Thứ hai, 16/9/2019, 12:47 (GMT+7)

Nemanja Vidic và vùng trời kỷ niệm về các tiền đạo

Cựu trung vệ Man Utd Nemanja Vidic chia sẻ trên tờ The Athletic cảm nhận về những chân sút lừng danh mà anh từng đối đầu thời đỉnh cao.

"Tôi không muốn tham gia cuộc phỏng vấn này chút nào", Nemanja Vidic nói khi đang dùng bữa tại một nhà hàng ở Milan. "Khi buộc phải nói điều gì đó, tôi thích nói về tương lai hơn là quá khứ."

Vidic lúc ấy ở trong một nhà hàng bán đồ Argentina. Đây là quán quen của các cầu thủ Inter lẫn AC Milan. Vidic đã sống tại kinh đô thời trang Milan được năm năm, kể từ khi đầu quân cho Inter năm 2014. Hai năm sau đó, anh treo giày, khép lại một sự nghiệp rực rỡ. Khi Vidic bước vào nhà hàng này, anh nhìn quanh và thấy tranh của rất nhiều danh thủ thế giới được treo trên tường. Nhưng anh cảm thấy có gì đó thiếu thiếu.

"Sao không có hình của Maldini vậy?", cựu danh thủ 37 tuổi người Serbia cất tiếng hỏi. Và người bồi bàn giải thích: "À, ở đây chúng tôi chỉ vinh danh những ngôi sao Argentina thôi".

Những năm tháng đỉnh cao nhất của Vidic là trong màu áo Man Utd - nơi anh giành năm chức vô địch Ngoại hạng Anh, một Chamipons League và hàng tá danh hiệu khác.

Rồi Vidic vừa ăn vừa nói chuyện, một cuộc trao đổi kéo dài ba tiếng dù ban đầu, anh thừa nhận không thật sự thoải mái khi phải ôn lại chuyện ngày xưa. Vidic thông minh và lôi cuốn, anh nói được ba ngôn ngữ khác nhau và rất biết cách giữ cho câu chuyện luôn sinh động. Phải chăng nhờ đó mà ngày xưa anh tán được cô sinh tốt nghiệp kinh tế tại Đại học Belgrade? Cô gái tài sắc vẹn toàn ấy - Ana Ivanovic (không phải nữ VĐV quần vợt cùng tên) – sau này trở thành vợ anh và sinh cho anh ba đứa con trai là Luka, Stefan và Petar

Sau nhiều năm chinh chiến trên sân cỏ, ưu tiên số một của Vidic hiện nay là gia đình. Cựu trung vệ nói đùa anh là tài xế taxi riêng cho ba cậu con trai, đều ra đời tại bệnh viện Wythenshawe ở Manchester, đều hâm mộ Man Utd lẫn tuyển Serbia. Anh đã từ chối mọi lời mời công việc, chối hết những cuộc gặp gỡ truyền thông để dành thời gian cho con.

Tuy nhiên, Vidic vẫn muốn trở lại với bóng đá một ngày nào đó. Anh đã hoàn thành tất cả khóa đào tạo HLV từ lâu. Dư điều kiện để làm HLV tại Serbia, nhưng Vidic vẫn nhiều phen lặn lội sang Anh để hoàn thành các chứng chỉ tại Trung tâm huấn luyện quốc gia Anh - St George’s Park. Đã có những lời mời gửi đến, nhưng Vidic nhã nhặn từ chối. Anh không phải là người thích theo lối mòn, cũng chẳng quỵ lụy đi cửa sau.

"Tôi chưa từng ngán ngại những con đường chông gai", Vidic chia sẻ. "Nếu nhìn vào tiểu sử của tôi, mọi người sẽ thấy không có gì gọi là suôn sẻ. Phải đá bóng ở Belgrade trong khi quê hương mình đang bị đánh bom là một trải nghiệm khó chịu. Có lúc bom còn rơi vào nơi gia đình tôi đang sống, cả việc tôi phải chuyển tới Nga khi còn rất trẻ nữa".

