Long An là tỉnh công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tỉnh có 34 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích trên 9.250 ha, liên tục đón các dự án đầu tư mới. Chỉ tính riêng trong tháng 8, tỉnh này đón thêm 18 dự án. 11 trong số đó là vốn FDI. Công nghiệp phát triển nhanh đòi hỏi Long An có nhiều biện pháp quản lý, giám sát, giải quyết các bài toán về môi trường.
Tại khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa), diện tích hơn 100 ha, doanh nghiệp, nhà đầu tư trước khi vận hành nhà máy đều trải qua khâu đánh giá tác động môi trường. Khu này hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, thu gom, xử lý toàn bộ nước thải công suất 4.000 m3/ngày đêm. Ban quản lý khu công nghiệp này lập riêng một đội lấy mẫu nước thải hằng ngày để kiểm tra chất lượng. Khu lắp đặt thêm trạm quan trắc nước thải tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đại diện ban quản lý khu công nghiệp Hòa Bình cho biết chất thải nguy hại có khu vực thu gom và xử lý riêng. Ngoài ra, để tạo môi trường trong lành, điều hòa không khí, hơn 15 hecta đất được quy hoạch cho mảng xanh.
Khu công nghiệp Phú An Thạnh (huyện Bến Lức) với quy mô hơn 1.000 ha cho biết môi trường là quan tâm hàng đầu trong quá trình hoạt động. Đơn vị này chú trọng khâu tiếp nhận nhà đầu tư. Đại diện khu công nghiệp cho biết tiếp nhận đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành nghề sử dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Khu vực có hệ thống xử lý nước thải công suất hàng nghìn mét khối nhưng vận hành rất thấp do ngành nghề hoạt động ít sử dụng nước.
Bên cạnh đó, Phú An Thạnh dành hơn 40 ha đất cho khuôn viên cây xanh và dự kiến áp dụng thêm nhiều giải pháp như đèn đường năng lượng mặt trời, thủy điện, công trình xây dựng đạt chứng nhận xanh như LOTUS hoặc LEED.
Nhiều nhà máy, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh cắt giảm khí thải. Chẳng hạn như tại dự án nhà máy Coca-Cola hơn 3.100 tỷ đồng, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh khối được dùng thay thế cho nguyên liệu hóa thạch. Nhà máy ứng dụng các công nghệ thông minh, hướng tới mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn.
Công ty Cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân xây dựng nhà máy tái chế tại Đức Hòa với công suất 100.000 tấn mỗi năm. Nhà máy này dùng công nghệ tái chế "Bottle-to-Bottle", mỗi chai nhựa đã qua sử dụng tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Theo công bố của doanh nghiệp, sản phẩm hạt nhựa tái sinh không chứa chất độc hại, an toàn cho sức khỏe con người, phù hợp để sản xuất các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm, gồm cả nước uống.
Theo ông Nguyễn Tân Thuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Long An hiện có danh mục các ngành nghề khuyến khích đầu tư hoặc tiếp nhận đầu tư có điều kiện. Theo lãnh đạo ngành môi trường, tỉnh ưu tiên những ngành nghề công nghệ trung bình, tiên tiến trở lên để giảm phát thải. Quan điểm của tỉnh là kiên quyết không tiếp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm.
Đề án phát triển nhanh và bền vững của Long An đến 2030 đặt mục tiêu toàn bộ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. 100% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật là ưu tiên của tỉnh. Nhiều hợp tác xã trồng lúa áp dụng mô hình canh tác thân thiện môi trường. Diện tích này bón phân hợp lý, giảm phân đạm; sử dụng bảng so màu lá khi bón phân, tiết kiệm nước theo phương pháp tưới ướt, khô xen kẽ. Nông dân được khuyến khích sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ và sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ để phòng, trừ sâu, bệnh. Khi sử dụng thuốc, nhiều nơi áp dụng drone để phun, tránh tiếp xúc với cơ thể người. Để thay đổi thói quen vứt bao bỉ, vỏ chai thuốc, nhiều huyện áp dụng mô hình thu gom rác thải, lập nhiều hố bỏ vỏ chai, bao bì giữa đồng.
Tương tự trên rau màu, cây chanh, thanh long cũng có nhiều mô hình sản xuất xanh, hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP.
Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Long An khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc hóa học, độc hại và thay bằng các loại thuốc có nguồn gốc hữu cơ. Giữa năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 2.600 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương.
Năm 2023, tỉnh Long An đặt mục tiêu đưa chỉ số PGI (chỉ số xanh, đánh giá xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường) vào top 10 cả nước. Lãnh đạo địa phương đề ra nhiều giải pháp trong đó có việc đầu tư vào các hạng mục, công trình tiêu thoát nước, chống ngập; trồng rừng, trồng cây xanh. Hoạt động thanh, kiểm tra, tuyên truyền về môi trường tổ chức thường xuyên hơn. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi nguồn lực để làm tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn.
Hoài Phương