Lớn lên ở Leytonstone, phía Đông London, nơi David Beckham sinh ra, Nico Yennaris từng ước mơ trở thành ngôi sao bóng đá nổi tiếng như cựu đội trưởng tuyển Anh. Một giấc mơ thường thấy ở hàng triệu đứa trẻ khác. Có bố là người Cyprus, mẹ người Trung Quốc, Yennaris khởi đầu không tồi. Bảy tuổi, Yennaris gia nhập lò đào tạo trẻ của Arsenal, sau đó khoác áo đội U17, U18 và U19 Anh. Giấc mơ đạp cỏ Ngoại hạng Anh của tiền vệ sinh năm 1993 ngỡ rất gần, nhưng một loạt chấn thương từ năm 2014 đến 2017 đã cướp đi tất cả. Yennaris bị Arsenal thanh lý hợp đồng, rồi mất vị trí ở cả đội hạng dưới Brentford. Ở bước đường cùng, tiền vệ này phải tìm một cách ít ai ngờ để tỏa sáng.
Tháng 1/2019, Yennaris cập bến Quốc An Bắc Kinh, sau khi từ chối lời mời của AC Milan. Do luật pháp Trung Quốc không chấp nhận công dân sở hữu hai quốc tịch, tiền vệ cao 1m75 hủy quốc tịch Anh ít tuần sau đó. Yennaris nhập tịch Trung Quốc, đổi tên thành Lý Khả và trở thành cầu thủ nhập tịch đầu tiên ghi bàn ở Super League. Tháng 3/2019, Lý đi vào lịch sử khi trở thành cầu thủ nhập tịch đầu tiên thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc, trong trận giao hữu với Philippines tại China Cup.
Lý Khả không phải trường hợp duy nhất trong làn sóng nhập tịch Trung Quốc thời gian qua. Tháng 1/2019, John Hou Saeter (có mẹ là người Trung Quốc), bỏ quốc tịch Na Uy, nhập tịch Trung Quốc, và lấy tên Hầu Vĩnh Vĩnh. Hầu cũng đến Quốc An Bắc Kinh và chờ ngày được HLV Marcelo Lippi cất nhắc lên tuyển, cùng với hai ngôi sao Brazil (Ricardo Goulart, Elkeson) - những người không có gốc gác Trung Quốc, nhưng được chính phủ nước này bật đèn xanh cho việc nhập tịch. Họ sẽ là những trụ cột cho chiến dịch vòng loại World Cup 2022, sau khi chơi bóng đủ 5 năm ở đất nước đông dân nhất thế giới - quy định của FIFA để một cầu thủ lấy hộ chiếu mới.
Quyết định trọng dụng những cầu thủ Hoa kiều và nhập tịch gây phản ứng trái chiều trong dư luận Trung Quốc, đồng thời đặt ra những câu hỏi về bản sắc của đội tuyển bóng đá nước này. Cameron Wilson, chuyên gia bóng đá làm việc lâu năm ở Thượng Hải, cho biết: "Người Trung Quốc luôn rạch ròi về những thứ thuộc về Trung Quốc và những thứ không phải. Làn sóng nhập tịch cầu thủ một cách ồ ạt sẽ gặp trở ngại lớn từ ý thức hệ của người Trung Quốc".
Cầu thủ nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc chơi bóng là cựu tiền vệ người Thụy Điển, Pelle Blohm. Năm 1995, ông gia nhập Vạn Đạt Đại Liên (nay là Thực Đức Đại Liên), một CLB ở Đông Bắc Trung Quốc. Ông nhớ lại: "Ngày tôi đến, gió Siberia thổi mạnh từ vịnh. Mùa đông ở đó rất lạnh nhưng không có tuyết. Cảm giác chẳng dễ chịu chút nào".
Vào thập niên 1990, bóng đá Thụy Điển chưa phát triển. Giới cầu thủ đa phần phải làm thêm việc bán thời gian, với thu nhập bấp bênh. Blohm khao khát có một cuộc sống bóng đá đúng nghĩa và quyết định dấn thân vào cuộc phiêu lưu tới vùng Viễn Đông. Ngày ông tới Trung Quốc, bóng đá chuyên nghiệp đang ở năm thứ ba tại đây. Blohm được hít thở không khí bóng đá ở giải A1, cấp cao nhất của Trung Quốc, tương đương Super League bây giờ. Theo lời Blohm, sân vận động của Đại Liên có sức chứa lên tới 55.000 chỗ, và thường đón không dưới 35.000 mỗi trận. Đó là điều mà mỗi cầu thủ chuyên nghiệp đều ao ước.
