Thứ tư, 11/12/2019, 12:25 (GMT+7)

'Ký ức Hội An' ra mắt khán giả Thủ đô

Vở diễn tái hiện thương cảng Hội An thế kỷ 17 qua âm nhạc, tạo hình và những hoạt cảnh sống động trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Du lịch Việt Nam.

Công diễn lần đầu tiên ngày 18/3/2018, vở diễn thực cảnh "Kí ức Hội An" đi từ 50 khán giả trên khán đài đến 1.000 du khách tới xem show mỗi tối. Trong chưa đầy một năm, vở diễn nổi tiếng khăp thế giới. 

Trong không gian của sân khấu của Diễn đàn cấp cao về Du lịch Việt Nam lần thứ 2 hôm 9/10 tại Hà Nội, hơn 50 nghệ sĩ của Nhà hát kí ức Hội An có dịp hiện những lát cắt thực cảnh sinh động, hấp dẫn trước khán giả Thủ đô. 

"Kí ức Hội An" chia làm 5 phần: Sinh mệnh, đám cưới, thuyền và biển, bến bờ, áo dài. Tất cả khắc họa sinh động đời sống văn hóa tinh thần của mảnh đất, con người Hội An. 

Qua các phần biểu diễn, khán giả ấn tượng với bối cảnh nhộn nhịp của thương cảng Hội An thế kỷ 17, nơi đây được mệnh danh là đầu mối giao thương của Đông Dương với tàu bè qua lại tấp nhập. Nhiều quốc gia, sắc tộc cùng tô điểm cho sự sầm uất phố thị miền Trung Việt Nam. 

Thông điệp chính của màn biểu diễn Thuyền và Biển chính là sự chuyển mình phát triển của Hội An trở thành một thương cảng sầm uất của thế kỷ 16 – 17 mà điểm nhấn chính là câu chuyện tình yêu của cô gái xứ Faifo chờ mãi người yêu là thủy thủ tàu buôn thường xuyên xa nhà.

Trở về Hội An thế kỷ 16 – 17 trong bối cảnh phát triển ngành kinh tế mới, chàng trai buộc phải lênh đênh trên biển để giao thương hàng hóa với nước ngoài. Họ buộc phải xa nhau trong sự nhớ thương và một tình yêu chung thủy đến cạn cùng. Để rồi nàng hóa đá như ngọn đèn hoa đăng rực sáng trong đêm sau những ngày mong chờ, cầu nguyện và nhung nhớ.

Màn biểu diễn Đám cưới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả là hình ảnh rước dâu bằng voi hoành tráng và thú vị. Hàng trăm diễn viên vào vai người lính Chăm trong trang phục váy áo lộng lẫy, sang trọng thực hiện những điệu nhảy múa đón dâu rộn ràng. Cùng với đó là hình ảnh các chú voi bằng tượng cao to, cây cầu lãng mạn,... Tất cả đã tái hiện rõ nét và đầy lôi cuốn về đám cưới giữa Huyền Trân Công Chúa với Quốc Vương xứ Chăm pa, là cột mốc lịch sử đáng nhớ khiến khán giả không thể rời mắt.

Thông qua lễ hội rước dâu sang trọng và lộng lẫy của công chúa Huyền Trân với Quốc vương xứ Chăm pa, "Ký ức Hội An" không chỉ muốn khán giả hiểu hơn về tình hình kinh tế, chính trị và phong tục văn hóa của Hội An thời Chăm pa mà còn muốn tái hiện hình ảnh giao thương kinh tế sôi nổi của vùng Chiêm Cảng - Lâm Ấp thế kỷ 9 - 10.

Không gian nghệ thuật đương đại trong thực cảnh "Kí ức Hội An" còn được tô điểm qua giai điệu độc tấu sáo Hò ba lý. 

Bà Phan Thị Thục Linh – Giám đốc Nhà hát kí ức Hội An cho biết các tiết mục trong vở diễn thực cảnh được khán giả trong nước, quốc tế đánh giá rất cao. "Bên cạnh vở diễn lớn đã trình người xem, chúng tôi biểu diễn hàng ngày các show nhỏ trong công viên ấn tượng Hội An, Quảng Nam và chỉ nghỉ duy nhất một ngày thứ 3. Công viên ấn tượng Hội An là một trong những nơi khách du lịch không bỏ qua khi đến Hội An", bà Thục Linh chia sẻ.  

Hội An là một thành phố hiếm hoi còn gìn giữ gần như trọn vẹn những giá trị cổ kính của hàng trăm năm trước dù trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Chính điều đó khiến Hội An trở nên khác biệt và người dân nơi đây có quyền tự hào với bạn bè quốc tế về những giá trị vô giá của mình.

Kết thúc chương trình biểu diễn thực cảnh "Ký ức Hội An" là màn trình diễn áo dài truyền thống kết hợp với các công trình kiến trúc cổ xưa gắn liền với vùng đất Hội An. Trong không gian âm thanh và không khí hiện đại, các cô gái đạp xe đạp dọc con đường ánh sáng, len lỏi qua từng góc phố cổ như đưa khán giả trở về với cuộc sống hiện đại, về với một Hội An cổ kính trầm mặc nhưng không kém phần năng động, hiện đại theo một cách riêng của nơi này– ôn hòa, nhẹ nhàng và đầy tinh tế.

Quang Thái - Thành Dương