Các hoạt động trên được tỉnh tổ chức từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11 nhân Ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Chủ đề năm nay là "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Trọng tâm của chuỗi hoạt động là tuyên truyền, đưa tin về các hoạt động chuyển đổi số trên nhiều phương tiện thông tin, mạng xã hội, hệ thống màn hình LED, các cửa hàng công nghệ... Lãnh đạo địa phương sẽ trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn đồng thời phát động chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hiện tại, Long An duy trì khoảng 1.000 tổ, có vai trò hỗ trợ, tư vấn người dân tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm số như cổng thông tin điện tử, các ứng dụng số, mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt và phòng tránh rủi ro trên không gian mạng. Tỉnh xác định việc phát triển các tổ với quy mô rộng đóng vai trò quan trọng trong phổ cập đời sống số đến người dân, kể cả ở những xã, ấp vùng xa.
Tỉnh miền Tây Nam bộ dự kiến sẽ ra mắt đội "IT Xanh" hỗ trợ chuyên môn cho Tổ công nghệ cộng đồng. Trong đợt này, 188 đội sẽ được triển khai để hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt VneID, ứng dụng "Long An Số", cài đặt chữ ký số miễn phí.
Địa phương sẽ liên kết nhiều doanh nghiệp về công nghệ, tổ chức triển lãm trưng bày, giới thiệu các giải pháp, sản phẩm số. Trên ứng dụng Long An Số, người dân, thanh niên có thể tham gia cuộc thi trực tuyến với nhiều quà tặng. Trang thông tin số hóa lịch sử tuổi trẻ Long An dự kiến ra mắt tháng tới.
Chuỗi hoạt động trên được tỉnh kỳ vọng giúp người dân thay đổi suy nghĩ, hiểu được vai trò, ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, xã hội. Quá trình này mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng, thu hút đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh đồng thời giúp người dân có cuộc sống tiện nghi, hiện đại hơn.
Long An là địa phương chú trọng chuyển đổi số. Trong năm 2024, tỉnh đặt nhiều mục tiêu như hạ hoàn thiện tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Hiện tại, mạng cáp quang băng rộng đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 88,9%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,9%.
Ứng dụng Long An Số là sản phẩm nổi bật của địa phương với mục tiêu xây dựng xã hội 4.0. Đến nay, qua hơn một năm triển khai, nền tảng hút hơn 300.000 lượt tải, tăng 100.000 so với năm ngoái. Ứng dụng giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ thiết yếu như dịch vụ công trực tuyến, điện, nước, giao thông, giáo dục, y tế, việc làm...
Địa phương cũng thí điểm nhiều mô hình mới. Nổi bật như số hóa quản lý chất thải rắn tại Tân An - trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Mục tiêu của mô hình là 100% tuyến đường tại Tân An được số hóa, trực quan hóa và đưa và phần mềm để giám sát lịch trình của từng phương tiện thu gom. 100% phương tiện thu gom rác thải được trang bị thiết bị theo dõi lịch trình và cung cấp số liệu cho hệ thống giám sát. Người dân có thể tra cứu lịch trình thu gom trên các ứng dụng trực tuyến.
Trong lĩnh vực thương mại, tỉnh hỗ trợ hàng triệu tem truy xuất nguồn gốc nông sản, đồng thời đưa sản phẩm lên nhiều sàn thương mại điện tử. Các cơ sở sản xuất cũng được tập huấn về thanh toán trực tuyến, không tiền mặt giúp mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mục tiêu của địa phương thời gian tới là hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, đồng thời xây dựng các chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ quá trình số hóa.
Hoài Phương