Thứ năm, 15/8/2019, 08:00 (GMT+7)

Ông chủ 8x đưa trái cây nhập khẩu sạch ra miền Trung

Nhiều người muốn dùng trái cây tươi sạch nhưng không biết cách nhận diện hàng chất lượng, là động lực thôi thúc anh Phạm Thiện Hoàng mở rộng kinh doanh đến Nha Trang.

Ngày 3/8 là cột mốc đáng nhớ với GreenSpace Store, khi mở một cửa hàng và 4 đại lý độc quyền khai trương tại Nha Trang. Không chỉ đơn thuần mở rộng quy mô ra ngoài TP HCM, phố biển còn trở thành bàn đạp chiến lược để hãng bán trái cây ngoại chinh phục thị trường miền Trung và Tây Nguyên.

Tìm đến thị trường tiềm năng tại Nha Trang

iển yên bình với những bãi cát trắng xinh đẹp, thời tiết ôn hòa, dịch vụ đa dạng... Nha Trang níu chân gần 3,4 triệu khách du lịch trong nửa đầu năm nay. Trong đó có hơn một nửa du khách quốc tế, tăng gần 24% cùng kỳ.

Những con số trên hấp dẫn anh Phạm Thiện Hoàng - người sáng lập GreenSpace Store, khi nhìn thấy tập khách hàng tiềm năng trong tương lai. Từ lúc khởi nghiệp đến nay, ông chủ 8x luôn khảo sát thực tiễn rồi mới vạch kế hoạch. Vậy nên khi ý tưởng lóe lên, anh lập tức đặt vé máy bay thẳng đến Nha Trang để tìm hiểu.

Thị trường trái cây, không đâu xa là những siêu thị, cửa hàng đồng cấp, chợ... Ở nơi đâu bán trái cây ngoại đều có bóng dáng của anh Hoàng. Anh bỏ tiền túi ra mua trái cây, nếm thử rồi lân la nói chuyện với người bán, khách hàng... Thậm chí, anh còn tiếp cận với các nhà hàng, khách sạn để tìm hiểu nguồn cung của họ từ đâu. Qua 3 đợt khảo sát kéo dài 3 tuần, Thiện Hoàng quyết định phải mở cửa hàng của GreenSpace Store tại Nha Trang.

Quyết tâm của anh, xuất phát từ việc người dùng nơi đây chưa biết thế nào là trái cây sạch, cũng không hiểu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ là gì, giấy kiểm dịch thực vật ra sao... 

Tại TP HCM, vẫn có một nhóm người dùng hiểu và biết cách phân biệt trái cây nhập khẩu sạch, còn Nha Trang gần như là một vùng mơ hồ khi nhắc về khái niệm này. Đưa trái táo ra, người bán bảo thì người mua biết là táo Mỹ, họ không thể chủ động đối chiếu và kiểm tra, cũng không biết những tiêu chuẩn xác định đây là táo Mỹ. 

"Tôi phải thay đổi tình trạng này. Tức là không chỉ bán ra một trái táo mà còn giúp người dùng nâng cao nhận thức về trái cây sạch", anh Hoàng nói.

Có những buổi sáng Thiện Hoàng dậy rất sớm, dạo qua các cửa hàng, anh thấy khách du lịch đã gõ cửa để mua trái cây. Họ đem theo các chuyến leo núi, ra đảo hay đi dạo quanh thành phố... Khách Tây quan tâm đến trái cây sạch, nhưng nguồn cung hạn chế. Đây cũng là một trong những lý do thôi thúc ông chủ GreenSpace Store phải sớm mở cửa hàng, để đóng góp một phần vào ngành dịch vụ cho thành phố biển.

Ngay lúc quyết định mở cửa hàng, Thiện Hoàng cũng đặt thời hạn cho nhân viên và bản thân mình phải hoàn thành mọi việc trong 30 ngày. Từ việc đặt mặt bằng, thuê nhân viên, lắp đặt hệ thống đến vận chuyển trái cây, xây kho lạnh... Ở một nơi mà bản thân không phải là "thổ địa", việc xây dựng cửa hàng gặp nhiều khó khăn, nhưng với anh Hoàng, đã khắc phục và vượt qua rồi thì nó không còn là khó khăn nữa. Thế nên anh kể về những ngày tìm kiếm vật liệu, nhân sự... bằng giọng nhẹ tênh. 

Ở TP HCM, mọi thứ đều dễ dàng nhưng ở Nha Trang, đến cả đèn chiếu sáng cũng phải tìm kiếm nhiều ngày mới chọn được mẫu như ý. Vấn đề phát sinh nối thành từng chuỗi, ngày thứ nhất trễ tiến độ thì anh đốc thúc mọi người phải tăng tốc lên gấp đôi, gấp ba lần ở ngày tiếp theo, phải làm sao hoàn thành nhanh nhất.