"Thế anh đã sẵn sàng cho những câu hỏi chưa?", phóng viên Andy Mitten của tờ The Athletic hỏi. Vidic gật đầu. Và câu hỏi đầu tiên: Đâu là cầu thủ đáng ngại nhất mà anh từng phải đối mặt?

Vidic nói: "Tôi biết anh sẽ hỏi câu này, nên đã suy nghĩ về nó trên đường tới đây. Tôi từng nói người ấy là Drogba. Nhưng không chỉ là Drogba, còn bao nhiêu tiền đạo giỏi khác nữa, những người đã giúp tôi tiến bộ hơn, những người đã giúp tôi trở thành chính mình của thời đỉnh cao. Vậy sao ta không ôn lại những cái tên ấy?"

"Vậy anh nói đi", Mitten nói.

"Anh hỏi đi chứ. Anh là nhà báo mà", Vidic đáp.

"Vậy cầu thủ đầu tiên khiến anh cảm thấy đau đầu khi phải chạm trán là ai?".

"Oliver Bierhoff", Vidic nói và nở một nụ cười. Đã giải nghệ được gần bốn năm, nhưng trông anh vẫn vậy, vẫn mái đầu húi cua và khuôn mặt được cạo nhẵn. Khi người phục vụ quay lại xin phép dọn bàn, anh bảo hãy để anh nói chuyện đã.

Vidic và vợ Ivanovic khi còn ở Manchester.

Vidic nhớ lại: "Lúc ấy, anh ta chơi cho Chievo, còn tôi mới 19 tuổi và đang đá cho Sao Đỏ Belgrade. Bierhoff khi ấy đã là một chân sút vĩ đại tại Serie A. Việc của tôi là phải ngăn chặn anh ấy, và tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Chúng tôi cầm hòa 0-0 tại sân nhà và thắng 2-0 trên sân khách ở vòng 1 Cup UEFA".

Anh có nghiên cứu về Bierhoff trước đó không? Rõ ràng anh đã biết trước về tay săn bàn người Đức, người đã ghi bàn thắng vàng đầu tiên trong lịch sử bóng đá ở trận chung kết Euro 1996.

Vidic không trả lời ngay mà đi đường vòng: "Lúc ấy tôi còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm lắm. Sao Đỏ chơi ở giải VĐQG Serbia, nhìn chung là cũng không có nhiều đối thủ. Đại kình địch Partisan có nhiều cầu thủ giỏi, nhưng trình độ của họ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ quốc nội. Muốn được công nhận là một cầu thủ xuất sắc, bạn phải chạm trán với những cầu thủ xuất sắc khác từ những đội bóng hàng đầu châu lục. Bierhoff chính là một người như thế, và tôi quyết cho anh ta thấy mình không kém cạnh. 

Phải thừa nhận anh ta có một thể hình vạm vỡ, từng trải trăm trận nên cực kỳ khôn ngoan, còn tôi chỉ là một thằng nhóc. Tôi cố năng nổ hết mức có thể, cần cù bù thông minh mà. Anh ấy thì vô cùng tinh ranh và luôn biết xuất hiện đúng lúc đúng chỗ. Mọi đường bóng của Chievo đều hướng đến anh ấy, nên tôi đã có một trận đấu vô cùng vất vả. Hỗ trợ cho Bierhoff là những đồng đội rất giỏi, nhỏ con nhưng cực kỳ nhanh nhẹn. Hai bên cánh là Massimo Marazzina và Federico Cossato, còn ngay phía sau là Simone Perrotta. Dẫu vậy, họ cũng chẳng thể ghi nổi bàn nào sau 180 phút".

Vidic nối tiếp dòng hồi tưởng: "Những người theo dõi trận đấu từ khán đài đã nhận ra khả năng của tôi. Chỉ khi nào xem trực tiếp tại sân thì mới thấy hết tiềm năng của một cầu thủ. Xem qua TV thì không quan sát được nhiều. Phải nhìn một người từ trên khán đài, bạn mới thấy hết lối chơi của anh ta. Tôi tôn trọng ý kiến của những người trực tiếp có mặt trên sân hơn. Và tôi cũng rất tôn trọng thanh âm mà họ tạo ra: vang dội và mãnh liệt – thường xuất hiện khi Sao Đỏ thi đấu tại châu Âu. Đấy là trận đấu đầu tiên mà tôi thực sự đối đầu với một cầu thủ đẳng cấp thế giới".

