Thứ sáu, 22/12/2017, 10:28 (GMT+7)

Đằng sau những ‘con sóng’ chứng khoán 2017

Thị trường chứng khoán năm qua liên tục có những đợt "phá đỉnh", nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng chiến thắng.

Hai ngày nay anh Tuấn xin nghỉ việc. Nhà đầu tư 27 tuổi dành phần lớn thời gian những ngày này để xem bảng điện tử, gọi điện cho môi giới và lên các diễn đàn để tìm hiểu thông tin. Anh không bỏ sót bất kỳ nội dung nào trong số hơn 300 trang chủ đề về cổ phiếu CMG, trên một mạng xã hội về chứng khoán. 

Điều duy nhất anh muốn tìm hiểu là “tại sao cổ phiếu CMG lại đột ngột giảm sàn và mất thanh khoản?”, dù VN-Index đang liên tục phá đỉnh, cổ phiếu này thậm chí còn liên tục tăng trần với những lời nhận định "có cánh" trước đó.

Diễn biến cổ phiếu CMG của Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC trong 3 tháng gần đây. Nguồn: Công ty chứng khoán VNDirect

Hai tuần trước, tình cờ đọc được những thông tin khuyến nghị về cổ phiếu CMG và nhận được lời tư vấn từ những “đồng môn” trong một group skype, anh Tuấn quyết định dồn toàn bộ vốn liếng mua 5.000 cổ phiếu này tại giá 37.000 đồng. Những yếu tố nội tại tốt và cộng hưởng từ đà tăng chung của thị trường, anh hy vọng đây sẽ là khoản đầu tư hấp dẫn.

 Sau 4 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu này đạt gần 50.000 đồng với tỷ suất sinh lời hơn 30%. Một con số ấn tượng sau một tuần giao dịch.

Tuy nhiên, mọi thứ đã đảo chiều hoàn toàn vào phiên giao dịch cuối tuần trước. 

Thứ Sáu, ngày 15/12, cổ phiếu CMG mở cửa với mức giá gần 52.000 đồng và ngay lập tức rơi vào trạng thái bán tháo. Sau 5 phiên giảm sàn liên tiếp, CMG đã mất gần 35% giá trị khi rơi từ mức đỉnh 52.300 đồng xuống còn 34.000 đồng. Không kịp "thoát hàng" khi có lãi, mỗi 9h sáng khi thị trường mở cửa, anh Tuấn lại nơm nớp lo rằng khoản lỗ sẽ tiếp tục gia tăng.

“Điều đáng sợ là sau chuỗi phiên tăng trần liên tiếp thì giờ cổ phiếu giảm sàn trắng bên mua. Ngoài lực cầu ít ỏi mỗi đầu phiên, cả quãng thời gian còn lại trong ngày CMG gần như mất thanh khoản. Giờ bán thì sợ đảo chiều, còn giữ thì không biết khi nào mới 'cầm máu'. Còn gì khó chịu hơn khi mỗi sáng mở mắt ra tài khoản bốc hơi cả chục triệu đồng, trong khi thị trường chung đang tăng”, anh Tuấn nói.

Anh Tuấn và 5.000 cổ phiếu CMG, thực tế chỉ là một góc rất nhỏ của thị trường chứng khoán. Nhưng câu chuyện của một nhà đầu tư thua lỗ trong bối cảnh VN-Index liên tục đạt đỉnh không phải là chuyện hiếm trên thị trường. Đặc biệt khi giá trị tài sản biến động theo từng phút, ranh giới giữa được và mất, giữa bên thắng và bên thua có thể chỉ phụ thuộc vào một lần click chuột.

"VN-Index tăng 50% không có nghĩa nhà đầu tư nào bỏ vào thị trường 1 tỷ cũng rút ra được 1,5 tỷ. Nếu bạn đầu tư vào 1 tỷ và rút ra 1,5 tỷ, thì đâu đó trên thị trường sẽ có nhà đầu tư bỏ vào 1 tỷ và chỉ rút ra được 500 triệu đồng".

2017 - Năm của chứng khoán

"Quá mạnh", "thăng hoa" hay "quá sức tưởng tượng" là những tính từ được nhà đầu tư và cả những thành viên thị trường miêu tả về biến động của thị trường chứng khoán trong năm 2017.

