Thứ ba, 24/9/2019, 12:00 (GMT+7)

Ronaldo - kiệt tác dang dở của Barca

Huyền thoại vừa bước sang tuổi 43 Ronaldo Luis Nazario de Lima chỉ chơi cho Barca một mùa giải 1996-1997, và để lại nhiều sự tiếc nuối.

Tại một thành phố nổi tiếng về kiến trúc và nghệ thuật như Barcelona, Vương cung thánh đường Sagrada Familia vẫn nổi bật lên như công trình kỳ vĩ nhất mà ai cũng nên một lần ghé chân. Sagrada Familia đặc biệt không chỉ bởi vẻ ngoài độc nhất vô nhị, mà còn bởi dù được xây từ thế kỷ thứ 19, đến giờ, nó vẫn... chưa hoàn thiện. Hiện tại, Sagrada Familia vẫn tiếp tục được xây và dự kiến sẽ chỉ hoàn thiện vào năm 2026 - đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của kiến trúc sư Gaudi.

Về phần nào đó, mùa giải lịch sử 1996-1997 của Ronaldo Luis Nazario de Lima trong màu áo Barca cũng là một thứ kiệt tác dang dở như Sagrada Familia. Chàng tiền đạo răng thỏ người Brazil khiến CĐV xứ Catalonia phát cuồng với động tác dang rộng hai tay như tượng Chúa Cứu Thế tại Rio de Jainero mỗi khi mừng bàn thắng. Đó là mùa giải mà như cây viết Sid Lowe hồi tưởng: "Ronaldo là siêu thực. Anh ấy giỏi tới mức làm phần còn lại của giải đấu phải cảm thấy xấu hổ".

Nhưng cũng chính Ronaldo đã chọn ra đi chỉ sau vỏn vẹn một mùa giải, để lại không ít tiếc nuối lẫn trách móc từ những người ở lại. Cách Ronaldo ra đi thậm chí còn có phần cay đắng hơn cả khi hậu bối Neymar rời sân Camp Nou hai thập niên sau đó. Neymar ra đi để mơ tới Quả Bóng Vàng và lật đổ sự thống trị của bộ đôi Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Còn Ronaldo, ở mùa giải 1996-1997, là cầu thủ số một bóng đá thế giới .

Thương vụ kỷ lục thế giới

Trước khi gia nhập Barca, Ronaldo đã là một cầu thủ thành danh. Tài năng của anh được huyền thoại Jairzinho phát hiện và mài giũa tại CLB Cruzeiro của Brazil. Tại đây, anh ghi 44 bàn sau 47 trận ở tuổi ... 17. 

Hậu vệ Cafu hồi tưởng: "Lần đầu tiên tôi xem Ronaldo chơi bóng là ở Cruzeiro, khi cậu ấy còn là một đứa nhóc. Đó là trận đấu mà cậu ấy một mình ghi năm bàn. Từ thời khắc đó, Ronaldo đã cho thấy cậu ấy đích thực là một hiện tượng".

Ronaldo hãy còn là một cậu bé tuổi teen gày gò khi lên đội một Cruzeiro ở tuổi 16, nhưng sau đó tiến bộ với tốc độ tên lửa. Ảnh: UOL

Biệt danh "Il Fenomeno" (Hiện tượng) của Ronaldo ra đời từ đây. Ở tuổi 17, Ronaldo là thành viên tuyển Brazil vô địch World Cup 1994 trên đất Mỹ dù không vào sân lần nào. Sau giải đấu, Ronaldo chuyển tới châu Âu để chơi bóng cho PSV Eindhoven theo lời khuyên của đàn anh Romario - người cũng từng thành danh cùng CLB Hà Lan.

Trong hai mùa giải khoác áo PSV, Ronaldo tiếp tục thể hiện phong độ phi thường với 54 bàn sau 58 trận, bất chấp một chấn thương đầu gối khiến anh phải ngồi ngoài nhiều tháng trời trong mùa giải 1995-1996. Tiền đạo huyền thoại người Đức Rudi Voller thảng thốt: "Tôi chưa từng thấy ai 18 tuổi chơi hay đến vậy". 