Ông chủ 8x đặt giới hạn nghiêm khắc cho bản thân, bởi con số 30 có ý nghĩa khá đặc biệt. 30 ngày tròn trĩnh, vừa vặn có thể làm thước đo để so sánh tình hình kinh doanh tại TP HCM với Nha Trang, sau này là Đà Nẵng, Gia Lai... Một tháng cũng là thời gian ký hợp đồng nhà, đến cuối tháng mới phải trả tiền nên coi như khoảng thời gian đó được sử dụng mà chưa phải bỏ ra chi phí nào. Thêm một ngày là bước sang tháng khác, kinh phí sẽ đội lên cho tiền nhà, nhân sự, điện, nước...

"Tự đặt ra khoảng giới hạn cũng là cách tập cho tôi tính chỉn chu, nghiêm khắc. Hoàn thành mọi thứ sớm, tôi có thêm thời gian để rà soát lại các khâu, để ngày khai trương có thể hoàn hảo nhất", anh Hoàng lý giải thêm.

Tuy việc triển khai tối ưu thời gian và tính toán nhiều phương diện, nhưng tổng chi phí để hoàn thiện cửa hàng tại Nha Trang, bao gồm tiền thuê nhân viên, lên đến gần 500 triệu đồng.

Chiến lược chinh phục người dùng

hó khăn lớn nhất khi mở cửa hàng tại Nha Trang không nằm ở những điều hữu hình, mà đến từ nhận thức của người dùng về trái cây sạch.

Đầu tiên, muốn tạo thiện cảm với người dùng Nha Trang, anh Hoàng chọn bán những loại trái cây đúng gu yêu thích nhất của họ: cherry, táo, quýt. Ngoài ra, mùa nào trái nấy, cửa hàng luôn bày bán những loại trái cây đúng mùa và ở TP HCM có quả gì thì người Nha Trang cũng sẽ được ăn những quả đó.

Nhưng chỉ đơn thuần bày sản phẩm ra thôi, thì người dùng làm thế nào bị thuyết phục? Anh đưa ra những chính sách giá  như mua một trái táo Mỹ với giá 9.000 đồng, luôn được ăn thử trước khi mua, bảo hành 72 giờ về chất lượng lẫn xuất xứ... Song song với quá trình bán, đội ngũ nhân viên và cả ông chủ trực tiếp tư vấn, hướng dẫn người dùng cách phân biệt trái cây sạch nhập khẩu.

Theo anh, đã qua rồi cái thời chỉ phân biệt trái cây bằng tem dán hay vẻ bề ngoài. Bởi tem có thể làm giả, còn cầm một quả táo lên mà nhìn vào màu sắc, đường vân... biết có phải táo Mỹ hay không thì chỉ chuyên gia mới làm được. Vì vậy, cách để cửa hàng của anh tạo niềm tin cho người dùng, cũng là cách để tạo nên nhận thức về trái cây sạch, chính là mỗi lô trái cây đều có đầy đủ: giấy phép nhập khẩu, giấy phép cửa hàng phân phối hàng vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng thư nguồn gốc xuất xứ (C/O) và chứng nhận kiểm dịch thực vật đảm bảo an toàn thực phẩm do USDA - Bộ Nông nghiệp Mỹ hoặc DAWR - Bộ Nông nghiệp và tài nguyên Australia cấp.

Người dùng cũng được hướng dẫn dùng đầu số in trên giấy chứng nhận để vào website của Bộ Nông nghiệp Mỹ hoặc Australia để trích xuất nguồn gốc, tức là biết các thông tin: ngày hái, trang trại, người hái, thửa đất trồng, nhà xuất khẩu... Thời gian tới, các loại trái cây được dán nhãn có mã vạch để người dùng dễ dàng trích xuất nguồn gốc.

Tại cửa hàng có phát các đoạn video minh họa quy trình cấp chứng nhận trên để khách hàng đến có thể trực tiếp xem và thấu hiểu. Tất cả trái cây của GreenSpace Store đều được dán một loại tem do đơn vị sản xuất. Các kệ trưng bày trái cây trong cửa hàng cũng có logo thể hiện xuất xứ, giúp người dùng dễ dàng nhận biết.

"Tất cả đều nhằm đem đến cho người dùng sự an tâm và tin tưởng. Khi mua về mà thấy chất lượng không đạt, ăn không thơm thì hãy liên hệ để được bảo hành", anh Hoàng nhấn mạnh.

