Ngày 28/11, UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị về phát triển sản phẩm OCOP. Đại diện tỉnh cho biết chương "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP ra đời từ năm 2018, đến nay đã khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị văn hóa của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỉnh có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3-4 sao cùng 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP. Các điểm trưng bày tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP của tỉnh giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện địa phương cho rằng quảng bá các sản phẩm đặc trưng thông qua hoạt động du lịch nông thôn tạo lợi thế về kinh tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng sông nước.
Việc phát triển OCOP và du lịch nông thôn có mối quan hệ "hữu cơ". Sản phẩm OCOP là tài nguyên để xây dựng sức hút cho du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn là không gian để giới thiệu sản phẩm. Chẳng hạn Khu du lịch sinh thái và học tập trải nghiệm Chavi Garden tạo cho du khách hành trình về với thiên nhiên đồng thời có thể tham quan và mua sắm nhiều sản vật đặc trưng.
Hội nghị cũng bàn nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển sản phẩm địa phương như tăng cường số hóa, quảng bá qua nhiều nền tảng, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu...
Ngay sau hội thảo, tỉnh Long An đã tổ chức hội chợ Thương mại, Ẩm thực, Du lịch Long An - Hàn Quốc. Sự kiện có hơn 250 gian hàng trưng bày các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đặc sản đặc trưng vùng, miền, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề. Bên cạnh gian hàng, sự kiện còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hút hàng trăm lượt du khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Sự kiện góp phần kết nối cung cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, nâng cao khả năng cạnh tranh và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Long An.
Long An thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, song lại nằm trong nhóm phát triển kinh tế trọng điểm phía nam. Tỉnh được xác định là vùng kinh tế động lực, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế.
Xuất phát điểm là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời, lịch sử địa phương gắn liền với nông thôn, nông nghiệp truyền thống. Hình thái nông thôn tương đối đa dạng cả về ngành nghề, chủng loại cây trồng, vật nuôi; với các sản phẩm nông sản tiêu biểu, đặc trưng như thanh long (Châu Thành), khoai mỡ (Thạnh Hóa), khóm, chanh (Bến Lức), rau (Cần Giuộc), gạo Nàng thơm Chợ Đào (Cần Đước), nếp (Thủ Thừa)...
Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa địa phương thông qua nhiều hoạt động là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Long An. Bên cạnh quảng bá qua sự kiện du lịch, năm 2024, địa phương cửa ngõ Tây Nam Bộ triển khai nhiều giải pháp mở rộng thị trường.
Theo Sở Công Thương, năm nay, địa phương đã hỗ trợ trên 650 lượt doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,4 tỷ đồng. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu năm 2024 với sự tham gia trực tiếp của gần 100 đại biểu đến từ 10 quốc gia như Arab Saudi, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Đến nay hàng hóa của địa phương xuất khẩu đến 130 quốc gia với 900 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. Các sản phẩm chủ lực như da giày, dệt may, cơ khí điện tử. Riêng nông sản chủ lực như lúa gạo, chanh, thanh long, thủy hải sản... xuất khẩu đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Với các biện pháp tích cực để hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu cuối năm có những dấu hiệu tích cực. Theo báo cáo của Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,69%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,4 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 25,58%.
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu xuất khẩu 8,2 tỷ USD, nhập khẩu 5,8 tỷ USD.
Hoài Phương