Thứ năm, 17/1/2019, 07:37 (GMT+7)

Trong 2 ngày đầu xuân, bạn có thể "lấp đầy" bao tử với các món ngon, ngồi cà phê thư giãn hoặc thăm các ngôi chùa.

Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, tọa lạc trên cao nguyên Lâm Viên, cách TP HCM hơn 300 km. Thành phố nằm ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên lãng mạn, khí hậu mát mẻ quanh năm. Có lẽ vì vậy mà nơi này trở thành điểm đến quen thuộc với nhiều tín đồ du lịch. Dưới đây là kinh nghiệm cho người đang lên kế hoạch đến đây trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Di chuyển

Ở miền Nam, bạn có nhiều lựa chọn để đến Đà Lạt. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn đi máy bay, vé một chiều từ TP HCM có giá dao động từ 2,5 triệu đồng. Nếu muốn tiết kiệm chi phí và có thời gian dư dả, bạn đi xe buýt với giá từ 220.000 đồng một chiều. Vé ngày Tết có thể tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy hãng xe. Nhiều khách thường chọn khung giờ đi đêm để có thể đến thành phố vào sáng sớm. Du khách nên đặt vé trước vì vào các dịp lễ, Tết, các hãng xe thường xuyên hết vé.

Nhiều bạn trẻ thích khám phá sẽ tự lái xe máy từ TP HCM, thời gian di chuyển trung bình 7 tiếng.

Ở miền Bắc, du khách thường đi máy bay. Giá khảo sát dịp Tết dao động từ 5 triệu đồng một chiều nếu đi từ Hà Nội. Xe buýt hoặc xe máy không phải là lựa chọn phù hợp nếu đi từ Hà Nội. Bạn có thể tính toán lịch trình bay đến TP HCM rồi dùng các phương tiện khác để lên Đà Lạt.

Tại Đà Lạt, bạn nên thuê xe máy để thoải mái di chuyển đến các điểm tham quan. Giá thuê xe theo ngày dao động từ 100.000 đồng tới 150.000 đồng.

Với một chiếc xe máy, bạn dễ dàng di chuyển trong trung tâm thành phố. Ảnh: Nho Nguyễn.

Ở đâu?

Du lịch tại Đà Lạt đang phát triển mạnh mẽ. Tuỳ theo túi tiền và sở thích, bạn có thể lựa chọn điểm lưu trú phù hợp, từ nhà nghỉ, khách sạn cho đến resort hay homestay, căn hộ cho thuê. Tương tự như vé xe, tình trạng "cháy" phòng thường xuyên diễn ra tại Đà Lạt vào các dịp đặc biệt. Vì vậy, bạn nên đặt phòng từ trước để tránh không có chỗ ở.

Ăn gì?

Ngoài khung cảnh lãng mạn, "thành phố tình yêu" còn là thiên đường ăn vặt. Đến đây, bạn tha hồ thưởng thức các món đặc sản với chi phí phải chăng. Các khu vực như chợ Đà Lạt, khu Hoà Bình, ấp Ánh Sáng, đường Hoàng Diệu - Trần Nhật Duật là những nơi tập trung đông các hàng quán.

Một số món ăn nhất định phải thử như bánh mì xíu mại, bánh căn, bánh ướt lòng gà, bánh tráng nướng, nem nướng, sữa đậu nành, sinh tố dâu tằm, kem bơ.

Lịch trình gợi ý

Bài viết sẽ gợi ý lịch trình hai ngày cho du khách đã có mặt ở Đà Lạt, không tính thời gian di chuyển.

Ngày 1

Ăn sáng

Bánh mì xíu mại là món thích hợp cho bữa sáng. Đây cũng là món đặc trưng của phố núi mà nếu lần đầu đến đây, bạn nhất định phải thử. Món ăn đơn giản là một chén nước dùng trong veo với một ít mỡ cho cảm giác béo ngậy, vài cọng hành xanh bắt mắt. 

Nhiều khách sẽ cho thêm một chút sa tế để tạo màu và vị cay cay. Bạn có thể dùng kèm thêm giá, ngò hay tép mỡ phi giòn, bỏ vào chén khi còn nóng cho ngấm nước sốt rồi dùng sẽ rất thơm.

