Chủ nhật, 17/2/2019, 00:48 (GMT+7)

Độc giả sử dụng nút điều hướng ở cuối trang hoặc menu đầu trang để theo dõi diễn biến trên từng mặt trận.

Lạng Sơn là một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong nửa sau cuộc chiến. Trung Quốc chỉ vào được thị xã một ngày trước khi tuyên bố rút quân.

***

 4h30 ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc nã đạn pháo vào Lạng Sơn, hàng trăm dân ở thị trấn lên pháo đài Đồng Đăng trú ẩn. Đại đội 5 công an vũ trang Lạng Sơn được lệnh lên pháo đài, sẵn sàng chiến đấu.

Pháo đài Đồng Đăng nằm cách biên giới gần hai cây số, có ba tầng, được xây dựng từ thời Pháp.

Một tiếng sau, hàng chục nghìn lính Trung Quốc của các quân đoàn 43, 55 chia làm nhiều mũi đánh vào các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng và thị trấn Đồng Đăng với sự yểm trợ của nhiều xe tăng, pháo... 

Đại đội 5 chỉ có súng AK, CKC, đại liên, B40... chống trả. Một xe tăng Trung Quốc bị bắn hạ. Phía quân ta, đại đội trưởng Trần Hà Bắc và nhiều chiến sĩ hy sinh.

Quân Trung Quốc ào lên, ném lựu đạn, xông vào cửa pháo đài, nhưng bị cản lại. Chúng tiếp tục pháo kích, dọn đường cho xe tăng áp sát, siết chặt vòng vây. Giằng co suốt năm ngày, đến 4h ngày 21/2, Trung Quốc nã pháo dữ dội, thêm nhiều chiến sĩ hy sinh.

Ngớt tiếng súng, Trung Quốc dùng loa kêu gọi chiến sĩ bên trong pháo đài đầu hàng. "Chúng tôi thà chết chứ không hàng", ông Nông Văn Phiao - một chiến sĩ trong pháo đài khi ấy nhớ lại.

Pháo đài Đồng Đăng bị đánh sập, nhô lên mặt đất chỉ còn khối đá và tấm biển chỉ dẫn. Ảnh: Ngọc Thành

Địch ốp thuốc nổ vào cửa làm sập nhiều ụ pháo, thả lựu đạn cay qua các lỗ thông hơi, đổ xăng và dùng súng phun lửa phun vào ngách hầm của pháo đài. Hàng trăm dân thường và chiến sĩ thiệt mạng, chỉ sáu người sống sót.

Tầng 1 pháo đài bị phá hủy, sáu người sống sót chạy xuống tầng 2, rồi tầng 3, đào đường hầm thoát ra. Trong bóng tối, đói khát, những công an vũ trang dùng cuốc, xẻng, tay không để bới đất, mở đường ra ngoài.

Cũng trên hướng Đồng Đăng, Đại đội 5 đã tiêu diệt hàng trăm địch, bắt sống 14 tên, bắn cháy ba xe tăng, ba xe kéo pháo, một xe xích chỉ huy, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện của đối phương.

Sau 10 ngày không đạt mục tiêu, 27/2 Trung Quốc điều quân đoàn 54 dự bị vào hỗ trợ các quân đoàn 43, 55 đánh từ ba hướng Đồng Đăng, Cao Lộc, Lộc Bình, nhằm vào thị xã Lạng Sơn. Các đơn vị chủ lực Quân khu 1 và lực lượng vũ trang của Lạng Sơn đánh chặn, giữ vững địa bàn.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoàng Đồng (TP Lạng Sơn), nơi chôn cất nhiều chiến sĩ hy sinh ngày 17/2/1979. Ảnh: Ngọc Thành

Cao Bằng là tỉnh có đường biên dài nhất với Trung Quốc - 333km - trở thành mục tiêu phá hoại trọng điểm.

***

Từ đầu năm 1978, quân dân Cao Bằng đã cắm hàng triệu mũi chông tre lẫn chông sắt, dùng dây thép gai rào lấp các đoạn biên trọng yếu, "sẵn sàng đối phó với mọi khả năng xảy ra chiến tranh".

