Thứ hai, 11/9/2017, 11:51 (GMT+7)

Bobby Fischer - Kỳ thủ lập dị

Vĩ nhân, quái dị, ngông cuồng... là tất cả những gì tồn tại bên trong con người kỳ thủ người Mỹ, biến cuộc đời ông thành một bức tranh muôn màu.

Cả cuộc đời Fischer bị chi phối bởi bàn cờ.

Không là trò chơi may rủi, cờ vua là sự kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và thể thao, dựa thuần túy vào chiến thuật và chiến lược. Những người chơi hay nhất cũng không thể tính hết mọi phương án, bởi chỉ có 64 ô và 32 quân cờ nhưng số lượng nước đi có thể vượt cả số lượng các nguyên tử có trong vũ trụ. Lối tư duy của cờ vua có thể áp dụng vào nhiều mặt của cuộc sống

Năm 1972, môn thể thao này trở thành một trò chơi chính trị đỉnh cao, và thu hút sự chú ý của thế giới vào thời điểm cao trào của Chiến tranh lạnh. Đó là khi Fischer đến Iceland để đối đầu Boris Spassky của Liên Xô. Trong bối cảnh về sự căng thẳng đang leo thang trong mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, trận đấu này được xem là một cuộc đối đầu về trí tuệ giữa hai siêu cường. Đối với nước Mỹ, chiến thắng này không chỉ giới hạn trong bàn cờ 64 ô. Đến nay Fischer là công dân Mỹ duy nhất từng vô địch cờ vua thế giới. Thế nhưng, sau vinh quang ấy, ông đã trở thành người xa lạ trên chính quê hương mình.

Sinh ngày 9/3/1943 tại Chicago, Fischer thừa hưởng khả năng tư duy logic từ bố là nhà vật lý người Đức Hans Gerhardt Fischer. Tính cách kiêu ngạo, bốc đồng, ngang bướng và thích đòi hỏi của Fischer được thể hiện rõ ràng trong các trận đấu sau này của ông. Còn từ khi rất nhỏ, ông đã sống với nhịp điệu riêng của mình, đối nghịch với sự phát triển thông thường của những đứa trẻ khác.

Vào một ngày mưa tháng 3/1949, Joan Targ Fischer, chị gái của Bobby cố gắng tìm một trò chơi mới để thỏa mãn tính hiếu động của cậu em trai. Joan mua một bộ cờ bằng nhựa với giá 1 USD tại cửa hàng bánh kẹo. Cả hai chị em đều chưa từng nhìn thấy các quân cờ trước đây. Họ lần theo hướng dẫn trong hộp cờ để mày mò cách chơi, và đối thủ đầu tiên của Bobby chính là chị gái. Tuy nhiên Joan là học sinh giỏi, luôn bận rộn với đống bài tập nên không có hứng thú cho cờ vua. Thế là Bobby dạy cho mẹ, bà Regina Fischer.

Bobby kể lại: "Mẹ tôi cũng bận rộn đến mức không thể chơi một ván cờ cho nghiêm túc. Lúc thì bà tranh thủ gọt khoai tây, lúc may lại quần áo trong khi đang chơi cờ, điều đó làm tôi rất khó chịu. Tôi thắng một ván, sau đó xoay bàn cờ đổi màu quân rồi lại thắng tiếp. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy tôi muốn tìm ai đó có thể chơi cờ với mình cả ngày".

Fischer bên cạnh người chị Joan đã đưa ông đến với cờ vua.

Vì không tìm được đối thủ để thi đấu, ông đành chơi một mình, biến bản thân thành chính đối thủ của mình. Ông xếp quân, đi quân Trắng rồi lại xoay bàn cờ, rồi đi quân Đen. Ông luôn đặt câu hỏi tại sao để tìm hiểu những điều thú vị sau các nước đi. Fischer cố gắng đánh lừa chính mình, xem mình đang chơi với một đối thủ thực sự. Đen biết rõ Trắng đang làm gì và ngược lại, vì Đen là Fischer và Trắng cũng là Fischer, cho nên cậu tìm cách quên hết kế hoạch mình vừa lập ra cho một bên để suy nghĩ lại từ đầu, ra sức phán đoán những cạm bẫy và ý đồ của "đối thủ". Với vài người, cách chơi này có vẻ điên khùng. Tuy nhiên, nó giúp Fischer có được cảm nhận về bàn cờ, vai trò của các quân, cách tiến triển của một ván cờ, và giúp cho ông nhìn thể trận bàn cờ một cách khác biệt hoàn toàn so với chúng ta.

