"Xin chào. Tôi hy vọng rằng, chuyến thăm này sẽ làm sâu sắc mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam", Thống đốc tỉnh Kanagawa Kuroiwa Yuji nói Tiếng Việt bằng chất giọng lơ lớ của người mới học tiếng, khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 25/11.
Tiếng Việt có thể mới với ông Kuroiwa Yuji, nhưng ông không phải người xa lạ với Việt Nam.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Kanagawa của ông Yuji đã 5 năm liên tiếp tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Nhật và chính ông cũng đã tổ chức ngày hội Nhật Bản ở Việt Nam. Ông còn từng là "runner" cho một giải chạy tại Hồ Gươm, Hà Nội.
Không riêng ông Yuji, nhiều "người bạn" mà Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến và tiếp xúc ở Nhật đều phần nào thân thuộc với Việt Nam.
Theo Thủ tướng, chuyến thăm này thể hiện "tình cảm đặc biệt của nước bạn" khi ông là lãnh đạo đầu tiên tới thăm chính thức Nhật kể từ khi Thủ tướng Kishida Fumio nhậm chức hồi tháng 10. Việt Nam cũng là điểm đến thăm chính thức đầu tiên của hai đời Thủ tướng Nhật trước đây là ông Abe Shinzo và ông Suga Yoshihide. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, hai bên vẫn duy trì tiếp xúc cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của ông Suga khi còn là Thủ tướng hồi tháng 10 năm ngoái.
"Chúng ta đang sống trong một không khí rất thuận lợi để học tập và làm việc tại Nhật", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi gặp gỡ kiều bào sinh sống tại Nhật ở Tokyo hôm 23/11.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại.
Trong 4 ngày ở Nhật, Thủ tướng Phạm Minh Chính có gần 50 cuộc gặp với nhiều lãnh đạo chủ chốt của chính phủ Nhật Bản, lãnh đạo các địa phương, trường đại học và tập đoàn hàng đầu.
Trong cuộc hội đàm hôm 24/11 tại Tokyo, Thủ tướng Kishida Fumio cũng khẳng định quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, đánh giá cao thành tựu và vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới.
Hai Thủ tướng nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ trang bị quốc phòng, quân y, an ninh mạng, tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, xem xét mở lại đường bay thương mại, triển khai hộ chiếu vaccine.
Khẳng định Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn diện Việt Nam trong phòng chống dịch, Thủ tướng Kishida công bố hỗ trợ bổ sung 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng như thuốc điều trị Covid-19.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã góp phần thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thiết yếu, phù hợp với nhu cầu và khả năng của Việt Nam và Nhật Bản, trong bối cảnh cả hai nước đều có nhu cầu phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch.
Hai bên cũng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản cho giai đoạn phục hồi sau Covid-19 để phục vụ các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế và chuyển đổi số, có tính đến các ưu đãi, thủ tục tinh gọn.
"Chuyến thăm còn là minh chứng sinh động về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Việt Nam", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói thêm.
Kinh tế là trụ cột hợp tác
Khi tới Nhật, Thủ tướng đã tới thăm Tochigi, tỉnh số hai Nhật Bản về công nghiệp chế tạo. Tochigi cách Tokyo 102 km, được xem là một "cứ điểm" của các tập đoàn chế tạo công nghiệp hàng đầu Nhật Bản như Nissan, Honda, Subaru, Canon. Địa phương này có gần 8.000 người Việt sinh sống và đứng thứ ba ở Nhật về thu nhập đầu người (chỉ sau Tokyo và tỉnh Aichi), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh gần bằng 20% GDP của Việt Nam.
Tiếp lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp tại Nhật, Thủ tướng nhiều lần nói "rất biết ơn" họ đã chia sẻ cùng Việt Nam trong Covid-19, đúng nguyên tắc mà ông vẫn hay nói "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ", dù họ cũng phải chịu đựng những khó khăn do đại dịch gây ra.
Không ít cam kết trong chuyến thăm đã được hiện thực hoá thành những thương vụ đầu tư, đến từ các "đại gia" của Nhật như Sumitomo, Mitsubishi, Aeon, Sojitz... Gần 40 thoả thuận hợp tác đầu tư, thương mại, nghiên cứu được ký kết trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt - Nhật hôm 25/11.