Cả năm 2015, VN-Index chỉ tăng được gần 40 điểm, năm 2016 con số này tăng lên gấp đôi, đạt hơn 80 điểm. Tuy nhiên, gần kết thúc năm 2017, VN-Index đã tăng gần 300 điểm - vượt qua mốc kỷ lục 950 điểm và tương đương với mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

VN-Index trong năm 2017 đã tăng 40%. Ảnh: Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Với mức tăng hơn 40% so với đầu năm, Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Không chỉ nhà đầu tư trong nước, dòng vốn ngoại cũng ồ ạt đổ vào thị trường trong cả năm 2017.

"Ở thời điểm đầu năm, khi VN-Index mới ở ngưỡng 665 điểm, nhiều nhà đầu tư chỉ hy vọng có thể đạt gần 800 điểm ở cuối năm đã là một thành công. Một số chuyên gia nhắc đến mốc 850, hay 900 điểm thậm chí còn nhận được những lời châm biếm không hay. Nhưng thật sự thị trường đã quá 'điên', giờ thì nhiều người còn đặt kỳ vọng vào ngưỡng 1.000 điểm", anh Cường, nhà đầu tư hơn 5 năm kinh nghiệm chia sẻ.

Nếu như năm 2016, khối lượng giao dịch bình quân chưa tới 3.000 tỷ đồng mỗi phiên, hiếm hoi lắm mới có những phiên giao dịch đạt trên 5.000 tỷ đồng, thì sang năm 2017, những phiên giao dịch với giá trị 5.000-5.500 tỷ đồng trở thành "chuyện thường ngày".

Chứng khoán bứt phá
 
 

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, tăng trưởng GDP, hành động của Chính phủ và dòng vốn ngoại là ba yếu tố đã thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong năm 2017.

"Các kết quả cho đến lúc này giúp những nhà làm chính sách lẫn giới chuyên môn đều tin rằng tăng trưởng GDP 6,7% cả năm nay đã nằm trong tầm tay. Nhưng tăng trưởng của một năm chưa quan trọng. GDP chu kỳ 5 năm tới của Việt Nam được các tổ chức dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức trên 6%, tới 2020", ông Dũng nói.

Theo người đứng đầu Ủy ban chứng khoán, tăng trưởng kinh tế song hành với xu hướng gia tăng lợi nhuận ròng của khối doanh nghiệp niêm yết. Điều này đã tạo động lực cho thị trường chứng khoán.

Tăng trưởng thị giá cổ phiếu, doanh thu và lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết phân theo chỉ số sau 9 tháng đầu năm 2017. Nguồn: Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) 

*Loại trừ HAG, HNG, TTF (không tương xứng giữa 2 kỳ do các sự kiện bất thường), CII, STG (doanh thu tài chính đột biến)

Năm 2017 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử phát triển và lãnh đạo, Đảng đã có một nghị quyết công nhận kinh tế tư nhân làm trụ cột thay vì kinh tế nhà nước. "Đây là một thay đổi rất lớn về tư duy và nhận thức".

"Tôi đã rất ấn tượng khi Thủ tướng nói 'Chính phủ không nên bán sữa, bán bia'. Sữa, bia - những quả trứng vàng đưa lại nguồn doanh thu cho Nhà nước đang được chuyển giao cho tư nhân, bởi Chính phủ cho rằng, cái gì tư nhân làm tốt hơn thì giao lại cho tư nhân. Đó là thay đổi rất lớn", ông Dũng nhận xét.

Động thái thoái vốn Nhà nước tại một loạt doanh nghiệp lớn trong những tháng cuối năm cũng trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi trên thị trường. "Game thoái vốn" - cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên diễn đàn về chứng khoán trong thời gian gần đây, đi cùng với đà tăng của một loạt cổ phiếu như Sabeco, FPT, Nhựa Bình Minh hay Vinamilk.

Yếu tố dòng vốn ngoại cũng là một trong những trụ cột, theo ông Dũng, thúc đẩy VN-Index liên tục phá đỉnh.

Khác với giai đoạn 2007 khi thị trường tăng chủ yếu nhờ sức cầu từ nhà đầu tư trong nước, thì năm 2017 nhà đầu tư nước ngoài tham gia cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Sự dịch chuyển của dòng vốn toàn cầu hướng tới những thị trường mới nổi, trong bối cảnh đó Fitch nâng hạng tín nhiệm lên mức tích cực đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường "sáng giá". 

Trên thị trường cổ phiếu, thống kê chưa đầy đủ cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 1,8 tỷ USD. Nhưng đó mới chỉ là ước tính lượng tiền mua bán thứ cấp ở trên sàn chứng khoán. 