Tháng 10/1956 là một trong những bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp lừng lẫy của kỳ thủ vĩ đại Bobby Fischer. Trên con đường đầy lá rụng, bà Regina đưa con trai đến CLB cờ Marshall. Fischer được mời đến thi đấu giải tưởng niệm nhà tài trợ của giải Rosenwald nhờ thành tích vô địch giải trẻ Mỹ cách đó 3 tháng. Đây là giải mời đầu tiên mà ông tham gia, gồm 11 kỳ thủ bao gồm một số nhân vật xuất sắc của Mỹ cùng với các thành viên của câu lạc bộ Marshall.

Câu lạc bộ là nơi Frank J. Marshall - vô địch Mỹ 27 năm liên tiếp - sinh sống cùng gia đình, dạy học và thi đấu. Ông là người đứng đầu CLB cho đến khi qua đời năm 1944, sau đó vợ ông là Caroline tiếp quản. Hầu hết những kiện tướng danh tiếng nhất thế giới từng đến đây. Tại đây Jose Raul Capablanca vĩ đại đã biểu diễn thi đấu đồng loạt lần cuối cùng, cũng là nơi nhà vô địch thế giới Alexander Alekhine đến thăm và thi đấu cờ nhanh...

Là một CLB danh tiếng hàng đầu nước Mỹ nên cũng có một số nguyên tắc bất thành văn, kể cả trong cách ăn mặc. Fischer có thói quen mặc áo thun, quần gấp nếp, giày bata. Bà Caroline Marshall xem đó là một sự xúc phạm và dọa cấm Fischer đến đây nếu không chịu ăn mặc nghiêm chỉnh hơn. Tuy nhiên với tính ngang bướng, Fischer không thèm quan tâm.

Fischer và mẹ.

Đối thủ của Fischer hôm đó là giáo sư đại học Donald Byrne, một kiện tướng quốc tế, cựu vô địch giải Mỹ Mở rộng. Một tay cờ có lối đánh tấn công dữ dội. Tóc đen, từ lời nói đến cách ăn mặc đều rất lịch lãm, Byrne lúc nào cũng kẹp một điếu xì gà giữa hai ngón tay, thể hiện phong thái của một nhà quý tộc.

Trước trận đánh này, Fischer chưa thắng ván nào tại giải (hòa 3 ván). Nhưng dường như ông mạnh lên sau mỗi ván đấu, có lẽ nhờ học hỏi từ các kiện tướng đã gặp trước đó. Đối với cờ vua thì việc cầm Trắng luôn có được một lợi thế nhất định. Hôm đó Fischer phải cầm Đen khi gặp Byrne vừa đánh bại Samuel Reshevsky – tay cờ được đánh giá mạnh nhất giải.

Trước khi thi đấu, Fischer đã nghiên cứu những ván cờ trước đây của Byrne, vì vậy ông chọn lối chơi khai cuộc Phòng thủ Gruenfeld không quen thuộc với đối thủ dù những tinh vi ảo diệu bên trong thế cờ này thì bản thân ông cũng chưa nắm hết. Bản năng của một thiên tài là đây! Vì không nhớ rõ thứ tự các nước đi nên Bobby phải suy tính mỗi khi đến lượt mình đi và bắt đầu lâm vào tình trạng thiếu thời gian.

Lo lắng, cậu cắn móng tay, nghịch tóc, quỳ lên ghế, đặt khuỷu tay lên bàn, chống cằm trên tay này rồi lại đến tay khác... Nhưng, sau 11 nước, Bobby đã có ưu thế về thế trận và chiếu hết Byrne ở nước thứ 41 sau 5 giờ thi đấu. Những đòn phối hợp của Fischer quá sắc sảo, mưu trí, tài tình. Cậu dẫn dắt người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngay cả những kì thủ lão luyện cũng khó có thể tưởng tượng được những nước cờ tài hoa như vậy. Ván cờ ở tuổi 13 của Fischer khi đó được mệnh danh là ván cờ của thế kỷ.

Fischer trên bìa tạp chí Chess review (đang suy nghĩ trước khi tung ra đòn thí Hậu kinh điển). Bên phải là biên bản ván đấu thế kỷ do chính Fischer ghi chép.

Kmoch, trọng tài của trận đấu đó, cảm nhận được hình bóng của nhà vô địch thế giới từ Fischer nên đã cẩn thận lưu giữ biên bản gốc do chính thần đồng ghi chép như một kiệt tác của danh họa Rembrandt. Tờ biên bản này đến nay đã qua tay khá nhiều nhà sưu tập, và hiện tại được định giá khoảng 100.000 đôla.