Thế Bierhoff có đánh đầu được quả nào không?

Vidic nói: "Anh ấy thực sự rất cao và khỏe".

Mitten hỏi dồn: "Cứ trả lời câu hỏi của tôi đi".

Vidic nói: "Ai lại trả lời câu ấy, thiếu khiêm tốn lắm. Nếu anh xem lại trận ấy thì sẽ rõ thôi".

Thế trong và sau trận đấu anh có nói gì với Bierhoff không?

Vidic đáp: "Không. Tôi không thường nói chuyện với đối thủ của mình. Mà có gì để nói đâu".

Vậy tiền đạo thứ hai gây khó khăn là ai?

Vidic: "Đấy là năm 2002, đội tuyển Serbia đến Naples để đá với chủ nhà Italy. Lúc ấy họ sở hữu những cầu thủ xuất chúng: Totti, Del Piero và Nesta. Sân bóng tại Naples rộn rã và mãnh liệt. Nhưng đã chơi cho Sao Đỏ thì sự cuồng nhiệt này chỉ là... muỗi. Lúc đó, tôi chỉ cảm thấy hơi ngán sân Celtic Park, vì CĐV ở đó rất biết cách tiếp lửa cho các cầu thủ.

Ở Naples, tôi được phân công kèm Filippo Inzaghi. Anh ta không giỏi cầm bóng, nhưng lại là sát thủ nhạy bén nơi vòng cấm địa. Với bản năng, anh ta luôn biết mình nên có mặt ở đâu."

Anh đã làm gì để ngăn chặn một cầu thủ như vậy?

"Một vấn đề hóc búa đấy", Vidic trả lời. "Phải có cảm giác về không gian thật tốt. Vòng cấm không phải chỗ phô diễn sức mạnh, nó đòi hỏi một sự nhạy cảm về vị trí. Tôi nghĩ thế mạnh của mình chính là khả năng chọn vị trí và canh thời điểm để ra quyết định. Có nhiều cầu thủ chạy nhanh hơn hoặc nhảy cao hơn tôi, nhưng tôi luôn ăn đứt họ ở khoản chọn thời điểm".

Thời ấy, Inzaghi đang ở đỉnh cao phong độ. Anh đã lập một -hat-trick vào lưới Xứ Wales chỉ trong 11 phút. Vòng loại Euro 2004, Italy thắng mọi trận đấu trên sân nhà, trừ trận gặp Serbia mà chúng ta đang nói.

Vidic nói: "Chúng tôi đã cầm hòa họ 1-1. Del Piero ghi bàn duy nhất từ một cú sút phạt trực tiếp. Tôi có cảm giác sau trận đấu đó, mọi người đã truyền tai nhau: thằng Vidic này có thể chơi cho một đội bóng hàng đầu".

Không nói chuyện gì với Bierhoff, thế có nói gì với Inzaghi không?

Vidic: "Không luôn, lúc ấy tôi còn non choẹt và chỉ biết mỗi tiếng Serbia."

Rồi. Vậy hãy nói về tiền đạo thứ ba đã góp phần tôi luyện nên trung vệ thép Vidic nào.

"Khi chuyển tới Nga đầu quân cho Spartak Moscow, tôi nhận ra ở đó người ta chơi một thứ bóng đá rất khác", Vidic lý giải. "Đó là điều tuyệt nhất trong sự nghiệp. Tại sao ư? Vì nó lai giữa hai nền bóng đá là Anh và châu Âu. Ở đây, họ trọng dụng những mẫu tiền đạo nhỏ con và sắc sảo, Andrey Arshavin là một ví dụ. Có rất nhiều cầu thủ giỏi ở Nga nhưng đa số họ chỉ là những kẻ vô danh bên ngoài lãnh thổ. Họ cũng có một vài cầu thủ Nam Mỹ giỏi như Vagner Love của CSKA. Họ đã giúp tôi trưởng thành hơn bởi lẽ thích nghi là một điều phải có ở một hậu vệ."

