Thứ ba, 18/12/2018, 00:37 (GMT+7)

Một ngày tháng 1, Lù Thị Tươi nhìn thấy mẹ đi khỏi nhà cùng các chú công an. Hôm ấy trời rét, mẹ dặn Tươi đợi mẹ về.

Tươi đợi mãi mẹ cũng không về. Căn nhà chỉ còn Tươi và hai đứa em. Em gái Lù Thị Như và em trai Lù Seo Hùng, một đứa 11, một đứa mới lên 6. Mẹ Tươi đã bị bắt, vì giết bố em.

Mẹ của Tươi, sau trận đòn của người chồng trong hơi men, đã dùng búa gỗ đập vào đầu chồng đến bất tỉnh. Sáng hôm sau, anh qua đời và nhanh chóng được mai táng, nhưng công an đã khai quật tử thi khám nghiệm: người chồng bị vỡ hộp sọ. Vụ án được khởi tố, ba đứa trẻ mất vòng tay mẹ cha chỉ trong hơn mươi ngày.

Chị em Tươi giờ được các thầy cô nuôi trong nhà bán trú của trường trung học cơ sở Chiến Phố. Như rất nhiều hoàn cảnh dưới mái trường này, những dãy nhà bán trú do thầy cô dựng tạm trở thành nơi trú ẩn cuối cùng cho các em.

Bữa ăn trưa của 138 học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang bắt đầu lúc 11 giờ 22 phút sáng.

Hai dãy bàn kê dọc, xếp 138 khay nhôm. Bữa ăn có lạc, cá kho, trứng trong mỗi khay và một âu canh bí đỏ chung cho cả bàn. Thức ăn được chia đều, ở góc hành lang có sáu chậu cơm trắng, các bạn ăn hết cơm trong khay sẽ tự đứng lên lấy thêm.

138 đứa trẻ đồng thanh mời thầy cô rồi bắt đầu xúc không ngừng nghỉ. Âm thanh của tiếng thìa quệt vào khay nhôm rào rạt hối hả.

Chỉ sau 6 phút, một bạn nam đã ăn hết sạch phần cơm có trong khay và đứng dậy lấy thêm cơm. Sau 14 phút, những học sinh đầu tiên ăn xong, rời bàn. Và sau 17 phút, phần lớn các bàn đã đứng dậy dọn dẹp, còn lại vài học sinh nữ đang ăn. Hầu hết các khay sạch trơn, vài khay còn sót lại một ít lạc và vụn cá khô. Con gái trút thức ăn và cơm thừa vào tô lớn. Cơm thừa để nuôi lợn. Các chàng trai khỏe mạnh hơn xếp bàn ghế.

11h42 phút, các em đã dọn dẹp xong. Bữa trưa kéo dài hơn 20 phút, tính từ khi tiếng mời thầy cô vang lên, cho đến lúc bàn ghế được xếp gọn vào góc nhà ăn. 

Khung cảnh bữa ăn trưa ở trường THCS Chiến Phố.

Hai ngày nay, Nga được ăn nhờ suất cơm của Kết, người bạn thân học cùng lớp. Nhà Kết có việc bận phải nghỉ học mấy hôm. Em nhường suất đó cho Nga.

Nga không được ở bán trú, cũng không được ăn bữa cơm trưa cùng các bạn. Em đem đến trường một túi cơm trắng. Buổi trưa hàng ngày, khi các bạn được ăn cơm có món mặn, em lủi thủi trong lớp ăn cơm nguội. Có lúc, phải chạy đến cuối dãy nhà để ăn. Nga muốn tránh mùi thức ăn từ nhà ăn bay lên.

Nhà Nga ở thôn Sui Thầu, cách trường mười cây số. Hai anh em Vàng Văn Hiệp, Vàng Thị Nga đi bộ ngày hai lượt sáng chiều suốt tám năm đến trường.