Một năm sau, ngày 17/2/1979 Trung Quốc huy động hơn 130.000 quân từ hai quân đoàn 41, 42, hai trung đoàn địa phương Quảng Tây, bốn trung đoàn độc lập, cùng 225 xe tăng, 330 pháo đại bác tiến đánh Cao Bằng. 

"Biển người" chia thành hai hướng: Thông Nông - Hà Quảng và Quảng Hòa - Đông Khê để hợp sức tiến về thị xã, tiêu diệt Sư đoàn 346 của Việt Nam. Đêm trước đó, pháo kích Trung Quốc đã dập nát các tuyến đường của Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, cắt liên lạc về thị xã.

Dân quân tự vệ ở Cao Bằng chặn đánh quân Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Trần Mạnh Thường

Sau phút bất ngờ, quân dân Cao Bằng đã chủ động chặn đánh. Hướng Quảng Hòa, Trung đoàn 567 thuộc Bộ chỉ huy quân sự Cao Bằng giam chân địch 12 ngày ở chân đèo Khau Chỉa. Ở Nà Cáp, một đại đội của Tiểu đoàn đặc công 45 phục kích trên quốc lộ, phá hủy 17 xe vận tải Trung Quốc.

Trung Quốc mất 14 ngày mới chiếm được toàn bộ Hà Quảng, 18 ngày đánh được Trà Lĩnh, 22 ngày chiếm Trùng Khánh. 

"Toàn bộ thị xã Cao Bằng bị phá. Cái gì bằng bê tông cao quá đầu gối là chúng đánh sập hoặc cho nổ tung", ông Trần Hùng, nguyên Chủ tịch tỉnh Cao Bằng, thời điểm 1979 còn đeo hàm trung sĩ, nhớ lại.

Bà Nông Thị Kim Chung trào nước mắt kể về cái chết của mẹ: "Mẹ tôi có mái tóc dài nên chú út mới nhận được xác. Còn một đứa em gái tám tháng tuổi vẫn địu trên lưng".

Trung Quốc đưa quân tàn sát đàn bà trẻ em ở Tổng Chúp
 
 
Nhân chứng kể lại vụ thảm sát ở Tổng Chúp (Cao Bằng). Video: VTC

Mẹ bà Chung bị quân Trung Quốc sát hại ngày 9/3/1979, cùng với 42 phụ nữ và trẻ em trong thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An. Bảy người trong số đó đang mang thai. Mười người bị ném xuống giếng. Những người còn lại bị phân xác vứt bên bờ suối. Tất cả đều bị giết bằng lưỡi lê, búa bổ củi. Cuộc thảm sát diễn ra trên đường chúng rút quân.

40 năm sau, tấm bia thảm sát vẫn nằm trên gốc tre trong thôn Tổng Chúp. Dòng chữ khắc sâu vào bảng gỗ "Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước" như một biểu tượng về những đau thương Cao Bằng phải gánh.

Đầu năm 1984, Trung Quốc tiếp tục đưa quân đóng tại sáu điểm dọc biên giới Cao Bằng, tổ chức diễn tập, lấn chiếm, nổ súng, pháo kích vào xóm làng. Việc thông thương hai bên hoàn toàn chấm dứt, khép kín biên giới. Cao Bằng tiếp tục sống trong không khí chiến tranh.

Bia Tổng Chúp dựng lên ở bụi tre, nơi hơn 40 dân thường bị giết hại. Ảnh: Trần Huấn

"Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí", bức điện cuối cùng của đồn Pha Long gửi về Bộ chỉ huy.

***

5h ngày 17/2/1979, trời tối đen như mực, gió rét, tiếng gà gáy rộ khắp bản Xả Chải, xã Pha Long (Mường Khương), cách đường biên giới 3 km. Chàng dân quân Sền Chẩn Tờ (22 tuổi) đang ăn cơm sáng rồi đi đổi ca gác. Trời bỗng lóe sáng, tiếng nổ "uỳnh" rung chuyển mặt đất, xô đổ cả mâm cơm. Đứa em út 4 tuổi của Tờ khóc ré lên.

Trung Quốc điều hai quân đoàn, một sư đoàn cùng một số trung đoàn địa phương với sự hỗ trợ của 100 xe tăng, 450 khẩu pháo chia làm hai cánh tiến đánh Lào Cai. Một cánh theo hữu ngạn sông Hồng đánh vào thị xã Lào Cai và Cam Đường. Một cánh theo tả ngạn sông Hồng đánh vào Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu.

