Thứ hai, 14/1/2019, 00:00 (GMT+7)

Ngay ngã tư Thị trấn Phúc Thọ, Hà Nội có một tòa nhà ba tầng, sơn màu trắng đang tróc lở. Đó là nhà chính của chợ trung tâm huyện. Công trình khánh thành 5 năm chưa họp một ngày.

Phía sau khu nhà hoang, hoạt động buôn bán vẫn gắng gượng diễn ra. Dưới mái chợ vắng khách, bà Lương cứ buổi trưa là đóng quầy ra về. Gian bên cạnh, chị Lý ba ngày mới mở hàng chiếc áo thun 100 nghìn. Số tiền ấy đủ bù điện nước một tháng của kiosk 10 mét vuông.

Ở Sơn Tây cách đó 5 km, chị Hiền lâu không dám đánh một mẻ hàng, ngồi tán gẫu, hát karaoke xuyên trưa, rồi chiều nằm ngủ. Ở trung tâm thành phố Bắc Ninh cách đó 80 km, bà Bình đã từ bỏ hẳn hy vọng vào quầy rau trong chợ Vũ Ninh.

"Sáng nay đi chợ tất niên
Em đây cầm một quan tiền trên tay"

Chợ là trung tâm của đời sống văn hóa Việt, và nó càng có ý nghĩa đặc biệt hơn vào những ngày cuối năm âm lịch: "một quan tiền" được nhắc đến trong câu ca dao đã luôn là biểu tượng của sự phóng tay. Nó có thể sắm sanh được "Nào cau, nào thuốc, trái cây, thịt thà; độc bình dùng để cắm hoa; hột dưa, bánh mứt, rượu trà, giấy bông..." mà vẫn dư hơn một nửa.

Nhưng sự thịnh vượng của khái niệm "chợ" giờ chỉ là nỗi day dứt của nhiều tiểu thương Việt Nam. Những người như bà Lương, bà Bình, chị Hiền đã trót gắn với một ngôi chợ chết. Chúng được xây lên theo nghị quyết, theo quy hoạch, để "về đích" trong chương trình mục tiêu, để đảm bảo các tiêu chí thi đua của chính quyền, nhưng không để buôn bán.

Tiếng kéo cửa sắt sầm sập vọng khắp dãy chợ Gạch giữa trưa. Đó là giờ tiểu thương đi về.

Cầu thang nguy nga rợp cờ đỏ không người lên xuống; một khu vui chơi trẻ em đã khóa cửa, treo biển chuyển nhượng kinh doanh với lời quảng cáo "tiếp cận trên 500 nghìn lượt khách mỗi năm"; và một phòng gym chỉ mở cửa sau 4h chiều. Đó là tất cả hoạt động trên khu nhà ba tầng của "chợ trung tâm" thị trấn Phúc Thọ sau mười năm xây dựng.

Chị Lý tiếc mãi cái biển "Chợ Gạch" hoành tráng ven quốc lộ khi xưa. Cuối năm 2008, cái biển ấy hạ xuống, nhường chỗ cho tòa nhà ba tầng mọc lên. Chợ trung tâm thị trấn Phúc Thọ ra đời. Kinh phí là 52 tỷ đồng vốn nhà nước.

Ở mái đình phía sau, nơi các tiểu thương Chợ Gạch cũ vẫn lay lắt tồn tại, chị Lý gỡ từng dây quần áo xếp lên xe bò, để còn kịp đi chợ chiều Tích Giang gần đó. Trên xe bò vẫn còn một kiện quần áo to, chị không buồn gỡ hết hàng xuống. Sáng nay, chị mở hàng được duy nhất chiếc áo thun 100 nghìn.

Gian bên cạnh, bà Lương cũng đang khóa cửa, và quyết định sẽ nghỉ buổi chợ chiều. Đây là phiên thứ 16 trong tháng bà nghỉ bán. Gần trưa, bà mới đón vị khách xem hàng đầu tiên, nhưng không bán được gì.

Khi mấy vòng xích sắt han gỉ được gỡ khỏi ổ khóa tầng 2, mùi ẩm mốc xộc lên. Giữa lối đi, một bụi dương xỉ cao quá đầu gối vươn lên nhờ nguồn nước dột.

