đầu hè. Cái ao thả cá của ông bác họ trở thành bể bơi của lũ trẻ ven đô.
Thế hệ Thơm học bơi trên sông. Bãi sông trở thành bể tắm của cả làng mỗi mùa hè. Cái bãi ấy giờ ném hòn sỏi không thấy sủi tăm, không ai dám cho trẻ con xuống nữa. Mẹ chị thi thoảng cầm cái ống nhòm - kỷ vật của bố ngày đi chiến trường về - đứng ở chân đê, nhòm xa nhòm gần xem những chiếc tàu đang hút cát ở đâu. Nhòm rồi để đó, chẳng để làm gì.
Dòng nước đã ngoạm dần những bãi bồi của Bắc Sơn, Cựu Đình, nhiều ngôi làng ven sông. Thơm cũng không biết đến khi nào thì ngôi nhà lẫn mảnh vườn của mình theo đất mà trôi xuống sông.
Chị nghĩ, "chắc chúng nó cứ hút cho đến khi nào lở nhà, trôi đập, vỡ đê, nước tràn xuống tận Trung ương thì các bác mới về mà dẹp dứt điểm được".
Bài: Hoàng Phương
Ảnh: Gia Chính