Ngày đầu tiên thật đáng nhớ với Veron. Anh đã gia nhập CLB vừa ba lần liên tiếp vô địch Ngoại hạng Anh. Mới hai năm trước thôi, họ còn vô địch Champions League trong một mùa giải ăn ba lịch sử. Để có Veron từ Lazio, Man Utd phải phá kỷ lục chuyển nhượng bóng đá Anh với 28 triệu bảng (khoảng 35 triệu USD). Khi các đồng đội mới của anh đang tập luyện, Veron phi ô tô thẳng vào sân.
Mike Phelan, HLV của đội một Man Utd ngày ấy, nhớ lại: "Hiếm cầu thủ nào tạo ấn tượng đầu tiên sâu sắc như Veron. Anh ta xuất hiện tại Carrington khi cả đội đang tập. Dừng xe rồi... đi thẳng vào sân. Buổi tập ngưng lại, các cầu thủ đều ngạc nhiên: Ồ, Veron kìa! Scholes, Giggs, Keane, tất cả lần lượt bắt tay Veron. Cậu ấy thực sự đã tạo hiệu ứng lớn".
Dù vậy, ấn tượng ban đầu tốt đẹp, những ký ức vui vẻ vẫn thường bị lãng quên khi người Anh nói về "La Brujita" (Phù thủy nhỏ - biệt danh của Veron). Họ mải tập trung vào các thông số tồi tệ và những nỗi thất vọng, nên dễ dàng quên rằng cũng có nhiều phen Veron "đưa tất cả tới thiên đàng" như lời của Ferguson, chỉ với một pha chuyền bóng trác tuyệt. Những đường chuyền mang thương hiệu Veron ấy, những tiền vệ bình thường còn không nhìn ra, chứ đừng nói vung chân chuyền thử.
Nhưng bản hợp đồng kỷ lục mau chóng trở thành nỗi thất vọng. Chỉ hai mùa, sự kiên nhẫn của "Quỷ Đỏ" cạn kiệt, và họ phải tìm cách đẩy anh sang Chelsea. Nhưng trong những ngày tháng cuối cùng tại Man Utd, Veron vẫn kịp để lại một pha kiến tạo độc đáo cho Van Nistelrooy ghi bàn, trong trận giao hữu trước mùa giải 2003-2004 với Juventus. Dù chỉ là giao hữu, cú vẩy má ngoài với cảm giác bóng siêu đẳng ấy vẫn đủ ấn tượng để xuất hiện trong cuốn hồi ký của Ferguson 10 năm sau đó.
Vẫn với cái má ngoài rất ngoan, Veron chuyền cho David Beckham trong trận đấu với Birmingham City. Bóng từ chân "Phù thuỷ nhỏ" loại hết hàng thủ đối phương, để Beckham ghi bàn bằng cú lốp điệu nghệ trong một trận Ngoại hạng Anh mùa 2002-2003. "Trong khoảnh khắc ấy, Veron trông thật siêu phàm", Ferguson nói. Đó là nhận xét của một con người đã nhìn thấy rất nhiều điều kỳ diệu trên sân cỏ, nhưng vẫn không kềm được cảm xúc choáng ngợp khi chứng kiến thiên tài của Veron.
Rất nhiều CĐV Man Utd sẽ nhớ lần Veron kiến tạo cho Ole Gunnar Solskjaer ghi bàn vào lưới Deportivo La Coruna, trong một trận ở Champions League. Đấy là một pha bóng mà nếu bạn yêu bóng đá đẹp, đã nhìn một lần thì mãi mãi không quên. Một lần nữa, Veron lại dùng cái má ngoài, đưa quả bóng xé toang hàng thủ đối phương, ngọt như nhát cắt của một con dao mổ.
Nhìn những cú vẩy má ngoài tung tẩy như bọn trẻ vẩy nước vào nhau, người ta dễ dàng nhận ra vì sao thời gian ấy, cờ Argentina lại bay trên những góc khán đài Old Trafford, vì sao áo Veron được bán nhiều nhất trong hai năm từ 2001 đến 2003. Người ta cũng hiểu vì sao Ferguson phải vật vã tìm cách nhét bằng được Veron vào sơ đồ chiến thuật của ông.