Nằm trên đường tiến công của quân Trung Quốc, đồn Pha Long là mục tiêu đánh phá. 

Cựu binh đồn Pha Long kể về năm 1979 (gửi Thời sự)
 
 
Cựu binh đồn Pha Long kể về cuộc chiến.

Sáng 18/2, từng lớp lính mặc đồ xanh lá tràn sang xã Pha Long. Tiếng hò hét lẫn trong tiếng đạn pháo rít liên hồi. Lính Trung Quốc lùng sục khắp bản, nhưng dân đã di tản hết lên hang từ một ngày trước. Thấy không bóng người, chúng phóng hỏa đốt sạch nhà cửa, nã đạn tới tấp vào đồn Pha Long.

Từ điểm cao, bộ đội biên phòng bắn AK liên thanh, quét đại liên và ném lựu đạn đáp trả. "Địch quá đông nên không cần ngắm bắn, cứ mỗi loạt nhả đạn, một hàng gục xuống, chúng lại tiếp tục nhao lên", Sền Chẩn Tờ nhớ lại lúc giữ chặt khẩu CKC bóp cò, vai tê dại vì súng giật. 

Một bức điện được gửi đến Bộ chỉ huy quận sự tỉnh vào trưa 18/2: "Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em còn lại kiên quyết chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu".

Đồn biên phòng Pha Long, nơi 40 năm trước bị quân Trung Quốc bao vây. Ảnh: Tất Định

Ngày 20/2, quân Trung Quốc bắn súng cối vào đồn Pha Long suốt ba giờ, lợi dụng trời tối tràn vào. Chiến sĩ dùng súng AK, lựu đạn, nhiều lúc đánh giáp lá cà với địch. 

Trong cuộc họp dưới hầm đồn Pha Long bàn kế phá vòng vây, nhiều phương án đưa ra. Cuối cùng, 23h ngày 20/2, Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ đồn Trần Xuân Ngọc chỉ huy tám chiến sĩ còn khả năng chiến đấu, đưa 20 thương binh lách qua các cụm chốt của địch, trở về hậu cứ Suối Thầu. Đồn Pha Long giữ được 80% quân số, diệt được 740 tên địch.

Ở thị xã Lào Cai, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch ở các tiểu khu Duyên Hải, Kim Tân, Phố Mới, Cốc Lừu... Vì thế ngày 19/2 quân Trung Quốc mới vào được thị xã Lào Cai và ngày 25/2 mới chiếm được thị xã Cam Đường.

Được tăng cường lực lượng, ngày 5/3 Trung Quốc chiếm các mục tiêu Cốc San, Phố Lư và Sa Pa. Sau 17 ngày tiến công trên hướng Hoàng Liên Sơn, đối phương tiến sâu được 40 km, nhưng cũng không còn khả năng tiếp tục do quân và dân Việt Nam chặn đánh.

Tháng 5/2013, tấm bia trấn ải được dựng bên hông đồn Pha Long. Chữ trên bia màu đỏ như máu ghi: "Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non/ Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định/ Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng/ Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an/ Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ".

Đoạn thơ được dịch là "Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non/ Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời/ Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm/ Rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc/ Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây".

Ở phía đối diện, một đài tưởng niệm ghi tên 37 người lính hy sinh khi đánh quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 được dựng lên.

Tại Lai Châu, sự chống trả quyết liệt của quân dân Việt Nam khiến Trung Quốc không tiến đủ sâu theo kế hoạch để hội quân với cánh từ Hoàng Liên Sơn (Lào Cai).

***

2h sáng ngày 17/2/1979, xã đội trưởng Tần Phù Quẩy về nhà nghỉ sau chuyến tuần tra dọc biên giới xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ). Vừa chợp mắt, nghe tiếng người dân chạy rầm rầm, ông bật dậy, thấy lính Trung Quốc rất đông đuổi đằng sau. 

Nổ hai loạt đạn cảnh cáo địch cũng là thông báo cho bộ đội biên phòng, ông Quẩy ngạc nhiên khi thấy chúng không đáp trả như mọi lần. Đến 6h, pháo hiệu trên trời lóe sáng, ngay sau là loạt pháo kích từ bên kia biên giới. Ông Quẩy hiểu rằng quân Trung Quốc đã có lệnh nổ súng. 

