Nguồn thu tiền mặt tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang là nơi xuất phát của nhiều tranh luận, mâu
thuẫn và cả sai phạm.
***
Đền Cao, xã An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương, đầu năm 2006.
An Sinh Vương Trần Liễu tọa trên ngai trong ngôi đền cao nhất đỉnh núi An Phụ. Xa xa phía Đông Bắc là dãy Yên Tử, phía Tây Bắc là Kính Chủ - Nam Thiên đệ lục động. Còn phía Tây Nam là miền châu thổ mênh mông. Ở thung lũng nhỏ bé dưới chân ngài, người dân xã An Sinh đang tất bật vụ mùa.
Trong thung lũng ấy, tại Văn phòng Đảng ủy xã An Sinh, xảy ra một vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn" hiếm hoi tại Việt Nam mà toàn bộ tiền giao dịch chỉ mang mệnh giá từ 10 nghìn đến 50 nghìn đồng: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn và Chủ tịch UBND xã An Sinh đang ăn cắp tiền công đức của Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu.
Vị Chủ tịch Công đoàn sẽ viết giấy đề xuất xin tiền từ tiền công đức thu tại Đền Cao để "hỗ trợ quỹ Công đoàn". Chủ tịch UBND sẽ ký duyệt. Bí thư Đảng ủy chỉ chịu trách nhiệm giữ im lặng. Tám triệu đồng được cho vào quỹ Công đoàn để hợp lý hóa tờ giấy đề xuất. 47 triệu đồng còn lại, họ chia nhau đút túi riêng.
Việc kiêm nhiệm Trưởng ban quản lý khu di tích đền Cao An Phụ không chỉ mang đến cho ông Chủ tịch xã một hoạt động sinh lợi. Ngày 31/1/2006, một ngày trước khi khai hội đền Cao, trong phòng làm việc riêng tại ủy ban xã, vị Chủ tịch đề xuất với bà kế toán lễ hội: chỉ đạo cho hai cấp dưới soát quay vòng vé tham quan. Bà kế toán đồng thuận.
Cũng trong phòng Chủ tịch xã, bà kế toán đề xuất thêm: hằng ngày, khi bà mở khóa hòm công đức để kiểm đếm tiền thu được tại di tích, bà sẽ trích lại một khoản để hai người chia nhau. Ngài Chủ tịch gật đầu.
Mọi việc vận hành trơn tru như dự định trong suốt 3 tuần sau đó. Từ những vé tham quan di tích giá ba nghìn đồng và những đồng lẻ công đức của du khách, nhóm này chiếm đoạt được gần 200 triệu đồng. Cho đến chiều 26 tháng 2 - lần "thụ lộc" đền Cao cuối cùng của họ.
Trong những đồng tiền lẻ mà các cán bộ An Sinh gom góp thành khối tiền hàng trăm triệu, có những đồng bạc của bà Xuyên. Mười Hai tháng Giêng năm ấy, bà Xuyên bán đổ đống được hai sào hành, tiền lãi hơn hai triệu đồng. Tranh thủ vừa cấy xong đám mạ, phơi hành khô đợi bán, người nông dân sắp cái lễ hoa quả lên viếng ở đền Cao đúng dịp Rằm tháng Giêng.
Chiều hôm ấy, tiếng hô hoán, bàn tán ầm ầm, của những người hàng xóm khiến bà Xuyên đang dở tay cắt rễ hành cũng đặt dao xuống, chạy ra ngoài cổng nghe ngóng. Dân tình đổ về đằng Ủy ban, đằng nhà các cán bộ xã đông nghịt.
Người phụ nữ hôm nay bị cảnh sát huyện Kinh Môn còng tay dẫn đi, cùng với tang vật chính là người hôm ấy còn viết phiếu công đức, hướng dẫn bà Xuyên sắp lễ, thắp nhang, hỏi han mùa màng cấy hái.
"Chết chửa, quá là báng bổ thánh thần", đám đông vãn dần khi những bóng xe cảnh sát đi hết, nhưng tiếng xì xào còn tiếp tục nhiều tháng sau. Mọi người bắt đầu hỏi dò nhau về số tiền "hôm nọ" mình cúng trên đền. Họ lo về những cái "hạn" ngôi làng nhỏ bé này sắp phải gánh từ cơn thịnh nộ của đức An Sinh Vương.