Ngoài mục tiêu phổ cập kiến thức về trái cây sạch, đích đến lớn nhất mà Phạm Thiện Hoàng theo đuổi là đưa thương hiệu của mình tiến vào các nhà hàng, khách sạn 5-6 sao. Qua quá trình khảo sát, anh cũng thấy rằng nhu cầu của nhóm khách hàng này rất cao nhưng nguồn cung chưa ổn định. Chưa kể với các du khách hạng sang, chỉ cần phục vụ các thực phẩm kém chất lượng thì họ sẽ lập tức nhận ra và đánh giá thấp các điểm đến này. Tuy không tiết lộ những tuyệt chiêu để khiến các đơn vị này gật đầu, nhưng anh Hoàng khẳng định: "Trong một tháng tới, trái cây của GreenSpace Store sẽ xuất hiện và phục vụ cho các du khách tại nhà hàng, khách sạn cao cấp của Nha Trang".

Với những người đã thưởng thức trái cây tại cửa hàng, ông chủ 8x dự định lập nên một website hoặc nhóm trên mạng xã hội theo dạng kỷ yếu, ghi lại những trải nghiệm, cảm nhận của họ về điểm ăn ngon, nơi mua trái cây sạch, điểm đến thú vị tại Nha Trang... như một kênh tham khảo cho những người đến sau.

"Mở cửa hàng tại Nha Trang nhưng tôi cũng chưa đặt nặng vào con số bán ra hay lợi nhuận thu về mà mong muốn xây dựng nhận diện về trái cây sạch, xây dựng nên một chuỗi cửa hàng để tăng độ phủ", anh bày tỏ.

Theo kế hoạch của ông chủ 8x, khi Nha Trang mở được 10 cửa hàng thì anh sẽ biến nơi đây thành trạm trung chuyển trái cây sạch để tiến ra các tỉnh khác như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk... Vì vị trí địa lý nơi đây thuận lợi để trở thành vùng cửa ngõ, có thể đi lên cao nguyên, ra miền Bắc, miền Trung...

Cửa hàng "bán sức khỏe"

Thiện Hoàng chia sẻ: "Cơ duyên khai sinh nên thương hiệu này và triết lý mà tôi theo đuổi hơn một năm nay chính là: bán sức khỏe chứ không chỉ đơn thuần bán trái cây". 

Bởi trái cây sạch, không chứa chất bảo quản hay hóa chất độc hại là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, thay vì khiến người dùng mắc bệnh.

Nâng niu trái cây còn hơn cả bản thân, câu cửa miệng của anh là nếu gặp trời mưa thì người có thể ướt nhưng trái cây bắt buộc phải khô. Giữa trưa nắng, anh sẵn sàng leo lên thùng xe container chỉnh nhiệt độ, kiểm tra mọi thứ để đảm bảo trái cây vận chuyển đi không bị hỏng.

Nhiều người bảo anh, làm sếp rồi sao phải cầm từng quả táo để xem. Anh liền bác bỏ, bởi càng là người đứng đầu lại càng phải hiểu về sản phẩm của mình, tâm huyết để làm sao mỗi thứ bán ra đạt độ tươi ngon cao nhất. 

Thế nên mới có lần, mải kiểm tra kho lạnh mà quên mặc áo khoác, anh đổ bệnh 3 ngày. Nhưng cũng chính lần ấy, anh phát hiện vì sao nho bị héo cuống nhanh hơn bình thường. Chính là do kho có độ ẩm cao, phải mua các túi chống ẩm để giải quyết. Anh cũng đặt ra nội quy hạn chế mở cửa kho lạnh, mỗi lần ra vào phải đóng cửa thật nhanh để tránh độ ẩm không khí tràn vào bên trong. Để giải quyết được vấn đề thì phải gắn với thực tiễn, biết quan sát tinh tế, chính là kinh nghiệm của Thiện Hoàng.

Triết lý "bán sức khỏe" đó được truyền cho cả nhân viên. Chất lượng trái cây được đảm bảo bởi đội ngũ Q&C (kiểm soát chất lượng), hàng ngày đều vào kho để kiểm tra. Trái cây phát hiện hư hỏng là ngay lập tức hủy bỏ, nếu trên kệ mà có bất cứ một quả nào héo, nhăn thì cả cửa hàng ngay lập tức bị phạt rất nặng. Là người đứng đầu nhưng không làm việc trên bàn giấy, anh Hoàng cứ luân phiên đến các kho lạnh, cửa hàng trong thành phố để đảm bảo mọi thứ vận hành tốt nhất.

Bán hàng không phải quá trình một chiều, vậy nên GreenSpace Store đã phát triển thêm đội ngũ chăm sóc khách hàng, tăng từ 2 lên 10 người với công việc mỗi ngày là gọi điện khảo sát ý kiến của những người đã mua trái cây xem chất lượng tốt không, có vấn đề gì cần xử lý... trong 24 giờ kể từ lúc đặt hàng. Anh Hoàng bảo, nhiệm vụ của đội ngũ này là không để sót bất cứ một ai, phải làm sao để ghi nhận nhiều nhất phản hồi từ họ để kịp thời nối lại các mắt xích bị đứt nếu có.