Nhưng mộng đẹp của Blohm bị dập tắt chỉ sau vài ngày. Ông được yêu cầu cắt tóc ngắn, theo đúng thông lệ và quy định của bóng đá Trung Quốc. Cựu danh thủ này nói thêm: "Trong khoảng hai tháng đầu, CLB không giúp tôi tìm phiên dịch. Mọi thứ thật tệ khi chẳng ai nói tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ quốc tế nào ở đó. Họ chỉ giao tiếp bằng tiếng Trung. Cầu thủ hút thuốc và uống rượu rất nhiều. Sân bóng lớn nhưng mặt sân khá tệ, và không có phòng thay đồ. Chúng tôi luôn được yêu cầu ở trạng thái sẵn sàng từ trong khách sạn. CLB đáp ứng yêu cầu trả lương bằng USD cho tôi, nhưng trong nhiều ngày, tôi không thể tìm thấy ngân hàng nào có thể đổi ngoại tệ".
Thành phố Đại Liên lúc đó có khoảng năm triệu dân, và gần như không tiếp xúc với phương Tây. Theo lời Blohm, không có bất cứ quán cafe, những thương hiệu quốc tế, hay thậm chí là bánh hamburger tại đấy. Ông hiếm khi gặp người nước ngoài trong thời gian chơi bóng ở đây. Người Trung Quốc hầu như không du lịch nước ngoài vào thập niên 1990. Bất kỳ nhóm khách du lịch nào, nếu muốn tham quan Trung Quốc, đều cần các công ty lữ hành dẫn và chính phủ phê duyệt trong khoảng sáu tháng.
"Người dân ở chỗ tôi sống gần như không có hoặc không biết khái niệm về hộ chiếu. Hầu hết chỉ coi đó là một mảnh bìa cứng, có thể đi nhiều nơi trên thế giới. Thực sự, tôi không nghĩ đó là hộ chiếu, mà chỉ tựa như visa xuất cảnh", Wolfgang Georg Arlt, một hướng dẫn viên du lịch người Đức làm việc ở Trung Quốc thập niên 1990, chia sẻ. "Tôi biết, các cặp vợ chồng Trung Quốc không được ra nước ngoài cùng nhau. Luôn có một người phải ở nhà. Tôi còn nhớ, người Trung Quốc còn nhắc nhau, rằng không nên nói chuyện với người nước ngoài. Nếu tôi muốn hỏi điều gì, chẳng hạn nhà ga ở đâu, họ sẽ không nói mà dẫn tôi đến nơi, rồi làm chỉ dấu".
Sau một năm ở Trung Quốc mà Blohm coi là "quan trọng nhất cuộc đời", ông quyết định ra đi. "Tôi thực sự mệt mỏi", cựu cầu thủ bóng đá nói. Với danh thủ này, việc từ bỏ quốc tịch Thụy Điển có lẽ là điều viển vông nhất ông từng nghe.
Hè 2008, Trung Quốc chi 40 tỷ USD để tổ chức Olympic Bắc Kinh. Đổi lại, họ giành 51 HC vàng, đứng đầu bảng tổng sắp. Cùng với nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, thông điệp mà đất nước 1,4 tỷ dân đưa ra rất rõ ràng: Trung Quốc muốn là số một về thể thao. Nhưng cho đến giờ, 11 năm sau Olympic Bắc Kinh, họ vẫn vật lộn để phát triển bóng đá. Trung Quốc chưa tham dự World Cup thêm lần nào, kể từ lần ra mắt năm 2002. Tháng 7/2009, họ xếp thứ 108 FIFA, thành tích tồi tệ nhất của bóng đá nước này. Nhiều vấn nạn hoành hành ở Trung Quốc, trong đó, dàn xếp tỷ số, tham nhũng, khiến Liên đoàn bóng đá nước này (CFA) phải thành lậpỦy ban đạo đức để làm trong sạch môn thể thao vua.