Veron là bản hợp đồng mà Ferguson rất thích, nhưng không cần. Đấy là một trong những lần hiếm hoi nhà cầm quân giàu lý trí này quyết định xuống tiền cho một cầu thủ chỉ vì ông thích. Và vì quá thích, nên ông đã cố lèn Veron vào một hàng tiền vệ vốn đã toàn mỹ với Beckham, Keane, Scholes và Giggs - bộ tứ đã giúp Man Utd ba lần liên tiếp vô địch Ngoại hạng Anh, trong đó có một cú ăn ba lịch sử vào năm 1999.
Veron là kiểu cầu thủ cần bóng mọi lúc mọi nơi. Anh muốn thống trị trận đấu và khi có cảm hứng để làm việc đó, Veron quả thực là một nghệ sĩ rất đáng xem. Trong trận thắng Everton 4-1, Nicky Butt, khi ấy ngồi trên khán đài, nhớ lại: "Seba thật sự phi thường trong trận đấu ấy. Anh ấy hay đến mức tôi nghĩ: có lẽ mình sẽ không bao giờ còn được chơi cho United nữa".
Ngay cả một cầu thủ ở đẳng cấp vượt trội như Paul Scholes cũng ít nhiều bất an trước sự xuất hiện của Veron. Nhưng vì là một cầu thủ thuần thành, một con người thập toàn chuyên môn, nên Scholes vừa bất an lại vừa phấn khích. Scholes nói: "Tôi đã chứng kiến nhiều tân binh gia nhập Man Utd khi còn thi đấu, nhưng Veron là người khiến tôi hứng thú nhất. Wayne Rooney, Rio Ferdinand... đều xuất sắc, nhưng chỉ Veron làm tôi cảm thấy lưu tâm thật sự. Anh ấy chơi trùng vị trí nên tôi rất hay xem anh thi đấu. Tôi xem rất nhiều trận đấu của Lazio và đội tuyển Argentina, thầm nghĩ: Đá gì mà hay thế. Anh ta có thể chạy cả trận không biết mệt, có kỹ thuật siêu phàm, kiến tạo và ghi bàn đều được".
Ấy vậy mà Veron lại không thành công tại Anh. Nói thế là giảm, chứ thực ra phải gọi là thất bại thảm hại. Đầu tiên là ở Man Utd, sau đó là tại Chelsea. Ở Man Utd, Ferguson còn cố tìm cách xoay xở để Veron được đá. Còn ở Chelsea, anh chỉ ra sân vỏn vẹn 14 lần trong suốt bốn năm.
Robert Huth, đồng đội của Veron ở Chelsea, cho biết: "Anh ấy đến Chelsea trong một luồng hào quang. Nhưng trong bóng đá, có một thứ rất lạnh lùng: phòng thay đồ. Có hào quang là tốt, có sự nghiệp rực rỡ là tốt, nhưng nếu không biết cách gò mình vào tập thể, hào quang ấy sẽ tắt rất mau".
Diego Forlan đã theo dõi Veron tại Old Trafford đủ để kết luận: "Seba, Simao Sabrosa và Juan Roman Riquelme là ba cầu thủ một kèo hay nhất mà tôi từng chơi cùng". Nhưng năm 2007, khi The Times công bố "50 vụ chuyển nhượng tồi tệ nhất lịch sử Ngoại hạng Anh", Veron xếp ở vị trí thứ 11, cho vụ chuyển nhượng từ Man Utd sang Chelsea. Họ không xếp vụ chuyển nhượng Veron từ Lazio sang Utd vì "không muốn tiền vệ người Argentina xuất hiện hai lần".
Vào những ngày Veron tìm được cảm giác bóng, đám đông Old Trafford chỉ muốn bóng tới chân anh càng nhiều càng tốt. Nhưng cũng không có một ai gây chia rẽ đám đông như Veron. Cũng không khó hiểu, đến cả Ferguson còn phải "nhức não" vì anh, thì trách sao người khác chẳng hoang mang.
Để phân tích Veron, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu, ít ai phù hợp hơn Sven-Goran Eriksson, thầy cũ của anh tại Sampdoria và Lazio.
