Allardyce là một trong những gương mặt dễ nhận ra nhất của bóng đá Anh. Ông đã có 21 năm thi đấu chuyên nghiệp, và đang ở năm thứ 27 kể từ khi khởi nghiệp cầm quân. Trong số HLV còn làm việc tại Anh, ông già 63 tuổi này chịu kém duy nhất một người về thâm niên: Arsene Wenger của Arsenal.
Khi Big Sam ra tự truyện, HLV huyền thoại Alex Ferguson thậm chí xung phong viết lời tựa. Ferguson gọi Big Sam là một phần không thể tách rời của lịch sử bóng đá Anh. Thời còn làm cầu thủ, ông là một hậu vệ rắn mặt có tiếng. Đến mức Ferguson từng bảo Allardyce đã kèm ai tối Chủ nhật thì sáng thứ Hai người ấy ăn cũng không nổi. Khi chuyển sang cầm quân, các đội bóng của ông cũng chơi thứ bóng đá rất khó chịu.
Là người Anh, nhưng Big Sam không mang một chút nào tinh thần hiệp sĩ. Các đội bóng của ông luôn ngã vờ, câu giờ, tiểu xảo, và không từ một thủ đoạn nào để đạt kết quả - một phong cách "rất… Allardyce". Big Sam cũng dính vào nghi án hay tác động để CLB của ông mua cầu thủ có cùng người đại diện, để được... chia phần trăm. Ngay cả trong trải nghiệm cầm quân lớn nhất cuộc đời – HLV trưởng của đội tuyển Anh, Big Sam cũng dính vào một bê bối tày trời. Bị phóng viên Telegraph giả dạng làm người đại diện của một công ty châu Á, Big Sam hào hứng bày vẽ cho họ cách lách luật chuyển nhượng. Trong lúc cao hứng, ông còn tiện mồm chê bai Gary Neville và Roy Hodgson - người tiền nhiệm ở tuyển Anh.
Vậy mà ông vẫn sống tốt, sống khỏe bất chấp những scandal của bản thân. Vì trong những lúc gian khó, CLB nào cũng cần một con người thực dụng như thế. Allardyce không phải là một cầu thủ xuất chúng khi còn thi đấu, nên ông khởi nghiệp HLV từ những CLB rất nhỏ. Đầu tiên là trải nghiệm HLV kiêm cầu thủ tại CLB Ireland Limerick, sau đó là các đội hạng dưới ở Anh như Preston North End, Blackpool và Notts County.
Nhưng Big Sam chỉ chính thức gây tiếng vang khi cầm quân cho Bolton Wanderers. Khi ông tiếp quản vào năm 1999, CLB còn lặn ngụp ở nửa dưới của giải Division Two (tương đương hạng Tư trong hệ thống các giải bóng đá Anh). Khi ông rời đi vào năm 2007, Bolton là đội thường xuyên góp mặt ở nửa trên của Ngoại hạng Anh, đã giành vé dự Cup châu Âu lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử.
Bolton của Big Sam những năm ấy chơi thứ bóng đá giàu sức mạnh, với những cầu thủ đã qua thời đỉnh cao. Ông chào đón tất cả, từ dạng bất trị như Nicolas Anelka, sớm nắng chiều mưa như Jay-Jay Okocha, cần cù bù khả năng như Gary Speed hay những người ngỡ như quá già và quá yếu để đá ở Ngoại hạng Anh như Fernando Hierro, Ivan Campo, Youri Djorkaeff...
Big Sam là một trong những HLV đầu tiên áp dụng thống kê và phân tích vào lối chơi. Ông có một đội ngũ số liệu đông như bầu đoàn thê tử của một ngôi sao nhạc pop, cung cấp cho ông mọi thông số từ thể lực đến dinh dưỡng. Khi luật việt vị thay đổi vào năm 2003, Big Sam là HLV hiếm hoi không than vãn mà thích nghi cực nhanh, biến nó thành lợi thế cho đội của ông.
Big Sam là mẫu HLV mà không ai muốn, nhưng ai cũng cần. Sau khi rời Bolton, ông lang bạt qua sáu CLB khác nhau ở Ngoại hạng Anh và luôn đảm bảo rằng: khi ông rời đi, CLB đều tốt hơn khi ông đến. Lúc truyền thông Anh ca tụng HLV Marco Silva của Watford, Big Sam nói: “Đừng sính ngoại thế, tôi chưa rớt hạng bao giờ, Marco từng rớt hạng với Hull City đấy”.
