Thứ sáu, 31/1/2020, 10:00 (GMT+7)

Xuất phát điểm từ dược sỹ, quyết định chuyển sang ngành marketing là "cú rẽ trái" mạo hiểm của anh Phạm Ngọc Quang Huy. Một năm trời nộp hồ sơ, 3 vòng tuyển dụng và 2 tháng thử việc là hành trình thử thách để anh đến với vị trí Quản lý sản phẩm, Bộ phận Tiếp thị, ngành hàng Đái tháo đường Công ty Dược phẩm Sanofi.

Làm quản lý bộ phận tại Sanofi nhiều thách thức, nhưng chưa bao giờ khiến anh Huy thôi nhiệt huyết. 6 năm gắn bó với Sanofi, theo anh, đã chứng minh lựa chọn rẽ trái của bản thân là đúng.

Còn với chị Nguyễn Thị Kiều Duyên, nhân sự Khối sản xuất, hành trình tới Sanofi khởi nguồn từ ước mơ giản dị. Trong ký ức của chị từ nhiều năm trước, cơ ngơi đồ sộ với khuôn viên rộng, nhà máy khang trang của Sanofi là mơ ước của không ít người, trong đó có chị. Mong muốn làm việc tại đây dần nhen nhóm trong cô công nhân của cơ sở sản xuất giày da bên cạnh, rồi dần trở thành hiện thực. Bắt đầu làm thời vụ rồi trở thành nhân viên chính thức, chị Duyên giờ đã là một nhân sự quan trọng trong khối sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Kiều Duyên - Nhân sự Khối Sản xuất

Anh Huy và chị Duyên là hai trong hơn 1.200 nhân viên Sanofi Việt Nam. Họ có những khởi đầu riêng, nhưng đều viết tiếp những hành trình dài khó quên tại Sanofi.

"Thay đổi" là từ mô tả 7 năm làm việc tại Sanofi của Lê Anh Khoa - Quản lý Khu vực, Bộ phận Kinh doanh Kênh Bệnh viện, Khối ngành hàng Chăm sóc sức khoẻ người tiêu dùng tại Sanofi. Anh từng trải qua nhiều đời sếp, luân chuyển qua các nhóm khác nhau, đi đến nhiều địa bàn và phụ trách hàng loạt sản phẩm đa dạng.

"Sự thay đổi đó đã giúp mình tiến bộ không ngừng, học hỏi những điều mới, tích lũy kinh nghiệm", anh Khoa chia sẻ.

Công ty dược thường "bị đồn" là một môi trường làm việc khô khan. Nhưng với chị Duyên - công nhân khối nhà máy, hàng ngày tiếp xúc với máy móc tại Sanofi lại là công việc mới mẻ và đầy cảm hứng.

"Có những lúc vận hành mà máy móc gặp sự cố, năng suất không như mong đợi, tôi rất khó chịu và không ngừng nghĩ kể cả khi về nhà. Những lúc đó, tôi sẽ tìm cách khắc phục cho đến khi xử lý được vấn đề. Máy móc cũng như con người vậy, cũng cần thời gian thấu hiểu", chị Duyên kể.

Không ít lần, những ý tưởng tối ưu hoá quá trình vận hành máy móc của chị nhận giải "Ý tưởng xuất sắc của tháng" và được đưa vào thực thi.

Ở Sanofi, nhân viên được trao niềm tin và có cơ hội thử sức ở nhiều vị trí mới mẻ. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Quản lý khu vực, Bộ phận Tiếp cận thị trường gọi thách thức của bản thân là "biến điều tưởng chừng không thể thành có thể".

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Quản lý khu vực, Bộ phận Tiếp cận thị trường

Khi mới chuyển qua lĩnh vực thầu, đi tiếp cận thị trường, chị đã được tin tưởng và giao ngay vị trí quản lý dù ở lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. "Có những dự án tưởng chừng như đã thua, nhưng tôi đã cùng đồng đội hết mình 'chiến đấu'. Mỗi dự án thành công, càng làm tôi thêm tin rằng chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa thôi, thì thành quả sẽ vượt ngoài mong đợi", chị Nhàn nhớ lại.

Còn với chị Nguyễn Thị Bích Hương - Quản lý Khách hàng Trọng yếu, Bộ phận Kinh doanh Kênh Nhà Thuốc , cảm hứng làm việc nằm ở sự học hỏi không ngừng nghỉ. Trong lúc làm việc cũng có rất nhiều thử thách, thăng trầm. Có lúc nhóm phụ trách Kênh nhà thuốc gặp nhiều khó khăn tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, nhưng chị vẫn muốn ở lại bộ phận này để cùng cả team phục hồi và phát triển mạnh. "Tôi nghĩ điều giúp mình vượt qua những khó khăn chính là bản tính ưa tìm tòi, học hỏi. Học khi chuyển sang một vị trí mới, học từ sếp và đồng nghiệp, học từ cả những thách thức nữa.", chị nói.

Tại Sanofi, cởi mở trong giao tiếp là một phần không thể thiếu. Không chỉ hướng đến hợp tác và chia sẻ để đóng góp vào kết quả chung, Sanofi còn đề cao sự tôn trọng, tử tế đối với sếp, đồng nghiệp và nhân viên cấp dưới.

Văn hóa mở, tương tác được khuyến khích, đơn giản là những cuộc trò chuyện từ sếp và các thành viên trong cùng bộ phận, giữa các phòng ban. Đó cũng là dịp để bậc quản lý chia sẻ kinh nghiệm, thấu hiểu những khó khăn từ nhân viên, cùng cải thiện nhằm hướng tới mục tiêu chung.

Không gian làm việc của Sanofi

Là công ty dược, nên việc đồng hành, chăm sóc sức khoẻ của nhân viên là một trong những "sứ mệnh" mà Sanofi chú trọng. Triết lý của công ty là "Con người luôn đặt lên hàng đầu".

"Với những trình dược viên, hàng ngày làm việc 8 tiếng trong môi trường bệnh viện phơi nhiễm nhiều tác nhân gây bệnh, Sanofi luôn sâu sát từng yếu tố nhỏ nhất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Ở Sanofi, đội ngũ trình dược viên luôn yên tâm tập trung vào công việc, cả thế giới đã có công ty lo." - anh Khoa chia sẻ.

Đơn cử, những email cảnh báo bệnh cúm A trong mùa hè, cung cấp các biện pháp dự phòng khi ô nhiễm vượt ngưỡng, cung cấp những trang phục hàng ngày như mũ bảo hiểm, áo mưa, áo khoác chống nắng... giúp nhân viên bảo sức khỏe một cách tốt nhất.

Đại diện BLĐ Sanofi Việt Nam trong buổi lễ vinh danh Top Employers 2020

"Một năm mới đồng nghĩa với những mục tiêu, kỳ vọng, và cả những thách thức mới. Sanofi sẽ tiếp tục trở thành nơi để những tài năng ngành dược có thể yên tâm phát triển, tiếp tục khẳng định bản thân qua cả những cơ hội và thách thức, tự hào và giữ vững niềm tin vào sứ mệnh ‘Empowering life’ mà Sanofi luôn cam kết ", đại diện Sanofi bày tỏ.

Nội dung: Phong Vân
Thiết kế: Thái Hưng