"Về mặt kỹ thuật, cậu ấy có mọi thứ", Eriksson nói. "Tầm nhìn tuyệt vời, Veron có thể tung ra những đường chuyền dài 40 mét, 50 mét chính xác tuyệt đối về cả hai biên. Về kiến tạo và ghi bàn, Veron thật sự là một cầu thủ rất, rất, rất tài năng".
Eriksson làm việc lần đầu với Veron tại Sampdoria theo lời giới thiệu của Enrico Mantovani, Chủ tịch CLB. Lúc ấy, Eriksson tuyệt đối trung thành với nguyên tắc riêng: không bao giờ ký với cầu thủ nào mà ông không tận mắt theo dõi anh ta thi đấu. Nhưng khi Mantovani đưa cho Eriksson xem đoạn video của một tiền vệ 21 tuổi mà ông hoàn toàn chưa nghe tên trước đó, HLV người Thụy Điển đã thật sự chấn động. Và ông đã phá lệ mà ký với tiền vệ của Boca Juniors.
Eriksson nhớ lại: "Khi mới đến Sampdoria, Veron rất trầm tính, và nhút nhát nữa. Theo thời gian, cậu ấy nói nhiều hơn, nhưng chưa bao giờ là một kẻ to mồm trong phòng thay quần áo. Veron chỉ thích 'nói chuyện' trên sân cỏ mà thôi. Ở đó, Veron cứ như một HLV, vừa chơi bóng vừa lãnh đạo giống Roberto Mancini. Anh ấy nhìn ra điểm yếu của đối thủ. Veron hay Mancini là kiểu cầu thủ sẽ chạy đến băng ghế HLV, và nói 'này ông già, mình sẽ phải thay đổi thế này, thế này'".
Khi Eriksson sang Lazio, việc đầu tiên ông làm là thuyết phục ông chủ Sergio Cragnotti mang Veron sang theo. "Ký với cậu ấy, chúng ta sẽ vô địch Serie A", Eriksson hứa. Và ông đã thực hiện lời hứa đó. Dõi theo thất bại của cậu học trò cưng tại Anh, ngoài việc Veron chỉ bập bẹ được vài từ tiếng Anh, Eriksson còn chỉ ra một lý do quan trọng: anh chưa từng thực sự làm chủ lối chơi đội bóng, như tại các CLB Italy.
Eriksson nói: "Veron cần phải cảm thấy mình quan trọng. Ở Sampdoria, cậu ấy có điều đó. Ở Lazio cũng thế, vì Mancini không nặng nề việc ai là thủ lĩnh trong đội. Mancini, Veron và Sinisa Mihajlovic là bạn tốt ngoài sân, họ không hề tị nạnh với nhau Có lẽ khi sang Man Utd, Veron đã không có được điều đó. Ở Man Utd, cầu thủ nào cũng quan trọng, nhưng để làm một thủ lĩnh về chuyên môn, thì e Veron... Tôi không biết đấy có phải là lý do không, nhưng tôi ngạc nhiên vì cậu ấy không thành công hơn sau khi sang Anh".
Chiều ngược lại, Veron cũng gọi Eriksson là HLV giỏi nhất mà anh từng làm việc cùng. Eriksson và Ferguson có hai phong cách làm việc khác nhau, cá tính cũng khác nhau. Nhưng để giải thích lý do thất bại của Veron, chỉ vin vào HLV hay một vài lý do là không đủ.
Ferguson viết trong hồi ký: "Dù có rất nhiều đóng góp tuyệt vời, Veron vẫn không cách gì hòa hợp với đội bóng của chúng tôi. Cậu ta là mẫu cầu thủ mà nếu chia đội vàng và đỏ ra đá tập, Veron sẽ đá cho cả hai đội. Cậu ta di chuyển đến mọi nơi mình thích. Có dẫn dắt Veron thêm 100 năm, tôi cũng chẳng biết dùng cậu ta ở đâu cho đúng. Veron là một cánh chim tự do, không thích bị bó buộc và sẽ bay đến mọi nơi".
Ferguson kịch liệt phản bác quan điểm rằng Veron không đủ thể lực hoặc không phù hợp với bóng đá Anh. Ông quả quyết tiền vệ Argentina có thể lực, lòng can đảm và rất nhiều kỹ năng đa dạng để thành công ở bất kỳ đâu. Nhưng, "cậu ta luôn cần có bóng trong chân," Ferguson viết.