Tháng 1 năm 2007, tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử vụ án. Xã An Sinh rồng rắn hơn hai chục xe máy, đi 30 cây số lên thành phố xem tòa. Bà Xuyên cũng đi hai ngày liền. Người "hưởng nhiều lộc" nhất từ An Sinh Vương Trần Liễu, Chủ tịch xã An Sinh, bị kết án 7 năm tù.
Trong bài viết này, là câu chuyện của đồng tiền công đức, diễn ra dưới ban thờ của 4 vị danh nhân nhà Trần: Trần Liễu, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông và Trần Quốc Tảng.
Dưới con mắt của An Sinh Vương Trần Liễu và các con cháu của ông, trong những sân đền và cửa chùa, là một dòng tiền mặt với đặc tính cơ bản: sự bất cân xứng về thông tin giữa những người đưa và người nhận. Giữa những tín đồ như bà Xuyên và các "tay hòm chìa khóa", là hàng nghìn tỷ đồng không kiểm toán, với 3 tính chất: khối lượng lớn; nhiều biến thể và không thể kiểm soát bằng pháp luật hiện hành.
Trong hàng chục triệu tín đồ đổ về đền chùa tháng Giêng năm nay, có vợ chồng bà Điệp ông Sàn. Họ đến từ làng Điền, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận
Thành, Bắc Ninh. Như nhiều người trong làng, họ làm nghề phụ hồ xây dựng.
Bà Điệp biết rằng bây giờ, người ta đi lễ bằng rất nhiều tiền, bằng những mâm cúng đắt đỏ. Đầu năm, hai vợ chồng chỉ tích cóp được hơn một trăm nghìn tiền lẻ để đi lễ chùa Hương, đặt lên các ban thờ góp chút giọt dầu. Nhưng bà thành tâm nghĩ "giời Phật từ bi không phân biệt kẻ sang nghèo".
Ngày đầu xuân ấy, vợ chồng bà Điệp ông Sàn dậy từ ba giờ sáng. Ông bà cùng gần hai trăm đồng hương hẹn gặp nhau ở bến đò Yến Vĩ, chùa Hương, vào lúc sáu giờ.
Quê họ cũng có một ngôi chùa nằm sâu trong những đường làng quanh co, nhiều thế hệ qua vẫn tồn tại bởi tiền góp từ người làng. Nhưng như đại đa số tín đồ tại Việt Nam, dân làng vẫn dành công của thực hiện những chuyến hành hương đến một cơ sở thờ tự lớn - một hình thức lai giữa tín ngưỡng và du lịch.
Bà Điệp không có nhiều tiền, nhưng cũng là một tín đồ điển hình với một "sự nghiệp" lễ bái dày dặn. Những năm trước, bà đã đi Yên Tử, Ba Vàng, Cái Bầu, Cửa Ông. Và như hầu hết các tín đồ điển hình, bà không quan tâm "người ta" làm thế nào với đồng tiền lẻ mình đã góp. Bà khẳng định không có nhu cầu biết. Với bà, như thế là sân si tính toán.
"Mình góp có mấy chục nghìn, đáng là bao nhiêu", bà Điệp khẳng định lý do không cần quan tâm.
Nhưng thực chất, mấy chục nghìn tiền lẻ của bà Điệp, khi nhân với hàng triệu lượt khách của những cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo, là một
khối tiền chẵn phải làm tròn đến đơn vị tỷ đồng.
Đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh, tọa trên đỉnh núi bên bờ vịnh Bái Tử Long. Cháu nội của An Sinh Vương Trần Liễu, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng nhìn xuống dòng người thành kính tiến vào đền.
Những cô gái đôi mươi mặc áo dài, ôm hoa. Những cặp vợ chồng nắm tay con nhỏ bước từng bậc đá leo lên đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Những người già cúi mình nơi cửa chùa, tay chắp trước ngực, lặng lẽ khẩn cầu. Mùi nhang vương vào cây cỏ.
Vùng non nước này gắn liền với cuộc đời và chiến công đánh tan quân Nguyên Mông của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Năm 1313, vị dũng tướng qua đời. Vua Trần Anh Tông phong ông làm Thượng đẳng thần, truyền lập miếu thờ, ban 800 quan tiền để mỗi năm hai mùa cúng tế.