Hai sư đoàn của Trung Quốc cùng lực lượng dân binh, có xe tăng, pháo binh hỗ trợ, chia làm ba mũi tiến vào Lai Châu, mục tiêu chính là đánh chiếm thị trấn Phong Thổ. Trước đó nhiều tháng, chúng liên tục cử thám báo sang thăm dò, khiêu khích bên kia biên giới và đào tạo nhiều tên phản động phá hoại chính quyền.

Lai Châu lúc đó chỉ có lực lượng vũ trang địa phương đóng ở 10 đồn biên phòng, ba đại đội cơ động, một tiểu khu. "Xã Sì Lở Lẩu có đội dân quân tự vệ hơn 80 người, mỗi thành viên được phát một khẩu súng CKC, hoặc súng trường K43, K44 và hơn 100 viên đạn", ông Quẩy kiểm lại.

Cột mốc biên giới Việt - Trung ở tuyến biên giới Lai Châu. Ảnh: Gia Chính

Sát biên giới, Đồn biên phòng Sì Lở Lầu bị tấn công đầu tiên. Sau loạt đạn cối 82, quân Trung Quốc tràn lên, áp sát đồn. Địch đông, chiến sĩ bắn không kịp lắp đạn. Chính trị viên phó Nguyễn Vũ Tráng dùng đá ném làm địch tưởng lựu đạn nên dạt ra, giúp đồng đội có thời gian lắp đạn. Trong trận đầu, đồn Sì Lở Lầu hạ 250 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác. 

Đến 23h ngày 17/2, pháo kích từ bên kia biên giới vẫn không ngừng nghỉ, đồn Sì Lở Lầu nằm trên điểm cao bị san bằng, 18 chiến sĩ hy sinh, số còn lại phải rút về đồn Dào San cách đó khoảng 50 km.

Nhằm giành lại đồn Sì Lở Lầu, trưa 6/3 một trung đoàn tăng cường của tỉnh Lai Châu và Đại đội 5 tiến đánh quân Trung Quốc. Giằng co suốt sáu tiếng, đồn trưởng Nguyễn Vũ Tráng ngã xuống trên điểm cao 243, khi đang chỉ huy khẩu đại liên bắn chi viện. Hết đạn, các chiến sĩ dùng lưỡi lê, báng súng đánh giáp lá cà với địch, mở đường rút vào rừng.

Trên toàn tuyến biên giới Lai Châu, quân Trung Quốc bị lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam chặn đánh, sau ba ngày mới tạo được bàn đạp ở khu vực biên giới. Sau 11 ngày dừng lại để củng cố và đưa thêm lực lượng dự bị vào, đến ngày 5/3, Trung Quốc chiếm được thị trấn Phong Thổ, nhưng bị quân dân Việt Nam đánh trả, phải rút lui.

Đồn biên phòng Sì Lở Lầu hiện nay đã được xây dựng khang trang. Ảnh: Gia Chính

Đồn Pò Hèn (Quảng Ninh) cùng với sự hy sinh của 86 chiến sĩ nơi đây trở thành một tượng đài cho sự quyết tử bảo vệ tổ quốc.

***

5h ngày 17/2/1979, cậu bé 9 tuổi Phùn Văn Huy ở bản Vầy Kháy, xã Hải Sơn (Móng Cái) giật mình tỉnh giấc vì tiếng đạn pháo. Chạy ra ngoài, nhìn về biên giới nơi có Đồn biên phòng Pò Hèn, Huy thấy cả vùng trời sáng rực.

8h sáng, một người lính đeo khẩu AK, cơ thể trầy xước tứa máu chạy vào nhà Tiểu đội trưởng dân quân Phùn Lỷ Khỏng. Lát sau cán bộ xã xuống hô hào dân sơ tán vào hang động ở lòng hồ Tràng Vinh, cách bản 7 km. Người già, trẻ nhỏ được sơ tán. Thanh niên và người trung tuổi ở lại trông bản.