Ông Vũ Văn Hải, cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phúc Thọ phân trần, ba năm nay, chính quyền huyện liên tục kêu gọi tiểu thương chuyển lên tầng 2 để lấp đầy các kiosk trống. Nhưng không ai chịu rời mặt đất.

"Chợ nông thôn chứ không phải chợ thành phố, người ta đi mua mớ rau, con cá, tiện thì rẽ vào hàng quần áo xem, không mấy người muốn gửi xe để lên tận trên ấy", bà Lương giải thích ngắn gọn.

Quốc lộ 32 với dải bê tông ngăn cách hai làn đường, tạo ra hai mảng màu đối lập nhau trên bản đồ vệ tinh.

Bên này, chợ Gạch đứng chơ vơ giữa những mảng xanh của ruộng đồng. Bên kia đường, là một vùng màu đỏ của những mái nhà ken đặc vào nhau. Đó là phố Gạch, nơi quần cư của gần 8.000 dân.

Bên khu dân cư, trong vòng vài trăm mét, phóng viên VnExpress đếm được 41 shop thời trang, hàng tạp hóa, quầy hoa quả đang hoạt động. Bên ấy, chợ Thọ Lộc ngày nào cũng họp. Bên ấy, chiều nào cũng có 4 chợ cóc, bán đủ rau xanh, thịt cá.

Trong bản đồ tại đây, các cửa hàng bán lẻ nhỏ của người dân được thể hiện bằng những chấm màu đỏ, còn phía bên kia quốc lộ là chợ Gạch nằm chơ vơ.

Từ nơi quần cư của dân phố Gạch, đi sang "chợ trung tâm" phải băng qua Quốc lộ 32. Trên trục đường này, trong năm phút phóng viên đếm được 115 lượt xe tải, xe khách và xe con phóng qua. Dân không băng qua con đường ấy để mua bán. 

Cách bà Lương 5 km về hướng Bắc, chị Hiền bán quần áo ở Chợ Nghệ, thị xã Sơn Tây đang nằm ngủ sau màn karaoke xuyên trưa. Lúc ấy là 14h30. Xung quanh chị, bạn hàng tiếp tục hát, người ngủ, người ngồi tán gẫu.

Trước năm 2005, chị Hiền đã là bà chủ có "máu mặt" ở ngôi chợ to nhất Sơn Tây. Gương mặt đẹp, có duyên ăn nói, thời son trẻ của chị là những ngày đi sớm về khuya, nhập, bán hàng, đếm tiền mỏi tay. Nhưng tia lửa điện xẹt lên từ một sạp hàng rạng sáng cuối năm 2005 đã thiêu rụi gia tài của chị cùng 600 tiểu thương Chợ Nghệ cũ.

Hơn bốn năm sau, một công trình ba tầng nổi, một tầng hầm mọc lên trên nền đất hơn một hecta của chợ cũ. Chợ Nghệ mới trị giá 170 tỷ đồng với 1.200 gian hàng, được xếp loại 1. Lãnh đạo Hà Nội xác định: "Đây sẽ là công trình góp phần đưa kinh tế thị xã phát triển theo hướng văn minh, hiện đại".

Sau mở rộng thủ đô năm 2008, Sơn Tây là một đô thị vệ tinh, được định hướng trở thành "đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái và vùng tiểu thủ công nghiệp". Trong kế hoạch đó, chợ Nghệ là tâm điểm.

Trước ngày vào chợ mới, chị Hiền khó ngủ suốt đêm. Chị tin trời không tiệt đường sống của người, "chăm chỉ buôn bán rồi sẽ dựng lại cơ ngơi từ tàn tro".

Thế nhưng, sau mười năm, Sơn Tây vẫn là một vệ tinh bất động. Trong Chợ Nghệ bề thế, một phần ba các kiosk ở tầng một, tầng hai đã đóng cửa hoặc treo biển cho thuê. Tầng ba là mặt bằng của một siêu thị bán lẻ chuyên phân phối hàng tiêu dùng ở ngoại thành Hà Nội. Cái biển "Chợ Nghệ" đặt tít trên cao han gỉ, đồng màu với mái ngói đầy rêu.

"Bây giờ, chỉ hy vọng di dời vài trường đại học về đây thì may ra mới sống được", chị Hiền ước mong.

