Long An thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của tỉnh này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách với thành thị.
Trong đó, đến 2025, Long An kỳ vọng có ít nhất 90% số hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tất cả cán bộ tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn được tập huấn về chuyển đổi số. 70% số xã có các hợp tác xã, 70% huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% huyện có các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số...
Tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khu vực nông thôn đồng thời phát triển hạ tầng, kết nối Internet đến cấp xã để tăng chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân.
Theo công bố, đến nay, mạng cáp quang băng rộng triển khai đến 100% xã. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 88,9%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,9%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 87%. Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa đã có trạm phát sóng 5G và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thời gian tới.
Tỉnh cũng xây dựng thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương. Đến nay có 41 chợ truyền thống ở các huyện ứng dụng thanh toán không tiền mặt.
Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Long An có 134 trên tổng số 161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 83,23%; 41 xã đạt chuẩn mới nâng cao. 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, blockchain, QR được ứng dụng rộng rãi trong truy xuất nguồn gốc. Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ gần 3 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Mô hình tổ công nghệ số cộng đồng với gần 1.000 tổ ở các địa phương cũng hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, từ đó tăng khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường.
Ngành nông nghiệp còn hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi như sử dụng phần mềm để theo dõi, giám sát thông tin quan trắc, phân tích dữ liệu về cây trồng, sâu, bệnh, sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, sạ giống...
Hiện nay, Long An có 6 đơn vị đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây đều là những cái tên tích cực đổi mới dây chuyền sản xuất, ứng dụng các loại máy móc hiện đại để nâng chất lượng nông sản. Sản phẩm có thị trường tiêu thụ rộng, sản lượng lớn.
Đại diện địa phương đánh giá nhờ áp dụng chuyển đổi số, các quy trình sản xuất được tối ưu, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, giúp nông nghiệp đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về an toàn và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Quá trình này còn giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp dễ dàng kết nối với thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, từ đó mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản.
Đại diện Sở Thông tin Truyền thông cho biết, những nỗ lực chuyển đổi số góp phần giúp Long An thành một trong 6 tỉnh được Liên hiệp Các hội khoa học Việt Nam trao chứng nhận đạt hạng mục Top tổ chức các địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Các nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số được đánh giá giúp địa phương tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, đời sống người dân trở nên tiện lợi, hiện đại hơn. Năm 2023, Long An xếp thứ 12 cả nước, thứ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số đổi mới sáng tạo PII.
Hoài Phương