Năm 15 tuổi, Fischer trở thành Đại kiện tướng trẻ nhất và là ứng viên trẻ nhất cho giải vô địch cờ vua thế giới. Ông đoạt giải vô địch Mỹ 1963-1964 với tỷ số tuyệt đối 11-0. Thời bấy giờ, Fischer thường gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các kỳ thủ, đến nỗi không ai dám thách đấu mà phần lớn ông chọn đối thủ để khiêu chiến. Đánh với ông xong, các kỳ thủ dễ bị chấn thương tâm lý vì tỉ số quá cách biệt thường là 6-0 hoặc 8-0 và cả một lối đánh dầy công tập luyện bị phá sản.


Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự và cạnh tranh kinh tế giữa Liên Xô và các quốc gia vệ tinh với các cường quốc phương Tây, bao gồm Mỹ, vẫn tồn tại. Dù các nước không chính thức xung đột, họ thể hiện sự cạnh tranh thông qua các liên minh quân sự, chạy đua vũ trang hạt nhân, tình báo, tuyên truyền, chạy đua không gian và cả thể thao.

Trận đấu giữa Bobby Fischer và Boris Spassky không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Đích thân Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Henry Kissinger phải thuyết phục Fischer thi đấu. Fischer chỉ đồng ý sau khi được đáp ứng yêu cầu về tiền thưởng. Kissinger khi đó phải thông qua người bạn - phóng viên nổi tiếng người Anh David Frost - nhờ triệu phú Anh James Slater giúp đỡ. Sau cuộc điện thoại của Slater, ban tổ chức đã nâng tiền thưởng lên gấp đôi, nhà vô địch được 231.000 đôla (gấp 165 lần con số mà Spassky nhận được khi vô địch giải lần trước) và người thua được 168.000 đôla.

Khi đến Reykjavik Iceland, Fischer còn làm khó ban tổ chức bằng cách đưa ra những yêu cầu khắt khe như đòi đổi địa điểm thi đấu từ Iceland sang Nam Tư, điều kiện về bàn, ghế, bàn cờ, ánh sáng và khoảng cách chỗ ngồi với sân khấu...

Nụ cười chiến thắng của Fischer.

Ván thứ nhất Fischer có vẻ thờ ơ và Spassky thắng. Ngày hôm sau Fischer bị xử thua khi vi phạm nội quy. 2–0 cho Spassky. Mọi người nghĩ kỳ thủ người Mỹ sẽ rời Iceland trong nỗi tủi nhục. Kissinger sau đó phải gọi điện, thúc giục Fischer. Và rồi, ngày thứ ba, ông trở lại để dội trận mưa bom trên pháo đài Liên Xô. Từ hôm đó, Spassky chỉ thắng được thêm đúng một ván. Còn lại, trong 19 ván, Fischer thắng 7, thua một và hòa 11 ván, giành chiến thắng với điểm số 12,5 so với 8,5 và trở thành vua cờ mới của thế giới.

Khi nhận giải, Fischer bóc tiền thưởng trong phong bì ra đếm trước mặt nhiều người, hành động lập dị này khiến dư luận Mỹ bất bình. Nhưng chiến thắng này được xem như chiến thắng của Mỹ ngay ở lĩnh vực mà lâu nay Liên Xô được xem là "bất khả chiến bại", nên ông vẫn được đón tiếp như người hùng khi về nước.

Nguyên nhân Fischer đưa ra yêu cầu tiền thưởng cao có lẽ do ông chỉ nhận được 400 đôla cho 6 tuần làm việc cật lực tại giải Interzonal năm 1958. Ông nói "mỗi ván giống như một bài thi dài 5 tiếng", và điều đó làm cho ông chán nản. Lúc đó ông đã là một đại kiện tướng quốc tế, và đủ tư cách tham dự Giải vô địch thế giới. Nhưng ông tự hỏi làm thế nào để có thể kiếm sống bằng nghề chơi cờ. Ngoại trừ Liên Xô – nơi các kỳ thủ được nhà nước hỗ trợ rất đầy đủ, thì không có kỳ thủ nào có thể kiếm đủ sống nhờ chiến thắng tại các giải đấu. Họ phải làm thêm các công việc khác như dạy cờ, thi đấu biểu diễn, bán các bộ cờ, viết bài cho các tạp chí cờ để kiếm thêm thu nhập. Với Fischer, đó là một cuộc sống bấp bênh!

