Thứ sáu, 6/7/2018, 15:19 (GMT+7)

Oscar Tabarez - ông giáo già xây mộng cho Uruguay

Đã 71 tuổi, phải đi lại bằng nạng, nhưng HLV Tabarez vẫn tận hiến cho sứ mệnh khôi phục niềm tự hào bóng đá Uruguay.

Hình ảnh Tabarez chống nạng di chuyển đang trở nên quen thuộc tại World Cup 2018, giải đấu lớn có thể là cuối cùng của ông trên cương vị HLV trưởng tuyển Uruguay.

Tabárez đã sống đủ lâu để biết một phần cảm xúc khi Uruguay thống trị thế giới. Mùa hè 1950, Uruguay còn chưa có TV, và cả nước phải dõi theo hành trình của đội tuyển tại World Cup qua đài phát thanh. Khi Uruguay làm cả thế giới sửng sốt với chiến thắng trước chủ nhà Brazil năm 1950, Tabarez còn là một chú bé ba tuổi ngơ ngác, nhìn người lớn tràn hết cả ra đường.

Vật đổi sao dời. Khi Uruguay đánh bại Ai Cập ở vòng bảng, trên các mạng xã hội xuất hiện một đoạn video mà trong đó, các học sinh ở một trường học theo dõi trận đấu qua một chiếc TV màn hình phẳng. Khi trận đấu kết thúc, đám trẻ ùa ra sân trường để ăn mừng. Người Uruguay rất mê bóng đá. Nên vào những ngày Uruguay thi đấu, các học sinh đều được cho nghỉ học. Trận đấu với Pháp vào tới đây, thầy trò trên toàn Uruguay sẽ lại quây quần bên màn ảnh.

Khuôn cảnh một ngôi trường là rất phù hợp để kể chuyện về Oscar Tabarez. Ông có biệt danh là El Maestro (ông giáo), vì ông từng làm nghề gõ đầu trẻ. Và thành công của Tabarez cùng đội tuyển Uruguay trong suốt hơn mười năm qua cũng đến từ việc: bóng biến đội bóng thành mô hình của một ngôi trường.

Từ sau chức vô địch của thế hệ Schiaffino, Varela, Ghighia năm 1950 - khi Oscar Tabarez mới ba tuổi, Uruguay vẫn chưa một lần trở lại đỉnh cao vinh quang ở World Cup. 

Ngôi trường ấy rất chú trọng môn lịch sử. Ông luôn nhắc nhở cho thế hệ cầu thủ hôm nay về quá khứ oai hùng của cha ông. Năm 1950, Uruguay chỉ có vỏn vẹn 2,25 triệu dân. Vậy mà họ lần thứ hai vô địch thế giới, trong lần thứ hai tham dự. Chiếc Cup đầu tiên đến vào năm 1930, cũng là năm khai sinh World Cup. Hai giải đấu sau đó (1934, 1938) họ tẩy chay không dự. Thêm hai giải đấu tiếp theo bị hủy vì Chiến tranh thế giới thứ hai, Uruguay trở lại World Cup 1950 và làm nên thảm họa Maracanazo cho người Brazil. Trước đó, họ cũng đã từng giành hai HC vàng Olympic vào các năm 1924, 1928. Trước khi người Brazil bước vào kỷ nguyên Pele vàng son từ 1958-1972, người Tây Ban Nha dùng tiki-taka chinh phạt tất cả, thế giới đã chứng kiến một đế chế vĩ đại mang tên Uruguay.

Tabarez nói hồi World Cup 2014: "Uruguay sở hữu một trong những nền văn hóa bóng đá quan trọng bậc nhất thế giới. Ở đây, bóng đá góp phần tạo nên nhận diện của quốc gia".

Không một người Uruguay nào lao tâm khổ tứ để khôi phục niềm tự hào quốc gia như Tabarez. Khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng vào năm 2006, Uruguay vừa bị loại lần thứ ba, trong bốn vòng loại World Cup gần nhất. Họ cũng đã không giành được Copa America nào kể từ 1995. 

Những tình huống như cú vào bóng của Batista đốn ngã Strachan (áo sẫm) từng khiến bóng đá Uruguay bị gắn liền với tiếng xấu bạo lực, tiểu xảo. 