Hôm đó Trung Quốc huy động hai sư đoàn bộ binh, một tiến công vào Thán Phún (Móng Cái), một vào Cao Ba Lanh (Bình Liêu). Đạn 82 mm, 60 mm, ĐKZ, đại liên, trung liên... bay tới tấp vào Móng Cái, Hoành Bồ, hòng phối hợp với cánh quân đang đánh ở Lạng Sơn. 

Tại đồn Pò Hèn, một tiểu đoàn Trung Quốc đánh từ Tài Lồng Phìn, một tiểu đoàn khác đánh vào bản Mốc 12, phía sau đồn. Ba tiểu đoàn từ bên kia biên giới đi qua ngầm tràn đánh thẳng vào cổng chính với mục tiêu xóa sổ đồn biên phòng. Nhận lệnh báo động, 45 chiến sĩ đồn Pò Hèn cầm súng đánh trả.

Tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn, chụp tháng 12/1978. Ảnh tư liệu.

Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, cán bộ thương nghiệp, nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ Móng Cái lên Pò Hèn đúng lúc tiếng súng xối xả của quân Trung Quốc dội vào đồn. Thấy nhiều chiến sĩ bị thương, chị Chiêm lao vào băng bó và cầm súng, lựu đạn đáp trả. 

Đến khoảng 11h30, do quá chênh lệch lực lượng, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và cô gái 25 tuổi Hồng Chiêm hy sinh. Quân Trung Quốc tràn sang, san phẳng đồn biên phòng, bắn phá nhà kho của công nhân lâm trường Hải Sơn. 6 công nhân nấp dưới hầm bị ném lựu đạn làm sập hầm, vùi chết.

Cậu bé 9 tuổi Phùn Văn Huy 40 năm trước nay là Phó chủ tịch xã Hải Sơn. Từ sau trận Pò Hèn, Trung Quốc bắn pháo sang suốt nhiều năm. Những thanh niên như anh Huy tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ để bảo vệ dân bản.

Nền đất đồn biên phòng xưa, nay là Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn. Chị Hồng Chiêm được tạc tượng, đặt tại Trường THCS Bình Ngọc. Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác ca khúc về chị, có câu như: "Cô gái kiên trung, cuộc đời nêu sáng tấm gương/ Mang trong mình hào khí Trưng Vương/ Xinh tươi dịu dàng nhưng ngoan cường/ Vì nước non cô đã trở thành người dũng sĩ".

Hà Giang là nơi chiến sự vẫn tiếp diễn khốc liệt trong nhiều năm sau 1979, như một "thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí" của kẻ thù.

***

Ngày 17/2/1979, hai sư đoàn và một số trung đoàn địa phương của Trung Quốc chia làm ba mũi tiến công Đồng Văn, Mèo Vạc và Vị Xuyên. Quân dân Hà Giang đã bẻ gãy các mũi tiến công của địch sau hơn chục ngày chiến đấu.

Nhưng, Hà Giang chưa thể thoát khỏi cuộc chiến như tuyên bố chiều 5/3 của Trung Quốc. Với phương châm "cưỡi lên tuyến biên giới, nhổ các điểm cao", từ năm 1981 nhiều đơn vị lính Trung Quốc dưới sự yểm trợ của pháo binh đã đánh chiếm một số điểm cao ở Hà Giang.

"Vị Xuyên trở thành thao trường rèn quân, huấn luyện chiến thuật và thử vũ khí của Trung Quốc. Chúng tính toán nơi đây địa hình hiểm trở, các lực lượng sẽ khó tiếp tế. Vị Xuyên không quá xa và quá gần Hà Nội, đánh vào dễ bề uy hiếp Thủ đô và có thể che đậy hành động của mình", trung tướng Đặng Quân Thuỵ, nguyên chỉ huy mặt trận Vị Xuyên, phân tích.

Video: Tướng Thụy nói về lý do địch chọn Hà Giang
 
 
Tướng Thụy nói lý do Trung Quốc chọn Vị Xuyên để tiếp tục chiến tranh. Video: Gia Chính

Đến giữa năm 1984, Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép hàng chục điểm cao của Vị Xuyên. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch phản công giành lại.

