Riêng thị xã Tân An hôm nay phải chôn 2.000 con gà, gồm cả loại đã chết và những con có nguy cơ nhiễm dịch. Số gà phải tiêu hủy ở thị xã những ngày qua rất lớn, riêng phường 3 đã phải chôn 25.000 con. Thị xã phía tây TP HCM, vốn trù phú nhờ nghề chăn nuôi gia cầm, giờ lao đao vì nạn dịch. Gần như gia đình nào cũng bị thiệt hại và việc duy nhất bây giờ họ có thể làm là chôn toàn bộ số gà nuôi của mình.
Trừ huyện Cần Giuộc cho đến nay chưa có thống kê nào về tình hình dịch bệnh, còn các huyện khác của Long An đều trong tình trạng báo động. Tất cả các nẻo đường dẫn vào tỉnh đều treo biển báo vùng có dịch và cấm vận chuyển gia cầm. Chi cục phó Chi cục Thú y Dương Văn Tiến cho VnExpress biết các trạm kiểm dịch động vật đã được dựng lên. Ôtô của các tỉnh miền tây, nếu chở gia cầm qua Long An để vào TP HCM thì phải được chứng nhận kiểm dịch an toàn và không được dừng lại trong địa bàn Long An.
Dịch cúm lạ đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Tất cả các quán nhậu đều không còn món thịt gà. Thậm chí quán Nhà Lá nổi tiếng, trong thực đơn có món vịt, ngan nhưng thực chất cũng không bán. Ông chủ cho biết không còn ai dám động vào những món "có cánh" dù biết rằng nguy cơ bệnh của gà lây sang người là rất thấp. Ở thị xã Tân An, nhiều gia đình vừa nuôi gà thịt, vừa trồng mai. Do lao động tập trung vào phòng dịch nên hội phụ nữ thị trấn đã phát động phong trào hỗ trợ, cử hội viên bẻ mầm, lá non chăm sóc mai giúp những gia đình neo đơn. Có thể cây mai bán trong ngày Tết sẽ đỡ đần chút tiền cho bà con sắm sửa cuối năm.
Long An, nằm sát thị trường lớn TP HCM, những năm qua phát triển mạnh ngành chăn nuôi, với khoảng 3,6 triệu con gà. Trong vụ đại dịch này, khoảng 1/3 số gà nuôi đã bị dịch hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao. Các hộ chăn nuôi cho biết gà mắc dịch chết rất nhanh. Có con đang khỏe mạnh bỗng chui vào một góc chuồng ngã quay, 10 phút sau thì chết.
Hoài Thương - Thanh Tùng