Thị trường còn ghi nhận nhiều thương vụ phát hành riêng lẻ, mua bán vốn cổ phần của các doanh nghiệp lớn như Vietjet, Vincom Retail, HD Bank, VPBank, Vinamilk, Sabeco… với quy mô hàng trăm triệu cho tới hàng tỷ USD.

Cuối tháng 11, Tạp chí FinanceAsia đã chọn thương vụ bán cổ phần tại Vincom Retail là “Giao dịch đầu tư vốn cổ phần tư nhân thành công nhất châu Á Thái Bình Dương” năm 2017, với giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục 741 triệu USD. Nhờ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Vincom Retail ngày 7/11, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng xác lập kỷ lục về thanh khoản trong một phiên giao dịch với gần 1 tỷ USD, cao nhất kể từ khi thành lập thị trường đến nay.

"Nếu tính tất cả dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam thì tôi nghĩ không phải là 1,8 tỷ USD mà là gấp 2-3 con số đó", ông Dũng nói. 

Giá trị mua ròng của khối ngoại theo tháng trong 5 năm gần đây. Nguồn: HSX, HNX, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Sự bùng nổ của thị trường còn biểu hiện trong kết quả hoạt động của những quỹ đầu tư. Mức độ tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) của nhiều quỹ đã ghi nhận con số kỷ lục trên 30%. "Một quỹ đầu tư ở Nhật tăng trưởng 3-5% đã là thành công, trong khi ở Việt Nam năm nay nhiều quỹ tăng trưởng trên 30%. Đây là tỷ lệ cực kỳ hấp dẫn", Chủ tịch Ủy ban chứng khoán đánh giá.

Tuy nhiên, mặt thành công của thị trường và chỉ số không đồng nghĩa với sự thành công của tất cả nhà đầu tư trên thị trường. 

Đà tăng đột biến của chỉ số chung, nhưng không phản ánh tổng thể thị trường thậm chí còn tác động sai lệch đến kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Danh mục thua lỗ nhưng không dám bán, một phần vì thị trường chung vẫn trong xu hướng tăng, một phần vì tâm lý "sợ bán đúng đáy", sợ thoái vốn xong cổ phiếu sẽ đảo chiều. Điều này khiến không ít người chơi trên thị trường "chết chìm trong mật ngọt".

Diễn biến "lạ" của thị trường

Thị trường chứng khoán trong năm nay không vận động duy nhất theo một chiều hướng, mà thực tế được chia làm hai thái cực rõ rệt. 

Giai đoạn 8 tháng đầu năm tăng đều với biên độ ổn định và mức độ lan tỏa toàn thị trường, còn giai đoạn 4 tháng tiếp theo thị trường chứng kiến sự bùng nổ nhưng chỉ tập trung ở một nhóm cổ phiếu nhất định.

Chặng đường đầu tiên, VN-Index tăng từ ngưỡng 665 lên 800 điểm. Quá trình đi lên của thị trường đan xen giữa những đợt điều chỉnh và tổng thể, đà tăng đạt được với sự đồng thuận của hầu hết các nhóm cổ phiếu, từ vốn hóa lớn (bluechip) cho tới dòng vốn hóa thấp (penny).

Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, giai đoạn này là giai đoạn gặt hái được thành quả tốt nhất do hầu hết cổ phiếu đều tăng giá, đặc biệt là sự đi lên của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và thấp (midcap và penny) - phân khúc cổ phiếu được nhà đầu tư ưa thích do thị giá không quá cao.

Động lực đến từ dòng tiền đổ mạnh và liên tục vào thị trường, của khối ngoại và nhà đầu tư trong nước. So với nhiều kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng hay ngoại tệ, chứng khoán được đánh giá là một kênh sinh lời hấp dẫn. Ngoài việc VN-Index tăng trưởng ở mức hai con số, thị trường không thiếu những mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng từ vài chục phần trăm, cho tới mức tăng gấp 3-5 lần chỉ trong vài tháng.

Tuy nhiên đến giai đoạn tiếp sau, mức tăng của chỉ số đã có dấu hiệu lệch lạc, phi lý.  Trong sự thăng hoa của chỉ số ở giai đoạn này, không ít nhà đầu tư chủ quan đã "đánh rơi" thành quả đạt được trong nửa đầu năm 2017.