Ferguson thừa nhận ông có vấn đề với những cầu thủ người Argentina. Ông viết: "Những người Argentina có tình yêu nước nồng nàn, họ lúc nào cũng quấn cờ Argentina quanh người. Tôi không có vấn đề gì với việc này, nhưng trong số cầu thủ Argentina tôi làm việc cùng, chẳng ai cố gắng học tiếng Anh để giao tiếp cả. Với Veron, cậu ta chỉ nói được chữ Mister.
Đã có nhiều lời đồn về việc Veron cãi nhau với các cầu thủ trong đội. Tôi nghĩ khó có khả năng này, vì cậu ta có nói chuyện với ai đâu mà cãi. Lúc nào cũng một mình. Không đến mức là dạng người sợ đám đông hay phản xã hội, cậu ta chỉ lười giao tiếp. Cũng có một lần Veron cãi nhau với Roy Keane sau một trận đấu ở cup châu Âu. Tình hình cũng hơi tệ chút. Nhưng Veron chưa bao giờ là kiểu người gây rối trong tập thể".
Ferguson không nói cụ thể đấy là trận nào. Nhưng đó có vẻ là trận bán kết Champions League với Leverkusen năm 2002. Báo chí lúc đó cũng đưa tin Keane còn sửng cồ với Veron sau một trận Ngoại hạng Anh, khi Veron chuyền hỏng, khiến Man Utd thua Middlesbrough 0-1. Tất nhiên đấy cũng không phải là vấn đề gì quá lớn. Ở Man Utd, Keane còn gây sự với không ít người, kể cả... Ferguson cơ mà. Còn nếu mang Veron ra hỏi các đồng đội thời ấy, đa số đều sẽ dành cho anh những mỹ từ.
Mikael Silvestre nói được tiếng Italy. Laurent Blanc cũng thế. Quinton Fortune có học qua tiếng Tây Ban Nha nhờ thời gian ở Mallorca và Atletico Madrid. Forlan, một người nói tiếng Tây Ban Nha, gia nhập Man Utd sau Veron năm tháng. Ba người này sớm thành bạn của Veron. Ferguson cũng nói được một chút tiếng Tây Ban Nha, vài trợ lý của ông cũng nói được. Việc Veron không nói được tiếng Anh rõ ràng không phải là nguyên nhân lớn khiến Veron thất bại ở Man Utd. Có một đêm nọ, Veron còn chỉ cho đồng đội hát mấy bài cổ động mà các nhóm ultra vẫn hát tại Argentina.
Trong cuốn hồi ký gây tranh cãi của anh, Keane công kích rất nhiều người, nhưng số đó không có Veron. Câu mạnh nhất anh viết về đồng đội này chỉ là: "Tôi thật sự kỳ vọng nhiều hơn". Ferguson, ngược lại, bênh ra mặt. Khi phóng viên chê bai màn thể hiện của Veron ở mùa đầu tiên và gọi đó là bản hợp đồng thất bại, Ferguson đã nổi điên. Ông đuổi tất cả ra ngoài và nói: "Các anh ra hết cho tôi. Biến khỏi tầm mắt tôi. Tôi không bao giờ nói chuyện với lũ các anh nữa. Veron là một cầu thủ kiểu bố của tuyệt vời".
Thậm chí, Ferguson còn nói về một thuyết âm mưu, rằng báo chí Anh tấn công Veron chỉ vì Argentina và Anh chung bảng tại World Cup 2002. Vì xuống tay mua Veron mà Ferguson cũng gặp phiền hà với các cổ đông của Man Utd. Có người đã chất vấn và chỉ trích ông, cả về khía cạnh tài chính lẫn chuyên môn, khi Ferguson cố nhét Veron vào một hàng tiền vệ quá mạnh.
Không phải Keane, Scholes mới là người trực tiếp xung đột với Veron về lợi ích, dù cầu thủ do Man Utd tự đào tạo chưa từng nói nửa lời khó chịu. Từ chỗ chơi lùi sâu ngay cạnh Keane, Scholes bị đẩy lên rất cao, đá ngay sau lưng Van Nistelrooy, để có không gian ở giữa sân cho Veron. Và Scholes hoàn toàn không thoải mái ở vị trí hộ công.
