Gia đình anh Tự Nguyên sống tại Quảng Đông, mỗi năm thường về quê ở huyện tự trị dân tộc Di Cảnh Đông ở tỉnh Vân Nam một hoặc hai lần. Tháng 7/2022, khi gia đình Nguyên trở về Cảnh Đông, bạn thuở nhỏ của anh cũng đưa người thân về thăm quê, hai nhà gần nhau nên thường xuyên đến chơi.
Ngày 28/7 là ngày thứ ba gia đình Nguyên về quê. Trưa hôm đó, Nguyên đưa con trai 3 tuổi, bé Tự Thành, ra ngoài chơi. Thành được bố mua cho thanh kiếm nhựa giống phim "Siêu nhân điện quang", kết hợp với đôi dép siêu nhân mua cách đây vài ngày mà cậu bé rất thích.
Sau khi trở về làng, Nguyên đưa hai con đến chơi nhà bạn. Anh ngồi uống trà với bạn trong phòng, để con gái 10 tuổi dẫn em đi chơi trốn tìm với vài đứa trẻ ở khoảng đất trống bên ngoài nhà. Nguyên thi thoảng nhìn ra ngoài cửa sổ xem lũ trẻ, nghe tiếng dép lê "loẹt xoẹt" theo bước chạy của con trai. Nhưng khi còn chưa uống xong tách trà, anh bỗng phát giác không thấy bóng dáng con trai đâu.
Ngôi làng không lớn, khu vực gần nhà Nguyên có bảy hộ gia đình. Anh lớn tiếng gọi tên con nhưng không thấy hồi đáp. Nguyên lo lắng gọi điện cho vợ và mẹ báo tin con trai biến mất. Gia đình đi tìm quanh làng nhưng không thấy cậu bé. Sau đó, thân thích và dân làng cũng tham gia tìm kiếm, đi hỏi thăm từng nhà.
Trong số họ hàng đến hỗ trợ, Nguyên ấn tượng sâu sắc với người thím là bà Chung. Biết vợ Nguyên không thông thạo đường đi lối lại quanh làng, bà Chung nhiệt tình dẫn cô xuống con dốc phía dưới làng, chọn đường dễ đi nhưng vòng vèo. Sau thời gian dài vừa đi vừa tìm kiếm, vào 17h, bà Chung phát hiện hai dấu giày nhỏ, hỏi vợ Nguyên có phải của bé Thành không.
Vợ Nguyên không chắc chắn nên bà Chung gọi điện thoại bảo Nguyên đến xác nhận. Vừa nhìn thoáng qua, Nguyên khẳng định đó là dấu đôi dép siêu nhân của con trai. Nhưng đường núi gập ghềnh, làm sao một đứa trẻ 3 tuổi lớn lên ở thành phố có thể chạy đến tận đây?
Lấy vị trí dấu dép làm trung tâm, mọi người tỏa ra tìm kiếm theo nhiều hướng. Khoảng 21h, hai nhóm lần lượt phát hiện đôi dép và chuôi kiếm nhựa của bé Thành.
Ngày 28/7, cảnh sát lập hồ sơ điều tra, ban đầu coi vụ việc là bắt cóc và buôn bán trẻ em.
Sau hơn 20 ngày mất tích, vào 20/8/2022, cảnh sát thông báo cho vợ chồng Nguyên rằng thi thể bé Thành được người dân phát hiện ở con lạch cách xa làng vào chiều 19/8. Phần còn lại của thanh kiếm nhựa cũng được tìm thấy gần đó.
Tháng 8 là mùa mưa ở Cảnh Đông, những ngày đó trời liên tục đổ mưa lớn, Nguyên suy đoán mưa xói mòn đất làm lộ thi thể con vốn bị chôn vùi.
Tháng 9/2022, bà Chung bị bắt vì nghi cố ý giết người. Trong hơn 40 biên bản thẩm vấn sau khi bị bắt, bà ta nhận tội trong gần một nửa, nhưng cũng nhiều lần phủ nhận.