Tờ The Guardian thì nhận xét trong một bài viết năm 2015: "Điều đáng kinh ngạc về Ronaldo trong năm đầu tại PSV là anh ấy đã hoàn hảo đến nhường nào dù còn là một cậu thanh niên mảnh khảnh. Từ tốc độ tia chớp, những pha đảo chân chóng mặt, ấn tượng về việc dốc bóng nhanh hơn chạy không bóng cho tới sức mạnh phần thân trên... đều đã có từ lúc này".

Ronaldo - Cruzeiro vs Bahia
 
 
Ronaldo, ở tuổi 16, ghi bàn năm bàn trong trận Cruzeiro thắng Bahia. 

Cùng thời điểm, chủ tịch Josep Lluis Nunez của Barca vừa sa thải huyền thoại Johan Cruyff và đưa về tân HLV Bobby Robson từ Porto. Sau khi tiễn biệt người được các cules phong Thánh, Nunez cần một bản hợp đồng bom tấn để xoa dịu CĐV. 

Trong cuốn tự truyện "Farewell but not Goodbye", cố HLV Robson hồi tưởng: "Nunez gọi tôi và hỏi: 'Này Bobby, chúng ta cần có một tiền đạo đẳng cấp, có thể ghi thật nhiều bàn thắng và khiến người hâm mộ phát cuồng. Anh có biết ai không?".

Ronaldo làm điên đảo giải vô địch Hà Lan bằng vô số màn trình diễn khó tin. Ảnh: ANP.

Robson đáp: "Có một cầu thủ Anh mà tôi rất ưng là Alan Shearer. Cậu ta có thể ghi bàn ở bất cứ đâu. Nếu được những Pep Guardiola và Hristo Stoichkov hỗ trợ ở phía sau, Shearer có thể ghi 30 bàn mỗi mùa dễ như ăn kẹo".

Sau lời khuyên trên, Robson thử đánh tiếng tới HLV Ray Harford – lúc này dẫn dắt Shearer tại Blackburn Rovers. Trước lời đề nghị hấp dẫn từ Robson, Harford chẳng những khẳng định Blackburn "sẽ không bán Shearer với bất kỳ giá nào" mà còn cấm Robson không được liên hệ với tiền đạo người Anh hay báo giới để tránh ảnh hưởng tâm lý Shearer.

Giữ lúc bế tắc, Robson được người bạn Stan Valckx gợi ý: "Có một cậu nhóc người Brazil chơi cho PSV sở hữu kỹ năng rê bóng hay hơn cả Shearer, và tôi biết PSV sẵn sàng bán cậu ta với giá 10 triệu USD". Sau khi xem qua những băng hình về Ronaldo, phó chủ tịch Joan Gaspart quyết định tới Rio để liên lạc với cầu thủ mới 20 tuổi này.

Ronaldo ở PSV
 
 
Ronaldo chói sáng trong màu áo PSV Eindhoven.

An ninh khách sạn không cho Gaspart tiếp cận Ronaldo. Vị phó chủ tịch Barca không bỏ cuộc và mượn trang phục cùng một lon Coca của nhân viên khách sạn. Ông cho biết: "Tôi khoác lên mình bộ đồng phục nhân viên, chào các nhân viên an ninh và nói rằng có một vị khách đề nghị tôi mang nước lên phòng. Lần này, họ để tôi qua. Tôi gõ cửa phòng Ronaldo và đích thân cậu ấy ra mở cửa. Hợp đồng được ký ngay trên giường khách sạn".