Nhưng 10 năm sau cuộc đại sáp nhập, Hà Nội chưa di dời được trường đại học nào. 300 ha quỹ đất Sơn Tây dành bố trí các cơ sở giáo dục đại học vẫn nằm trong quy hoạch.

Bi kịch của những cái chợ nằm chung trong số phận của những quy hoạch hứa hẹn trên giấy. Theo định hướng quy hoạch phê duyệt năm 2014, thị trấn sinh thái Phúc Thọ sẽ có tổng diện tích hơn 1.038 ha, quy mô dân số đến năm 2050 là 41.000 người.

Thế nhưng, Phúc Thọ nhiều năm vẫn là một huyện thuần nông, với thành tựu đạt được là "sắp cán đích nông thôn mới". Tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu người của huyện này chưa bằng 1/10 bình quân thành phố Hà Nội.

Điều mà Hà Nội làm được, trong vòng 5 năm, từ 2011 đến 2016, là huy động hơn 3.000 tỷ đồng để xây mới 43 chợ, xây lại 16 chợ và nâng cấp 95 chợ. Nhiều chợ trong số đó bị đánh giá không hoạt động hết công suất, hoặc chỉ đạt 30-40%.

Chợ Nghệ thì bán bò, trâu
The đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều
Sơn Đồng chợ họp về chiều
Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao
Chợ Phùng hàng xén xiết bao
Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào nhang đen

Chợ Nghệ hay Chợ Gạch, đều có mặt trong danh sách những phiên chợ nổi tiếng xứ Đoài. Chúng đang dần chết mòn khi thay đổi kiến trúc. Mô hình chợ kiên cố tập trung của Việt Nam thất bại nơi nơi, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, là vì nó "không duy trì được bản sắc, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương". Quan trọng hơn, không đáp ứng được những nhu cầu về kinh tế.

"Chợ là loại công trình thương mại công cộng. Trước khi làm, chính quyền phải điều tra và nắm bắt được nhu cầu của người sử dụng cả về tổ chức và công năng" - nhà tư vấn quy hoạch nổi tiếng phân tích - "Nhiều ngôi chợ trước kia vốn chỉ có mái và cột, không gian mở, thì nay người ta hiện đại hóa nó bằng tường gạch, cửa kính, thậm chí là điều hòa. Từ không gian mở, chợ đã trở thành một không gian đóng".

Khi nhà quản lý giải bài toán hiện đại hóa, nhìn có vẻ sướng con mắt nhưng lại không phù hợp với năng lực và nhu cầu của người tham gia. Người bán ít vốn, không đủ tiền thuê mặt bằng. Người mua cũng bớt mặn mòi, khi không còn dễ dàng tạt qua chợ nữa. Họ phải gửi xe, mất công leo lên các tầng lầu, mất thời gian và giá cả không hứa hẹn rẻ hơn chợ cũ.

"Khi người bán và người mua đều từ chối, chợ sẽ dần chết đi", ông Nam Sơn kết luận.

Tết này, chợ Thanh Nga không họp. Thật ra nó chưa bao giờ họp cái Tết nào, và nhiều khả năng là vĩnh viễn không bao giờ có phiên chợ nào trên cái nền xi măng bỏ hoang gần thị trấn Sông Thao ấy nữa.

Chợ Thanh Nga không hoạt động từ khi khánh thành năm 2014. Ba dãy nhà chợ bắn mái tôn, khung sắt, đổ sàn xi măng trở thành nơi phơi gỗ, chứa đồ của người dân.

"Tư tưởng làm chợ một phần thực hiện theo nghị quyết, một phần vì tiêu chí xây dựng nông thôn mới", Chủ tịch xã Thanh Nga - ông Hoàng Danh Ca thừa nhận.

Trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành năm 2009, chợ là một trong 19 tiêu chí mà địa phương bắt buộc phải "Đạt" và "Đạt chuẩn của Bộ Xây dựng". Chợ Thanh Nga từ lúc còn là một đề xuất đã được gắn sẵn số mệnh: ra đời để hoàn thành nhiệm vụ chính trị địa phương.

Từ thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ tỏa đi theo tỉnh lộ, quốc lộ, trong vòng 10 km có tới 5 cái chợ nông thôn, phục vụ gần 20.000 cư dân. 