Đầu thế kỷ 14, nó là một thảo am bé nhỏ, khuất nẻo trong bạt ngàn cỏ cây của khu Vườn Nhãn. Đầu thế kỷ 20, ngôi đền được người dân chuyển lên đồi này. Ba khu đền Thượng - đền Trung - đền Hạ nằm khiêm tốn trên mỏm đồi, không lâu sau thì bị bom đạn chiến tranh phá hủy.
Đến thế kỷ 21, thảo am của trấn Vân Đồn xưa, giờ trở thành công trình tâm linh thuộc hàng bề thế bậc nhất cả nước, tổng mức đầu tư 12 con số.
Tháng 1 năm 2006, tượng Hưng Nhượng Vương được khánh thành. Công trình bằng đồng cao 10 mét, nặng 40 tấn - được chủ trì bởi một doanh nghiệp ngành than, niềm tự hào của đất Quảng Ninh thời đó. Bức tượng này, sau được chuyển lên đồi cao với chi phí di dời khoảng 100 tỷ đồng.
Năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng đền Cửa Ông trên diện tích 180 nghìn mét vuông, kinh phí 600 tỷ đồng.
Năm 2017, đền Cửa Ông thu 109 tỷ đồng tiền công đức. 47 tỷ đồng trong số này là tiền ủng hộ của một ngân hàng thương mại. Ngân hàng này được một tạp chí quốc tế vinh danh là "Có trách nhiệm xã hội nhất Việt Nam".
Thế kỷ 21, những địa điểm tâm linh như Cửa Ông, không còn sống nhờ 800 quan tiền mỗi năm vua ban. Những địa danh này nhang khói quanh năm, trở thành nơi lưu chuyển của một dòng tiền mặt khổng lồ.
Bốn rưỡi chiều, có chín nam thanh niên mặc đồng phục xanh vác những bao tải lớn buộc thừng, tiến về khu nhà khách đền Thượng. Mấy phụ nữ theo sau, cầm những cuốn sổ bìa đỏ và những bao tải khác màu, nhỏ hơn. Họ là nhân viên Ban quản lý di tích đền Cửa Ông.
Trong căn phòng ở tầng một có khóa hai lớp cửa, chín cái chiếu đôi được trải ra sàn. Người đàn ông đeo thẻ "ban kiểm két" mở niêm phong, cởi dây thừng, dốc ngược những cái bao. Các loại tiền đủ mệnh giá tràn ra như trấu, kêu rào rạo, nằm la liệt thành từng đống trên sàn.
Ngoài tiền và mười lăm người đếm tiền, trong phòng có thêm khoảng 30 chiếc rổ nhựa, lồng bàn để phân loại tiền và bảy chiếc máy đếm tiền.
Đúng mười phút sau, cửa phòng được khóa lại. Tất cả những gì diễn ra trong căn phòng này, được Chủ tịch phường Cửa Ông, kiêm Trưởng ban quản lý di tích quan sát qua bốn mắt camera HD.
Các cán bộ phường Cửa Ông cảm thấy mệt mỏi với khối tiền mình phải quản. Những ngày lễ hội, ông Phạm Văn Chiến, phó chủ tịch phường Cửa Ông lên trụ sở ủy ban làm việc từ 7h30. Giờ hành chính kết thúc 16h30, ông sẽ tiếp tục với nhiệm vụ thứ hai, của phó Ban quản lý di tích.
Trở về nhà sau 11h đêm, ông Chiến chỉ kịp tháo giày rồi đi ngủ. "Muốn tắm mà chỉ sợ cảm, nên đành đợi sáng mai". Không chỉ có nếp sinh hoạt của họ bị xáo trộn. "Phường mất rất nhiều thời gian với cái đền, không có lúc nào để xây dựng với kiến thiết địa phương nữa". Ông Chiến mong thành phố sớm lập ra Ban Quản lý riêng để cán bộ địa phương ông được tập trung cho công việc chính của mình.
Chị Phạm Thị Hà Vân, 33 tuổi, đã làm việc ở đền mười lăm năm. Từ những ngày còn học cấp ba, sau đó là trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, "đếm tiền ở đền" đã là công việc ngoài giờ của chị Vân trong những tháng sau Tết âm lịch.