Suốt một thời gian dài, khi nghĩ về Uruguay, người ta liên tưởng ngay đến một đội bóng có lối chơi rất xấu xí. Paolo Montero, trung vệ khét tiếng của Uruguay về chơi xấu, đến nay vẫn giữ kỷ lục cầu thủ bị phạt nhiều thẻ đỏ nhất trong lịch sử Serie A. Hay World Cup 1986, Jose Batista của Uruguay đạp đối thủ Scotland, Gordon Strachan từ phía sau và bị truất quyền thi đấu chỉ sau… 56 giây. Đến giờ, đấy vẫn là chiếc thẻ đỏ nhanh nhất trong lịch sử World Cup.

Uruguay từng bị xem như một đế chế đã mất. Quốc gia này có diện tích 176.000 km2, nhưng dân số chỉ có ba triệu người. Với mật độ dân thưa thớt ấy, khi đãi cát tìm vàng, các HLV bóng đá của Uruguay rất vất vả.

Nhưng Tabarez không ngồi yên than thở. Bốn năm sau khi được bổ nhiệm, ông mang Uruguay vào bán kết World Cup 2010. Đến World Cup 2014, Uruguay loại Anh và Italy ở vòng đấu bảng. Và ông cũng mang Copa America về lại Uruguay, sau gần hai mươi năm.

Nỗ lực của Tabarez, cả trên bình diện quốc gia lẫn đội tuyển, từng bước làm thay đổi hình ảnh bóng đá Uruguay. 

Thành công ấy được chính Tabarez đặt nền tảng từ trước khi lên ngồi vào ghế HLV trưởng. Trong vai trò là một nhà tư vấn cho LĐBĐ Uruguay, ông đã áp dụng mô hình trường học vào nền bóng đá nước này. Các cầu thủ đi từ những tuyến trẻ lên đội tuyển y như học sinh lên lớp.

Các cầu thủ Uruguay không chỉ được dạy kỹ, chiến thuật, họ còn được dạy về sự khiêm cung, lễ độ và tinh thần tập thể. Diego Forlan, cựu thủ quân của Uruguay, nói: "Thầy luôn bảo bóng đá là một cái nghề, và bất kỳ cái nghề nào cũng có đạo đức nghề nghiệp. Cầu thủ hành xử như một con người sẽ tạo nên phẩm giá. Anh có thể đá bóng hay, nhưng nếu không hành xử tốt, nó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của chính anh và đội bóng của anh".

Trong bản đề án mà Tabarez gửi cho LĐBĐ Uruguay vào đầu năm 2000, ông viết: "Một cầu thủ trẻ nên luyện tập, nhưng cũng đồng thời chuẩn bị cho những thử thách trong đời. Người trẻ phải được học, chúng ta không nên cản trở, mà phải ủng hộ. Việc học cũng sẽ bồi dưỡng ngược lại tiềm năng thể thao".

Ở Uruguay, gần như không có một tuyến trẻ nào mà Tabarez không nhúng tay vào, từ U15 cho đến đội lớn. Ông như một vị hiệu trưởng khả kính, luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp ở các học trò. Lấy Luis Suarez làm ví dụ. Khi mới lên đội một của Nacional, anh bị chỉ trích nhiều vì hay mất bóng và bỏ lỡ những cơ hội ghi bàn mười mươi. CĐV la hét nhiều và các HLV cũng dần mất kiên nhẫn với Suarez. Nhưng Tabarez kể lại: "Tôi luôn nhìn thấy sức mạnh tiềm ẩn của cậu ấy. Nên tôi nói với những HLV chỉ trích anh ta 'Các anh không thấy nó đang nỗ lực thế nào ư? Nó mất bóng nhiều thật, nhưng khi có bóng nó luôn lao thẳng vào mặt hậu vệ. Nó luôn cố thoát qua người kèm một cách nhanh nhất, nó luôn lẻn được ra sau lưng hàng thủ để đón đường chuyền. Tất cả điều đó không ấn tượng sao?".

Tabarez thu phục các học trò bằng kiến thức rộng, uyên bác và sự nhiệt tình.  

