Long thần tướng là bộ truyện tranh dã sử do nhóm Phong Dương Comics sáng tác. Êkíp thực hiện sách gồm Thành Phong, Mỹ Anh vẽ, Khánh Dương kể, Trần Quang Đức cố vấn lịch sử. Tác phẩm gồm hai tuyến truyện quá khứ và hiện tại đan xen, với bối cảnh nước Việt thời nhà Trần. Tập một ra mắt tháng 11/2014 mở đầu làn sóng sáng tác, xuất bản truyện tranh trong giới trẻ.
Tập hai Long thần tướng mở ra một không gian, thời gian hoàn toàn khác. Ở tuyến truyện hiện tại, các tác giả tái hiện quá khứ của Ánh My - bé gái nắm các dữ liệu lịch sử trong đầu. Lúc này, Ánh My vẫn là trẻ sơ sinh, cha mất sau một lần thần kinh bất ổn, bị thế lực bí ẩn truy đuổi, mẹ đã bế Ánh My lên tàu đi trốn. Tuyến truyện quá khứ chiếm dung lượng lớn với hơn 100 trang sách. Bối cảnh chuyển từ phủ Thiên Trường sang kinh thành Thăng Long và ấp Vạn Kiếp (thái ấp của Hưng Đạo Vương).
Lịch sử nước Việt những năm 1281 - trước chiến tranh với quân Nguyên Mông lần hai - được lật lại. Nếu phần một, nhân vật hầu hết là hư cấu, thì ở tập hai, nhiều tên tuổi có thật trong lịch sử xuất hiện như vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương, Yết Kiêu, Dã Tượng, Sài Thung... Các sự kiện lịch sử cũng được lật mở, từ việc Sài Thung đi sứ tới Thăng Long, tới việc Đại Việt đang đứng bên họa xâm lăng lần thứ hai của quân Nguyên Mông.
Tái hiện một trang lịch sử nước nhà, các tác giả chọn những chi tiết làm nổi bật tư thế của nhà Trần trong việc bang giao với ngoại quốc, cũng như tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước của vua tôi giai đoạn này. Chi tiết vua Trần Nhân Tông không chịu quỳ lạy trước chiếu của vua nhà Nguyên nói lên tinh thần tự chủ của vị minh quân trong lịch sử phong kiến Việt.
Trong truyện, Trần Nhân Tông đã kể cho Sài Thung truyền thuyết về thần Long Đỗ - thành hoàng của đất Thăng Long. Vua nhà Trần cũng nhắc lại với sứ quan nhà Nguyên việc ông đi viếng Chiêu Lăng của tổ phụ, gặp người lính giả kể chiến thắng quân Nguyên Mông năm Nguyên Phong (1258). Chi tiết này đi vào trang thơ Trần Nhân Tông với câu "Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong" và lưu truyền trong lịch sử, dân gian như một lời nhắc chiến công, hào khí Đông A.
Nói về giai đoạn đã qua, nhóm tác giả vẫn có những lý giải lịch sử theo góc nhìn riêng.
Trong sách, người đọc thấy nhiều hình ảnh, tình tiết không giống những gì được mô tả về lịch sử. Hình ảnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khác với các tượng đài về ông mà người đời nay vẫn dựng. Họa sĩ Thành Phong giải thích việc vẽ Hưng Đạo Vương cạo trọc đầu là dựa vào sử liệu thời đó - đàn ông cạo trọc đầu phổ biến. "Sử sách còn ghi lại khi Hưng Đạo Vương tới gặp sứ thần nhà Nguyên, bọn Sài Thung lầm tưởng ông là nhà sư", họa sĩ nói.
Nhiều nhân vật xuất hiện trong Long Thần Tướng với hình xăm, răng đen, đầu trọc. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức - cố vấn lịch sử cho bộ truyện - nhân định thời đó việc buôn bán nô lệ là phổ biến, các gia nô thường được đặt theo tên loài thú và xăm tên đó lên trán. Vì thế, một số gia nô trung thành và đắc lực của Hưng Đạo Vương cũng được đặt tên theo cách ấy: Dã Tượng (tên loài voi), Cự Kình (tên loài cá), Yết Kiêu (tên loài chó săn)...
Trước nay Dã Tượng được cho là có tài thuần phục và chỉ huy đội voi, nhưng trong Long thần tướng, ông là người chỉ huy đội rèn binh khí. Trần Quang Đức khẳng định nhóm tác giả đã dựa theo một số tư liệu khác, ghi rằng làng An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, Thái Bình thờ tổ nghề rèn với vị hiệu "Dã Tượng tiên sư". Dã Tượng cũng dạy cho bảy tổ thợ rèn làng Cao Dương - nơi còn di chỉ của một công trường rèn sắt thời Trần.
Để có được 160 trang sách Long Thần tướng tập hai, ngoài việc vẽ kịch bản, nhóm tác giả phải nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hóa, địa lý dân tộc.
Với sự cố vấn của Trần Quang Đức, họ tìm hiểu và mô tả một buổi rước sứ thần theo đúng luật lệ đời trước, chỗ nào là hương án, đâu là vị trí của long đình... Bối cảnh chính của sách xảy ra ở kinh thành, vì thế trục chính của thành Thăng Long thời nhà Trần (rộng lớn hơn Hoàng Thành ngày nay) cũng được vẽ lại. Qua bản vẽ, các chi tiết như cửa Đại Hưng, cửa Dương Minh, cửa Vân Hội, phủ Thái Úy, điện Tập Hiền, sứ giả quán... được bố trí chặt chẽ, hợp lý. Không chỉ nghiên cứu sử Việt, các tác giả tìm hiểu nhiều tư liệu về lịch sử, văn hóa nhà Nguyên để phác nên tạo hình Sài Thung.
Đại diện nhóm tác giả sẽ tiếp tục kêu gọi vốn cộng đồng để sản xuất tập ba. Họ cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình sáng tác để sớm mang tập ba đến tay độc giả.
Lam Thu