Ở thời điểm Gaspart tìm tới, Ronaldo đã đặt một chân rời khỏi PSV. Dù là ngôi sao số một của đội bóng, Ronaldo vẫn không được HLV Dick Advocaat đặc cách tạo điều kiện cho tham dự Olympic 1996 tại Atlanta. Trong trận chung kết Cup Quốc gia Hà Lan, Advocaat từng để Ronaldo – người đã ghi 54 bàn sau 57 trận trong hai mùa giải cho PSV - trên ghế dự bị, dù anh hoàn toàn lành lặn và bắt anh khởi động 35 phút trước khi tung vào sân. Ông cũng không ngại thể hiện thái độ khi Ronaldo muốn dự Olympic: "Cách Ronaldo đối xử với PSV là không thể chấp nhận nổi. Cậu ấy có thể ra đi và không bao giờ trở lại". Ronaldo đáp lại ngắn gọn: "Advocaat chẳng biết gì về bóng đá và đối nhân xử thế!".

Mức giá đàm phán giữa PSV tăng phi mã từ 10 triệu USD ban đầu lên tới kỷ lục thế giới lúc đó là 19,5 triệu USD. Con số này cao tới mức chủ tịch Nunez còn cảnh báo Robson: "Anh có biết rằng tương lai của anh phụ thuộc vào thương vụ này không?", trong khi HLV người Anh tự vấn: "Liệu có phải tôi đang nhìn thấy tài năng mà không ai có thể thấy được, hay có vấn đề gì với cậu ấy mà ai cũng nhìn ra cả, trừ tôi?".

Ronaldo ra mắt ở Barca hè 1996 với tư cách cầu thủ đắt giá nhất hành tinh. 

Sau khi giành HC đồng tại Olympic 1996, Ronaldo chuyển tới Barca với tư cách cầu thủ đắt giá nhất hành tinh. Tuy nhiên, kỷ lục đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Người phá kỷ lục này là... Alan Shearer – cầu thủ từng được Blackburn Rovers gán mác "không thể bán". Trong sự ngỡ ngàng của Robson và cả Sir Alex Ferguson, Newscatle nẫng tay trên Man Utd và có được chân sút người Anh với giá kỷ lục thế giới 15 triệu bảng (23 triệu USD).

Mùa giải thần thánh

CĐV bóng đá thế kỷ 21 không xa lạ với hiệu suất mỗi bàn một trận sau hơn một thập niên chứng kiến cặp thư hùng Messi và Ronaldo. Họ đã nâng tiêu chuẩn về một cỗ máy ghi bàn lên cao chót vót khi thường xuyên kết thúc mùa giải với 40 hoặc 50 bàn mỗi người trong nhiều năm. Nhưng trước kỷ nguyên Messi-Ronaldo, một tiền đạo với hiệu suất 0,5 bàn mỗi trận và khoảng 20 bàn mỗi mùa đã có thể được xem như thành công.

Vậy nên, 47 bàn sau 49 trận của Ronaldo có được cùng Barca mùa giải 1996-1997 khiến tất cả nhìn anh như người ngoài hành tinh. Trong số này có tới 34 bàn trong 37 trận đấu tại Liga, một kỷ lục ghi bàn tồn tại tới mùa giải 2009-2010 mới lại được tái lập, bởi... Messi.

Trước khi bóng đá có Messi và Cristiano Ronaldo, ghi bàn với hiệu suất mỗi trận một bàn như của Ronaldo là điều phi thường. Ảnh: AFP.

Mọi chuyện bắt đầu trong trận tranh Siêu Cup Tây Ban Nha với Atletico Madrid – đội vô địch cả La Liga lẫn Cup Nhà Vua mùa giải 1995-1996. Barca là đội chủ nhà trận lượt đi, song trận đấu được tổ chức tại sân Olympic ở đồi Montjuic thay vì thánh địa Camp Nou đang sửa chữa. Màn ra mắt của Ronaldo còn thiếu đi sự cổ vũ của khán giả nhà, khi chỉ có 37.000 CĐV có mặt để chứng kiến cầu thủ đắt giá nhất thế giới. Các cules vẫn tức giận với ban lãnh đạo đội bóng sau sự ra đi của Thánh Johan, và sự bổ sung những bản hợp đồng mới Victor Baia, Luis Enrique, Laurent Blanc hay sự trở lại của người cũ Hristo Stoichkov dường như vẫn không đủ.