Vàng Thị Nga trong bữa trưa được ăn nhờ ở trường.

Đầu năm học mới, Hiệp, Nga cùng xin vào bán trú, nhưng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu của người cha. Anh Vàng Văn Vần vẫn giữ quan điểm: cả hai phải về, nhà cần người đi chăn trâu, lấy cỏ. Cái Nga tủi thân, trốn ra chái nhà khóc, nhưng không dám thuyết phục thêm lần nào nữa.

Hiệp cũng đang được "may mắn" ăn cơm bán trú ba tuần, nhờ vào kỳ thi học sinh giỏi sẽ diễn ra vào tháng Một. Các thầy gọi em về trường, cùng ăn, cùng ngủ bán trú để tập trung cho kỳ thi. Không phải dậy sớm, không phải đi bộ về nhà, lại có cơm nóng ăn, Hiệp thích lắm.

Từ Chiến Phố Hạ, nơi căn nhà cũ của chị em Tươi ở, qua Ma Lỳ Sán, Cốc Rạc, hoặc vài con đường rừng khác, là đến đường biên. Rất nhiều đứa trẻ Chiến Phố đã bỏ mái trường, theo những con đường này sang Trung Quốc đi đào hố, hoặc vác chuối thuê.

Những bữa cơm có chút đồ ăn mặn lọt thỏm trong khay, vô hạn lần được xới thêm cơm trắng, ngồi giữa chúng bạn trong sân trường, là ước mơ của nhiều đứa trẻ vùng núi non này.

"Menu xịn nhỉ, rau thịt đủ cả. Nếu mình ăn được cả tuần thì sao?", Duy Anh phát biểu, khi nhìn vào bữa ăn của học sinh miền núi.

Duy Anh 23 tuổi, nhiếp ảnh tự do, cao 1m69, nặng 50 kg. Cậu là một trong sáu tình nguyện viên tại Hà Nội được mời tham dự một thử thách: ăn theo đúng thực đơn của các học sinh miền núi Hoàng Su Phì trong vòng 3 ngày.

VnExpress đã thực hiện một cuộc thử nghiệm với bữa cơm tiêu biểu cho đời sống của học sinh tại nhiều vùng núi phía Bắc. Câu hỏi đặt ra: cư dân thành phố có nhận thức được đầy đủ hoàn cảnh sống của những em nhỏ này?

Các suất cơm bán trú theo đúng khối lượng được nấu bởi 2 phóng viên của VnExpress, và giao đến tận tay sáu tình nguyện viên lúc 11h trưa hàng ngày. Giờ ăn của người trải nghiệm tương đương với giờ cơm của học sinh bán trú: 6h30 ăn bữa sáng, bữa trưa lúc 11h30 và bữa tối khoảng 18h30.

Sáu tình nguyện viên tham gia gồm ba thanh niên 20 - 25 tuổi, một phụ nữ trung niên và hai học sinh THCS ở Hà Nội. Giá trị mỗi bữa ăn được tính dựa trên số tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh bán trú: 40% lương cơ bản kèm 15 kg gạo mỗi tháng.

Dù cùng định lượng và loại thức ăn, nhưng tính theo vật giá Hà Nội, giá trị của mỗi suất cơm tăng lên hơn 16.000 đồng.

Phản hồi đầu tiên về bữa ăn, đến theo phương pháp tiếp cận truyền thống: xem ảnh, theo cách phần lớn cư dân đô thị hiện nay "trải nghiệm" về đời sống tại miền núi - qua báo chí và mạng xã hội. Ở cách tiếp nhận này, các ấn tượng về hình thức của bữa ăn đều thống nhất: ngay khi được xem ảnh, các khán giả nhận định rằng "như thế này là quá ngon".

"Hấp dẫn như bento", Phương thốt lên khi lần đầu nhìn thấy hộp cơm. Mai Phương, 25 tuổi làm việc tại Hà Nội, có mức thu nhập trung bình khá của một nhân viên văn phòng.