Nhớ lại mọi chi tiết sau khi con mất tích, vợ chồng Nguyên thấy hành vi của bà Chung rất kỳ lạ. Nhà bà ta cách sân nơi bé Thành biến mất không quá 100 m. Ngày 28/7, hai nhóm tìm kiếm muốn vào nhà bà Chung nhưng lần nào bà ta cũng nói rằng nhà đã được rà soát mấy lần rồi. Họ đành kiểm tra trong sân một lúc rồi rời đi.
Sau khi phát hiện dấu dép của Thành, bà nội cậu bé đề nghị nhờ cảnh sát dùng cảnh khuyển hỗ trợ tìm kiếm. Tuy nhiên, bà Chung lại bàn lùi, nói tốn nhiều tiền, không thích hợp.
Gia đình Nguyên và gia đình bà Chung ngày thường không mấy khi qua lại nhưng trước đó chưa hề xảy ra mâu thuẫn hay tranh chấp, thi thoảng gặp nhau đều chào hỏi lịch sự, thân thiện.
Gia đình Nguyên thuộc diện khá giả trong làng. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyên tìm được công việc ổn định ở Quảng Đông, xây dựng gia đình nhỏ tại đây. Em trai Nguyên làm nhà mới ở quê, cũng sinh một trai một gái.
Nhà bà Chung vốn có điều kiện tốt, nhưng sau khi hai con trai phải ngồi tù vì tội lừa đảo, gia đình bà sống khép kín hơn, ít tiếp xúc với dân làng. Khi bị thẩm vấn, bà Chung khai rằng thấy thất vọng vì hai con kém cỏi, thương cháu trai còn nhỏ phải chịu khổ. Bà ta cho rằng mọi người trong làng đều coi thường mình, dần có tâm lý tự ti. Khi dân làng mở tiệc đãi khách, bà Chung đều không muốn đi, mỗi khi đến dịp lễ Tết, bà ta sẽ thấy buồn bực khó chịu khi nhìn con cái nhà người khác về quê.
Nhiều nhân chứng cho biết bà Chung vốn có tính cách khá vui vẻ, nhưng sau khi hai con đi tù, bà ta thường tỏ ra hậm hực, không muốn nói chuyện với ai.
Một ngày trước khi bé Thành biến mất, vợ Nguyên thấy chồng bà Chung lái xe ba bánh chở hàng đi cắt mủ thông. Ông Chung bực tức khi bị xe nhà bạn Nguyên đậu chắn giữa đường. Một lát sau, bạn Nguyên đến di chuyển xe đi chỗ khác.
Khoảng 14h10 ngày 28/7, con gái của bạn Nguyên cùng những đứa trẻ khác đi tìm bà Chung, nói rằng cháu trai bà là Tiểu Phong đá dép làm bẩn quần cô bé, sau đó Phong phải xin lỗi.
Trong quá trình điều tra, chồng bà Chung thừa nhận vợ chồng ông đều cho rằng Phong mới 6 tuổi không thể đá một cô bé lớn hơn vài tuổi như vậy. Họ ngoài miệng xin lỗi nhưng trong lòng khó chịu vì bạn Nguyên lắm tiền.
Trong vài lần thẩm vấn ban đầu, Phong không nói bé Thành từng đến gần nhà mình trước khi biến mất. Sau đó, Phong đi cùng giáo viên mầm non làm chứng rằng bé Thành từng đi ngang qua bếp nhà mình. Phong khai rằng đã rủ bé Thành chơi cùng và đưa đồ chơi siêu nhân cho cậu bé. Phong còn rủ bé Thành cùng chơi môtô trong sân, nhưng sau đó Phong đi chơi một mình.
Theo lời khai, bà Chung thấy khó chịu vì cháu trai phải xin lỗi con gái của bạn Nguyên. Chưa đầy nửa giờ sau, bà ta thấy bé Thành đi một mình đến gần bếp nên trút giận lên cậu bé 3 tuổi.
Khi đó, bà Chung nhìn thấy bé Thành muốn rời đi nên đuổi theo ôm chặt, siết cổ. "Vì lúc đó tâm trạng tôi không tốt, nhất thời kích động, không kiềm chế được bản thân", bà Chung khai.