"Chơi bóng ở Nga giúp ích cho tôi rất nhiều khi chuyển tới Anh. Bởi vì ở Serbia, các đội bóng rất chuộng mẫu trung phong to khỏe. Nếu chuyển thẳng từ Serbia tới Anh, có lẽ tôi sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều."

Vidic rời Sparktak và đầu quân cho Man Utd vào tháng 1/2006 với giá 7 triệu bảng (khoảng 8,7 triệu USD). Anh sẽ sớm có màn đụng độ Liverpool, đội bóng mà anh đã khước từ trước đó.

"Trải nghiệm đáng nhớ đầu tiên của tôi tại đây chính là Peter Crouch", Vidic hồi tưởng. "Tôi chưa từng thấy cầu thủ nào cao 2 mét trước đây. Chúng tôi chạm trán nhau trong một trận đấu cúp tại Anfield. Tôi đã nghĩ: Ồ, mình có thể làm gì với anh ta đây nhỉ? Sau đó tôi thấy chơi cạnh Crouch là Bellamy, mẫu cầu thủ không thiên về rê dắt nhưng lại chạy rất nhanh. Anh ta sẽ đảm nhiệm việc chạy chỗ, còn Crouch thì bật cao không chiến. Tôi chưa từng thấy cách bố trí hàng công này trước đây. Hoặc là anh dùng một cầu thủ to cao, hoặc anh dùng một chân chạy nhanh nhẹn. Ở đây Liverpool dùng cả hai. Trận đó tôi đá cặp với Wes Brown. Một trận đấu khó khăn và Man Utd đã thua 0-1".

Mitten đoán: Kiểu gì anh cũng bắt chuyện với Crouch vì anh ta rất vui tính. Khi Cristiano Ronaldo lập siêu phẩm ngả bàn đèn vào lưới Juventus, Crouch đã đăng dòng trạng thái trên Twitter: "Không có nhiều tiền đạo có thể thực hiện pha bóng này như... bọn tôi đâu".

"Tôi đã bảo rồi, tôi không bao giờ nói chuyện với các tiền đạo", Vidic đáp. "Chỉ bắt tay xã giao thôi. Với tôi, thắng thì vui, mà thua thì buồn. Nói chuyện làm gì? Nhưng tôi thừa nhận Crouch là một người vui tính và tài giỏi. Người ta cứ nghĩ anh ấy chỉ biết tận dụng chiều cao ngoại cỡ, nhưng Crouch có kỹ thuật rất tốt và rất biết cách hỗ trợ tấn công".

Vậy ngoài Drogba ra thì còn ai luôn gây khó dễ cho anh không?

"Tôi rất vui khi đề cập tới Didier Drogba, nhưng chỉ tập trung vào một mình anh ta mà bỏ mặc những người khác thì thật không phải. Anh ta là một cầu thủ khỏe mạnh và rất tinh quái với khả năng đọc vị hậu vệ đối phương. Anh ta rất biết cách tận dụng sức mạnh và rất giỏi xoay xở trong vòng cấm, đặc biệt là các trận ở Stamford Bridge. Drogba sẽ theo bạn cả trận đấu. Anh ấy sẽ còn vĩ đại nhiều hơn nếu không gặp các chấn thương rải rác suốt sự nghiệp. Anh ta cứ lẩn quẩn quanh vòng cấm và bạn không được phép để xổng một khoảnh khắc nào. Drogba cũng rất biết cách ghi những bàn quan trọng. Thật may mắn khi được so tài cùng anh ấy khi cả hai đều đang trong độ chín của sự nghiệp."

Vidic luôn cảm thấy khó khăn mỗi khi làm khách trên sân của Chelsea. Anh nói: "Đường piste quanh sân rất hẹp. Chelsea cũng sở hữu những cái tên "trâu bò" như Terry, Carvalho, Essien, Lampard và Drogba. Mà này, cậu định hỏi tôi có nói chuyện với Drogba không chứ gì?"

Tất nhiên là phải hỏi. Vì giữa họ từng có một cuộc cãi vã nảy lửa ở trận chung kết Champions League tại Moscow.

