Chúng tự tin vào bản thân, đạt điểm cao hơn trong học tập và có các mối quan hệ bạn bè tốt hơn. Chúng cũng ít khi phạm tội và có các hành vi bạo lực, trầm cảm hay tự sát...
Khi gặp thách thức, những đứa trẻ tự trọng sẽ quả quyết tìm sự giúp đỡ hoặc tự động viên mình rằng "Mình có thể làm được, mình nghĩ mình có thể làm được"...
Lòng tự trọng quyết định lớn đến sự thành bại trong cuộc sống sau này của trẻ. Ảnh: Everydayfamily. |
Ngược lại, những trẻ ít tự trọng thường có những điểm chung như lo lắng, tự ti, hay chỉ trích bản thân, dễ dàng thất vọng, và khó khăn trong việc thử nghiệm cái mới hoặc tương tác với người khác.
Đến đây, chắc bạn đã hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tự trọng cho con mình. Dưới đây là 10 cách đơn giản bạn có thể làm để giúp con.
1. Đừng bao giờ mỉa mai
Ngay cả các từ mỉa mai, châm chọc cũng làm tổn thương trẻ. Các từ như "đứa bé hỗn xược" hay "béo ị" hoặc xấu xa hơn nữa, đôi khi vẫn được các bậc cha mẹ sử dụng khi đứa trẻ ngỗ nghịch, hoặc nhằm "khích" bé. Thực tế, những lời khen ngợi tích cực thay đổi bé tốt hơn nhiều so với các lời mỉa mai.
2. Đưa ra các lời khen
Những gì người khác nói về chúng ta chính là một tấm gương. Nếu tôi thức dậy vào buổi sáng, tôi sẽ không biết mái tóc của mình trông thế nào nếu không soi gương. Tương tự, trẻ sẽ không thể biết người khác cảm nhận thế nào về chúng trừ phi họ nói ra điều đó. Hãy đưa ra các lời khen đúng sự thật, đơn giản để con bạn cảm thấy tích cực về mình.
3. Khuyến khích trẻ làm một số việc
Khuyến khích trẻ làm điều gì đó tốn một chút thời gian, công sức. Khuyến khích bé tiếp tục, ngay cả khi việc đó trở nên khó khăn hơn, và khen ngợi mỗi khi bé vượt qua một trở ngại.
4. Là tấm gương lạc quan cho bé
Dạy cho bé cách nhìn các nghịch cảnh trong đời là những thử thách, chứ không phải là một trở ngại ngáng đường.
5. Là ví dụ cho con về sự tự tin khiêm nhường
Hai từ này hiếm khi được sử dụng cùng nhau, nhưng chúng bổ trợ cho nhau. Khiêm nhường cho phép chúng ta nhận ra điểm yếu và hạn chế của mình, trong khi sự tự tin cho phép chúng ta nhìn ra điểm mạnh và có cái nhìn lạc quan. Khi hai điều này cân bằng, chúng ta tin rằng chúng ta có thể thành công, song vẫn cần có người khác bên cạnh. Sức mạnh của người khác không phải là sự đe dọa, mà là sự hỗ trợ cho chúng ta.
6. Lắng nghe và cho phép bé làm theo lựa chọn của mình
Khi trẻ không đồng ý với bạn, hãy lắng nghe xem tại sao. Cho phép trẻ thực hiện lựa chọn của mình, kể cả khi nó sai lầm. Điều này giúp trẻ có được sự tự tin rằng chúng có quyền lực trong cuộc sống.
7. Cổ vũ những đánh giá có tính phê bình
Lời phê bình có thể mang tính xây dựng hoặc phá hoại. Hãy dạy trẻ cách nhận ra sự khác biệt này. Phản ứng bẩm sinh của con người với lời phê bình là chống đối. Hãy chỉ cho trẻ thấy cách bạn chấp nhận lời phê bình và biến nó thành sức mạnh nội tại.
8. Yêu trẻ, dù trong hoàn cảnh nào
Đừng nói với trẻ rằng bạn chỉ yêu hoặc chấp nhận chúng với một điều kiện nào đó. Hãy để cho chúng thấy tình yêu của bạn là vô điều kiện.
9. Chơi với trẻ
Con bạn cần biết rằng chúng được yêu thương. Hãy cho bé biết bé đáng giá để bạn bỏ ra thời gian thế nào. Hãy vui cùng với thú vui của bé.
10. Nhờ chuyên gia giúp đỡ nếu bạn cần đến
Đôi khi trẻ có các vấn đề về tâm thần hoặc gặp vấn đề trong sự phát triển, khiến lòng tự trọng bị ảnh hưởng. Nếu bạn không biết cách giải quyết, đừng ngại hỏi các chuyên gia.
Thuận An (theo Everydayfamily)