Đến Đà Lạt, bạn sẽ không khó tìm nơi để thưởng thức món ăn này. Ngoài các điểm ngoài cổng chợ, trường học, bạn đến quán nhỏ ở ấp Ánh Sáng hay ngã ba Bùi Thị Xuân - Thông Thiên Học.

8h30: Khám phá trung tâm thành phố

Ngày đầu tiên, bạn có thể dành thời gian để loanh quanh trong trung tâm Đà Lạt. Một số điểm tham quan có view chụp ảnh đẹp như hồ Xuân Hương, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, ga Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên, nhà thờ con Gà, vườn hoa Đà Lạt. Các điểm này chỉ nằm cách nhau vài km nên với vài giờ đồng hồ, bạn có thể đi hết.

Nổi bật trong số những địa điểm trên là nhà thờ Con Gà với hơn 70 năm tuổi. Công trình được xây dựng từ năm 1931 và hoàn thành vào năm 1942. Với lối kiến trúc theo trường phái Roman, đây là một trong số kiến trúc Pháp lâu đời nhất còn sót lại tại Đà Lạt.

Nhà thờ được xây theo hình chữ thập, dài 65 m, cao 47 m. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được xây đối xứng. Với độ cao này, từ tháp chuông của nhà thờ, người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố.

Nhà thờ hút khách nhất ở Đà Lạt
 
 

Nhờ thờ Con Gà. Video: Phong Vinh
12h: Ăn trưa

Là món biến tấu, bánh ướt lòng gà dần chiếm trọn tình cảm của nhiều người bởi hương vị khác lạ. Món ăn có vị chua do ăn kèm với gỏi gà, không giống với bánh ướt ăn với chả thường thấy. Cách chế biến đơn giản, khi ăn, bạn sẽ cảm nhận trước vị dẻo thơm của bánh ướt, vị ngọt từ miếng thịt, lòng gà quyện trong vị nước mắm vừa phải, thêm chút cay của ớt lẫn mùi thơm nồng từ rau thơm.

Hiện món này khá phổ biến ở Đà Lạt. Mỗi phần có giá trung bình 35.000 đồng. Du khách có thể tìm đến quán ở đường Tăng Bạt Hổ hoặc Phan Đình Phùng.

14h: Check-in Hồ Tuyền Lâm, thăm Thiền Viện Trúc Lâm

Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là ba thiền viện lớn nhất Việt Nam theo phái Trúc Lâm. Công trình nằm bên hồ Tuyền Lâm rộng mênh mông, cách trung tâm thành phố 5 km. Bao quanh nơi này là những cánh rừng thông dày đặc. Du khách có thể đến đây cầu nguyện dịp đầu năm và tận hưởng không khí trong lành ở hồ.

17h30: Ăn tối

Nếu miền Nam có lẩu gà lá giang, miền Bắc hay dùng rau ngải cứu để nhúng cùng thịt gà, thì đến Đà Lạt, bạn sẽ được thưởng thức một hương vị thịt gà khác lạ. Đó là lẩu gà lá é. Lá này khi ăn sống có vị hơi chua chát nhưng khi nhúng vào nồi nước lẩu thì lại có vị bùi, hơi the the đầu lưỡi. Đặc biệt, lá é còn là vị thuốc chữa các bệnh như cảm mạo, ho do lạnh, giúp ngủ ngon nên món ăn còn là "bài thuốc hữu hiệu" cho những ai mắc phải những triệu chứng trên.

Bên trong nồi lẩu ngoài thịt gà còn có măng tươi. Thịt gà thường chấm với muối tiêu chanh. Húp muỗng nước lẩu nóng hổi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, cay nồng hòa quyện vào nhau. Một phần lẩu giá 250.000 đồng bao gồm nửa con gà chặt sẵn, một đĩa bún tươi, một đĩa nấm, một đĩa rau lá é.

19h: Chợ Đà Lạt

Chợ đêm là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Đà Lạt. Mỗi ngày có hàng nghìn du khách đổ về đây mua sắm, ăn uống nhưng lý tưởng nhất là tham quan nơi đây vào buổi tối.

21h: Uống sữa đậu nành

Sữa đậu nành đêm là trải nghiệm được nhiều bạn trẻ rỉ tai nhau là "must-try" (phải thử) khi đến Đà Lạt. Giữa tiết trời se lạnh, khách ngồi thưởng thức ly sữa nóng hổi rồi cùng bạn bè hoặc người thân trò chuyện.

