Thứ sáu, 22/2/2019, 09:00 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Viettel, với lợi thế về thị trường và con người hiện có, tập đoàn tự tin làm chủ thiết bị 5G.

Trong một cuộc tọa đàm tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mục tiêu của Việt Nam là triển khai chính thức mạng 5G trong năm 2020. Bộ cũng đã đưa ra kế hoạch triển khai thử nghiệm trong năm 2019.

Ngày 22/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ký quyết định cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho nhà mạng đầu tiên là Viettel. VnExpress có cuộc trao đổi với Phó tổng giám đốc Viettel, ông Nguyễn Đình Chiến về cơ hội và thách thức cũng như mục tiêu của Tập đoàn trong lĩnh vực này.

Việt Nam đặt mục tiêu là quốc gia đi đầu trong triển khai 5G, điều này tạo sức ép ra sao với Viettel?

Thực ra, ở Viettel, sức ép chính là động lực, còn những việc không có sức ép thì không cần thiết phải làm. Chúng tôi có nguyên tắc: Cái gì mà người khác làm rồi và làm tốt thì mình không cần làm nữa. Nhưng với 5G thì chưa có ai làm mà Việt Nam đang cần một hạ tầng viễn thông được bảo bảo vệ mạnh mẽ, trọn vẹn từ bên trong, thì chỉ làm được khi mình làm chủ hệ thống đó mà thôi.

5G là nền tảng cho xã hội số, chuyển đổi số nên Viettel phải làm được. Sản xuất thiết bị 5G là việc phải làm, là nhiệm vụ chính trị của đất nước nên chúng tôi không bàn về sức ép. Thế nhưng, xét về độ khó thì làm 5G còn dễ hơn Viettel làm 4G.

Ông có thể lý giải tại sao làm 5G lại dễ hơn làm 4G?

Trước khi làm 4G, chúng tôi chưa từng sản xuất một thiết bị 2G hay 3G nào cả, nên từ chỗ không có gì thành một nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông thực sự là khó nhất. Còn sản xuất 4G lên 5G tất nhiên cũng khó nhưng mình đã có kinh nghiệm rồi, cộng thêm nhiều điều kiện khác thuận lợi bởi thị trường nữa nên cơ hội lớn hơn trước đây. Việc nói làm 5G dễ hơn 4G là ở khía cạnh đó.

Bài toán bây giờ không phải là có làm được không mà là làm thế nào cho nhanh. Làm sao để làm cho kịp tiến độ đầu tư 5G của Viettel ở Việt Nam, và sau đó là đi ra thế giới.

Thách thức lớn nhất mà Viettel đối mặt khi theo đuổi kế hoạch này?

Nếu như trước đây sản xuất các thiết bị viễn thông có nhiều nhà cung cấp thì đến 5G chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tôi nói dễ ở trên là dựa trên cách tiếp cận của Viettel đối với 5G khi so sánh với làm 4G. Còn độ khó về mặt kỹ thuật thì cũng giống như nhau. Rút cục thì các chuyên gia công nghệ của chúng tôi vẫn phải ngày đêm tìm phương án lập trình, thiết kế, vô tuyến, cơ khí...

Bản chất của việc phát triển thiết bị, công nghệ 5G hiện nay không phải nghiên cứu từ đầu mà dựa nhiều vào các phát minh đã có sẵn, mình chỉ áp dụng để phát triển sản phẩm 5G mà thôi. Ở đây, cái khó nhất không phải là vấn đề công nghệ mà là bài toán thị trường. Đây cũng là vấn đề chung của ngành sản xuất thiết bị viễn thông.

Viettel công bố đầu tư 40 triệu USD để phát triển chip 5G, ông có thể nói rõ hơn về tiến độ dự án?

Chúng tôi đang làm song song: phát triển các thiết bị với chip 5G mua của các nhà cung cấp khác và tự phát triển con chip 5G riêng của Tập đoàn. Với công đoạn tự phát triển chip 5G thì chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm sự hợp tác từ các chuyên gia, đối tác cả trong và ngoài nước với cách tiếp cận mới mẻ để có thể thực hiện thành công dự án này.

Viettel sẵn sàng hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm khi phát triển dự án chip và thiết bị 5G với các đối tác của mình. Khát vọng của chúng tôi là muốn tạo nên một mạng 5G do người Việt hoàn toàn làm chủ và rất sẵn lòng thử nghiệm cách làm mới.

Mục tiêu xa hơn của việc sản xuất thiết bị 4G và 5G là gì, thưa ông?

Tất nhiên là bán được sản phẩm ra nước ngoài. Thực tế, các thiết bị 4G đã được bán và lắp đặt tại một thị trường mà Tập đoàn đang kinh doanh. Với 5G chúng tôi cũng dự kiến như vậy và còn xa hơn nữa. Điểm khác biệt lớn với các thiết bị 4G và 5G do Viettel sản xuất là người mua sẽ được chia sẻ bí quyết tự làm chủ thiết bị. Chúng tôi sẽ chia sẻ cho họ chứ không phải giữ lại như các nhà cung cấp khác. Khi được làm chủ sản phẩm, người sử dụng sẽ cảm thấy yên tâm hơn về mặt an ninh, đồng thời có thể tùy biến cho nhiều nhu cầu đặc thù của chính mình. Nói cách khác, hệ thống do chúng tôi cung cấp sẽ mở chứ không đóng như các nhà sản xuất khác.

Đầu tư để làm chủ thiết bị và nếu thành công thì lại chuyển luôn bí quyết cho khách hàng chứ không giữ lại như các nhà cung cấp khác. Điều này liệu có ảnh hưởng đến doanh thu của Viettel?

Đó chính là sự khác biệt của Viettel so với những nhà cung cấp khác. Mình muốn phát triển sản phẩm và mở rộng thì phải bán được nhiều mới bù được chi phí. Và cũng thông qua việc tự phát triển các tính năng đặc thù, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng, nhiều công ty cũng có nhu cầu giống như mình. Nếu dạy họ cách làm chủ thiết bị để họ linh hoạt và hiệu quả hơn trong kinh doanh thì họ sẽ mua sản phẩm của mình. Thêm nữa, khi mình đã chuyển hết bí quyết cho người ta rồi không còn gì nữa thì bắt buộc phải phát triển lên. Đây cũng là cách tạo ra sức ép buộc chúng tôi phải phát triển tiếp và có cái mới để cung cấp cho khách hàng. Xét về mặt phát triển, làm như vậy cũng đồng nghĩa với việc Viettel sẽ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của ngành viễn thông thế giới nói chung.

Minh Minh