Cơm trắng, thịt rang, đậu phụ rán và bí xanh luộc xếp trong chiếc hộp bốn ngăn, theo cô như một bữa trưa của người Nhật. Bạn cô nhìn thấy nói ngay: "Cơm vùng cao không bao giờ được ngon như thế này nhé".

"Cơm vùng cao" hay là "cái khổ" và "cái nghèo" trong ấn tượng của nhiều người thành phố, là các hình ảnh cực đoan xuất hiện trên Internet. Những đứa trẻ tím tái, cơm trắng chan nước muối, rau cải mèo luộc, tuyệt nhiên không có thịt.

Nhưng trước mặt họ lúc này là một thứ có tính đại diện cao hơn: một suất cơm theo đúng chuẩn hỗ trợ của nhà nước dành cho học sinh cấp 2 miền núi. Có thịt, lạc rang và đậu phụ. Họ hầu hết rất tự tin rằng "cơm thế này" thì ăn lâu dài được.

Cuộc thử nghiệm bắt đầu vào ngày 30 tháng Bảy. Mỗi tình nguyện viên được giao cho 3 bản khảo sát, để ghi lại cảm nhận về bữa cơm vào cuối ngày.

"Mì gói và cái đói là những thứ không thể làm khó được những ai từng là sinh viên", Duy Anh tự tin mình sẽ vượt qua thử thách dễ dàng. Tối ngày đầu tiên, cậu đi ngủ với cái bụng "hơi hơi đói".

Sự đẹp mắt như bento không giúp cho Mai Phương có một ngày dễ chịu. Cuối buổi chiều, chân tay Phương run lên vì đói, đầu óc thiếu tập trung. "Qua ba ngày chắc là vẫn ổn, nhưng nhiều hơn thì không thể", Phương kết luận trong bảng khảo sát sau ngày đầu tiên.

Với Hải Anh, bản tin cô phóng viên thực hiện hôm ấy có nhiều lỗi. Cô không thể tập trung, "mọi suy nghĩ chỉ dồn về cái đói". 19h, sau khi hoàn thành buổi tập yoga, Hải Anh bắt đầu hoa mắt chóng mặt và tìm đến bữa cơm tối ngay lập tức, dù việc tiếp tục ăn cơm thử nghiệm khiến cô "rùng mình".

Sau cảm giác "rùng mình", Hải Anh gửi một tin nhắn với ba câu cảm thán: "Đói quá! Nhưng ngắc ngoải quá! Ngán quá!".

Trong số sáu người tham gia, Hải Anh là người duy nhất có phần cảm nhận cuối ngày, viết tay, dài hơn một trang giấy A4. Một số kinh nghiệm đã nhanh chóng được cô gái trẻ rút ra: "tôi ăn dè thịt để vị giác không bị ngược đãi như buổi trưa", và tự nhủ "từ giờ chắc sẽ sợ vị bí luộc đến già".

11h15 phút ngày thứ hai, Phương đã hỏi người đưa cơm bao giờ đến. "Em đói quá rồi", cô nhắn kèm theo một biểu tượng mặt mếu. Sáng đó, Phương ăn hết nửa gói cháo.

Trong ngày thứ hai, Duy Anh không gọi hoạt động này là "trải nghiệm" nữa mà gọi nó là "thử thách". "Mình nghĩ có thể duy trì hết hôm nay, còn mai thì không chắc". Cậu bắt đầu nhớ về những bữa cơm 4 món mặn một món canh mẹ nấu. Cậu nhớ về những chiếc bánh ngọt.

"Mình đã sống sót được qua hai ngày với chế độ ăn này. Không quá khó nhưng thực sự là bải hoải chân tay", Phương tự nhủ nếu ăn như thế này thêm một tuần nữa, cô sẽ xin bỏ cuộc sớm.