Camera giám sát từ nhà hàng xóm có thể ghi lại hình ảnh một phần cửa chính nhà bà ta. Dữ liệu video cho thấy vào khoảng 14h35 ngày 28/7, từ nhà bà Chung truyền ra tiếng một đứa trẻ gọi "bà thím". Vợ chồng Nguyên và một số dân làng xác định giọng nói của đứa trẻ trong video giám sát chính là giọng bé Thành. Một lúc sau, bà Chung hỏi "Chạy cái gì?", rồi có tiếng đứa trẻ bị ngạt thở. Sau đó, camera giám sát ghi lại cảnh bà ta ra vào chuồng lợn.
Khoảng 14h52, bà Chung ra ngoài cắt cỏ, túi trước tạp dề phồng lên. Bà ta khai rằng đã cởi dép và rút chuôi kiếm của bé Thành trước khi ra ngoài. Bà Chung cũng dặn Phong không được chạy lung tung vì lo cháu phát hiện bao tải chứa thi thể. Phong làm chứng rằng bị bà cảnh cáo không được nói cho ai biết em trai mất tích từng đến nhà mình vào ngày xảy ra vụ việc.
Bà Chung nói giả vờ ra ngoài cắt cỏ, thực chất là đến khu vực bên dưới làng, dùng đôi dép của bé Thành in dấu lên đất, sau đó đi đến nơi khác vứt giày và đồ chơi của cậu bé. Video giám sát cho thấy khi bà ta trở về nhà vào khoảng nửa giờ sau, túi tạp dề đã trống rỗng.
Theo dữ liệu giám sát, gần 1h ngày 29/7, giữa đêm mưa, bà Chung đội mũ trắng, cầm đèn pin về nhà, không lâu sau lại đội mũ vàng ra khỏi cửa.
Bà ta khai rằng sau khi đi "cắt cỏ" về thì vờ cùng mọi người tìm kiếm bé Thành. Rạng sáng 29/7, nhân lúc dân làng tụ tập nghỉ ngơi, ăn khuya ở bên ngoài nhà bạn Nguyên, bà Chung kiếm cớ về nhà, cõng thi thể đi phi tang, trên đường không dám bật đèn pin. Sau đó bà ta quay trở lại làng, tiếp tục tham gia tìm kiếm đến khi trời sáng.
Trong quyết định khởi tố, VKS cho rằng bà Chung có tính đố kỵ, tâm lý tự ti, vì tranh cãi lúc vui đùa của những đứa trẻ mà vượt quá giới hạn đạo đức cơ bản, vứt bỏ tình thân, coi thường pháp luật, sát hại đứa trẻ vô tội mới hơn 3 tuổi với thủ đoạn tàn ác. VKS truy tố bà về tội Cố ý giết người.
Trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 30/11/2023, bà Chung rút lại lời thú tội. Bà ta nói chưa từng sát hại bé Thành, không có mâu thuẫn với gia đình cậu bé.
Công tố viên cho rằng tình tiết phạm tội của bà Chung rõ ràng, bằng chứng đầy đủ và xác đáng, vụ án có tác động xấu đến xã hội, có tình tiết tăng nặng là phản cung, không có thái độ ăn năn nên đề nghị tòa tuyên án tử hình.
Ngày 26/2/2024, bà Chung bị tòa tuyên tử hình do Cố ý giết người, hiện kháng cáo.
Nguyên cho biết việc con trai bị sát hại khiến cả gia đình chìm trong đau khổ. Hơn một năm qua anh thường xuyên mất ngủ, bạc đầu, vợ anh luôn nằm mơ thấy con. "Chúng tôi dựa vào nỗ lực của bản thân để dần cải thiện cuộc sống, không cố ý khoe khoang, cũng không có gì để mà khoe khoang. Không thể ngờ được, về quê thăm họ hàng, con trẻ lại bị chính người thân hại chết", Nguyên nói về việc bị đố kỵ.
Tuệ Anh (Theo Hongxing Xinwen)