Nhưng Ronaldo chỉ mất sáu phút để cho thấy anh sẽ là vị cứu tinh cho ban lãnh đạo Barca và là người hùng mới với các cules. Chỉ sáu phút sau khi bóng lăn, Ronaldo nhận bóng từ người đồng hương Giovanni, đẩy bóng một nhịp qua hậu vệ Atletico Madrid rồi sút chìm từ ngoài vòng cấm để mở tỷ số. Anh đưa hai tay giang rộng, làm động tác mừng bàn thắng theo bức tượng Chúa Cứu thế - điều mà các cules sẽ thấy rất nhiều trong mùa giải đó.

Trận lượt đi Siêu Cup kết thúc với thắng lợi 5-2 cho Barca, trong đó tân binh Ronaldo đóng góp hai bàn. Trong một dàn tân binh thượng thặng của Barca, Ronaldo vẫn đứng riêng một góc trời. Người đồng đội Oscar Garcia của anh mùa giải đó chia sẻ với Bleacher Report: "Tới lúc ấy, tôi chưa từng thấy ai chơi bóng với kỹ thuật, sự sáng tạo và chính xác ở tốc độ phi thường đến vậy. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên chúng tôi gặp Ronnie, cậu ấy đã có thể làm dễ như bỡn những thứ các cầu thủ khác thấy chật vật để làm. Điều đáng nói là Ronaldo có thể làm những động tác đó khi đang chạy ở một tốc độ không thể tin nổi".

Ronaldo ghi bàn đầu tiên trong màu áo Barca
 
 
Bàn đầu tiên của Ronaldo cho Barca.

"Ronaldo luôn tận hưởng niềm vui và thường xuyên pha trò trên sân tập. Một trong những trò đùa thường gặp nhất của chúng tôi mùa giải đó là khi tôi yêu cầu cậu ấy... chạy chậm lại khi ăn mừng bàn thắng. Mỗi khi cậu ấy giang rộng tay chạy ra góc khán đài, tôi phải hô 'Ronaldo, phanh lại!' để tôi đuổi theo kịp và đứng trong cùng khung hình", Oscar Garcia nói thêm.

Với Garcia, ngay cả thiên tài Messi cũng không thể sánh bằng Ronaldo của mùa giải duy nhất anh khoác áo Barca. Ông kể: "Chỉ trong một năm ở Barca, bạn đã biết chắc anh chàng này sẽ trở thành một trong bốn, năm cầu thủ hay nhất lịch sử bóng đá. Đó là một mùa giải kỳ vĩ, và cậu ấy là một hiện tượng. Ronnie có khả năng làm bất cứ điều gì và không một ai có thể ngăn cậu ấy lại trên sân tập. Tôi từng ở Barca khi Leo Messi chơi bóng ở phong độ cao nhất. Nhưng cả đời tôi vẫn chưa gặp ai xuất chúng như Ronaldo".

Cựu trung vệ Laurent Blanc đồng tình, khi nói trên tờ El Pais: "Tôi chưa từng gặp ai có thể ghi những bàn thắng không tưởng trong mọi trận đấu như Ronaldo. Maradona từng ghi những bàn thắng xuất chúng tại Mexico năm 1986, nhưng Ronaldo làm điều đó hàng ngày!". Tháng 10/1996 - chỉ hơn hai tháng từ khi Ronaldo ra mắt Barca, bình luận viên Joaquim Maria Puyal đã tuyên bố trên sóng Radio Catalunya: "Ronaldo là tổng hoà của mọi giá trị trong bóng đá!".

