Thứ bảy, 4/4/2020, 13:00 (GMT+7)

Nhiều năm trở lại đây, các công trình xanh xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Không chỉ riêng các dự án dân dụng như nhà ở, chung cư, mà cả công trình công nghiệp, thương mại cũng hướng đến thân thiện môi trường. Ông Giáp Văn Thanh - Tổng giám đốc công ty TNHH cách âm cách nhiệt Phương Nam, với hơn hai mươi lăm năm trong lĩnh vực cung cấp vật liệu công nghệ cao, đã chia sẻ với VnExpress về tầm quan trọng của công trình xanh đối với việc phát triển kinh tế, xã hội.

Trên thế giới, có nhiều định nghĩa về công trình xanh. Công trình xanh là xu hướng tất yếu, song hành cùng định hướng phát triển bền vững của các quốc gia, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nhiều tổ chức toàn cầu cũng được lập ra với mục đích thẩm định các công trình liệu có đủ "xanh", tức có đáp ứng các tiêu chí thân thiện với môi trường, an toàn với người trực tiếp sử dụng hay chưa. Việc thẩm định này mất nhiều tháng đến hàng năm tùy theo quy mô của công trình. Quá trình này diễn ra xuyên suốt kể từ khi dự án chỉ mới nằm trên bản vẽ đến khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng.

Tại Việt Nam, các công trình xanh đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, trải rộng từ cả lắp dựng công nghiệp đến xây dựng dân dụng. Tuy nhiên, những tổ chức thẩm định còn khó khăn trong quá trình triển khai thực tiễn và đánh giá, khiến khái niệm đang được sử dụng chưa đúng bản chất tại nhiều nơi.

Nhiều người Việt còn nhầm tưởng công trình xanh được tạo nên từ các vật liệu xanh. Đó là hiểu đúng nhưng chưa đủ. Để được gọi là thân thiện với môi trường, công trình xanh cần tổng hòa giữa ba yếu tố, vật liệu xanh chỉ là yếu tố cuối cùng.

Thứ nhất, nhà xây dựng phải tính toán được vị trí của công trình, từ đó tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên gồm đất, gió, nước, ánh sáng. Điển hình nếu công trình đặt tại vùng cao, có nền móng tốt thì không cần đổ bê tông nhiều. Nếu tại điểm đặt công trình có khí hậu nóng ẩm, nắng nhiều, mưa nhiều, thì cần phải tận dụng nguồn năng lượng mặt trời, nguồn ánh sáng tự nhiên thay thế năng lượng chiếu sáng, nguồn nước mưa phục vụ cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt, tưới cây...

Các hướng xây cũng quan trọng không kém. Hướng gió nằm đâu để mình trổ cửa, đặc biệt là các công trình công nghiệp, sản sinh các loại khí độc thì càng phải chú trọng hơn nữa. Chủ đầu tư phải đặt các ống thoát khí, ống thải khí để hạn chế ảnh hưởng đến người lao động trong doanh nghiệp, cũng như dân cư xung quanh công trình.

Thứ hai, quá trình xây dựng và khai thác công trình phải thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cần thiết kế hệ thống xử lý khí độc và nước thải chuyên biệt để công trình không trở thành nguồn gây ô nhiễm. Tiếng ồn cũng là một tác nhân gây ô nhiễm mà ít doanh nghiệp chú ý. Tại Việt Nam, tôi đánh giá các khu công nghiệp lớn hiện quản lý khá tốt về các mặt môi trường, chất thải, tiếng ồn...

Thứ ba, sau khi thỏa mãn hai yếu tố trên, các nhà xây dựng mới đặt vào công trình của mình vật liệu xanh. 

 Tương tự công trình xanh, vật liệu xanh cũng chưa được hiểu đúng bản chất.

Yếu tố tiên quyết tạo nên vật liệu xanh là công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Thành phẩm ra đời không chỉ có độ chịu lực, độ bền vượt trội so các vật liệu truyền thống, mà còn loại bỏ những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường như đào đất, khai thác cát, nổ mìn, nghiền đá... Các dây chuyền sản xuất cũng đáp ứng công suất, tốc độ cao, ứng dụng được các nguyên liệu đầu vào dễ tìm kiếm, không độc hại với môi trường.

Lợi ích của các vật liệu công nghệ cao thì nhiều người đã biết. Ở đây, tôi muốn nói nhiều hơn về bài toán chi phí mà chủ doanh nghiệp cần nhìn thấy khi đưa vào công trình của mình các vật liệu xanh.

Đơn cử với một tấm panel có độ dày chỉ có 50mm nhưng có giá trị cách nhiệt bằng một bức tường xây tô dày 200mm. Trọng lượng nhẹ hơn, doanh nghiệp giảm được khoản chi cho kết cấu lắp dựng, kiên cố phần móng. Lắp đặt cũng nhanh chóng hơn. Các kết cấu được lên bản vẽ, sản xuất sẵn theo kích thước và mang đến địa điểm thi công lắp đặt. Nhờ đó phương pháp sử dụng ít nhân công nhân hơn.

Thời gian hoàn thiện công trình cũng rút ngắn đáng kể, chỉ còn 1/3 so với xây tô truyền thống. Cùng một vách tường, công nhân chỉ cần kết nối các tấm panel bằng máy bắn chuyên dụng, trong khi tường xây thô phải tô trét, sơn nhiều lớp và thẩm mỹ lại bề mặt. Chưa kể việc sử dụng các vật liệu truyền thống như gạch, cát, xi măng, sơn... đều là những vật liệu tác động đến môi trường tự nhiên trong quá trình sản xuất.

Công ty của chúng tôi là một đơn vị kinh doanh với mảng chủ lực là vật liệu nhẹ cách âm cách nhiệt công nghệ cao. Bản thân tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh công nghiệp trong khoảng thời gian dài nên dễ dàng nhận ra tiềm năng phát triển của thị trường.

Vật liệu xanh xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng hơn một thập kỷ gần đây. Danh sách các chủng loại đang ngày càng mở rộng. Ban đầu, thị trường chỉ có các loại gạch không nung, đá nhân tạo để thay thế gạch nung, đá tự nhiên. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư cho hệ thống dây chuyền sản xuất các vật liệu cao cấp hơn. Hiện nay Công ty Phương Nam sở hữu nhà máy sản xuất panel cách nhiệt với công suất hơn 15.000 tấn mỗi năm. Các sản phẩm thay thế hoàn toàn phương pháp xây thô với các vật liệu truyền thống.

Cùng với sự phát triển của các công trình xanh, chúng tôi tin rằng vật liệu xanh sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong nhiều năm tới. Thay đổi sẽ đến từ công trình công nghiệp, sau đó lan toả đến các công trình dân dụng, thương mại. Không chỉ đáp ứng về mặt thời gian, về độ bền cao, các vật liệu xanh còn giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí nhân công, chi phí bảo dưỡng, giảm chi phí điện năng trong hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Vật liệu xanh cũng sẽ sớm trở nên phổ biến hơn ở mảng nhà ở thương mại, chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng. Người châu Âu đã xây nhà bằng panel từ những năm 1970, 1980 của thế kỷ trước. Tôi tin rằng khi kinh tế nước ta phát triển, nhận thức của người dân tiến bộ hơn thì những ngôi nhà hai ba tầng nhưng chỉ xây trong thời gian chưa đến một tháng sẽ ngày càng nhiều.

Nội dung: Bảo An
 Ảnh: Quỳnh Trần
Thiết kế: Thái Hưng