Năm 2013, gia đình ông Út Sáu, huyện Châu Thành, chuyển một hecta trồng lúa sang thanh long ruột đỏ cùng với nhiều hộ dân khác trong xóm. Thời điểm đó, nhu cầu thanh long ruột đỏ của thị trường cao, có giá tốt, thường cao hơn gấp đôi so với thanh long ruột trắng. Nông dân trong huyện ồ ạt chuyển sang cây trồng này. Ông Sáu cho biết ban đầu không có ý định chuyển hình thức canh tác. Tuy nhiên, tất cả ruộng xung quanh thửa đất nhà ông Sáu đều đóng trụ bê tông để trồng thanh long, máy gặt lúa không thể vào được nữa nên bắt buộc phải chuyển sang loại cây mới.
Khoảng ba năm đầu, ông Sáu không nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Thấy những ruộng xung quanh trồng thế nào, ông áp dụng y hệt. Giữa ruộng, ông Sáu đào ao nước. Ngày hai buổi, cả gia đình bốn người kéo đường ống nước lắp vào máy bơm để tưới cho cả khu đất rộng một hecta. Trung bình, mỗi ngày ông dành 4 tiếng chỉ để tưới nước. Phân bón sử dụng là phân gà hoặc ủ rơm, gây mùi rất khó chịu. "Cả cánh đồng ruộng nào cũng bón phân gà nên gây mùi hôi cho cảm xóm. Tôi cũng không có ý định làm khác vì cách này vẫn cho lợi nhuận ổn định", ông Sáu kể.
Vài năm gần đây, nhu cầu thị trường giảm, thanh long ruột đỏ rớt giá, thậm chí không có thương lái thu mua. Nhiều nông dân chặt bỏ thanh long để tìm loại cây mới. Để giúp nông dân ổn định sản xuất, tỉnh Long An tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn, chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, từ năm 2021, tỉnh thông qua nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Thanh Long là một trong 4 loại cây trồng, 2 vật nuôi trọng điểm trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Mục tiêu của chương trình đến năm 2025, diện tích ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến đối với thanh long là 6.000 ha, lúa là 60.000 ha, rau 2.000 ha, cây chanh 3.000 ha, tôm nước lợ 100 ha.
Những nông dân như ông Sáu bắt đầu tìm tòi, tham gia các lớp tập huấn về công nghệ cao để bám trụ với thanh long. Bước đầu là việc ông thay thế phân gà bằng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Ông Sáu vay vốn để đầu tư đèn cao áp thay cho đèn chữ U và đèn dây tóc, lắp hệ thống tưới nước tự động. Nhờ hệ thống này, ông Sáu giờ chỉ cần đứng quan sát quá trình, không cần phải kéo đường ống đi tới từng góc. Thời gian rút ngắn từ 4 tiếng xuống 20 phút. Một năm, ông Sáu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay, Long An có gần 5.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu ở Châu Thành, Tân Trụ và TP Tân An, đạt khoảng 80% kế hoạch.
Với cây lúa, toàn tỉnh có hiện có khoảng 47.000 hecta ứng dụng công nghệ cao. Điểm nổi bật của mô hình này là nông dân sử dụng phân đạm chậm tan, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly theo tiêu chuẩn xuất khẩu (đặc biệt là tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu). Các thiết bị bay không người lái (drone) được sử dụng để phun thuốc giúp giảm lượng dùng và tránh tiếp xúc với cơ thể người.
Theo thống kê, diện tích này cho năng suất trung bình 72-75 tạ/ha, cao hơn khoảng 3 tạ so với lúa không ứng dụng công nghệ. Chi phí sản xuất giảm bình quân 1,4 triệu đồng mỗi ha. Lợi nhuận bình quân là 27 triệu đồng/ha (cao hơn ngoài mô hình khoảng 3,2 triệu đồng/ha).
Với cây chanh, đến hết năm 2022, tỉnh xây dựng hai mô hình điểm về thâm canh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Bến Lức và Đức Huệ với diện tích hơn 20 hecta. Nông dân được hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp như phân hữu cơ dạng lỏng và dạng rắn, phân bón thông minh, sản phẩm sinh học đối kháng nấm bệnh. Cây cũng được ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến dạng tưới phun mưa qua gốc.
Ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá cây chanh sinh trưởng phát triển tốt sau khi sử dụng phân hữu cơ, sản phẩm sinh học. Việc sử dụng phân bón thông minh giúp tiết kiệm công lao động bón phân. Hệ thống tưới cũng đem lại hiệu quả tốt, tuy nhiên chi phí đầu tư cao nên nông dân còn ngại đầu tư. Hiện diện tích trồng chanh công nghệ cao đạt hơn 2.200 ha. Trong khi đó, với các loại rau xanh, tỉnh đã gần đạt 100% kế hoạch xây dựng vùng trồng công nghệ cao.
Với chăn nuôi bò và tôm, tỉnh cho biết tiến độ triển khai còn chậm. Thời gian tới, tỉnh tập trung thúc đẩy phát triển đàn bò giống tốt, tăng diện tích nuôi tôm ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong ba chương trình đột phá do tỉnh Long An đề ra. Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, bên cạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tỉnh Long An cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối với nhiều bên để giải quyết đầu ra. Tỉnh xây dựng nhiều sản phẩm OCOP, khuyến khích nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đổ vốn đầu tư vào nông nghiệp.
Hoài Phương