Nếu xem lại các bàn thắng của Ronaldo trong mùa giải đó, khán giả sẽ thấy rất nhiều lần chàng tiền đạo răng thỏ dứt điểm vào lưới trống. Đơn giản là bởi trước đó, anh đã đi bóng qua hết hàng phòng ngự - bao gồm cả thủ môn đối phương - để đặt bản thân vào tình huống không thể không ghi bàn. Giống cách Arjen Robben về sau ngoặt bóng từ cánh phải và cứa lòng bằng chân trái, các đối thủ của Barca mùa ấy cũng biết "độc chiêu" của Ronaldo là gì, nhưng ngăn cản anh lại là chuyện khó như lên trời. Những động tác đảo chân, thay đổi trọng tâm đột ngột của Ronaldo khiến mọi đối thủ choáng váng.

Trên tờ Bleacher Report, hậu vệ Quinton Fortune của Atletico Madrid - năm đó mới 19 tuổi - ví việc được tận mắt chứng kiến Ronaldo như một tác phẩm nghệ thuật: "Tôi từng nghe về bức tượng Chàng David của Michelangelo, và dù tôi chưa từng đặt chân tới Florence, Ronaldo mùa giải ấy có lẽ cũng đẹp tựa như kiệt tác điêu khắc ấy. Hội hoạ, thi ca, tất cả môn nghệ thuật... đẹp nhường nào thì Ronaldo trong bóng đá cũng đẹp nhường ấy. Barca gặp Atletico ba lần mùa giải đó thì Ronaldo ghi tới tám bàn!"

"HLV Antic từng dặn tôi: 'Tôi muốn cậu theo kèm Ronaldo'. Nhưng lần tôi tới gần anh ấy nhất là màn... đổi áo sau trận đấu. Có những cầu thủ rất nhanh, có người lại khoẻ, có người lại cực khéo. Ronaldo là tất cả trong một. Tôi từng thần tượng Pele, cho tới khi được đứng chung sân với Ronaldo", cầu thủ người Nam Phi kể tiếp.

Ronaldo giúp Barca dưới trướng Bobby Robson có một cỗ máy ghi bàn trên hàng công. Ảnh: FourFourTwo.

"Hiền triết" bóng đá Jorge Valdano thì nói câu kinh điển: "Ronaldo không phải một cá nhân, cậu ấy là một... bầy người!". Anh đùa giỡn với các hàng phòng ngự, anh khiến những thủ thành trở nên khốn đốn đến tội nghiệp. Hậu vệ Cesar Gomez của Tenerife thở dốc sau khi được giao nhiệm vụ kèm Ronaldo: "Kèm cậu ta là việc khó nhất trên đời. Tôi mệt như thể vừa phải chơi năm trận bóng liền chứ không phải một trận".

Các hàng phòng ngự tại La Liga lúc đó đã thử tìm cách ngăn chặn Ronaldo bằng cách đổ bê tông, nhưng bất lực. Đơn giản bởi anh quá nhanh, tới mức các hậu vệ chẳng kịp dàn xếp sơ đồ như ý muốn. HLV Luis Aragones của Valencia từng phát điên với các học trò khi những chỉ đạo "đơn giản" của ông không thể thành hiện thực, trong khi những cầu thủ trong sân chỉ biết lắc đầu ngao ngán như thể muốn nói: "Ông có giỏi thì vào mà làm". Trận đấu đó, Ronaldo ghi một hat-trick.

Bàn thắng nổi tiếng nhất của Ronaldo trong màu áo của Barcelona diễn ra vào tháng 10/1996 trước Compostela. Anh đón bóng từ giữa sân, thoát khỏi sự đeo bám của hai cầu thủ, dốc bóng một mạch tới vòng cấm địa. Anh đảo chân thanh thoát để loại bỏ một hậu vệ trước khi dứt điểm quyết đoán hạ gục thủ môn đối phương. Ở trong sân, Stoichkov đòi bóng khi Ronaldo tiến gần tới vòng cấm, nhưng rồi nhận ra chân sút đàn em sẽ quyết định dứt điểm. Ở ngoài sân, cả ban huấn luyện Barca - bao gồm cả thông dịch viên trẻ người Bồ Đào Nha Jose Mourinho - nhảy cẫng lên vì sung sướng.