Thành phố có nhiều tụ điểm bán sữa nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến sữa đậu nành ở góc đường Tăng Bạt Hổ hoặc quán nhỏ gần ấp Ánh Sáng. Tại những địa chỉ này có nhiều loại sữa đậu với hương vị khác nhau. Bạn có thể uống chung sữa đậu với sữa bò, đậu phộng hoặc với lá dứa. Khách quen thường gọi món bằng những cái tên rút gọn như nành phụng (sữa đậu nành với đậu phụng), nành bò (sữa đậu nành và sữa bò), nành xanh (sữa đậu nành với sữa đậu xanh)... Để ăn kèm, thực khách có thể gọi bánh ngọt như sừng trâu, su kem, bông lan... Bánh có vị ngọt vừa phải, hơi cứng. Giá mỗi ly sữa chỉ từ 9.000 đồng.

Ngày 2

6h30: Ngồi cà phê vợt

Với những người yêu Đà Lạt, quán cà phê của bà Năm trên đường Phan Bội Châu là điểm dừng chân không thể bỏ qua. Nơi này là điểm hẹn cà phê quen thuộc của người Đà Lạt lẫn chốn lưu giữ ký ức của nhiều kẻ lữ hành.

Không gian quán chừng 20 m2, chỉ gồm vài chiếc bàn ghế gỗ bên trong và đặt thêm ở vỉa hè. Khách đến quán buổi sáng có đông người lớn tuổi. Nhiều khách đến Đà Lạt trên chuyến xe buýt sớm cũng ghé quán.

Cà phê vợt thường không có độ sánh đặc như pha phin, nhưng có mùi thơm lâu. Vị đắng đậm đà và mùi thơm của từng giọt cà phê vẫn để lại dư vị sau khi uống hết.

7h30 Ăn sáng

Bánh căn du nhập vào Đà Lạt từ các vùng miền khác, chế biến không quá cầu kỳ. Bánh được đổ khuôn bằng bột gạo, nhưng lại trở nên đặc biệt và để lại ấn tượng với thực khách khi nhân bánh biến tấu với nhiều vị đa dạng.

Thú vui khi thưởng thức món này chính là chọn chỗ ngồi gần chiếc lò đúc. Sáng sớm, trời còn lạnh nên ngồi gần lò, bạn như được sưởi ấm. Khi bánh vừa chín tới, mùi thơm nhanh chóng lan tỏa trong không gian sẽ khiến bạn không khỏi xuýt xoa.

Nhân bánh là điểm nổi bật của món ăn, gồm có trứng cút, trứng gà ta hay trứng vịt, được đổ trên mặt bánh khi bột đã se gần chín. Điều làm nên hương vị thơm ngon của món ăn này chính là nước chấm được chế rất khéo gồm nước mắm pha với mỡ hành và ớt hoặc sa tế.

8h30: Đồi chè Cầu Đất

Nếu không thể thức dậy từ sớm để đi "săn mây" như những nhiếp ảnh gia, bạn có thể từ tốn thưởng thức bữa sáng rồi di chuyển theo hướng Trại Mát. Lúc này, mặt trời đã lên cao, cây cối hiện rõ trên cao nguyên sẽ khiến bạn bớt lạnh hơn.

Cầu Đất cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 20 km theo hướng đông nam. Bạn đi đường Trần Hưng Đạo - Hùng Vương, ra đến quốc lộ 20 và theo bảng chỉ dẫn lên Trại Mát, chạy thẳng đến thôn Xuân Trường, và hỏi đường đến đồi chè thuộc Công ty cổ phần trà Cầu Đất. Sau đoạn đường dài với những con dốc quanh co, đồi chè Cầu Đất ở xã Xuân Trường hiện dần ra với một màu xanh ngát trải dài trên những ngọn đồi nối tiếp nhau. Vùng này ở độ cao trên 1.600 m so với mặt nước biển, bởi vậy quanh năm khí hậu lạnh và sương mù bao phủ.