Ở trung tâm huấn luyện của Uruguay, Tabarez đã cho treo rất nhiều tranh trắng đen của những huyền thoại trong quá khứ. Cầu thủ bước vào đây, nạp năng lượng tích cực vào người và ra sân tập luyện hăng say hơn. Ông cũng cho thiết lập một chỗ để nướng thịt, một kiểu lửa trại để có thể kể chuyện cho các cầu thủ trẻ nghe. Có kiến thức uyên thâm về lịch sử, địa lý và nghệ thuật, những câu chuyện của Tabarez luôn hiện lên sinh động.

Forlan nhớ lại: "Có một lần, chúng tôi đến Nhật thi đấu và ai cũng ngạc nhiên về nền văn hóa ở đây. Thế nên sau bữa ăn tối, thầy gọi tất cả mọi người lại rồi kể chuyện về nước Nhật. Tất cả há hốc mồm nghe trong thích thú. Thầy là một người uyên bác".

Tabarez luôn tổ chức những chuyến tham quan bảo tàng và nhà hát cho các cầu thủ trẻ. Ông khuyên họ nên nghe nhạc cổ điển và tìm hiểu về thực vật học. Claudio Pagani, người điều hành trung tâm huấn luyện quốc gia Uruguay, nói: "Tabarez có hiểu biết đáng kinh ngạc về thực vật, cây cảnh".

Uruguay dưới trướng Tabarez chơi quyết liệt, nhưng không bạo lực. 

Tabarez cũng quan niệm rất rõ ràng về cái gọi là "Tiên học lễ, hậu học văn". Ông không cho phép cầu thủ trẻ bỏ lại thức ăn thừa hay ngồi gác chân lên ghế. Điện thoại di động tuyệt đối bị cấm trong các bữa ăn, trong lúc họp đội và bàn chiến thuật. Ông yêu cầu các cầu thủ phải nói chuyện với nhau hàng ngày. Và khi một ai đó đưa chọ lọ tiêu hay dọn đĩa khỏi bàn, cầu thủ buộc phải nói lời cám ơn.

Ông cũng từng bước xóa đi hình ảnh xấu xí của Uruguay trong mắt bạn bè thế giới. Ông cấm cầu thủ chơi xấu, triệt hạ đối thủ và không phàn nàn quá nhiều về trọng tài. Luis Suarez với hành vi cạp vai của Giorgio Chiellini là vết nhơ hiếm hoi của Uruguay dưới thời Tabarez. World Cup 2014 này, Uruguay đang là đội Fair-Play nhất khi mới lãnh đúng một thẻ vàng. Trong tám đội ở tứ kết, họ cũng là đội phạm lỗi ít nhất. Tabarez rõ ràng đang làm rất tốt việc phân định giữa quyết liệt và bạo lực.

Đội trưởng Diego Godin nói: "Chúng tôi dành tình yêu và sự kính trọng lớn cho El Maestro. Ông ấy không chỉ là một HLV mà còn là một nhà giáo dục, người dẫn đường".

Ở tuổi 71, Tabarez là HLV già nhất tại World Cup. Nhưng ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Với 180 trận đấu cùng đội tuyển, không một HLV nào trong lịch sử có thâm niên ở một đội tuyển quốc gia lâu như ông. Năm 2016, Tabarez bị phát hiện mắc một chứng bệnh thần kinh, tên là hội chứng Guillain - Barre. Nó có thể khiến ông bị bại liệt. Các bác sĩ lập tức khuyên ông bỏ bóng đá để giữ sức khỏe. Câu trả lời của ông là "Không đời nào". Hai năm qua, ông thường xuyên điều hành buổi tập trên một chiếc xe lăn.

Trước tuyển Pháp ở tứ kết hôm nay, Tabarez vẫn sẽ ra sân với chiếc nạng, để thúc giục các học trò chiến đấu vì niềm tự hào Uruguay. 

Trên các sân cỏ của nước Nga hè này, Tabarez đều bước ra với một chiếc nạng. Cầu thủ nhìn thấy nỗ lực của thầy, tất nhiên họ cũng phải nỗ lực. Nhạc sĩ Trần Tiến có bài hát mang tên “Vết chân tròn trên cát”, kể về một anh thương binh đến trường làng dạy các em thơ về quê hương, đất nước, về những người đã bỏ máu xương cho dân tộc. Tabarez cũng là một thầy giáo, cũng để lại những vết chân tròn, và từng ngày, ông vẽ ra trước mắt các học trò của mình một thứ còn cao hơn tiền bạc, quý hơn địa vị. Đó là ước mơ!

Hoài Thương