Sau hơn một năm kinh doanh, GreenSpace Store hiện có 3 cửa hàng tại TP HCM; một cửa hàng và 4 đại lý độc quyền tại Nha Trang. Danh mục trái cây đều đặn tăng lên, đội ngũ phát triển sản phẩm ở Mỹ, Australia, Nhật Bản... miệt mài tìm kiếm những dòng mới, làm đa dạng thêm khẩu vị cho người Việt.

Những ngày đầu tháng 8, các thùng táo Fuji organic Mỹ, dưa lưới Mỹ, xuân đào Mỹ, việt quất Mỹ... đã được bày lên kệ. Các giống trái cây đều có độ thơm ngon đặc biệt, giòn, vị ngọt thanh... Anh cũng đã tìm ra đơn vị cung cấp dừa xiêm Bến Tre sạch, có giấy chứng nhận chứng nhận organic để phát triển thương hiệu Việt.

Mỗi thùng trái cây mở ra đều có mùi hương ngào ngạt lan tỏa. Đây cũng là điểm khác biệt và dấu hiệu nhận diện trái cây sạch của anh Thiện Hoàng. Anh bảo trái cây muốn biết hàng ngon hay không phải phụ thuộc mùi thơm. Như các loại rau gia vị, quế có mùi thơm của quế, rau răm lại thơm kiểu của rau răm. Còn nếu phun thuốc thì vị thơm sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn.

Vừa tỉ mỉ nhặt bỏ các vụn lá, bụi bẩn ra khỏi trái dưa lưới Mỹ mới chuyển về, anh Hoàng vừa nói về niềm tự hào lớn nhất của mình là ngày hôm nay, đã có những thương hiệu lớn tìm đến GreenSpace Store. Trong tháng 8, sau khi ký kết cùng Lotte, GreenSpace Store sẽ có một gian hàng bán trái cây sạch trên website của đơn vị này. 2 giờ kể từ khi đơn hàng được đặt, trái cây sẽ được nhân viên cửa hàng đóng gói, giao tận tay người dùng. Anh Hoàng cũng liên tục nhận được yêu cầu cung ứng trái cây từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế... Nhắc đến thương hiệu này, đã có một số người dùng biết nơi đây bán trái cây nhập khẩu sạch.

Để mở rộng hơn danh mục sản phẩm, anh Hoàng ký kết cùng nhà máy tại Đà Lạt để sản xuất nước ép táo, nho theo phương pháp cô đặc, không dùng chất bảo quản. Dòng nước ép này ưu việt hơn nước ép táo Hera Hera của đơn vị trước đây là thời gian bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh lên đến một tháng thay vì 1-2 ngày. 

Khi uống tùy theo khẩu vị chỉ cần cho đá hoặc pha thêm nước. Mỗi tháng sản xuất khoảng 3.000 chai nước cô đặc từ 100 kg táo tươi. Đầu vào được kiểm soát nghiêm ngặt vì chỉ cần một trái bị xốp, hư thì sẽ hỏng cả mẻ nước ép.

Nếu trước đây, nỗi đau lớn nhất của anh Hoàng là phải tự mình tiêu hủy hàng trăm kg trái cây vì bán không kịp, bị hư hỏng thì bây giờ tỷ lệ này chỉ còn khoảng 5%. Trái cây nhập về được phân phối qua nhiều kênh trong thời gian ngắn, có nhiều người còn dặn trước để được mua. Một tấn cherry bán chỉ trong 7 ngày còn trước đây mất đến 2 tuần. Lượng khách tự nhiên ghé đến cửa hàng tăng gấp 3-4 lần, khách mua online cũng tăng vọt, chiếm 70% người dùng.

Mức tăng trưởng bình quân hàng tháng 10%, doanh số bán ra tăng khoảng 35 lần so với thời điểm ra mắt. Mỗi cửa hàng đạt doanh thu trung bình 300-500 triệu đồng mỗi tháng. 

Nhưng với anh Hoàng, vui nhất không phải là những con số kia mà là: 

"thương hiệu của mình được biết tới, mọi người chủ động tìm hiểu về trái cây sạch".

Những niềm vui nhỏ góp nhặt mỗi ngày giúp anh gần như quên hết mệt mỏi trong suốt hành trình qua, cứ làm là thêm hứng khởi. Anh nói, khi làm việc mà thấy vui, hạnh phúc, tốt cho xã hội thì tự nhiên mình sẽ làm mọi thứ với phong thái 200%. Bằng 200% sức lực đó, anh quyết tâm trong năm nay sẽ nâng số cửa hàng GreenSpace Store lên 10, tiếp tục hành trình "bán ra sức khỏe".

Hoài Nhơn

Ảnh: Hữu Khoa