Tiền công chị Vân nhận về cả tháng không được mấy trăm nghìn. Nhưng sau này, "công việc nó trở thành cái duyên". Chị xin vào đền làm nhân viên
toàn thời gian. Ban ngày, chị ngồi ghi phiếu và sổ công đức. Hết giờ hành chính, chị Vân lại cùng đồng nghiệp vào căn phòng đếm tiền đến mười
rưỡi tối.
"Ai cũng bảo thích mùi tiền, nhưng ngày nào cũng ngồi đếm năm sáu tiếng liền, mùi hôi bốc đến tận óc". Để đối phó, những người phụ nữ trong căn phòng ấy phải đeo khẩu trang. Họ sợ mùi tiền giấy. Căn phòng lặng lẽ, thường ít tiếng chuyện trò. Chỉ nghe tiếng kêu ràn rạt của những tờ bạc cọ vào nhau.
Những nhân viên như chị Vân xử lý tiền công đức theo ba bước : Nhặt riêng tiền theo từng mệnh giá, để vào các rổ. Dùng chun buộc tiền thành từng cọc. Cho từng cọc tiền riêng mệnh giá vào máy đếm.
Chị Vân không thể trả lời mỗi tối kiểm đếm, phân loại được bao nhiêu tờ tiền. Chỉ biết, sau mỗi mùa Tết, hội, tổ công tác của chị sẽ phải ngồi hàng tháng để kiểm hết những bao tiền ấy.
Mười rưỡi tối, cửa đền khép lại. Xe của ngân hàng sẽ đến nhận bàn giao tiền ngay trong đêm hoặc sáng sớm hôm sau. Trưởng ban, phó ban, bộ phận kế toán và thủ quỹ sẽ chốt con số cuối cùng với những biên bản thống kê gửi về lãnh đạo Thành phố.
Riêng trong một ngày 14/2/2019, tổng tiền được báo cáo là 414 triệu 750 nghìn đồng. Con số tương đương với tổng thu ngân sách của một huyện miền núi như Hoàng Su Phì hay Nam Trà My trong vòng 2 tháng.
Với những tờ bạc mấy chục nghìn, ở những di tích có hàng triệu người quy tụ về mỗi mùa lễ hội, như ở Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, tỉnh An Giang, tổng lượng tiền ủng hộ sẽ là hơn một trăm tỷ đồng; là 36 tỷ đồng, như ở lễ hội Núi Bà Đen, Tây Ninh năm 2013; là hơn 20 tỷ đồng ở quần thể di tích chùa Yên Tử hay 11 tỷ đồng ở đền Hoàng Mười, tỉnh Nghệ An năm 2016. Đó chỉ là những con số được người trong cuộc công bố.
Bất chấp khối lượng tiền mặt này, những tín đồ như bà Điệp không phải người duy nhất tỏ ra thờ ơ với việc quản lý, ít nhất là ở góc độ minh bạch tài chính, của tiền công đức. Ngay cả trong các văn bản pháp luật cũng thể hiện sự lạnh nhạt với những đồng "tiền lẻ" này.
Thông tư liên tịch số 04/2014 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ ban hành tháng 5 năm 2014 dành vỏn vẹn sáu dòng, với các cụm từ "Hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết" và "công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch".
Hầu hết các quy định quản lý tiền công đức ở các đền, miếu hiện nay là tự địa phương ban hành theo lập luận của riêng mình. Còn với nhà chùa - các cơ sở tôn giáo có sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - thì nhiều địa phương tỏ ra bối rối.
Trong cuộc trả lời báo chí tháng 11 năm 2018, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thừa nhận chưa có văn bản nào quy định cụ thể về nội dung này. Lãnh đạo ngành văn hóa đưa ra lời khuyên với chính quyền địa phương: căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn để "quyết định cho phù hợp".
Đền Hồng Sơn, thành phố Vinh, Nghệ An, con trai của An Sinh Vương Trần Liễu - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tọa trên ngai, vây quanh bởi gia quyến và các vị danh tướng.
Bất chấp không gian khiêm tốn giữa lòng thành phố, số tiền công đức đền thu trong năm 2016 là 1,47 tỷ đồng, theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh này.
Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 1.400 di tích đã được xếp hạng. Phần lớn trong số này, đều là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Và không phải ban quản lý nào cũng có sự tự hào "minh bạch" như ở đền Cửa Ông.