Dù đói run tay không gõ được bàn phím, nhưng bữa tối vẫn thừa một góc cơm, ít rau bắp cải luộc và cá khô hầu như còn nguyên vẹn. Cái đói không khiến Phương thấy bữa cơm "bán trú" ngon miệng.

9h sáng ngày thứ hai, Hải Anh bắt đầu cảm thấy hoa mắt. Một trong những động lực khiến Hải Anh, dù không muốn, vẫn cố gắng ăn hết suất cơm trưa của ngày đầu tiên là "sợ có lỗi với các bạn nhỏ vùng cao", dù nó "thực sự không ngon". Trong ngày thứ hai, động lực ấy là để có năng lượng sống sót và làm việc.

Nhưng cố ăn hết suất cơm vẫn khiến cô cảm thấy "toàn thân run rẩy", không tập trung được cho công việc. Cô bắt đầu nghĩ đến việc "gian lận" để đối phó với thử nghiệm này. Hay là ăn thêm cái gì? "Tôi chỉ nghĩ đến đồ ăn. Đói. Muốn ăn tất cả".

Bữa tối ngày thứ hai là suất cơm thứ ba Duy Anh bỏ mứa trong thử thách này. Cậu vẫn muốn tiếp tục. "Chắc là vẫn sống được, chỉ là theo cách nào thôi". Đêm ấy, Duy Anh chọn cách lên giường sớm để quên đi cái đói.

"Những đứa trẻ vùng cao đã lớn lên như thế nào?", Duy Anh bắt đầu băn khoăn.  

 "Khó ăn vẫn phải cố ăn cho hết, không ăn sẽ đói, không thể nghe thầy giảng bài", Vàng Thị Nga nói về những bữa cơm trắng đựng trong túi nylon. Nhiều hơn, cơm của em sẽ chỉ thêm chút muối vừng, hoặc lạc. Hiếm hoi lắm mới có thêm quả trứng.

Đó là cách những đứa trẻ này đã lớn lên. Cơm bán trú 9.500 đồng, có thức ăn là bữa cơm mà Vàng Thị Nga nhiều lần ao ước. Những đứa trẻ không ở bán trú đựng cơm trong túi nylon tới trường thường tìm góc khuất tránh xa khu nhà ăn của trường. Chúng sợ ngửi thấy mùi cơm nóng, trứng rán, cá khô.

"Sao dám ra ngồi cùng chứ. Nếu các bạn hỏi không ở bán trú sao lại ra đây thì biết nói thế nào? Xấu hổ lắm", Nga lí nhí.

Khung cảnh sân trường Chiến Phố trước giờ cơm trưa.

Duy Anh là người đầu tiên bỏ cuộc trong sáu tình nguyện viên, ở buổi trưa ngày thứ ba.

"Chưa bao giờ mình thấy đói như thế này trong đời", cậu gắng ăn một phần ba suất cơm trưa có thịt sốt cà chua, lạc rang và canh rau ngót, phần còn lại bỏ. "Không biết cầm cự thế nào cho qua ngày, rất mệt và đói nhưng không muốn ăn". 

Phương vẫn quyết tâm vượt qua thử thách. Cô bỏ lại một ít thịt sốt cà chua, nửa nạc nửa mỡ. Cô gẩy gẩy mấy hạt lạc rang dính muối, rồi thở dài. Ăn hết bữa cơm trở thành một việc quá sức.

Hải Anh bỏ mứa cả hai bữa cơm dù "chưa bao giờ thấy đói như vậy". Cô bỏ luôn buổi tập yoga chiều hôm đó vì rất sợ cảm giác hoa mắt, lảo đảo sau hai ngày gắng gượng.

"Nếu được chọn, tôi sẽ không bao giờ ăn mấy món này", cô ghi vào phiếu khảo sát. Cô đã không thấy "có lỗi với các bạn miền núi đang không có đủ cơm ăn" như ở ngày đầu tiên. 