Big Sam tự hào không hề quá, bởi dù không có danh hiệu nào khi làm HLV trưởng, "chiếc Cup" lớn nhất đời ông là chưa bao giờ rớt hạng, kể cả CLB ông cầm có đang khủng hoảng đến đâu đi nữa. Nói theo ngôn ngữ khoa học, luật vạn vật hấp dẫn không tác động lên Big Sam, vì đội bóng của ông không bao giờ rơi xuống hạng dưới.
Tháng 7/2017, sau khi vớt Crystal Palace từ cõi chết trở về, ông ra đi và tuyên bố không cầm quân cấp độ CLB nữa. Vậy mà khi đề nghị từ Everton đến bốn tháng sau đó, Big Sam nhận lời ngay. Mấy tháng ngồi ngoài, chơi với con cháu khiến Big Sam nhớ việc. Và dường như Ngoại hạng Anh cũng nhớ ông. Hình ảnh một ông già bên đường piste, dáng mập mạp, miệng liên tục nhai kẹo cao su, hay cười cợt vì đủ thứ lý do thật quen thuộc, giống như một người bạn lâu năm. Có thì không để ý, nhưng vắng lại nhớ ngay.
Và Big Sam trở lại, lợi hại như xưa. Everton của ông thua hai trận gần nhất, nhưng họ rõ ràng đã là một đội bóng hoàn toàn khác so với khi ông nhậm chức. Hiện thân rõ nhất cho thay đổi mà Allardyce mang lại là Wayne Rooney. Trước khi Big Sam đến, anh đá 11 trận, ghi bốn bàn và không kiến tạo được gì. Sau khi có Big Sam, anh ghi sáu bàn, kiến tạo hai lần chỉ sau ... năm trận. Từ chỗ đang ở dưới khu vực đèn đỏ, bây giờ Everton đang lơ lửng ở giữa bảng điểm.
Bí quyết cầm quân của Big Sam thực ra rất giản dị, đã theo ông từ những ngày đầu cầm quân. "Tôi luôn khuyên mọi cầu thủ hãy chuyền quả bóng lên trên nếu có thể. Ngay cả trước những đội bóng phòng ngự hay nhất Ngoại hạng Anh, một đường chuyền nhanh lên trên cũng có thể tạo ra cơ hội ghi bàn. Chuyền ngang hoặc chuyền về chỉ càng làm đối phương tổ chức phòng ngự tốt hơn mà thôi", ông nói trên Sky Sports.
Trang Wikipedia thì mô tả như sau: "Khi còn là hậu vệ, ông rất ngại xử lý bóng. Có bóng là chuyền ngay cho người đứng gần nhất". Nghe cứ như… đùn đẩy trách nhiệm. Và khi làm HLV, Big Sam cũng khuyên các cầu thủ hãy đùn đẩy như thế. Có bóng cứ chuyền lên trên cho người thuận lợi nhất, nếu pha bóng ấy không thành công thì cầu thủ cũng không có lỗi.
Big Sam giống như hiện thân cho một tư duy thực dụng đến tận cùng, nhưng vẫn có đất sống giữa một Ngoại hạng Anh trăm hoa đua nở. Người hâm mộ và giới chuyên môn hay than thở về việc những HLV trẻ của Anh quốc không được trao cơ hội. Nhưng vấn đề là khi gặp khó khăn, trong đầu các CLB Ngoại hạng Anh luôn bật ra cái tên Sam Allardyce như một phản xạ. Học trò cũ Jermain Defoe đã nói: "Ông ấy luôn nói với chúng tôi như sau: 'Tôi không bận tâm chuyện mấy cậu đá đấm thế nào, miễn thắng là được".
Big Sam chắc chắn sẽ không bao giờ được chọn mặt gửi vàng cho những công việc lớn như tại Man Utd, Man City, Arsenal, Chelsea… Nhưng nhà cầm quân này vẫn thú vị theo cách của riêng ông: ngông nghênh, lì lợm, giang hồ với một phương châm sống duy nhất: cái gì có lợi thì làm thôi!
Hoài Thương