Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trọng tâm trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An. Địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa công nghệ vào quá trình canh tác.
Hiện nay, Long An có 6 đơn vị đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây đều là những cái tên tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, ứng dụng các loại máy móc hiện đại để nâng chất lượng nông sản. Sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng, sản lượng lớn.
Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cấp 750.000 tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Tỉnh cũng phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM để khảo sát và trao trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng về thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau, chuối. Thời gian qua, địa phương hướng dẫn cho 21 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn.
Long An có hơn 14.000 ha diện tích đất canh tác nông sản được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. Những vùng trồng này canh tác theo hướng sinh thái, ứng dụng nhiều công nghệ mới để tăng năng suất. Với mã số, địa phương sẽ theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng truy xuất nguồn gốc. Đây được xem là "tấm vé thông hành" của nông sản xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU... Trong đó, thanh long có hơn 200 mã số vùng trồng, chanh có 41 mã. Khoai lang và mít đều có một mã. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn để đánh giá, cấp mã số cho hơn 10 vùng trồng chanh, sầu riêng, khoai lang...
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Long An có hơn 2.600 ha canh tác nông sản đạt chuẩn VietGAP, đạt sản lượng hơn 65.000 tấn mỗi năm. Tỉnh cũng hỗ trợ các hộ kinh doanh trên địa bàn hơn nửa triệu con gà đẻ, hơn 1.000 bò thịt, 100 bò giống... với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng.
Long An là địa phương công nghiệp phát triển bậc nhất nước ta. Song, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo đánh giá của tỉnh, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, việc ứng dụng máy móc hay công nghệ mới để thay đổi tập quán canh tác dần trở nên quen thuộc và phổ biến hơn. Ngoài ra, hạ tầng giao thông nông thôn, kênh nội đồng được nâng cấp, các công trình điện, trạm bơm phủ rộng cũng tạo điều kiện để nông dân thay đổi thói quen sản xuất.
Tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao để tăng tính cạnh tranh, cuối tháng 7, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030.
Mục tiêu của kế hoạch này đến năm 2030 là trên 50% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả,... được áp dụng quản lý sức khỏe; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ giảm 30%, tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường. 50-80% số xã có đội ngũ nông dân hiểu biết, có kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM. Tỉnh này cũng đặt mục tiêu có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia.
Bên cạnh kế hoạch về quản lý sức khỏe cây trồng, tỉnh sẽ đẩy mạnh khâu tuyên truyền, tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ trên 4 cây và 2 con chủ lực là lúa, thanh long, chanh rau, bò và tôm. Ngành công thương sẽ hỗ trợ trong khâu kết nối, tiêu thụ nông sản.
Trong báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm, nông nghiệp Long An ghi nhận nhiều con số tích cực. Tăng trưởng khu vực 1 ước đạt 2,93%. Sản lượng lúa đạt hơn 1,7 triệu tấn. Tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm là 42.000 tấn, tăng 950 tấn so cùng kỳ. 168 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 40 sản phẩm đạt 4 sao, 128 đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP thường xuyên được tỉnh hỗ trợ quảng bá qua các sự kiện xúc tiến thương mại.
Hoài Phương