Theo quy định của tỉnh, quyết toán thu - chi và dự toán chi tiêu phải được các Ban quản lý lập văn bản báo cáo và nộp về cơ quan có thẩm quyền. Song trong hai năm qua, chỉ 4 di tích có nguồn thu công đức tiền mặt trên một tỷ đồng thực hiện chế độ báo cáo.
Tháng 8 năm 2017, một đoàn thanh tra được lập ra. Trong gần 1.400 cái tên, họ chọn bảy địa điểm được coi là có lượng người tới chiêm bái đông đảo để tiến hành thanh tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức.
Các bản kết luận thanh tra sau đó có những gạch đầu dòng khá giống nhau trong mục "tồn tại": chưa thực hiện chế độ báo cáo quyết toán thu, chi; chưa thẩm tra phê duyệt quyết toán; chưa mở tài khoản tại Kho bạc để quản lý tiền công đức; chưa xây dựng dự toán sử dụng nguồn công đức; chưa trích tỷ lệ phần trăm cho ngân sách địa phương và nguồn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh...
Trả lời cho kết luận thanh tra, đặc biệt là số tiền khoảng 600 triệu đồng chưa trích nộp cho Quỹ bảo tồn di sản , ông Bùi Quang Phương, trưởng ban quản lý đền Hồng Sơn giải thích, do "điều kiện khách quan", "chậm giấy tờ, chậm thủ tục".
Nguyên nhân là tiền công đức đang được tập trung để trùng tu hạ điện với nguồn kinh phí lớn. Vị trưởng ban bảo đảm sẽ nộp "trong thời gian tới".
UBND tỉnh Nghệ An cuối năm đều có văn bản nhắc nhở. Nhưng khi chưa có chế tài, những khoản tiền chưa được trích về vẫn là những món nợ khó đòi.
Nhưng những người viếng đền không quan tâm đến các mâu thuẫn hành chính. Họ đổ về đền Hồng Sơn, hàng trăm người mỗi ngày trong những ngày lễ đầu năm, để "dâng sao giải hạn". Hoạt động này, dù diễn ra ngay trong không gian của di tích, từng nằm hoàn toàn ngoài sự quản lý của bên hữu trách: các thầy cúng tự tổ chức, tự thu tiền con nhang theo sự sáng tạo riêng (hoặc yêu cầu của các bậc thánh thần).
Theo chia sẻ của Trưởng ban, nguồn thu công đức từ đền Hồng Sơn trước năm 2011, thường chỉ ở mức 200 triệu đồng. Nhưng từ ngày có Ban quản lý mới, số tiền thu thường xấp xỉ một tỷ đồng. Ngoài minh bạch thu chi, đền tăng được nguồn thu còn là nhờ "quản lý chặt các dịch vụ thầy cúng đầu năm".
Theo mô hình quản lý mới, các "thầy" sẽ đăng ký trước với nhà Đền lượng người dự lễ giải hạn, cầu an, hoặc bất cứ hoạt động nào do mình chủ trì. Ban quản lý sẽ bố trí không gian, thời gian và người theo dõi. Ban quản lý không tham gia thu phí hoạt động do các "thầy" tổ chức. Nhưng khi buổi cúng kết thúc, các "thầy" sẽ phải công đức lại cho đền một khoản "hợp lý".
"Các ông thầy vào đó, các ông làm lễ ra tiền, các ông phải có trách nhiệm đóng góp vào đền. Ví dụ các ông làm lễ đó xong, thì phải để lại một khoản phần trăm theo biểu giá hợp lý. Ông làm một cái lễ 150 nghìn, ông phải công đức ít nhất là 50 nghìn".
Vị trưởng ban quản lý đền Hồng Sơn, tuy vậy vẫn lắc đầu, "đền này ít khách, không ăn thua gì". Sự "ăn thua" này, trong những ngày đầu xuân, có thể nhìn rõ hơn ở đường Tây Sơn, Hà Nội trong đêm mùng 8 tháng Giêng. Dòng người xếp hàng cả cây số, đứng ngồi khấn vái, chuyện trò, tay cầm sẵn sớ, sẵn tiền đợi lượt "dâng sao".