Tổng cộng, Veron đã chơi 82 trận cho Man Utd, ghi 11 bàn trước khi mùa hè 2003 kéo đến. Giám đốc điều hành Peter Kenyon thông báo cho các phóng viên ruột là Man Utd đồng ý bán Veron cho Chelsea. Ông cũng dặn họ: "chớ mang điều này ra hỏi Ferguson". Bốn tuần sau khi bán Veron cho Chelsea, chính Kenyon cũng gia nhập Chelsea theo lời mời của Roman Abramovich. Và Ferguson, từ sau hè 2003, không còn ưa Kenyon nữa.
Sau khi chuyển sang Chelsea, câu chuyện của Veron lại chuyển biến theo một hướng khác. Mùa đầu tiên ở London, Veron thi đấu không nhiều do chấn thương. Nhưng bán kết Champions League lượt đi với Monaco, khi tỷ số hiệp 1 đang là 1-1, HLV Claudio Ranieri quyết định đánh một canh bạc, tung Veron vào thay cho Jesper Gronkjaer.
Khi ấy Veron vừa trở lại sau một ca mổ lưng, nhưng anh đã kịp chơi 34 phút trong trận gặp Middlesbrough 10 ngày trước đó. Ranieri tất nhiên có lý khi quyết định tung cầu thủ sáng tạo bậc nhất của ông vào sân để tìm lợi thế.
Nhưng trong phòng thay quần áo, Veron nói với Ranieri là anh không đủ thể lực để đá. Ranieri không tin vào tai ông. Các cầu thủ nghe cuộc đối thoại ấy cũng sửng sốt không kém. Vì trước đó, khi Ranieri chốt danh sách đăng ký, Veron không hề nói lời nào khi thấy anh có tên. Vậy mà anh buông một câu bàn ra giữa lúc nước sôi lửa bỏng. Dẫu vậy, Ranieri vẫn quyết định là Veron sẽ đá.
Chelsea thua trận ấy 1-3, dẫu chơi hơn người suốt gần như trọn hiệp hai vì một cầu thủ Monaco bị truất quyền thi đấu sau giờ nghỉ. Veron được bố trí đá ở cánh trái và anh gần như không lùi về hỗ trợ phòng ngự một chút nào. Từ đó đến cuối mùa, Ranieri chỉ dùng Veron thêm 11 phút nữa. Sau khi HLV người Italy bị sa thải, Mourinho đến và tất nhiên ông cũng không ngó ngàng gì đến Veron. Tiền vệ người Argentina nghiễm nhiên trở thành một trong những bản hợp đồng tồi nhất của Abramovich.
Sự thật là Veron chưa từng thích hay muốn chuyển sang Chelsea. Khi gia nhập Man Utd, anh mang theo sự hăng hái của cậu bé. Thời gian ở Manchester, anh hay đi thăm viện bảo tàng của Man Utd để học thêm về lịch sử CLB. Cha của Veron, ông Juan Ramon, từng kể nhiều về CLB này cho con trai mình nghe. Chính Veron cũng đã vài lần trả lời phỏng vấn, khẳng định việc gia nhập Man Utd là vì bố anh từng chạm trán và ghi bàn vào lưới Utd tại Cúp Liên lục địa 1968. Ông chú của Veron, Alejandro Sabella – HLV đội tuyển Argentina tại World Cup 2014 từng chơi tiền vệ cho Sheffield United trong thập niên 1970 – cũng kể cho anh nghe nhiều câu chuyện về Man Utd.
Thế nên khi Veron đến Manchester, anh đã biết nhiều về George Best, Bobby Charlton và Denis Law. Anh thật sự hâm mộ màu áo đỏ, anh mua rất nhiều áo đấu tại cửa hàng chính của United để gửi về quê hương cho bạn bè, người thân. Một chi tiết cũng quan trọng, đó là vợ Veron – Maria Florencia – nói tiếng Anh rất thạo và thực sự muốn ổn định lâu dài tại Manchester.
Nhưng sang Chelsea, mọi thứ tất nhiên rất khác với Veron.