Là một người yêu bóng đá và giữ vị trí Phó Chủ tịch CFA từ năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình muốn cả nước yêu môn thể thao này giống ông. Nhiều tỷ phú như Jack Ma (Alibaba), Vương Kiện Lâm (Wanda Group)... đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho bóng đá, mà nhiều nhất là giải Super League. Các học viện bóng đá được thành lập khắp cả nước. Hàng ngàn chuyên gia và HLV nước ngoài được mời về để dạy những học viên nhí Trung Quốc chơi bóng.
Với dòng tiền ào ạt đổ về, những ngôi sao bắt đầu tìm tới Super League chơi bóng, dù phần lớn họ là những người đã hết thời, hoặc các cầu thủ trẻ không có cơ hội thể hiện tài năng ở các giải vô địch châu Âu. Bắt đầu từ năm 2012, cựu cầu thủ Chelsea, Didier Drogba gia nhập Thân Hoa Thượng Hải. Tới năm 2019, cựu tiền vệ Man Utd, Marouane Fellaini cập bến Lỗ Năng Sơn Đông, với phí chuyển nhượng ước tính khoảng 13 triệu USD. Tuy nhiên, tất cả bị lu mờ trước thông tin Gareth Bale muốn rời Real Madrid để ký hợp đồng ba năm với Tô Ninh Giang Tô. Nếu thành công, ngôi sao Xứ Wales sẽ nhận 1,2 triệu USD tiền lương mỗi tuần, nhưng vào phút cuối, Real hủy giao kèo này. So với nhóm cầu thủ nội, cầu thủ ngoại có lợi thế là không bị áp trần lương 1,45 triệu USD một năm khi thi đấu ở Super League.
Phát triển bóng đá, với ông Tập, không chỉ dừng lại ở việc thu hút các ngôi sao nước ngoài. Ông muốn tạo ra những cầu thủ Trung Quốc tài năng. Đó là lý do, CFA ra nhiều quy định cho Super League. Đầu tiên, mỗi CLB được đăng ký tối đa bốn cầu thủ ngoại, và chỉ được phép đưa ba người vào sân cùng lúc. Cầu thủ ngoại thứ tư, nếu vào sân, phải là người Hong Kong, Đài Loan hoặc Ma Cao. Một số CLB Trung Quốc tìm cách lách luật, chẳng hạn với trường hợp của cầu thủ gốc Nigeria, Alex Akande. Anh này sống Hong Kong đủ lâu và được cấp quốc tịch Hong Kong. Akande lấy tên tiếng Trung là Ngải Lực Sĩ, và giờ chơi cho Nhất Phương Đại Liên với tư cách một cầu thủ Hong Kong, thay vì ngoại binh.
Thứ hai, những CLB Trung Quốc không được phép mua thủ môn nước ngoài. Quy định này được ban hành từ năm 2011. Thứ ba, các CLB bị đánh thuế 100% nếu mua những cầu thủ trị giá hơn bảy triệu USD. Số tiền thuế này được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng cho các học viện đào tạo bóng đá trẻ. Cuối cùng, các CLB Trung Quốc hầu hết sống nhờ túi tiền các tỷ phú. Ở mùa 2019, chỉ một trận đấu, vé được bán hết. Tỷ lệ khán giả tới sân xem bóng đá khoảng 51%, và các đội dự Super League làm ăn không có lãi.
"Những quyết định này giúp cầu thủ Trung Quốc được đảm bảo việc chơi bóng", chuyên gia Wilson nói. "Bóng đá Trung Quốc có rất nhiều tiền, nhưng không thể bù đắp được một thiếu sót quan trọng, đó là Trung Quốc không có văn hóa bóng đá. Đó là thứ mà người ta muốn giấu nhẹm ở đất nước này. Điều đáng nói, vấn đề này chỉ xảy ra ở bóng đá. Trong một thời gian dài, tôi không tin, nhưng sau khi được tận mắt một số việc, tôi ủng hộ luận điểm này. Ai cũng nghĩ Trung Quốc có tiềm năng lớn phát triển bóng đá, rằng đất nước này chỉ như một người khổng lồ đang ngủ, là một mỏ vàng đang chờ khai phá. Nhưng sự thật không phải vậy. Lấy ví dụ như ở Anh, văn hóa bóng đá ở đó sâu sắc đến nỗi những nước đi sau sẽ mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm để tạo ra một thứ đặc sản tương đương. Trẻ em Trung Quốc khi sinh ra, đơn giản là không có bóng đá bao quanh. Câu chuyện 'Bend it like Beckham' (một bộ phim nổi tiếng nói về cựu thủ quân tuyển Anh) mãi chỉ là mộng tưởng".