Đó cũng có thể là những ngôi đền cúng Ông, cúng Thánh, cúng Mẫu trong những giá hầu đồng tiền tỷ. Trong tiếng nhạc của 36 giá hầu, trong điệu lưu thủy kim tiền, những tờ đô la và đồng bạc polymer liên tục được vung ra bốn phía.
Cho đến lúc này, các văn bản luật và dưới luật về nguồn thu của cơ sở tín ngưỡng chỉ đang điều chỉnh hai khái niệm chủ yếu là "tiền công đức" và "tiền giọt dầu" - các phương pháp quyên góp cơ bản từ nhà hảo tâm cho việc duy trì và xây dựng đền, miếu. Nhưng trên thực tế, nguồn thu có thể rất đa dạng.
Sân chùa Trình, Yên Tử trong ngày đầu năm, một người mặc áo tu hành đứng giảng giải về "tam tài" trong vòng đời của một con người. "Ngoại tài là tiền bạch nhà cửa trâu bò, nội tài là thân sinh, gia quyến" còn mật tài là thứ dây đeo ông đang cầm trên tay, đã được niệm chú cầu nguyện.
Vòng người vây quanh chăm chú lắng nghe, liên tiếp chìa tay xin thứ "mật tài", sau khi đã đút tiền vào hòm công đức, và vào hộp "mừng tuổi" đặt trước mặt ông. Cây hoa ngọc lan chùa Trình hôm ấy phấp phới hàng ngàn dải lụa "mật tài" ghi những điều ước nguyện nhà cửa, đỗ đạt, lô đề.
Sự nở rộ của các dịch vụ tâm linh kiểu này nằm ngoài mọi sự kiểm soát chính thống: nó phụ thuộc vào sự tự giác của ban quản lý di tích.
Đỉnh núi Yên Tử, Quảng Ninh, cháu ngoại của An Sinh Vương Trần Liễu - Phật Hoàng Trần Nhân Tông an tọa đài hoa sen trên đỉnh núi cao hơn 1.000 m quanh năm sương mờ.
Cách đây tròn 720 năm, Phật Hoàng rời hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình tới vùng núi non này để tu hành 10 năm cuối đời và lập ra thiền phái Trúc Lâm. Hôm nay, ngay dưới chân Phật Hoàng, vị vua công đức hiển hách, trí tuệ minh triết, là một cuộc tranh luận chưa hồi kết về tiền.
Có một vấn đề phổ biến của các ngôi chùa như trên dãy Yên Tử: Phần "chùa" thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một tổ chức tôn giáo phi chính phủ. Theo thông lệ lịch sử và thông lệ quốc tế, nguồn tiền công đức sẽ do Giáo hội tự thu chi, không có trách nhiệm phải báo cáo ai. Nhưng phần "ngôi" trong chữ "ngôi chùa", là quần thể công trình, lại thường xuyên là một "di tích lịch sử" cấp địa phương hoặc quốc gia. Di tích này, theo lý thuyết, phải thuộc sự quản lý của chính quyền nhân dân.
Một ngôi chùa mà cũng là di tích lịch sử đồng thời thuộc sự quản lý của hai pháp nhân. Lập luận của chính quyền: họ cần tiền công đức để tu bổ
di tích. Lập luận của phía bên kia: không ai được động vào tiền của nhà chùa.
Bà Điệp, người thợ hồ kính Phật từ Bắc Ninh, mang một quan niệm cao cả: tiền công đức, một khi cho đi, thì là tiền của Phật. Và "Phật thì có mắt, nên không ai làm bậy được", bà nói.
Nhưng quan niệm giàu tính triết học này không giúp được gì cho mâu thuẫn của các pháp nhân muốn cầm tiền. Thông qua truyền thông, chính quyền các cấp của Quảng Ninh từng nhiều lẫn giãi bày về việc nếu không có tiền công đức, họ không biết lấy gì tôn tạo Yên Tử. Đã có lúc chính quyền tại Quảng Ninh đưa ra phương pháp "bán vé" vào khu di tích Yên Tử với lý do cần tiền tu bổ, tôn tạo. Biện pháp này bị dư luận phản đối kịch liệt.
Còn phía nhà chùa, Đại đức Thích Đạo Hiển, chánh thư ký Giáo hội tại Quảng Ninh, khẳng định rằng việc tôn tạo ở Yên Tử nhiều năm qua Giáo hội đã lo bằng tiền công đức rồi.