Cựu chiến binh Đặng Việt Châu không thể quên trận xuất kích mở màn chiến dịch ngày 12/7. Những người lính vượt đỉnh Cốc Nghè trong đêm mưa, chia nhau từng hơi thuốc, ăn gạo sấy đã nhũn. "Chiến sĩ xin ăn hết phần cơm sấy dự phòng. Tiểu đoàn trưởng nghe xong, im lặng rồi đồng ý. Biết ngày mai có còn sống mà được ăn không nữa", ông Châu kể.

Sau trận đánh, hàng trăm chiến sĩ hy sinh, Việt Nam không giành lại được các điểm cao, nhưng đã chặn được ý đồ vượt ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang của quân Trung Quốc.

Day dứt của vị tướng với những người lính Vị Xuyên
 
 
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh quân khu 2, chia sẻ day dứt với người lính Vị Xuyên. Video: Hoàng Phương - Thanh Tùng

Từ năm 1984 đến 1989, Trung Quốc điều hơn nửa triệu quân tiến công biên giới Hà Giang, tập trung vào Vị Xuyên. Chúng trút xuống hơn hai triệu quả pháo, hàng nghìn trận đánh diễn ra trên mảnh đất này. Trong đó trận tháng 10/1986 khiến trung tướng Đặng Quân Thụy nhớ mãi.

Hai tháng trước thời điểm Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ sáu, người chỉ huy tối cao của quân đội Trung Quốc lệnh: "Thời gian này phải đánh cho Việt Nam biết thế nào là quân uy, thế nào là quốc uy của Trung Quốc".

Sớm 14/10, địch bắn hàng trăm nghìn viên đạn vào các chốt phòng ngự của bộ đội Việt Nam ở phía Bắc suối Thanh Thủy. Bộ binh Trung Quốc sau đó ồ ạt tấn công các vị trí, đặc biệt là trận địa phòng ngự ở bình độ 1.100, đồi Đài, Lũng 840. Nhưng tất cả đều bị bộ đội đánh bật trở lại.

Suốt bốn ngày sau, địch dùng pháo khống chế các trận địa phòng ngự của bộ đội Việt Nam, bắn sâu vào con đường vận chuyển từ thị xã Hà Giang lên phía trước để cắt đường chi viện. Ngày 19/10, chúng mở một cuộc tiến công lớn hơn, từ 0 giờ đến chiều tối vào các trận địa, nhưng thất bại.

Trung Quốc thiệt hại hai tiểu đoàn bộ binh, phải để lại nhiều xác chết và hai lá cờ kích động tinh thần binh lính. Một cờ đỏ ghi: "Một nhà mất, vạn nhà khổ/ Một người ngã, vạn người thay". Một cờ trắng ghi dòng chữ: "Học tập Lâm Sinh Cơ - Đại đội 3, Quân khu Nam Ninh 3 lần anh hùng tự vệ".

Chưa đạt được mục đích, ngày 5-8/1/1987, địch mở cuộc tiến công lớn vào toàn bộ trận địa phòng ngự của bộ đội ở phía đông và tây sông Lô. Pháo bắn dày đặc, khói bao phủ mù mịt. Nhưng sau những giằng co, quân Trung Quốc vẫn phải rút lui.

Tiếng hát gọi đồng đội của người lính Vị Xuyên
 
 
Cựu chiến binh đến thăm và hát cho đồng đội nằm lại tại nghĩa trang Vị Xuyên. Video: Hoàng Phương

Sau trận chiến tháng 1/1987, chiến sự ở Vị Xuyên giảm dần, chỉ còn bắn pháo và xung đột nhỏ năm 1988. Tới 1989, do các vị trí chiếm đóng bị cô lập, tiếp tục chịu tốn thất lớn, đối phương phải chia thành nhiều đợt rút quân về nước.

Để giữ được Vị Xuyên, theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh, trong 10 năm khoảng 4.000 bộ đội hy sinh, hàng nghìn người bị thương. Hơn một nửa số liệt sĩ chưa thể về quê mẹ sau 40 năm.

Vì nhiều lý do, cuộc chiến bảo vệ Vị Xuyên nói riêng, bảo vệ tuyến biên giới phía Bắc nói chung nhiều năm không được nhắc đến. Sách Lịch sử lớp 12 chỉ viết 11 dòng về cuộc chiến này. 

Ban Thời sự
Đồ họa: Tiến Thành
Bài có sử dụng số liệu của Bộ chỉ huy quân sự các địa phương