Du lịch Long An đặt mục tiêu trở thành điểm đến vệ tinh hàng đầu của TP HCM, đóng góp hơn 7% GRDP và tạo việc làm cho 40.000 lao động đến năm 2030. Tại buổi làm việc với Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An, hôm 22/8, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có những báo cáo về tình hình địa phương thời gian qua.
Theo đánh giá của Sở, ngành du lịch đã có nhiều nghiên cứu, xây dựng hệ thống các sản phẩm, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Dù vậy, sản phẩm du lịch tại Long An hiện chưa đa dạng, chủ yếu mới khai thác các tiềm năng tự nhiên và di tích lịch sử văn hóa sẵn có, thiếu tính đặc thù, chưa tạo được bản sắc riêng.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Mai Văn Nhiều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng để thúc đẩy ngành phát triển, thời gian tới, địa phương cần phân tích kỹ xu hướng du lịch, đặc trưng, thế mạnh để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh tình trạng các sản phẩm du lịch chung chung, thiếu tính mới. Trong đó, sản phẩm du lịch Long An được định hướng phát huy yếu tố văn hóa, lịch sử, các lễ hội, làng nghề.
Trước đó, giữa tháng 7, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cũng tổ chức buổi tọa đàm cùng nhiều chuyên gia để tìm hướng phát triển cho du lịch nông thôn - loại hình được xem là đặc thù địa phương. Hoạt động du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn hiện có một số điểm đến nổi tiếng như Khu du lịch sinh thái giáo dục trải nghiệm Chavi Garden (huyện Bến Lức); Khu du lịch Làng nổi Tân lập và Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa),... Nhiều địa phương tổ chức đào tạo kỹ năng cho người dân để trở thành nhân lực phục vụ cho ngành.
Để quảng bá hình ảnh mạnh hơn, các chuyên gia cho rằng Long An nên chọn một số điểm đến nổi trội nhất để phát triển thành điểm nhấn thu hút du khách và bán kèm với các sản phẩm, dịch vụ nông thôn. Với loại hình du lịch đặc thù, chuyên gia đề xuất xây dựng hình ảnh, khẩu hiệu mang tính nhận diện thương hiệu để tiếp cận, gây ấn tượng với du khách.
Long An được nhiều người biết đến với đôi dòng Vàm Cỏ xuất hiện trong nhiều tác phẩm thi ca, âm nhạc cùng truyền thống văn hóa lịch sử. Tỉnh hiện có 123 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp Quốc gia, 102 di tích cấp tỉnh, 5 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống cùng những di sản văn hóa phi vật thể khác. Tỉnh có hệ sinh thái đặc trưng vùng ngập nước, nổi bật với các giá trị cảnh quan như rừng tràm, lau sậy, đầm sen, hoa súng, sông nước, vườn cây trái, những cánh đồng lúa, rau màu và nhiều loại động vật.
Thời gian qua, lượng khách đến địa phương liên tục tăng. Trong đó, năm 2021, tỉnh này đón 244.000 lượt khách, năm 2022 là 650.000 lượt. Đến năm 2023, lượng khách tăng lên 1 triệu. Doanh thu qua các năm lần lượt là 180, 340 và 560 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2024, tỉnh này đón khoảng 800.000 lượt khách, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ, đạt 62% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế là 18.500 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 410 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ, đạt 59% so với kế hoạch.
Để tạo điều kiện cho du khách, năm 2023, tỉnh đã vận hành cổng thông tin trực tuyến cung cấp danh sách các điểm đến, cơ sở lưu trú, ẩm thực, các mặt hàng OCOP. Du khách có thể tham quan, tìm hiểu các điểm đến qua công nghệ thực tế ảo 360 độ. Ngoài ra, địa phương đang đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng liên kết vùng, nhất là với TP HCM để quá trình di chuyển nhanh, thuận tiện hơn. Thời gian tới, tỉnh này dự kiến sẽ đẩy mạnh thêm hoạt động kinh tế đêm để tạo trải nghiệm mới lạ cho người dân, du khách.
Hoài Phương