Năm 2017, chính quyền Quảng Ninh hành động quyết liệt: đưa ra văn bản quy phạm pháp luật cho phép can thiệp vào nguồn công đức và giọt dầu của Yên Tử.
Trong một báo cáo ngày 20/1/2017, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh ước tính sơ bộ số thu tiền giọt dầu, công đức tại các chùa của tỉnh này khoảng trên 200 tỷ đồng mỗi năm. Đối với các chùa, việc quản lý số thu nộp và sử dụng chủ yếu do nhà chùa tự quản.
Văn bản này, đồng thời để nghiêng và bôi đậm "công tác quản lý nhà nước đối với nguồn thu này trên địa bàn tỉnh hiện còn rất khó khăn, bất cập, chưa quản lý và kiểm soát được".
Ba ngày sau, phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký quyết định 489 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với nguồn thu tâm linh này. Chính quyền muốn đặt một khóa riêng lên hòm công đức.
Đáp lại văn bản này, Trưởng Ban Trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Thích Thanh Quyết , đồng thời là trụ trì của chùa Yên Tử, từ chối
thực hiện. Vị Thượng tọa gửi bản đề nghị thu hồi Quyết định 489 tới UBND tỉnh Quảng Ninh với lý do "không phù hợp với quy định của pháp luật" và bị
các cá nhân tập thể "phản ứng gay gắt".
Vị Trưởng Ban Trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh nêu 7 dẫn chứng luật pháp, phân tích và bảo vệ cho ý kiến của mình. Ông kết lại với lời cảnh báo đến chính quyền "nhiều phản ứng tiêu cực có thể tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định như: đòi khiếu kiện đông người, thậm chí đòi tự thiêu".
Theo thống kê của UBND TP Uông Bí, số tiền công đức chùa Yên Tử thu về trong 10 năm, từ 2007 đến 2017 khoảng 242 tỷ đồng. 4% trong số này dành hỗ trợ cho Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. 96% còn lại do nhà chùa quản lý, cùng 100% tiền giọt dầu.
Đại đức Thích Đạo Hiển cho rằng vấn đề không phải ở tiền mà ở chủ quyền của người tu hành phải được tôn trọng.
Cuộc tranh luận "ai được sờ vào tiền công đức" chưa có hồi kết. Tháng 2 năm 2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Vũ Thị Thu Thủy, người ký quyết định 489, từ chối trả lời báo chí.
Mâu thuẫn quyền hạn này cũng bộc lộ ở các Ban quản lý di tích cấp cơ sở. Khi cơ quan này được giao quản lý những di tích là chùa, có trụ trì là thành viên của Giáo hội, câu hỏi được đặt ra: ai được quyền quản lý tiền giọt dầu, công đức tại những cơ sở tôn giáo này?
Ông Phạm Nghĩa Dũng, chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Nghệ An quan niệm "đã gọi là tiền thì từ nguồn nào cũng phải do nhà nước quản lý".
Trong khi đó, Trưởng Ban quản lý di tích huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bày tỏ thực trạng ở địa phương "Giáo hội Phật giáo họ quản lý hết, vì họ là người đến trước". Nhưng ông chủ trương "không va chạm", vì không cơ sở pháp lý nào hướng dẫn ông phải làm gì với những mâu thuẫn này.
Cách Yên Tử 48 km về hướng Tây Bắc là chùa Thanh Mai. Ở Thanh Mai, không nhiều phật tử, không nhiều công đức và giọt dầu, không có tranh luận giữa chính quyền và Giáo hội.
Pháp Loa, người học trò lỗi lạc của Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, trở thành Trúc Lâm đệ nhị tổ khi chỉ vừa sang tuổi 24. Chùa Thanh Mai, nơi ngài an nghỉ, được coi là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần, cùng với Côn Sơn và Yên Tử.
Trong khi ở Yên Tử, ý định tăng cường quản lý nhà nước với tiền công đức bị Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh này kịch liệt phản đối và cảnh báo nguy cơ "đòi tự thiêu", thì ở chùa Thanh Mai, sự tham gia của chính quyền xã Hoàng Hoa Thám lại không tạo ra bất cứ phản ứng tiêu cực nào.
