Khu vực khí thải siêu thấp ULEZ (Ultra Low Emission Zone) được giới thiệu hôm 8/4. Trong thông cáo của thị trưởng thành phố London, Sadiq Khan, khu vực này có mục tiêu giảm khí thải độc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, theo CNN. Để đi vào ULEZ, xe cộ phải đạt các tiêu chuẩn khí thải rất nghiêm ngặt, hoặc sẽ phải mất phí.

Bảng điện tử thông báo khu vực khí thải siêu thấp ULEZ bắt đầu áp dụng từ 8/4 ở London. Ảnh: Alamy
Tại London, các loại phương tiện giao thông phải chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa lượng khí độc nitơ-oxit (khí NOx) phát thải ra môi trường, gây nguy hại tới sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt tỉ lệ hen suyễn, ung thư và chứng mất trí nhớ ngày càng tăng, cùng hàng nghìn trường hợp chết sớm mỗi năm, thông cáo cho biết.
"Đây là một ngày có ý nghĩa bước ngoặt cho thành phố của chúng ta. Không khí độc hại là một sát thủ vô hình chịu trách nhiệm với một trong những tình trạng khẩn cấp về sức khỏe quốc gia lớn nhất của thế hệ chúng ta", thị trưởng London nhấn mạnh. ULEZ là điểm trọng tâm trong kế hoạch làm sạch không khí của London - những kế hoạch mạnh tay nhất so với bất cứ thành phố nào trên hành tinh này, và cả thế giới đang nhìn vào chúng ta".
Theo các quy định mới, các xe phát khí thải không được chào mừng tại ULEZ nhờ mức phí hàng ngày khoảng 16 USD cho một số loại ôtô con, xe van và xe máy. Mức phí 130 USD dành cho các loại xe tải, buýt và xe khách.
ULEZ cũng chính là khu Congestion Charge hiện nay ở London và được giữ nguyên cho tới 2021, khi khu vực dự kiến được mở rộng. Tại Congestion Charge trước đây, xe cộ mất 15 USD mỗi ngày nếu đi vào đây trong thời gian từ 7 đến 16 giờ, từ thứ hai đến thứ sáu.
Các tài xế có thể kiểm tra xe có đạt các tiêu chuẩn khí thải để được đi vào ULEZ miễn phí hay không bằng một công cụ trực tuyến do cơ quan giao thông vận tải London cung cấp.

Một biển báo khác về khu vực ULEZ và cho biết được áp dụng toàn thời gian. Ảnh: PA
ULEZ là bước tiếp theo trong kế hoạch làm sạch không khí của London, từng khởi động bằng dự án có tên T-charge hồi tháng 2/2017, tính phí với những xe có mức khí thải cao khi đi vào khu trung tâm thành phố. Từ đó, số lượng xe vào khu vực này giảm còn khoảng 11.000 xe mỗi ngày.
Ngoài ra, đội xe buýt đỏ hai tầng nổi tiếng của London cũng đang được nâng cấp trong nỗ lực trên, với tổng cộng 9.200 xe đạt các tiêu chuẩn của ULEZ cho tới tháng 10/2020.
Ở Mỹ, thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio, cùng thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, đang nghiên cứu một mô hình tính phí tắc nghẽn nhằm giảm lưu lượng giao thông và cải tiến hệ thống giao thông công cộng tại khu vực này.
New York là một trong những thành phố tắc đường nhất thế giới khi các tài xế mất trung bình 91 giờ tại các đám tắc trong năm 2017, theo số liệu của Inrix - hãng dịch vụ giải pháp trên nền Cloud (SaaS) và dịch vụ máy tính di động (DaaS). Trong danh sách này, London là thành phố tắc đường thứ 7 trên thế giới và là thành phố tắc nghẽn thứ hai ở châu Âu. Tài xế ở đây phải dành khoảng 74 giờ cho các đám tắc.
Mỹ Anh