Con phố Thái Hà có hàng trăm cửa hàng thời trang, công nghệ, nhà hàng đang lát lại bên vỉa hè dãy số lẻ từ sau Noel, thay gạch block bằng đá tự nhiên. Trên con phố dài 2 km, cách vài chục mét lại có một đoạn đào xới. Vỉa hè ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng, máy trộn bê tông.
Trước một cửa hàng thời trang, nam công nhân cầm máy khoan cắm xuống các mạch vữa để tách rời gạch. Ba người phụ nữ phía sau bóc gỡ, ném thành đống cao ngang người. Mỗi ngày làm 8 tiếng, họ bóc được một đoạn vỉa hè dài 30 mét, rộng chục mét. Dự kiến họ sẽ mất ba ngày để gỡ toàn bộ gạch vỉa hè từ ngõ 11 đến ngõ 41, rồi mới san cốt, đổ bê tông và lát đá mới.
Dưới lòng đường, một tổ khác đổ vật liệu làm rãnh thoát nước. Khu vực thi công được căng dây phản quang cảnh báo cho xe cộ.
Từ phố Thái Hà rẽ phải vào phố Tây Sơn, lòng đường đang bị cào thành hàng trăm rãnh nhỏ chờ thảm lại nhựa. Tại ngã tư Thái Hà - Tây Sơn - Chùa Bộc - Nguyễn Lương Bằng, đèn xanh bật lên, xe cộ từ ba ngã còn lại đổ dồn về Tây Sơn. Ai nấy nheo mắt, bịt mũi, giảm tốc độ cố vượt qua đoạn đường mờ mịt bụi. Nhiều người loạng choạng tay lái khi bánh xe lọt vào giữa rãnh.
Nối với Tây Sơn là phố Nguyễn Lương Bằng, hai đống bê tông đúc sẵn được đổ cạnh khuôn viên Đại học Công đoàn chờ làm cống. Người dân cho biết đống vật liệu đã nằm đó mấy ngày, không biết bao giờ mới thi công.
Cách đó 5 km, công nhân cũng đang bóc lớp nhựa rìa đường để làm rãnh thoát nước trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình. Gần 3 km đường bị đào suốt nửa tháng nay, chưa phủ bê tông.
Hơn hai mươi ngày nữa đến Tết Canh Tý, hàng chục đường phố các quận nội thành Hà Nội vẫn đang duy tu sửa chữa. Đường Nguyễn Thái Học, Kim Mã (quận Ba Đình) đổ lại nhựa, phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) lát vỉa hè. Đường Hoàng Cầu (quận Đống Đa), đường Nguyễn Trãi (Hà Đông), đại lộ Thăng Long đoạn giao cắt ngã tư Lê Quang Đạo... cũng mới sửa xong cuối tháng 12/2019.
Các tuyến đường đồng loạt thi công những ngày giáp Tết Canh Tý khiến giao thông thêm ùn tắc, cửa hàng bị đình trệ buôn bán. Hơn 18h, công nhân thi công đã trở về nghỉ ngơi, để lại công trường đầy vật liệu, barie bao bọc. Người dân đến giao dịch, mua bán phải dựng xe tràn xuống lòng đường.
Mai Anh, quản lý một cửa hàng thời trang trên phố Thái Hà, cho biết việc thi công kéo dài khoảng chục ngày, doanh thu tháng Tết chắc chắn giảm một nửa. Sau Noel, chương trình "đồng giá 49k" dự kiến thu hút khách đông gấp 10-20 lần bình thường, nhưng hiện mỗi ngày cửa hàng chỉ đón tiếp vài khách.
Giống như các chủ cửa hàng bên cạnh, Mai Anh không nhận được thông báo về kế hoạch tu sửa hè phố. Dấu hiệu nhận biết duy nhất đến vào tháng trước, khi vỉa hè bên kia đường cũng bị nậy lên để lát lại đá. "Nhìn đường sá thế này thì khách không muốn vào cả tuyến phố này chứ không phải mình cửa hàng em", cô nói.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhận định cuối năm là thời điểm đường phố chịu sức ép giao thông lớn nhất. Việc đào xới sẽ khiến dư luận bức xúc bởi gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Theo ông, việc cần làm là hoàn thiện quy chuẩn vỉa hè đường phố, đặc biệt là nền vỉa hè để kéo dài tuổi thọ. Quy chuẩn hiện nay chỉ tính cho người đi bộ. Nếu chấp nhận có xe đỗ, đi lại trên vỉa hè thì phải sửa đổi để đảm bảo độ bền và khả năng chịu lực. Nhiều khu vực thay thế gạch bằng đá tự nhiên với nhận định là sẽ tồn tại vĩnh cửu, nhưng được một thời gian ngắn thì bị vỡ nát do nền yếu.
Ngoài ra, cần quy chuẩn hóa quy trình phối hợp giữa các công việc trong kết cấu hạ tầng đô thị khoa học hơn, tránh tình trạng hôm nay vừa làm hè phố đẹp đẽ thì hôm sau đào lên lắp dây điện, lắp cáp, đào ống nước. Chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm thường xuyên thậm chí còn lớn hơn làm tốt ngay một lần đầu tiên.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, giải thích dịp này lượng người đổ về Hà Nội đông hơn gây ùn tắc giao thông, khiến người dân cảm nhận việc sửa chữa đường phố bị dồn dập. Thực tế Sở triển khai sửa đường, vỉa hè từ đầu năm và "không thấy người dân kêu ca gì".
Năm 2019, Hà Nội có gần 100 dự án duy tu, sửa chữa đường phố, rải rác thi công từ đầu năm đến nay. Việc cải tạo các tuyến đường đã lên kế hoạch, xây dựng danh mục từ đầu năm và được thành phố phê duyệt. Riêng việc kiểm tra các tuyến hè phố để đưa vào danh mục được làm từ quý III năm trước.
Theo ông Tuấn, nguồn ngân sách thành phố không nhiều, còn bố trí cho các công trình khác ngoài giao thông nên Sở phải cân đối, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Thứ nhất là công trình cần duy tu sửa chữa; thứ hai đến công trình định kỳ sửa chữa; thứ ba là công trình phục vụ sự kiện và cuối cùng là công trình giải quyết bức xúc dân sinh.
"Chúng tôi mong người dân hết sức thông cảm và ủng hộ", ông Tuấn nói và cho biết việc sửa chữa sẽ hoàn tất trước ngày 17/1, tức 23 tháng chạp.
Tuấn Anh - Thái Mạc