Người đàn ông vô gia cư hơi sững người, nhưng vội vàng bỏ những bao, túi lỉnh kỉnh đang đeo trên người xuống, thò tay vào túi móc ra tờ 10 USD. Anh vlogger cầm lấy tiền, cảm ơn, quay đi vài bước rồi trở lại thú nhận với người đàn ông vô gia cư rằng đây chỉ là thử lòng. Thực ra anh ta không thiếu tiền và đưa cho người vô gia cư 500 USD để cảm tạ lòng tốt, sẵn sàng giúp đỡ kẻ cơ nhỡ dù mình cũng đang khó khăn. Hai người đàn ông ôm nhau.
Nhiều người sẽ thấy tình huống này rất quen bởi nó là một trào lưu diễn ra khắp thế giới, trên các nền tảng mạng xã hội với tên gọi "Phép thử lòng tốt", đại diện bởi hastag # honestytest với hàng chục triệu lượt xem.
Trào lưu này được cho là khai sinh bởi Zachery Dereniowski, một Tiktoker người Canada. Trên kênh của mình, Dereniowski thường xuyên tiếp cận người lạ, giả vờ túng thiếu và xin họ một khoản tiền nhỏ. Nếu người nào tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ, anh ấy sẽ trả lại và thưởng thêm hàng trăm USD, số tiền được cộng đồng những người theo dõi anh quyên góp. Sau khi thêm nhạc nền vui nhộn, Dereniowski chia sẻ các clip thu được với hàng triệu người, giúp họ cảm thấy xúc động và có động lực.
Từ "Phép thử lòng tốt" này, những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội còn nghĩ ra một kiểu thử thách khác với tên gọi "thử nghiệm xã hội".
Một người thả gói tiền (hoặc chiếc ví) ở một nơi đông đúc (hoặc trước mặt một ai đó) trong khi máy quay phim đã được đặt sẵn, để xem liệu có ai đó nhặt lên và bỏ túi hay không. Kết quả là những người "không trung thực" sẽ bị bêu riếu trước hàng triệu người xem, trong khi những người "trung thực" được thưởng bằng tiền bạc.
Dereniowski phản đối cách này vì nó làm nhục người khác. Do đó, các video của anh trở nên nổi tiếng, mang về 38,6 triệu người xem cho clip xin tiền người đàn ông vô gia cư hay 69,9 triệu người xem clip anh tặng 500 USD cho một người đàn ông ngồi xe lăn đã cho anh chút tiền thuê nhà.
Đối với nhiều người, đây là kiểu làm nội dung tử tế, truyền cảm hứng hay khuyến khích lòng tốt.
Nhưng không ít người đặt câu hỏi về bản chất của hoạt động từ thiện hiện đại. Người ta thắc mắc, phải chăng nếu người vô gia cư kia không cho Dereniowski 10 USD (vì không có tiền hoặc có nhưng đang cần cho việc khác...) ông ta là người không tốt và không xứng đáng được tặng 500 USD? Nếu một ai đó xem những video này, liệu họ có nghĩ rằng bất cứ khi nào cho người lạ thứ gì đó thì người lạ cũng phải cho lại họ thứ khác không?
Giờ đây, chúng ta đã quá quen với việc nhìn thế giới qua màn hình đến nỗi nhiều người trong chúng ta quên đặt câu hỏi liệu tình huống này có đang bị ghi hình hay không. Nếu ai đó tiếp cận bạn trên đường, quay phim bạn và xin tiền, bạn có bị áp lực phải cho họ không? Những người yếu thế (vô gia cư, tàn tật...) có đáng trở thành đối tượng để "câu like" cho người khác trước khi được giúp đỡ không?