"Drogba muốn nện tôi khi trận đấu đang diễn ra. Ban đầu tôi đã nghĩ: ‘Hắn ta đang làm cái quái gì vậy?’ Rồi tôi tiến tới phía anh ta. Tôi đã xử trí không hay và anh ta cũng vậy. Kết cục là anh ta bị đuổi khỏi sân. 10 năm sau đó chúng tôi hội ngộ tại World Cup 2018. Chúng tôi đã bắt tay và chào hỏi nhau. Tôi tôn trọng anh ta với tư cách là một cầu thủ bóng đá lẫn một người đàn ông. Chúng tôi đã luôn thúc đẩy nhau để cùng tiến bộ. Man Utd và Chelsea khi ấy là hai đội bóng mạnh nhất thế giới – và không phải chỉ trong vỏn vẹn một năm. Chúng tôi đã ba lần tiến tới trận chung kết Champions League chỉ trong bốn năm. Một điều chẳng hề dễ dàng chút nào".

"Drogba dựa rất nhiều vào sức mạnh thể chất, nhưng anh ấy cũng cực kỳ thông minh. Khi tình thế khó khăn, anh ta sẽ mang về một quả đá phạt trực tiếp ngay rìa vòng cấm cho Lampard thực hiện. Nếu Chelsea có bàn thắng thì coi như xong. Mà cứ trận nào để lọt lưới là tôi dằn vặt ngay".

Vidic (trái) xem những lần chạm trán với Drogba là điều bổ ích để anh tiến bộ hơn trong sự nghiệp. Ảnh: EPA.

Nhưng giả sử anh để thủng lưới chỉ sau 10 phút thì sao?

"Khi còn trẻ thì tôi sẽ suy sụp. Lớn hơn một chút thì tôi nghĩ: bình tĩnh nào, mọi thứ có thể sẽ tệ hơn nếu mình không giữ vững tinh thần. Có khi sẽ thua thêm bàn thứ hai bây giờ. Trên sân bóng, kẻ thù lớn nhất thực ra là chính bản thân mình".

"Tôi cũng nên nói đôi chút về những cộng sự. Bạn sẽ luôn cần một người để đá cặp ăn ý. Thật may là tôi được chơi cùng những người giỏi. Ở tuyển Serbia tôi có Mladen Krstajic, chúng tôi đã lập kỷ lục chỉ để thủng lưới đúng một bàn duy nhất tại vòng loại World Cup năm 2006. Chúng tôi đã xếp đầu bảng đấu gồm những Tây Ban Nha, Bosnia & Hercegovina và Bỉ".

"Đá cạnh nhau thì phải vô cùng tâm đầu ý hợp. Tiền đạo thì có thể đá độc lập vì họ có thể tự mình ghi bàn theo nhiều cách khác nhau, trung vệ thì khác. Ở Sao Đỏ, tôi sát cánh cùng cậu bạn thân Nenad Lalatovic. Và dĩ nhiên, ở Man Utd là Rio."

Trở lại với những tiền đạo, anh nghĩ sao về cặp đôi tiền đạo nói tiếng Tây Ban Nha là Fernando Torres và Sergio Aguero? 

Vidic mỉm cười, vì anh muốn nói về người khác. "Sao không phải là Raul? Anh ta di chuyển khéo cực. Một chàng trai mưu mẹo. Lần đầu tiên trong đời tôi phải đối mặt với một tiền đạo luôn đứng sau lưng hàng hậu vệ đối phương. Anh ta luôn đợi ở phía sau rồi chực chờ cơ hội lùi xuống đón bóng. Tôi đã luôn phải điều chỉnh cơ thể nhằm thích nghi với lối chơi của Raul, luôn phải để mắt theo dõi một người lúc nào cũng đứng sau lưng mình."

"Nếu bạn để xổng anh ta khỏi tầm mắt thì nguy to. Anh ta là vô cùng tinh quái, sở hữu những bước di chuyển xuất sắc cùng những pha dứt điểm chân trái rất ngọt, dù tốc độ và thể chất chưa bao giờ là điểm mạnh của anh ta. Tôi đã có dịp đối đầu với anh ấy trong màu áo ĐTQG Tây Ban Nha nhưng đôi khi cầu thủ không thể thể hiện hết mình khi lên tuyển, bởi lẽ cấu trúc đội hình của ĐTQG là rất khác so với CLB."