"Các em đã ngồi trong lớp học, tiếp thu bài vở như thế nào sau những bữa sáng chỉ no bụng mà không có nhiều chất như thế?", những tình nguyện viên tự hỏi.

"Không được ngon như cơm dưới Hà Nội nhỉ? Nhưng ngon hơn cơm ở nhà em", Triệu Mùi Khé, học sinh trường PTDT bán trú THCS Hồ Thầu nói.

Hai năm vào bán trú, ăn những bữa cơm quanh quẩn thịt băm, trứng hoặc lạc rang, đôi khi là muối lạc, cô học trò lớp 9 tăng gần 4 kg. Khé bây giờ trông rất ra dáng thiếu nữ. Cậu em Triệu Tràn Ton trước đứng đến ngực chị, giờ cũng đã cao bằng.

Thầy hiệu trưởng Dương Văn Thưởng bảo cũng muốn cho các em ăn ngon hơn. Với mức hỗ trợ cố định của Nhà nước, nhà trường không thể co kéo chi phí bữa ăn thêm được nữa. Chỉ đến ngày Tết, các thầy mới dám phóng tay mổ một con lợn, mua thêm vài con gà. 

Năm học mới này, nhà trường mới sắm thêm hai cái nồi điện và một bình bếp ga, tổng cộng 5 triệu rưỡi. Thầy mua chịu của một đại lý ở Vĩnh Phúc, chờ trường có kinh phí rồi lại bù vào.

Thầy giáo 20 năm dạy học ở Hoàng Su Phì sợ nhất mùa đông. Đó là khi nhiệt độ nhiều ngày duy trì dưới mức 5 độ C, không bộ quần áo, không thanh củi nào khô nổi. Nhiều hôm củi không cháy, bếp tậm tạch làm cho nồi cơm cũng sượng theo. Có nồi cơm điện rồi, học sinh của thầy không phải ăn cơm sống nữa. Còn những thanh củi sẽ được để dành, rét quá, thầy trò đốt một chậu than sưởi ấm trong lớp.

"Nồi mới, cơm bị nhão. Thế mà em vẫn ăn được hết hai bát đầy. Cơm nóng chứ không bị nguội như khi mình đựng trong túi bóng", Lù Thị Sen vẫn nhớ về bữa cơm bán trú đầu tiên mình được ăn.

Bữa cơm đầu tiên ấy, được nấu vào tháng Chín năm 2014, sau khai giảng ít ngày. Đó cũng là năm đầu tiên những đứa trẻ ở Chiến Phố này được ở lại trường ăn cơm, sau khi thầy cô quyết tâm dồn hai phòng học làm nhà bán trú. Hôm ấy cũng là lần đầu tiên sau sáu năm, Lù Sen không phải đựng cơm vào túi nylon mang đi học.

Ngon theo định nghĩa của những đứa trẻ sống ở tận cùng đất nước, là ngày được ăn ba bữa có món mặn. Thực chất, mỗi ngày ăn theo chế độ hiện tại chỉ đem lại cho Khé, Sen hay Hiệp từ 1.600 đến 1.800 kcal. Số calorie này chỉ đạt khoảng 60% năng lượng chuẩn mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo cho học sinh cấp 2.

Kết quả của một chế độ ăn thiếu thốn ở độ tuổi này được Viện dinh dưỡng khẳng định dẫn đến "còi cọc, ốm yếu ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt".

Khi nhìn vào suất cơm bán trú, những cư dân thành phố so sánh ngay với bữa chính của mình và cảm thán "thế này là ngon rồi". Nhưng nhiều người thành phố quên mất rằng họ thực chất đã thu thập năng lượng theo rất nhiều cách: hoa quả, cà phê, đồ ăn vặt,... Rất nhiều đường - thứ xa xỉ phẩm mà trẻ miền núi rất ít khi nhắc tới. Họ có thể ăn bữa chính rất ít, nhưng nếu tuân thủ chế độ của học sinh bán trú, thực nghiệm đã chỉ ra: họ không chịu nổi.