Hai ngôi chùa cùng tọa trên những đỉnh núi cao, cùng thuộc phái Trúc Lâm, cùng có trụ trì là những thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điểm khác nhau nằm ở chỗ, tiền công đức Thanh Mai thu về một năm, chỉ tương đương khoản công đức Yên Tử thu về trong một ngày.
Rằm tháng Giêng, khi trên Yên Tử kín chân người chiêm bái tứ phương, cánh cổng chào bằng sắt đã tróc sơn dẫn lên núi Thanh Mai lơ thơ vài lá cờ úa. Tấm biển "Bãi gửi xe" treo trên một khu đất trống. Chốt bảo vệ không người.
Trên chùa cũng không bóng người. Ngôi chùa bảy trăm năm tuổi lọt thỏm giữa cánh rừng phong đang mùa đổ lá. Gió chiều từ rừng thổi qua, mấy cánh đào phai rụng xuống sân nhà tổ. Đàn chó lông vàng nằm dài dưới bóng những rêu xanh.
Năm 1992, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận chùa Thanh Mai là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, tấm bia đá "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" ghi chép lịch sử bảy trăm năm của nền Phật Giáo nhà Trần, đặt tại chùa Thanh Mai được công nhận bảo vật quốc gia.
Nhưng do quy mô nhỏ hẹp, địa hình heo hút, đường sá đi lại khó khăn, chùa Thanh Mai không phải một điểm đến tấp nập. "Ba ngày hội giỗ Thiền sư, chùa đón khoảng trên dưới một nghìn người, ngày thường, thì không có mấy ai", chủ tịch xã Hoàng Hoa Thám, Lê Văn Khoa chia sẻ.
Tiền công đức giọt dầu, sau mỗi mùa lễ hội được xã trực tiếp cùng nhà chùa kiểm đếm. Năm 2018, tổng số tiền công đức, 70 triệu 600 nghìn đồng được giao toàn bộ cho sư trụ trì Thích Chí Trung. Mỗi tháng, vị trụ trì kiểm kê từng đồng sắm nhang, mua nến, chè nước, tiền trả công cho người phụ việc chùa rồi nộp một bản báo cáo lên UBND xã.
Tháng 2 năm 2019, mười hai năm sau vụ ăn cắp tiền công đức, những cánh đồng trải rộng dưới chân An Sinh Vương Trần Liễu lại vào vụ cấy lúa xuân. Đường làng ngõ xóm vắng hoe, chỉ thấy san sát những dây hành, dây tỏi còn nguyên cả lá lẫn rễ, phơi kín khắp các lối đi.
Ba giờ sáng mùng Hai Tết, người An Sinh đã nườm nượp đeo đèn pin lên mũ đội đầu, ra đồng nhổ hành, nhổ tỏi đến đêm. Hôm nay nước về, còn kịp cấy lúa. Cánh đồng thôn Vân Ổ lúc chiều buông vẫn nhấp nhô những bóng người.
Nhà bà Xuyên cách đền Cao chỉ vài bước chân. Ruộng lúa bà đang cấy cũng nhìn ra phía ngọn núi An Phụ sừng sững ấy, nhưng Tết này, bà vẫn chưa đặt chân lên đền thắp hương viếng An Sinh Vương.
Mùng Tám tháng Giêng khai hội, xe ôtô du lịch đậu kín đường làng. Số du khách được Ban quản lý thống kê mỗi năm là khoảng 200 nghìn lượt.
Sau vụ tham ô tiền công đức, những người bị đem ra xét xử đều đã đi tù vài năm rồi về. Khu di tích cũng đã có ban quản lý mới. Người dân như bà Xuyên khi được hỏi đều đã để câu chuyện vào quá vãng. Nhưng cũng kể từ đấy, bà ít khi lên Đền. Bà Xuyên bảo, do bận việc ruộng đồng, rồi kết lại một câu bâng quơ, "bây giờ chả tin được ai nữa".
Đó có thể là một lựa chọn tốt, theo quan điểm của bà Xuyên. Bởi chỉ có thế, bà mới không phải bận tâm nữa đến số phận của những cái hòm. Và cả những câu chuyện sau lúc mở hòm.
Bài: Thanh Lam, Nguyễn Hải
Đồ họa: Tiến Thành