0h30. Nhà hàng đã vắng người. Vidic gọi một phần thịt bít tết, rượu Prosecco và vang. Còn có cả món bò tái kiểu Pháp nữa.

"Sergio Aguero Luis Suarez", anh nói. "Aguero trông như không đam mê bóng đá lắm. Có vẻ như cậu ta sẽ chẳng chịu chạy rồi đùng một cái, lao đi như một quả tên lửa. Bảo rằng Aguero sinh ra để đá hậu vệ là tôi tin liền đấy. Cậu ta biết rõ bóng sẽ tới đâu và nên tấn công vào lúc nào. Khi ở trong vòng cấm, việc sở hữu trọng tâm thấp giúp cậu ta đổi hướng nhanh – đặc biệt hữu ích khi đối mặt với mẫu trung vệ to con người Anh. Cậu ấy ra chân rất nhanh, có thể đệm bóng cận thành, rê dắt lẫn sút xa. Tôi đã đối mặt với Aguero trong trận thua 1-4 dưới thời Moyes.

"Đó là trận đấu tệ nhất của tôi trong màu áo Man Utd. Hai trận thua trước Barca cũng rất kinh khủng. Trận ở Rome đã khó, trận ở Wembley còn khó hơn."

Đúng là vậy. Lionel Messi và Samuel Eto’o thì sao?

"Guardiola đã thay đổi Messi. Cậu ta từng chơi bóng bên cánh phải và có xu hướng ngoặt vào trong. Cậu ta nguy hiểm nhưng không hề khó đoán. Guardiola đã đưa cậu ta vào trung lộ và cậu ta đã chơi rất tốt. Barca chơi bóng xung quanh cậu ấy. Cậu ta luôn xộc thẳng vào hậu vệ với hai bên cánh luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc. Tôi chạm trán Messi hai lần và để thua cả hai. Dù không muốn, tôi phải thừa nhận rằng họ chơi tốt hơn".

Messi là tiền đạo hiếm hoi mà Vidic thấy thật sự e dè khi đối mặt. Ảnh: AP

"Man Utd năm 2009 sở hữu đội hình rất mạnh và chúng tôi đã có thể làm tốt hơn. Với vị thế của nhà vô địch châu Âu lẫn thế giới, chúng tôi chẳng việc gì phải ngần ngại trước Barca, họ phải sợ chúng tôi mới đúng. Chiến thắng trước Man Utd đã củng cố niềm tin nơi họ, để rồi Rome chính là bước đệm không thể tuyệt hảo hơn cho Barca của Guardiola".

Vậy còn Suarez thì sao?

"Một cầu thủ năng động. Cậu ta khác Aguero ở chỗ chịu khó di chuyển hơn; một mẫu cầu thủ sử dụng bản năng là chính. Suarez phụ thuộc vào những pha bùng nổ. Tôi không nghĩ cậu ta biết chính xác mình đang làm gì nhưng cậu ta luôn thành công."

"Bóng lọt qua chân hậu vệ và người ta sẽ nghĩ đó chỉ là ăn may, nhưng cậu ta có một nguồn động lực để có thể làm vậy. Cậu ta ngoặt bóng rồi đảo hướng; cậu ta sử dụng đầu gối mình lẫn đầu gối đối phương. Cậu ta luôn tấn công trực diện và khao khát ghi bàn. Cậu ta có thể chạy liền tù tì 90 phút với một ngọn lửa luôn rực cháy. Có một vài cầu thủ ở Man Utd cũng giống thế. Tôi sẽ kể cho cậu nghe về Rooney, Cristiano, Saha hay Tevez, nhưng trước hết để tôi gọi thêm kem và đồ tráng miệng đã."

Cuộc trò chuyện tạm nghỉ vì Vidic mải tập trung vào món pudding của mình. Và anh sẽ còn trải lòng thêm sau khi... ăn xong.

Hoài Thương dịch