Siêu phẩm vào lưới Compostella
 
 
Ronaldo độc diễn ghi bàn vào lưới Compostela.

Sau khi mừng bàn thắng, Robson có một khoảnh khắc đứng yên thẫn thờ, như thể không tin những gì mình vừa chứng kiến. Một bàn thắng cho thấy tất cả những phẩm chất của Ronaldo: tốc độ phi phàm, sức mạnh không tưởng, kỹ thuật siêu hạng và khả năng dứt điểm của một sát thủ. Ronaldo là cầu thủ chỉ xuất hiện trong các trò chơi Play Station. Các cầu thủ Compostela đã tìm mọi cách để ngăn cản anh, từ kéo áo cho tới định phạm lỗi, nhưng vẫn không thể.

Những lời của Bobby Robson sau trận đấu cũng là suy nghĩ của rất nhiều người: "Bạn có thể đi tới bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng chẳng thể tìm nổi một người có thể ghi những bàn thắng như vậy. Tôi đã xem bóng đá đủ lâu, và tôi chưa từng thấy một ai ở tuổi 20 xuất sắc đến nhường này. Có ai - dù bạn ở đâu - cho tôi thấy một người giỏi hơn Ronaldo hay không?".

Bàn thắng vào lưới Compostela thậm chí còn được hãng Nike - nơi tài trợ đồ thể thao cho Ronaldo - sử dụng cho chiến dịch quảng cáo với thông điệp: "Hãy thử tưởng tượng bạn xin Chúa cho bạn trở thành cầu thủ hay nhất thế giới, và Chúa lắng nghe bạn".

Hàng thủ Compostela như bị biến thành những hình nhân trong tình huống làm bàn siêu phẩm của Ronaldo.

Đổ vỡ và ra đi

Nhưng mùa 1996-1997 không phải chỉ toàn màu hồng với Ronaldo và Barca. Vào cuối tháng 10/1996, anh gặp một chấn thương và có một thời gian chểnh mảng trong tập luyện. Đây cũng là thời điểm mà tiền tài, danh vọng đã khiến chàng trai 20 tuổi này có cái tôi lớn hơn rất nhiều, như cách anh trả lời về đề nghị chụp ảnh cùng siêu mẫu Cindy Crawford: "Người ta đáng ra phải bảo cô ấy tới để được chụp ảnh cùng tôi".

Theo Bleacher Report, Ronaldo có tới chín lần bay từ Barcelona về Brazil trong các tháng 12/1996 và 1/1997 để gặp gỡ bác sĩ chuyên điều trị đầu gối và... tiệc tùng ở quê nhà. Hình ảnh Ronaldo đội chiếc mũ lông chim màu xanh, khoác chiếc áo bóng lộn màu vàng tại lễ hội carnaval Rio xuất hiện trên nhiều mặt báo khiến những người tại Barca - từ ban lãnh đạo, HLV Robson cho tới các cules đều không hài lòng. Việc Ronaldo tiệc tùng hoàn toàn trái ngược với người đồng hương Giovanni chọn ở lại Barcelona: "Tôi cũng yêu Carnaval, nhưng nghĩa vụ của tôi là ở lại đây để tập luyện".

Cái tôi ngày một lớn khiến Ronaldo dần đánh mất cảm tình trong mắt người hâm mộ Barca. 

Tình hình còn xấu hơn khi Ronaldo bị chính các cổ động viên nhà huýt sáo sau khi tịt ngòi từ giữa tháng 11/1996. Anh thẳng thừng tuyên bố trên báo chí địa phương: "Những ai tới sân để la ó đội nhà không phải là CĐV Barca đích thực, và họ tốt nhất nên ở nhà". Tới tháng 2/1997, Ronaldo thậm chí còn tới sân tập muộn 75 phút, do một ... trò đùa từ Stoichkov. Thay vì trả lời lịch tập vào buổi sáng, đàn anh người Bulgaria trả lời giờ tập vào buổi chiều khi Ronaldo hỏi.