Bếp nấu của trường Hồ Thầu.

Bà Kim Thu Hà, Trưởng phòng Quyền lao động của tổ chức CDI Việt Nam, sau nhiều năm nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến đói nghèo, nhận định một thực trạng: những người sống ở thành phố thường đánh giá cuộc sống của các nhóm yếu thế hơn thường thôn qua cái nhìn đơn giản, thậm chí phiến diện, mà ít hiểu được bản chất hay khó khăn thật sự bên trong.

Phần đông, những người lao động và người yếu thế không có thời gian lên mạng. Các bình luận lại đến nhiều từ những người ngồi phòng điều hòa, dân nghiên cứu, những người ngồi máy tính nhiều, ít trực tiếp trải nghiệm cuộc sống của nhóm yếu thế hơn.

"Cơm vùng cao như thế là ngon lắm rồi" là một dạng nhận định dễ dàng được những người sống trong phố thốt ra.

"Từ năm nay, mỗi ngày ăn của các em được tăng thêm 2.000 đồng", thầy Thành, Hiệu phó trường Chiến Phố phấn khởi.

Đó là phần trợ cấp gia tăng, nhờ lương cơ sở tăng thêm 90.000 đồng từ tháng Bảy. Muốn học sinh được ăn ngon hơn, các thầy chỉ còn trông chờ vào mức tăng của lương cơ sở. 

Nhưng sau kỳ thi học sinh giỏi vào tháng Một kết thúc, Hiệp sẽ không còn được ăn cơm bán trú nữa. Em sẽ lại đi về mỗi ngày 4 tiếng đường rừng. Bữa sáng của Hiệp là một bát cơm trắng. Bữa trưa cũng là số cơm trắng vét nồi sau bữa sáng của cả nhà. 

Hiệp muốn ở bán trú như các bạn, để được ăn những suất cơm ngon thầy cô nấu. Ba tuần ăn cơm bán trú, Hiệp đã tăng được gần 3 kg. Buổi tối ngủ cùng các bạn học trong chăn ấm, cậu bé không còn sợ trời mưa hay lo giá rét nữa. "Ở bán trú thật là sung sướng", Hiệp nói.

Ngôi nhà bán trú do các thầy sắp xếp tạm từ lớp học, bây giờ đã rất cũ, gió lạnh lùa qua khe cửa, nhưng vẫn là nơi đầm ấm nhất mà nhiều em học sinh có được. 

Nga mơ ước giá như ngày nào cũng được ăn cơm nóng, chứ không phải là những hạt nguội ngắt, rời rạc đựng trong núi nylon. Nhưng nếu ăn thêm một ngày, cũng có nghĩa là Kết sẽ còn đang nghỉ học. Kết là bạn tốt của Nga.

"Em cũng biết nghĩ như thế là không tốt, nên em mong Kết mau đi học". Tự trọng của một đứa trẻ đang tuổi lớn không cho phép nó ước mong ăn thêm một bữa cơm "chùa" nào của bạn.

Bài: Hoàng Phương, Thanh Lam
Ảnh: Đinh Tùng
Đồ họa: Tiến Thành

Vì bạn đã đọc hết bài viết này, chúng tôi có một đề nghị: chương trình Ánh sáng học đường của Quỹ Hy vọng, báo VnExpress đang xây dựng 2 nhà nội trú cho học sinh xã Chiến Phố và Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. Sự đóng góp của độc giả sẽ cho thêm nhiều em nơi để ngủ ấm, và được ăn bữa cơm nóng 9.500 đồng mơ ước của mình mỗi ngày. Chương trình có sự đồng hành của quỹ Thiện Tâm, tập đoàn Vingroup.

Thông tin ủng hộ