Thanh Nga như "một cái ruột gà", theo mô tả của chính ông chủ tịch xã, đi sâu vào trong là đường cụt, đất đồi, một nửa diện tích đất tự nhiên không người ở. Nên xã chọn 4.200 m2 ven tỉnh lộ để xây chợ, nhằm tạo một cụm buôn bán liên thôn, phát triển kinh tế mặt đường. Nhưng ý định không thành.

"Kinh tế địa phương nhiều năm không có biến động lớn, nhu cầu thông thương không cao, hàng hóa không nhiều". Người Thanh Nga sống dựa vào cây lúa. Cũng như những ngôi làng nằm dọc sông Hồng, người Thanh Nga tứ tán đi làm công nhân dưới Hà Nội, vào tận Gia Lai làm rẫy thuê.

Năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 24 triệu mỗi năm, thuộc vào top cao của huyện Cẩm Khê. Nhưng thu nhập đó, chủ yếu đến từ việc đi làm công nhân ở Hương Lung, làm thợ nề, cơ khí. Hoạt động buôn bán hàng hóa rất hạn chế.

Đi dọc bờ sông Hồng từ Thanh Nga chỉ vài cây số đã thấy ba cái chợ. Cái nào về lý thuyết cũng sẽ là "trung tâm giao thương".

Cũng xây cho mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới, chợ Phùng Xá nằm cách chợ Thanh Nga ba cây số. Nó được đánh giá là "hoạt động hiệu quả hơn", khi họp được sáu phiên vào các ngày 3, ngày 8 mỗi tháng. Xã không dám tăng phiên, tránh trùng ngày họp của những chợ "nông thôn mới" quanh đó.

Bên trong chợ, kiosk của chị Từ là nơi duy nhất mở cửa. Chị mới đóng xong 3 tạ trầu cau xuất đi Trung Quốc. Gian hàng này, chị Từ thuê lại của một tiểu thương, từng thầu được tới ba kiosk. Nhưng sau một năm, bà chủ chân chính đành nhượng lại kiosk, bỏ đi xuất khẩu lao động tận Đài Loan.

Phó chủ tịch xã Phùng Xá trăn trở với bài toán giữ chân người trẻ.

"Dân Phùng Xá chủ yếu làm ruộng, làm thuê chứ ít buôn bán. Thanh niên cũng bỏ đồng ruộng mà kéo nhau đi hết", ngày chợ Phùng Xá khánh thành, chị Từ không kỳ vọng làm giàu ở nơi đây. Chị chỉ mượn không gian chợ để làm kho đóng hàng. Một nửa trong số 2.000 lao động của Phùng Xá đã theo quốc lộ ven sông Hồng xuống các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh làm công nhân. Phụ nữ trung niên đi công ty quanh Cẩm Khê. Khu công nghiệp Sai Nga rộng 450 ha hoàn thành, làng sẽ còn vắng bóng thanh niên nữa.

Phùng Xá cũng có một cánh đồng nửa năm ngập trong nước, gọi là "đất một lúa". Cánh đồng canh tác được một vụ, không nuôi sống được người ở lại, không giữ được bước chân người đi. Người Phùng Xá chỉ thấy gần đủ mặt người làng vào hai dịp: Tết và mùa lễ hội.

Trên cánh đồng chiều đông chỉ có mấy cán bộ xã đang căng dây đo lại đất. Lãnh đạo xã kỳ vọng 122 ha ruộng "dồn điền đổi thửa" sẽ tạo động lực phát triển kinh tế thuần nông của địa phương, giúp xã đạt được một chỉ tiêu về nông thôn mới: thu nhập đến năm 2020 đạt 20 triệu mỗi người một năm.

"Xây chợ là để đảm bảo tiêu chí nông thôn mới. Vì nông thôn mới nên làm. Nhiều cái bắt buộc phải làm chứ không phải mình cái chợ", Phó chủ tịch xã Trịnh Bá Tọa bỏ lửng câu nói.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới năm 2017 của Bộ NN&PTNT đưa ra một thành tích: 60,8% các xã trên toàn quốc đã có chợ. 

Trong đó, 79% tổng số xã có chợ xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Đồng bằng sông Hồng là nơi đạt tỷ lệ cao nhất 92,8%.