Năm 1975, kiện tướng Liên Xô Anatoli Karpov vượt qua một loạt đối thủ để giành quyền thách thức danh hiệu vua cờ của Fischer. Tuy nhiên, Fischer từ chối đấu với Karpov vì ban tổ chức không đồng ý với một loạt yêu sách của ông. Tháng 6/1975, Liên đoàn Cờ vua Thế giới tuyên bố Anatoli Karpov là vua cờ mới.


Kể từ khi từ chối thi đấu với Anatoli Karpov, Fischer hầu như không thi đấu trên các vũ đài quốc tế và sống khá lặng lẽ. Mỗi khi xuất hiện trước công chúng, ông lại đưa ra những lời bình luận khá gay gắt, những cử chỉ giận dữ, thậm chí công kích ngành thể thao Mỹ nên đã bị cấm thi đấu.

Năm 1992, kỷ niệm 20 năm đăng quang ngôi vô địch thế giới, ông quyết định đến Sveti Stefan (Nam Tư) tái đấu không chính thức với Spassky, dù điều này vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Tất nhiên một phần còn vì khoản tiền khổng lồ: 3,3 triệu đôla. Fischer một lần nữa khiến Spassky ôm hận. Tuy nhiên, kể từ đó ông bắt đầu chìm vào những ngày tháng đen tối. Ở Mỹ, người ta đã phát lệnh truy nã nhà cựu vô địch vì vi phạm lệnh cấm đến Nam Tư. Từ một người hùng, Fischer trở thành đối tượng truy bắt của cảnh sát.

Tuy nhiên, đối với Fischer, sự kiện trên còn do nguồn gốc Do Thái của gia đình mang lại – bởi ông luôn tự nhận là nạn nhân của một âm mưu chống Do Thái. Sự chống đối nước Mỹ của Fischer lên tới đỉnh điểm sau vụ khủng bố 11/9/2001 bởi khi đó ông tuyên bố - muốn nhìn thấy nước Mỹ bị xóa sổ. Sau tuyên bố kể trên, Fischer tiếp tục sống lẩn trốn.

Chẳng ai biết nhà cựu vô địch cờ vua ở đâu cho đến tháng 7/2004 khi ông bị hải quan Nhật Bản bắt giữ tại phi trường Narita vì sử dụng hộ chiếu giả trong khi làm thủ tục để bay sang Philippines. Ông bị quản thúc tại trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép ở ngoại ô Tokyo khoảng 8 tháng. Sau những phản đối từ nhiều phía, nhất là từ Hội cờ vua Nhật Bản, cuối tháng 12/2004 Bộ trưởng tư pháp Nhật Bản đã ra lệnh trục xuất ông cùng cô vợ người Nhật Bản Miyoko Watai (nhà vô địch cờ vua của Nhật Bản).

Fischer và người vợ đã ở bên ông đến cuối đời.

Trong khi bị Mỹ truy nã, Nhật Bản trục xuất thì Fischer đã được chính phủ Iceland dang tay đón nhận. Chẳng những cấp hộ chiếu cho Fischer, người Iceland còn đưa máy bay tới tận Copenhagen để đón nhà cựu vô địch. Ngày 24/3/2005, khi ông bước ra cổng phi trường Reykjavik, hàng trăm CĐV với những tấm băng rôn "Chào mừng Bobby", "Chúng tôi yêu Bobby"... đã chờ sẵn ở đó. Người ta vây lấy Fischer, quàng lên cổ nhà cựu vô địch những vòng hoa rực rỡ. Fischer được đón tiếp tưng bừng như một vị anh hùng dân tộc trở về sau một chiến công hiển hách nào đó.

Đối với Iceland, việc họ chấp nhận Fischer là hành động mang tính nhân văn, chia sẻ những khó khăn mà nhà vô địch đang gặp. Fischer có một vị trí hết sức quan trọng trong nền văn hóa của đất nước này. Dang tay đón nhận Fischer cũng đồng nghĩa với việc cám ơn nhà vô địch vì những điều tuyệt vời đã làm được và tiếng vang của trận đấu năm 1972 đã khiến đảo quốc Iceland được chú ý nhiều hơn.

Kirsan Ilyumzhinov trong đời đã gặp được nhiều nhân vật lịch sử, tuy vậy cuộc giao thiệp gây ấn tượng nhất với ông là Bobby Fischer. Khi đã trở thành Chủ tịch liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) Kirsan tìm mọi cách để liên hệ với thiên tài ẩn dật này, nhưng vô vọng. Sau một thời gian, ông mới hiểu lý do vì sao Fischer cắt đứt mọi quan hệ dính dáng đến "Liên Xô" kể cả khi liên bang này tan rã - đó là vì Fisher cho rằng Liên Xô nợ ông 100.000 đôla tiền bản quyền cuốn sách "60 ván cờ đáng nhớ", dù cuốn sách được xuất bản trước khi Liên Xô tham gia vào công ước quốc tế về quyền tác giả.