Giáo sư Michael Kraus ở Đại học Yale (Mỹ), nhà tâm lý học xã hội chuyên nghiên cứu về bất bình đẳng, cho rằng những video này có thể tạo ra sự méo mó trong cách nhận thức về lòng tốt. Theo ông, thực ra tất cả đều xứng đáng và những hành động từ thiện của cá nhân không phải là giải pháp cho nghèo đói. "Người nghèo xứng đáng" là một khái niệm cổ xưa, được định nghĩa trong Luật người nghèo của Anh thời Elizabeth, nhằm phân biệt giữa những người nghèo đổ lỗi cho hoàn cảnh và những người nghèo thực sự dù đã cố gắng làm lụng nên được quyền hưởng giúp đỡ.
"Các vlogger thưởng cho người vô gia cư khiến xã hội nghĩ rằng một số người xứng đáng được hưởng phúc lợi hơn những người khác", Michael Kraus nói.
Kraus lập tức bị các vloger tấn công. "Họ nói tôi là kẻ mất nhân tính nhưng tôi muốn hỏi rằng những người trong video có đồng ý để họ (vlogger) sử dụng hình ảnh của mình theo cách này không? Với số tiền đó họ có đồng ý không?", ông đặt câu hỏi. "Nếu họ nói không, liệu họ có bớt đáng thương hơn không?".
Tuy nhiên, các học giả khác lưu ý rằng những video này có thể có tác động tích cực đến người xem. Pat Barclay, nhà tâm lý học tại ĐH Guelph (Canada), người nghiên cứu về "lòng vị tha cạnh tranh" và cách khai thác nó để thúc đẩy sự hào phóng của xã hội.
Barclay cho biết, những video như của Dereniowski có thể cho trẻ em thấy rằng "giúp đỡ người khác sẽ có ích". Ông nói thêm những video này có thể khuyến khích người xem giúp đỡ những người lạ đang gặp khó khăn.
"Nếu chúng ta thấy ai đó giúp đỡ người khác và sau đó được ghi nhận, được tưởng thưởng thì nhiều khả năng chúng ta cũng sẽ ra tay giúp đỡ trong tương lai", Pat Barclay tranh luận.
Ông cũng khẳng định, việc này nâng cao tiêu chuẩn về những gì được mong đợi ở các thành viên của xã hội. "Chúng ta không thể ngồi yên và trở thành kẻ cộc cằn, ích kỷ trong khi người khác làm việc tốt. Điều này gián tiếp kích thích mọi người làm điều tương tự để không bị lạc lõng. Đó là cách vận hành của lòng vị tha cạnh tranh", Pat nói.
Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác cho rằng, về bản chất việc tặng tiền cho người lạ kiểu này chẳng giúp được mấy người. Nó chỉ là công cụ của những "người có ảnh hưởng trên mạng xã hội" (influencer – chủ tài khoản có nhiều người theo dõi) kiếm danh tiếng và tiền bạc (từ quyên góp).
Deborah Small, giáo sư tâm lý học tại ĐH Wharton (Pennsylvania, Mỹ) người nghiên cứu về từ thiện, đạo đức và hành vi vì xã hội, cho rằng mọi người cần tỉnh táo và đánh giá động cơ làm từ thiện của kẻ khác. Tuy nhiên, bà lưu ý, khi mọi người quyên góp tiền và nói với những người khác về điều đó trên mạng xã hội sẽ có ích cho tổ chức từ thiện vì nó thúc đẩy các hành vi ủng hộ khác.
Khi đó, những video như của Dereniowski có thể có tác động tích cực, truyền cảm hứng cho người xem giúp đỡ những người gặp khó khăn. Từ quan điểm thuần túy theo chủ nghĩa hậu quả, những người nhận được tiền đã thay đổi cuộc sống của họ bất kể động cơ của người làm video là gì.
"Tuy nhiên chúng ta nên thận trọng với tác động tiềm ẩn của chúng. Tồi tệ nhất, những video như vậy có thể khiến người ta hình thành thói quen kiểm tra ai đó trước khi cho họ tiền", Deborah Small nói.
Lam Giang (Theo Wired)