Hệ quả là sáng hôm sau, một lãnh đạo Barca trực tiếp gọi điện mắng mỏ Ronaldo lúc này còn đang ngái ngủ: "Đã hơn 10h rồi mà cậu không tới sân tập sao?". Nếu câu chuyện xảy ra hiện tại - như cách Ousmane Dembele chểnh mảng trên sân tập, chắc hẳn truyền thông đã làm rùm beng. Nhưng Bobby Robson, khi ấy, đã chọn cách tế nhị, không trách cứ học trò người Brazil.

Đổi lại, Ronaldo ghi 24 bàn trong 21 trận kể từ tháng 2/1997 cho tới cuối mùa giải. Số này bao gồm cú hat-trick trong trận tứ kết lịch sử với Atletico Madrid tại Cup Nhà Vua. Trong trận chung kết Cup Winner's Cup (Cup C2 châu Âu) với PSG, Ronaldo cũng ghi bàn duy nhất đem lại chức vô địch cho Barca.

Nhưng bất chấp phong độ kỳ vĩ và tất cả lời khen đó, Ronaldo kết thúc mùa giải như một kẻ phản bội trong mắt CĐV Barca. Luis Enrique - người ghi 17 bàn  - mới là người được trao giải "Cầu thủ hay nhất mùa" của CLB, trong khi Ronaldo bị ngó lơ dù anh là đương kim chủ nhân giải Cầu thủ của năm của FIFA và Chiếc giày Vàng châu Âu với 47 bàn sau 49 trận. 

Barcelona - PSG 1972
 
 
Ronaldo giúp Barca hạ PSG ở chung kết Cup C2 1997.

Lối sống ngoài sân cỏ cộng thêm việc Ronaldo vắng mặt trong những thời khắc quan trọng nhất của mùa giải đã khiến các cules ngoảnh mặt với cầu thủ người Brazil. Khi La Liga chỉ còn ba trận đấu, Barca mất đi cầu thủ hay nhất của họ dù anh hoàn toàn lành lặn. Lý do là Ronaldo chọn lên tuyển Brazil để dự Tournoi de France - giải tứ hùng giao hữu với Italy, Anh và chủ nhà Pháp. Đó là bước đệm để chuẩn bị cho Copa America 1997 - giải đấu sẽ bắt đầu từ ngày 11/6 tại Bolivia.

Trong nhiều tháng liền, Barca cố thuyết phục FIFA rằng Tournoi de France không phải một giải đấu nằm trong lịch chính thức của họ, hòng không nhả người cho tuyển Brazil. FIFA từ chối yêu cầu này, trong khi Ronaldo cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đá chính tại Brazil ở tuổi 20.

Ronaldo trong màu áo Brazil đấu Italy ở Tournoi de France 1997. 

La Liga năm đó kết thúc vào ngày 21/6, đồng nghĩa với việc Ronaldo bỏ lỡ ba trận đấu cuối của Barca và cả trận chung kết Cup Nhà Vua gặp Real Betis. Barca sảy chân với thất bại 1-2 trước Hercules và ngậm ngùi nhìn kình địch Real Madrid vô địch La Liga với hai điểm nhiều hơn. Sau trận thua Hercules, người được chọn để thay thế Ronaldo là tiền đạo Juan Antonio Pizzi thừa nhận: "Tôi chỉ là một cầu thủ bình thường, trong khi Ronaldo là người ngoài hành tinh".