Trong video giới thiệu về bản thân hôm ra mắt Quốc An Bắc Kinh, Lý Khả nói "chưa bao giờ nghi ngờ" về việc từ bỏ quốc tịch Anh, trái ngược hoàn toàn với kinh nghiệm của Blohm về Đại Liên ở thập niên 1990. Anh xem Bắc Kinh là một đô thị lớn, "rất giống với các thành phố như London, Paris hay New York".
"10 năm trước, việc ai đó chọn hộ chiếu Trung Quốc, thay vì hộ chiếu Anh là điều không thể tưởng tượng", Philippe May, Giám đốc điều hành của Arton Capital Singapore chia sẻ. Theo May, trong 10 năm qua, hộ chiếu Trung Quốc đã tăng đáng kể sức mạnh và vị thế. Công dân Trung Quốc không còn bị hạn chế trong việc di chuyển ra nước ngoài. Arlt, hướng dẫn viên cho khách du lịch Đức thập niên 1990, bổ sung thêm rằng việc nhiều VĐV chọn quốc tịch Trung Quốc bởi những hợp đồng béo bở ngoài tầm với của họ ở quốc gia cũ. "Tôi không nghĩ những cầu thủ bóng đá vừa nhập tịch có kế hoạch sống lâu dài, hay định cư hẳn tại Trung Quốc. Điều này rất dễ hiểu. Nếu kiếm được 25 triệu USD trong ba năm chơi bóng ở Trung Quốc, hẳn bạn sẽ vui hơn nhiều nếu chỉ kiếm được một triệu tại Canada hay Bồ Đào Nha", Arlt nhận xét.
Colin Bloomfield, nhân viên tư vấn nhập cư có trụ sở tại Hong Kong, nói rằng việc xin cấp lại hộ chiếu Anh là có thể, nhưng người xin cấp lại cần "cung cấp lý do chính đáng" và "không có gì đảm bảo rằng chính phủ Anh sẽ chấp nhận". Ngay chính những cầu thủ nhập tịch, họ cũng bị chia rẽ về ý kiến của người hâm mộ. Trên mạng xã hội Weibo, phần đông người Trung Quốc phản ứng tích cực với việc Lý Khả, Hầu Vĩnh Vĩnh - các cầu thủ Hoa kiều, có mẹ là người Trung Quốc - trở về khoác áo đội tuyển. Nhưng với Elkeson và Goulart, mọi chuyện phức tạp hơn rất nhiều.
Hồi tháng 3/2019, CFA đã thông báo tới những cầu thủ đã và đang có ý định nhập tịch Trung Quốc phải được giáo dục về các giá trị của Đảng Cộng Sản. Các CLB chủ quản của những cầu thủ này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản lên Liên đoàn về thành tích học tập của mỗi cầu thủ hàng tháng, đồng thời khơi dậy "lòng yêu nước", và sắp xếp cho cầu thủ nhập tịch các khóa học tiếng Trung, lịch sử, văn hóa và bối cảnh xã hội hiện tại. Yêu cầu bắt buộc với một cầu thủ, nếu muốn xin nhập quốc tịch Trung Quốc, là nhận biết được quốc kỳ, quốc huy và hát quốc ca.
Trong trận ra mắt tuyển Trung Quốc gặp Philippines, Lý Khả hát được Quốc ca Trung Quốc. Anh cũng đang nỗ lực học tiếng Quan Thoại, và đã hoàn thành giấc mơ thời thơ ấu là trở thành ngôi sao bóng đá nổi tiếng, dù không phải trên đất Anh. Tiền vệ sinh ở London gần như sẽ có suất trong chiến dịch vòng loại World Cup 2022 của Lippi, người vừa trở lại dẫn dắt Trung Quốc và góp phần đẩy mạnh việc nhập tịch cầu thủ.
Lý Khả nói, giấc mơ của anh lúc này là giúp Trung Quốc giành vé dự World Cup. "Trong 20 năm nữa, tôi sẽ kể cho các con nghe là tôi từ đâu đến và tôi đã làm những gì trên cuộc đời này", anh thổ lộ.
Thắng Nguyễn (theo CNN)