"Điều này cho thấy doanh nghiệp Nhật có mong muốn mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam và cũng kỳ vọng quan hệ giữa hai nước tốt đẹp đến mức nào", ông Koichi Hagiuda, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói khi chứng kiến lễ trao các thoả thuận này.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói với VnExpress rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã "mở ra một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản". Ông cho biết các thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ USD, chưa kể nhiều thoả thuận đóng vai trò nền tảng gián tiếp tạo ra các giá trị cho Việt Nam.
Khi tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Nhật, Thủ tướng cũng nhận được nhiều đề xuất sẽ mở rộng hoạt động đầu tư ở Việt Nam. Hitachi ngỏ ý muốn tham gia xây dựng đường sắt. Dược phẩm Shionogi – đơn vị chuyên sản xuất các loại thuốc chữa bệnh truyền nhiễm hàng đầu Nhật Bản - muốn xây cơ sở sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên ở Đông Nam Á tại Việt Nam... Eneos, một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất Nhật Bản về lọc dầu và kinh doanh dầu nguyên liệu, chiếm đến 50% sản lượng tại Nhật, cũng muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo Việt Nam...
"Tôi cảm nhận các dự án đang đề xuất hoặc hình thành sau chuyến thăm này khả thi, bởi người Nhật, trên cơ sở những gì họ đã làm, cho thấy sự cẩn thận và độ tin cậy cao. Một khi đã cam kết là họ sẽ làm rất đàng hoàng", ông nói.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết thêm, người Nhật trước đây cũng quan tâm tới Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều đắn đo, lựa chọn giữa Việt Nam với Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc. Còn hiện tại, "bầu không khí" giữa hai bên đang rất tốt, là nền tảng cho họ yên tâm.
Chiến lược Con người là trung tâm
Trong nhiều cuộc làm việc với các nhà đầu tư Nhật, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập điểm mới trong chiến lược của Việt Nam là tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Ông cho biết một trong những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng 13 của Việt Nam là phát huy giá trị con người, lấy con người vừa là trung tâm vừa là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển. Ông tin mọi nhà đầu tư đều muốn làm ăn ở một nước có những con người đáp ứng được chiến lược lâu dài.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá giáo dục chính là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ đặc biệt ưu tiên muốn thu hút đầu tư với Nhật.
Trong các cuộc gặp, Thủ tướng đều mong muốn doanh nghiệp Nhật ngoài đầu tư còn góp phần phát triển chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam, cải thiện năng lực quản trị cho doanh nghiệp và quản trị quốc gia.
Cộng đồng người Việt Nam hiện lớn thứ hai tại Nhật Bản với hơn 450.000 người, trong đó số thực tập sinh tăng nhanh chóng lên 200.000 người, nhiều nhất so với các nước khác. Thủ tướng Phạm Minh Chính xem đây là nguồn nhân lực quan trọng với Việt Nam, đồng thời cũng đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Nhật Bản.
Ông đã gặp hàng chục lãnh đạo các đại học hàng đầu của Nhật Bản và tiếp đại diện các trí thức hàng đầu người Việt. Ông cam kết sẽ tổ chức một kênh trực tuyến để thường xuyên thảo luận với các trí thức tại Nhật, để lắng nghe và cùng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trong chuyến thăm, Việt Nam và Nhật cũng đã thống nhất sẽ mở lại đường bay quốc tế từ đầu tháng 12, áp dụng "hộ chiếu vaccine"...
Vài giờ trước khi ra sân bay rời Tokyo, Thủ tướng nhắc lại với các doanh nghiệp tại đây rằng, họ có những thế mạnh mà Việt Nam cần, còn Việt Nam có những cơ hội cho họ.
"Một lần nữa tôi kêu gọi sự chung tay vượt qua khó khăn trước mắt để hướng tới chiến lược lâu dài, đặc biệt là những điều hai bên cùng muốn phát triển", ông nói.
"Khó khăn trước mắt" chính là đại dịch Covid-19. Nếu nó qua đi, tỉnh Kanagawa của Thống đốc Juji yêu thể thao có thể mở lại các lễ hội Việt Nam - Nhật Bản như lời hẹn với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm họ gặp nhau.
Thanh Thanh Lan