Những con số về thành tích đạt được rất cao. Một số khó khăn, hạn chế được điểm qua trong 32 dòng, chưa đầy một trang trong tổng số 28 trang báo cáo.

Khó phủ nhận thành tựu của nông thôn mới, nhưng báo cáo không xuất hiện một thống kê nào về số lượng những công trình đầu tư tiền tỷ hoạt động kém hiệu quả, ít nhất là số chợ nông thôn chưa họp một ngày.

Nhiều người Thanh Nga không biết xã mình có một cái chợ nằm ven tỉnh lộ, khi biển hiệu đã bị cây che khuất. Nhiều năm nay, họ đã quen với việc đi mấy chợ xung quanh. Địa bàn thừa chợ.

"Cần phải xem lại tiêu chí về chợ. Vì xây chợ phải đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân. Nếu cứ bỏ kinh phí ra xây mỗi xã một chợ thì không phù hợp", Chủ tịch xã Thanh Nga tâm tư.

"Đó là thất bại lớn nhất đời, nhắc đến cũng không được tích sự gì", anh Mạnh nói về số phận của cái chợ Vũ Ninh. Gia đình anh đã dồn cả gia tài vào mua 3 kiosk trước cổng cái chợ ấy. Giờ nó đã có màu hoang phế.

"Hồi xây chợ, cả xóm Thượng này sôi sùng sục, dồn tiền vào mua kiosk", bà Bình nhớ lại thời điểm năm 2007. Khi một khu chợ được đầu tư 2 tỷ, với hơn trăm quầy hàng sắp mọc lên trên mặt bằng 4.000 m2, của phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh.

Nhà bà Bình đối diện cổng chính chợ Vũ Ninh. Bà rút 5 triệu tiết kiệm, đấu thầu một gian trong chợ, định buôn rau. Người phụ nữ 59 tuổi đã nghĩ về mỗi sớm mai, bà đi lấy hàng ở chợ Thị Cầu, người chồng dậy chuẩn bị bán đồ ăn sáng. Vợ chồng chạy chợ nuôi nhau, khỏi phiền ba đứa con.

Vợ chồng anh Mạnh khi ấy cũng tính buôn bán lớn, liền nhượng lại cửa hàng tạp hóa ở trên Đáp Cầu với giá 300 triệu. Anh vay thêm ngân hàng 500 triệu để đấu thầu 3 kiosk trước chợ Vũ Ninh, mua mấy mẻ quần áo, các loại đồ gia dụng.

Mười năm sau, cơ ngơi của bà Bình là một tủ bày hàng bán bún cá. Trong tủ còn mấy miếng cá chiên, một bát hành răm, vài quả trứng vịt lộn. Mở hàng từ 6h sáng đến trưa, bà Bình bán được dăm cân bún, vài ba chục quả trứng vịt lộn.

Tủ hàng ăn đơn sơ của bà Bình trước cổng chợ Vũ Ninh, TP Bắc Ninh.

Chợ nằm phía sau một khu chung cư 5 sao, cách trung tâm thương mại Bắc Ninh hơn một cây số. Bên trong chợ, hơn trăm quầy hàng chia lô đánh số trống trơn, trở thành nơi để chai lọ và xích chó. Một người đàn ông bày biện đồ nghề trên nền quầy trống, ngồi sửa nồi cơm điện và cáu gắt trước những câu hỏi của người lạ về khu chợ bỏ hoang.

Anh Mạnh giờ vẫn bán hàng ở kiosk ngoài cổng chợ. Lâu rồi anh không nhập hàng mới. Cửa hàng bán từ quần áo đến dây thừng, có cả điếu cày, bếp than tổ ong. Anh không muốn nói về cái chợ bỏ hoang và số tiền đã đổ vào ba cái kiosk. 

Cách đó gần 2 km, chợ Thị Chung của phường Kinh Bắc cũng chỉ còn lại cái tên trên tấm biển. Bốn phía cổng đã bị bịt kín bởi các tiệm thợ nề, cắt nhôm kính, làm đồ nội thất. Lý do dễ nhận diện: Chợ Yên cách đó 600 mét, buôn bán tấp nập từ sáng đến chiều.