VN-Index chỉ mất hơn một tháng rưỡi để tăng gần 120 điểm, bằng mức tăng trong cả 8 tháng đầu năm. Nhưng phía sau sự bùng nổ của thị trường là những yếu tố bất thường ngày càng lộ rõ. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự khác biệt đến từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường và động lực tăng giá.

"Không có nhiều lý do rõ ràng và đồng thuận cho sự tăng điểm vừa qua của một số cổ phiếu, do đó sự phi lý hoàn toàn vẫn có thể tiếp diễn và bóp méo diễn biến chỉ số", báo cáo chiến lược tháng 11 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) viết.

Nhiều nhà đầu tư đã ví chỉ số VN-Index trong giai đoạn này là "Sabeco-Index" hay "Bluechip-Index". Đà tăng quá mạnh của những cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến chỉ số chung bị méo mó, không phản ánh được câu chuyện của cả thị trường.

Vấn đề ở chỗ thực trạng "xanh vỏ đỏ lòng" trên thị trường đã tác động làm sai lệch đến kỳ vọng của nhà đầu tư, tạo ra tâm lý "sợ chốt lời đúng đáy". Điều này khiến chỉ số chung VN-Index ngày càng tăng mạnh, nhưng danh mục của nhiều nhà đầu tư vẫn "chìm trong sắc đỏ".

Các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo VN-Index tăng mạnh, dù bức tranh tổng thể lại cho thấy câu chuyện khác. Nguồn: VDSC Database

Chờ đợi điều gì trong 2018?

Với sự thành công của thị trường chung và chỉ số trong năm 2017, dự báo cho năm tới được đưa ra sẽ tiếp tục với sắc thái tích cực. 

"Tôi nghĩ câu chuyện của 2018 đối với thị trường chứng khoán là tốt và lạc quan. Thị trường sẽ giữ được đà như hiện nay và ở mức độ bền vững nhất định", Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhận định.

Dù thị trường sau quá trình tăng quá mạnh, được nhận định đang trở nên đắt hơn. Nhưng nếu loại bỏ những cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng quá nóng, mức định giá của thị trường chứng khoán vẫn ở ngưỡng "chấp nhận được".

Theo VDSC, P/E của VN-Index đã lên tới gần 18 lần. So sánh với các thị trường khác trong khu vực, P/E thị trường cận biên và kể cả thị trường mới nổi, hệ số này của VN-Index đã qua thời “rẻ nhất khu vực”. Tuy nhiên, con số này không phản ánh cho toàn thị trường

Theo số liệu thống kê thì rất nhiều mã cổ phiếu nằm trong top 50 vốn hóa thị trường có mức P/E cao khác thường và nhóm này cũng có mức tăng trưởng rất mạnh, trung bình 20% kể từ đầu năm. Nếu loại bỏ một số cổ phiếu gây nhiễu thì mức định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ở quanh ngưỡng 14, 15 lần -  con số vẫn còn hấp dẫn. Đây cũng chính là điều khác biệt so với giai đoạn "bong bóng" 2007 khi định giá của thị trường thời kỳ đó bị đẩy lên quá cao.

Trước mắt, điều mà đa phần nhà đầu tư chờ đợi nhất là VN-Index đạt 1.000 điểm, lần đầu sau đợt khủng hoảng cách đây hơn 10 năm. Nhưng không phải mọi nhà đầu tư đều chờ đợi với mục đích giống nhau.

Con số 1.000 không chỉ mang tính số học, đây còn là ngưỡng cản tâm lý quan trọng ở thời điểm hiện tại. Nhiều nhà đầu tư sau khi tất toán danh mục để bảo toàn thành quả trong năm 2017 đang chờ đợi thị trường vượt qua một ngưỡng phù hợp để quay lại thị trường. 

Nhưng với một bộ phận nhà đầu tư khác, họ trông đợi VN-Index vượt 1.000 điểm, không phải để quay lại đầu tư mà kỳ vọng cho sự đảo chiều của những cổ phiếu nắm giữ - những cổ phiếu khiến nhà đầu tư thua lỗ dù thị trường liên tục phá đỉnh.  

Dù 5.000 cổ phiếu CMG của anh Tuấn vẫn "đều đặn" giảm sàn trong những phiên giao dịch gần đây, nhưng nhà đầu tư 27 tuổi này vẫn hy vọng CMG sẽ quay trở lại với xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, có một điều đã khác trước, anh đợi không phải vì lợi nhuận, anh đợi vì muốn bán ra bằng giá vốn để bảo toàn số tiền gốc.

Minh Sơn - Hồng Phúc

Video: Anh Tú