Gạch, đá chất đống trên bờ hồ. Ảnh: Anh Tuấn |
Đó là chưa kể rất nhiều tấm gỗ, cọc tre, gốc cây to nằm lâu ngày dưới nước, nay được vớt lên đen xì. Nhìn đống phế thải, bà Vũ Thị Chung, nhà ở Tràng Tiền, lắc đầu: "Người dân mình vô ý quá, vứt đủ thứ xuống hồ thì hỏi làm sao hồ không cạn, làm sao cụ rùa sống được?". Bà Chung kể, cách đây 30 năm, nước hồ Gươm luôn đầy, người dân hồi đó cũng có ý thức, chẳng bao giờ vứt rác xuống, nên nước rất trong, rơi vật gì cũng có thể nhìn thấy. "Bao nhiêu năm không nạo vét, lòng hồ lại phải hứng đủ thứ nylon, vỏ sữa, gốc cây, bát bình hương, gạch đá... nên mặt nước mới đục thế kia, chẳng cá tôm nào sống nổi", bà cụ 68 tuổi này chép miệng.
Đá trong lòng hồ đã được vớt lên. |
Nạo vét hồ là một việc xưa nay hiếm nên rất nhiều người dân tò mò dừng lại xem. Họ muốn biết dưới lòng hồ có gì và không ít người ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều bát hương (người dân có tục thả bát hương cho "mát mẻ"). "Nạo vét toàn bộ hồ Gươm có lẽ người ta phải dùng vài ôtô chở bát bình hương mới đủ", một người dân hài hước nói. Trong số phế thải, có nhiều tấm gạch bê tông rộng chừng 40x40 cm. Giải thích về sự tồn tại của chúng, một cụ già nói: "Người ta thay gạch lát xung quanh hồ, đáng ra những thứ này phải được thu dọn đem đổ về bãi rác, song họ tiện tay liệng ngay xuống lòng hồ".
Để việc nạo vét không ảnh hưởng tới "cụ" rùa, Công ty Thoát nước Hà Nội đã dùng lưới khoanh vùng khoảng 100 m2, sau đó mới múc bùn, dọn phế thải, đảm bảo không có sự can thiệp của máy móc xuống mặt nước hồ. Chỉ khi bùn đưa lên bờ, mới dùng 2 máy để hút. Ông Nguyễn Sĩ Bảo, Giám đốc Công ty, tiết lộ: "Hôm qua chúng tôi đã mời sư trụ trì chùa Bà Đá đến đền Ngọc Sơn làm lễ thắp hương, xin phép cho anh em chúng tôi được tiến hành nạo vét. Và hôm nay, 40 công nhân mới dám lội xuống hồ".
Cũng theo ông Bảo, nhằm đẩy nhanh tiến độ, ngày mai, Công ty sẽ bố trí hai kíp thợ làm ở hai đầu (một phía gần tháp Hòa Phong, một ở phía cầu Thê Húc) với khoảng 80 người, 4 xe hút bùn, 8 xe chở bùn. Các buổi tối, đơn vị này sẽ bố trí xe chở phế thải như đá tảng, bát bình hương, đá.
Ông Nguyễn Hữu Sùng, Giám đốc ban Quản lý dự án duy tu giao thông đô thị, chủ đầu tư công trình, cho biết, sau khi nạo vét, Công ty Kinh doanh nước sạch sẽ chở nước đổ vào hồ Gươm. Dự kiến mỗi ngày có 15 xe téc chở nước giếng thô từ Nhà máy nước Yên Phụ và 2 giếng thủy lợi 1-2 (Phúc Xá), đổ vào hồ. Chở liên tục trong 10 ngày, hồ được bổ sung khoảng 20.000 m3 nước. Đề cập đến giải pháp chống hạn cho hồ, ông Sùng cho rằng không cần thiết phải chỉnh lại chiếc cống phía Hàng Khay vì cống này chỉ để chống tràn nước trong mùa mưa. Giải pháp khoan giếng trong lòng hồ cũng không ổn vì "nhỡ đâu khoan dưới tầng sâu gặp cát thì nước sẽ theo đó rút xuống, hồ càng cạn. Đó là chưa kể có thể làm ô nhiễm tầng nước sâu". Ông Sùng cho rằng nên nạo vét lòng hồ đến mức cho phép. |
Như Trang