Mặc kệ. Đối với một người coi trời bằng vung như Fischer thì không thể lý luận kiểu "luật quốc tế" như thế. Dù rất muốn kiếm "tiền to" từ những cuộc tỉ thí cờ, nhưng Fischer không cho các nhà quảng cáo hoạt động. Ông căm ghét bất cứ ai muốn kiếm tiền từ cái tên của mình. Thậm chí Fischer từ chối cuộc gặp với Tổng thống Nixon sau khi biết ông chủ Nhà Trắng "không chịu trả tiền phí gặp mặt".

Kirsan cũng là một nhân vật đặc biệt trong làng cờ.

Để gặp được nhân vật kỳ bí này, Kirsan đã nhờ đại kiện tướng Liliental, bạn thân của Fischer và đang giúp đỡ kỳ thủ người Mỹ ở Budapest, làm thuyết khách. Ông đã nói với Fischer rằng Kirsan sẽ mang tiền nợ của Liên Xô đến trả, dù thực tế đó là tiền túi của Chủ tịch FIDE. Kirsan sang Hungary với 100.000 đôla tiền mặt (Fischer không tin tưởng vào hệ thống nhà băng, nhất là của Mỹ), một chai vodka Nga và hộp trứng cá đen. Sau khi lấy dao ăn ra xúc trứng cá, tợp với vài ngụm rượu, Fischer dùng chính con dao ấy để rạch 10 cọc tiền ra ngồi đếm. Sau đó ông mới bắt đầu phấn khởi và quay sang hàn huyên với Kirsan.

Ông hướng dẫn Kirsan về luật chơi cờ mà mình sáng tạo ra. Đó cờ "Fischer" hay "cờ 960", một loại cờ có thể chơi từ 2 đến 6 người, vẫn từng ấy quân như cờ cổ điển nhưng lúc ban đầu quân được xếp một cách ngẫu nhiên, do đó có tên gọi là Fischerandom chess (960 là số lượng cách xếp quân khác nhau). Vui thế nhưng chụp ảnh thì Bobby không cho vì không có thỏa thuận. Cuối cùng Fischer cho hết đống tiền ấy vào một cái túi lưới, xách tòng teng đi ra sân bay tiễn Kirsan về nước...

Sau khi mắc bệnh thận, Fischer không chịu điều trị ở bệnh viện vì không tin tưởng bác sĩ. 17/1/2008, ông trút hơi thở cuối cùng tại Iceland ở tuổi 64, để lại những câu chuyện gây hao tốn nhiều giấy mực cho giới truyền thông.

Thái độ hợm hĩnh cùng sự lập dị khiến Bobby Fischer mất gần hết bạn bè và điều này giải thích vì sao chỉ có vài người tiễn đưa ông tới nơi an nghỉ cuối cùng. Chính Kirsan Ilyumzhinov đã chỉ đạo FIDE đứng ra giúp tang lễ cho ông.

Fischer ra đi và để lại muôn vàn di sản cho môn thể thao biểu trưng cho trí tuệ của nhân loại, làm nền tảng cho sự phát triển của Magnus Carlsen, Sergey Karjakin, Lê Quang Liêm ngày nay... Một trong những vũ khí lợi hại nhất giúp đưa tên tuổi Fischer trở thành kỳ thủ cờ vua xuất chúng thế giới chính là những thế cờ khai cuộc rất lợi hại. Fischer cũng được xem là người đã đóng góp rất nhiều cho lý thuyết khai cuộc môn cờ vua đang được sử dụng hiện nay. Trong thập niên 1990, Fischer được cấp bằng sáng chế về một sửa đổi trong hệ thống định giờ, theo đó sau mỗi nước đi mỗi kỳ thủ sẽ được thêm một khoảng thời gian. Đây là một yếu tố tiêu chuẩn trong thực tiễn các trận đấu và giải đấu hàng đầu hiện nay.

Tờ Guardian (Anh) từng mô tả: "Trước lúc ra đi, Fischer tin rằng những tinh túy cờ vua cũng sẽ chết theo ông". Còn kiện tướng cờ vua Mark Taimanov, người từng thua Fischer năm 1971, cho rằng: "Ông ấy bị bàn cờ chi phối suốt cuộc đời, và qua đời sau khi đi hết 64 ô".

Đặng Dũng