Khi Veron đến Chelsea, Hernan Crespo cũng ở đó. Tiền đạo đồng hương Argentina của Veron cũng đang vất vả cạnh tranh một vị trí. Nhưng ít ra anh ta còn... vất vả. Còn Veron, với mức lương tuần 80.000 bảng, không hề tỏ ra hăng hái. Sau này, trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2006, Veron nói anh ước từ chối sang Chelsea.
Robert Huth nói: "Ranieri mang Veron về vì những ký ức đẹp đẽ thời còn ở Italy. Ông muốn Veron làm chủ tuyến giữa của chúng tôi như thời anh ta ở Serie A. Nhưng bóng đá Anh đã thay đổi, phong cách chơi bóng của chúng tôi cũng thay đổi theo. Mọi thứ càng lúc càng nhanh, mà lối chơi của Veron lại thiên về kiểm soát, chuyền bóng chậm rãi từ dưới lên. Anh ấy càng lúc càng gặp khó khăn, ngay cả trên sân tập. Khi Mourinho tới, Veron thật sự lạc lõng".
Jimmy Floyd Hasselbaink rất thích Veron. Nhưng anh hoài nghi lý do thực sự đằng sau vụ chuyển nhượng Veron từ Man Utd sang đây. Hasselbaink nói: "Tôi nghĩ Chelsea muốn truyền đi một thông điệp. Tôi mua người của Man Utd, và Chelsea từ đây sẽ có trên bản đồ bóng đá Anh".
Chấn thương lưng khi khoác áo Argentina khiến Veron không thi đấu nhiều trong mùa đầu tại Chelsea. Và khi anh trở lại, mọi thứ đã thay đổi. Cuộc sống ngoài đời của Veron cũng xáo trộn, vì một đêm nọ, hai vợ chồng anh thức giấc và bị một tên cướp cầm mã tấu xông vào nhà, dọa giết hai đứa con - Deian ba tuổi và Lara hai tuổi. Rốt cục, kẻ ấy bỏ đi sau khi đã cướp mớ nữ trang trị giá 60.000 bảng. Tên cướp này đã có tiền án và sau đó phải lãnh án chung thân. Nhưng tâm lý toàn bộ gia đình của Veron đã không bao giờ được như trước, vì biến cố ấy.
Cũng trong thời gian này, Veron bị điều tra vì dùng hộ chiếu Italy giả thời gian còn chơi cho Lazio. Người đại diện Elena Tedaldi của Veron phải lãnh án 15 năm tù, trong một vụ đại án kéo dài nhiều năm tại Italy.
Rời nước Anh, Veron trở lại Argentina khoác áo Estudiantes, trước theo dạng cho mượn và sau về hẳn. Và anh cũng... vui lên hẳn. Ở Estudiantes, anh dùng tiền lương để hỗ trợ quỹ phát triển tài năng trẻ của CLB. Với Veron, Estudiantes vào chung kết Copa Libertadores lần đầu kể từ năm 1971. Họ đánh bại Cruzeiro để lên vô địch giải đấu số một Nam Mỹ cấp CLB này, dù Veron phải băng đầu gối. Anh được chọn là cầu thủ hay nhất giải. Giải nghệ năm 39 tuổi, Veron giờ đang là Chủ tịch của Estudiantes.
Veron sẽ mãi được nhớ đến trong dòng chảy của Ngoại hạng Anh. Anh từng đến đây với tư cách cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử giải đấu và sau đó là bản hợp đồng... hớ nhất. 70 lần khoác áo đội tuyển Argentina, một chức vô địch Ngoại hạng Anh, hai Scduetto, hai lần được bầu là Cầu thủ hay nhất Nam Mỹ. Một cầu thủ mà dẫu thất bại, không một ai dám quy kết là anh kém tài.
Vì ngay cả những thời khắc vật vã nhất, một cú vẩy má ngoài nhẹ như người ta vẩy nước cũng đủ làm cho cả khán đài bật dậy. Một thiên tài đã bị đặt sai chỗ, nhưng vẫn có những cú vung chân kỳ tuyệt làm mê hoặc lòng người, kể cả một người nổi tiếng sắt đá với cầu thủ như Ferguson!
Hoài Thương tổng hợp