Nhiều năm sau, Bobby Robson vẫn khẳng định Barca đáng lẽ sẽ không thua Hercules nếu có Ronaldo trong đội hình. Theo nhà báo Graham Hunter, bầu không khí anti-Ronaldo có thể được cảm nhận rõ rệt trong trận chung kết Cup Nhà Vua giữa Barca và Betis. Các cules không chấp nhận việc Ronaldo tham gia Tournoi de France và khiến Barca đánh mất chức vô địch La Liga.

Ronaldo ở Tournoi de France 1997
 
 
Ronaldo bắt đầu đá chính ở tuyển Brazil từ Tournoi de France 1997.

Barca đoạt Cup Nhà Vua, trong khi Ronaldo có chức vô địch Copa America 1997 và được bầu chọn là "Cầu thủ hay nhất giải". Nhưng họ không còn đi chung đường. Sự xuất chúng của Ronaldo khiến chỉ vài tháng sau khi tuyển mộ, ban lãnh đạo Barcelona đã nghĩ tới việc ràng buộc anh với một bản hợp đồng có thời hạn tới năm 2006.

Sau nhiều tháng đàm phán đi vào bế tắc, những tưởng hai bên đã tìm được tiếng nói chung khi vào tháng 5/1996, chủ tịch Nunez tuyên bố sẽ ký bản hợp đồng chín năm với Ronaldo với thù lao 2,6 triệu USD mỗi năm. Nhưng một cách đột ngột, những người đại diện của Ronaldo rút khỏi bàn đàm phán, trong khi Ronaldo công khai chỉ trích Nunez trên mặt báo: "Những gì ông ấy đã nói đều là dối trá và chúng tôi không còn đàm phán với họ nữa. Nunez nói với tôi một đằng và nói với những người đại diện của tôi một nẻo. Ông ta đã lừa dối chúng tôi suốt bảy tháng trời. Thật đáng buồn nhưng tôi buộc phải ra đi".

Với 27 triệu USD phí giải phóng hợp đồng, Ronaldo lần thứ hai phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới khi gia nhập Inter hè 1997. Tại đây, anh tiếp tục thể hiện phẩm chất thiên tài, trước khi vật lộn với chấn thương đầu gối. Năm 2002, anh trở lại Tây Ban Nha nhưng là để khoác áo Real Madrid. Cuộc tình với Barca khởi đầu một cách ngọt ngào, nhưng kết thúc cay đắng. CĐV Barca gọi anh là "kẻ phản bội", trong khi vào năm 2016, Ronaldo tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi ước gì bàn thắng vào lưới Compostela được ghi trong màu áo Real Madrid!".

Ronaldo gia nhập Inter với tư cách cầu thủ đắt nhất thế giới trong hè 1997, khép lại mối duyên ngắn ngủi cùng Barca. 

Nhưng ngay cả khi đã giành cả La Liga và Pichichi cùng Real, sự nghiệp Ronaldo ở cấp CLB chưa khi nào rực rỡ như mùa giải 1996-1997 cùng Barca. Một Camp Nou từng chứng kiến sự vĩ đại của Johan Cruyff, Diego Maradona hay Romaria vẫn phải trầm trồ thán phục ma thuật của Ronaldo. Trước anh, Barca từng có những quái kiệt. Sau anh, Barcelona vẫn có những nhân tài xuất chúng, với sự ổn định về phong độ vượt trội. Nhưng Ronaldo trong mùa giải kỳ vĩ đó vẫn là một "món quà" thật đặc biệt với những ai từng có may mắn chứng kiến anh chơi bóng.

Như cách bại tướng Quinton Fortune hồi tưởng: "Ronaldo là một nhân vật thần thoại. Tôi từng chơi bóng với Cristiano Ronaldo và ngưỡng mộ cậu ấy. Tôi yêu Lionel Messi. Với tôi, Neymar thật tuyệt vời, còn Ronaldinho có tài năng xuất chúng. Nhưng nếu bạn gộp tất cả bọn họ vào một, bạn sẽ có được Ronaldo của mùa giải năm ấy."

Thịnh Joey