Trong nắng ban mai, những đọt chè xanh tươi vươn mình đón nắng. Đồi chè ngút ngàn hiện rõ hơn trong tầm mắt. Đâu đó vài cây "cô đơn" vươn lên cao vút giữa những luống chè đều tăm tắp. Một màu xanh bạt ngàn trải dài tới tận đường chân trời. Khi những người công nhân len mình vào các luống cây cũng là lúc cuộc sống nơi làng chè trăm tuổi trở về nhịp bình thường của nó.

Sau khi tham quan, bạn trở lại đường lớn, ghé vào các quán bún bò, mì Quảng, hủ tiếu hay cơm bình dân của người dân địa phương để ăn trưa.

Đồi chè gần trăm tuổi hút khách ở Đà Lạt
 
 
Đồi chè Cầu Đất là một trong những điểm đến hút khách ở Đà Lạt. Video: Phong Vinh.
14h: Check-in với hoa mai anh đào

Không chỉ là loài hoa biểu tượng của Đà Lạt, mai anh đào còn là kỷ niệm khó phai trong lòng những du khách tới đây vào mùa xuân. Những bông hoa bắt đầu khoe nở từ tháng 1 như báo hiệu mùa xuân đang về. 

Trên nền trời xanh, những hàng hoa bung nở khoe sắc thắm tạo thành nền chụp ảnh check-in lý tưởng. Hoa mai anh đào thường nở rộ ở dọc bờ hồ Xuân Hương, đường Trần Hưng Đạo, đặc biệt con đường dốc Đa Quý nổi tiếng với hàng cây "khoác áo hồng" tuyệt đẹp.

17h: Ăn tối

Nem nướng không phải là món ăn quen thuộc với người Đà Lạt nhưng lại được nhiều du khách lựa chọn. Bạn có thể tìm đến quán nem nằm ở khu quy hoạch Hoàng Văn Thụ có không gian rộng rãi và sạch sẽ. Cửa hàng được mở từ những năm 2000. Nem nướng làm từ thịt vo viên, quấn quanh que tre rồi mới cho lên bếp than đỏ hồng. Món ăn chấm với nước có màu vàng, sền sệt được nấu từ nước hầm xương và tương hột xay, gia giảm thêm một số loại gia vị cho vừa miệng.

Vị béo của thịt, ngọt của nước chấm, giòn của bánh tráng kèm với nước chấm sền sệt sẽ khiến bạn khó quên món ăn này.
18h30: Mua quà, đặc sản; ngồi cà phê thư giãn

Thành phố Đà Lạt được ví vui như kinh đô của các loại mứt. Du khách có cơ hội lựa chọn và mua hơn 30 loại mứt, từ những loại cây trái, rau củ quả đến hoa nhiều hương vị ngọt dịu, chua thanh. Mứt Đà Lạt khá đa dạng, được bày bán đẹp mắt, thu hút người mua. Bạn đừng quên thử qua hương vị của các món này trước khi mua.

Một loại đặc sản đặc trưng khác mà bạn không nên bỏ qua đó là các loại trà: trà Ô long, trà lài, trà Atiso, trà xanh cho tới trà túi lọc. Bên cạnh trà, cà phê 3 trong 1, loại pha phin hoặc cà phê hạt cũng là thứ quà dễ dàng tìm thấy. Bạn có thể đến chợ đêm, khu Hòa Bình hoặc một số cửa hàng trên các con đường trung tâm để tìm mua.

Lưu ý khác

  • Theo dự báo, thời tiết ở Đà Lạt dịp Tết Nguyên đán khá lạnh, có sương mù vào buổi tối. Bạn nên chuẩn bị thêm áo và các đồ dùng để giữ ẩm.
  • Trời Đà Lạt cũng hay có mưa vào buổi chiều. Du khách có thể chuẩn bị thêm ô dù, nón hoặc áo mưa, túi bảo quản các thiết bị điện tử nếu di chuyển ra xa trung tâm.
  • Quanh chợ hoặc các cửa hàng, khu mua sắm thường có một số người chèo kéo khách. Bạn nên cẩn thận để tránh bị lừa, chặt chém.
  • Nếu tự thuê xe, bạn nên kiểm tra trước các phương tiện để đảm bảo an toàn trong di chuyển.

Bài: Phong Vinh

Ảnh: Phong Vinh, Tâm Linh, Trung Võ

Phong Vinh