Từ chợ Thị Chung, đi thêm 3 km đến chợ Bồ Sơn của phường Võ Cường. Ngôi chợ 10 tỷ, rộng 6.000 m2. Tám cầu chợ được đánh số, gắn bảng tên. Trong hai cầu rau, một cầu cá, một cầu thịt và cầu hoa quả lác đác tiểu thương đang dọn hàng ra về giữa trưa. Còn lại hai cầu hàng khô, hai cầu hàng ăn không có người. Trên diện tích chưa đầy 8 cây số vuông của phường Võ Cường, bốn ngôi làng Xuân Ổ, Bồ Sơn, Khả Lễ và Hòa Đình, là bốn cái chợ.

Tỷ trọng dịch vụ chiếm gần 56% cơ cấu ngành kinh tế, Bắc Ninh xác định phát triển theo hướng đô thị dịch vụ. Từ trung tâm văn hóa Kinh Bắc, nơi có chợ Vũ Ninh bỏ hoang, tỏa đi các hướng, dễ dàng nhìn thấy những chuỗi cửa hàng ẩm thực của các thương hiệu lớn cùng hàng loạt cửa hàng tiện lợi, bán lẻ. Thêm 8 siêu thị, 186 nhà hàng và 12 khu chợ truyền thống loại hai, loại ba đang hoạt động. Những khu chợ như Vũ Ninh, Thị Chung, Bồ Sơn đã trở thành những cái chợ thừa.

Trong Quy hoạch phát triển ngành thương mại Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh này quyết tâm trong vòng hai năm nữa, toàn tỉnh sẽ có 6 trung tâm thương mại lớn, 55 siêu thị và 175 cửa hàng tiện ích.

Mặc kệ những cái chợ thừa chưa có phương án xử lý, Bắc Ninh vẫn đặt ra mục tiêu xây mới thêm 39 chợ để nâng tổng số lên 132 chợ. Và mười năm sau, con số này tăng lên 144, số chợ xây thêm sẽ là 20. Riêng thành phố Bắc Ninh sẽ xây mới 9 chợ để nâng tổng số lên 25, theo quyết định của UBND tỉnh.

Chợ không họp, giấc mộng kiếm tiền an hưởng tuổi già của bà Bình cũng tan vỡ theo. Cái kiosk bà đã bán sang tay cho người làng từ sáu năm trước, lấy tiền cho con trai út đi học cơ khí dưới Hà Nội.

Khu chợ rộng 4.000 m2 ở TP Bắc Ninh quạnh vắng bóng người.

Mỗi năm, chợ trung tâm Phúc Thọ nộp ngân sách khoảng 1,3 tỷ đồng, chủ yếu từ tiền thuê mặt bằng của các tiểu thương như bà Lương, chị Lý. "Đó là phần thu rất thấp so với quy mô của chợ huyện".

Hướng khắc phục mà Ban quản lý đề xuất là "làm cho đồng đều hơn về mật độ khách hàng trên toàn diện tích chợ", nhưng bằng cách nào thì chưa có cách. Giờ chỉ biết "tiếp tục thông báo mời thuê rộng rãi trên các phương tiện thông tin, phối hợp tuyên truyền, định hướng để dần thay đổi thói quen mua sắm của người dân".

Từ tháng Ba, 60 tiểu thương chợ Gạch đã hai lần nghỉ bán hàng, xuống UBND huyện Phúc Thọ đưa đơn; hai lần viết thư tay cho hai lãnh đạo cao nhất huyện về mặt Đảng và chính quyền, kiến nghị cải tạo tình hình buôn bán.

"Chủ tịch bảo sẽ chỉ đạo giải quyết nhưng từ dạo ấy đến nay vẫn chưa thấy gì. Cứ chờ đợi thôi", bà Lương cũng không biết mình đang đợi điều gì.

Trong lúc chờ, trước Tết một tháng, bà sẽ chuyển hết số quần áo về cổng làng Kỳ Ức, trải bạt, treo biển "Đại hạ giá" để bán. Ba năm nay, đó là cách duy nhất để bà giải quyết số hàng tồn. Đêm 30 Tết năm ngoái, dọn xong hàng về đến nhà, bà Lương chỉ kịp tắm rửa, sắp mâm cỗ cúng là đến giao thừa.

Bài: Hoàng Phương
Ảnh: Ngọc Thành
Đồ họa: Tiến Thành