Đối với người lao động thì "cò" là nguồn thông tin về tuyển dụng và cũng là cứu tinh giúp họ vượt qua các cửa ải để được tuyển dụng. Anh Chiến (Cẩm Giàng, Hải Dương), từng vào Nam ra Bắc, vậy mà để có được một suất đi Đài Loan anh cũng phải la cà suốt ngày với các tay cò. Thông thường là một vài nhân viên trong công ty được phép xuất khẩu lao động móc với "cò" để đánh lẻ vài suất. Những tay môi giới kiếm được con mồi chi đậm để đi nhanh liền thông báo cho người có trách nhiệm của công ty tìm cách hoàn tất hồ sơ. Nếu "cò" nào quen biết nhiều, chung chi sòng phẳng, đưa được nhiều người đi thì bỗng nhiên trở thành thương hiệu lớn ở miền quê. Tất cả việc thu chi được giao cho đội ngũ này đảm nhận. Với những cò chủ tịch xã thì nhiều người giao hàng trăm triệu đồng mà chẳng cần giấy tờ gì. Còn những tay cò con thì ghi biên nhận, nhưng trước khi lên máy bay người lao động phải nộp lại để phi tang.
Những người làm trung gian thường quảng cáovề những đồng lương cao ngất trời và những hứa hẹn giàu sang phú quý nơi đất khách. Anh Đỗ Đình Tuyến, một người lao động phải trở về từ Malaysia vì bảy tháng không lương, kể: “Người anh họ của mình là “cò” Hưng hứa hẹn sang đó làm với mức lương 250-300 USD/tháng. Suốt thời gian theo đuổi chờ đợi học hành, tôi vẫn cứ đinh ninh tương lai của mình sẽ rộng mở. Đến sát ngày lên đường khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài thì mới được biết lương chỉ có 150 USD/tháng”. Bây giờ trở về với món nợ chung thân vì cày cật lực cũng chỉ trả được phần lãi hàng tháng.
Trong những ngày săn việc làm ở nước ngoài, gần như cả gia đình Tuyến vào cuộc. Người anh Đỗ Đình Đức chạy ngược chạy xuôi để lo đủ tiền cho em. Đức phải đưa 1,3 triệu đồng cho “cò” Hưng làm hộ chiếu. Vài ngày trước khi đi, Hưng chở Đức lên Công ty Cuulong Intraco (21 Nguyên Hồng, Hà Nội) để nộp tiền. Tại đây người thu tiền của Công ty yêu cầu nộp 1.200 USD nhưng chỉ ghi phiếu 900 USD.
Trong vô số các điểm tuyển dụng đi lao động xuất khẩu thì Công ty TNHH Hiền Linh ở 37 Nguyễn Khang, Hà Nội, thuộc hạng có tầm cỡ. Cơ sở này chẳng những “tạo nguồn” mà còn lo được cả đầu ra cho doanh nghiệp. Ở đây lúc nào cũng đông người ra vào, bên trong căn nhà năm tầng đó nhộn nhịp với hàng chục người ăn ở, học tiếng. Chị Luyến - một lao động ở tận Cẩm Giàng, Hải Dương, đang được cò dẫn lên để thăm dò giờ bay - cho biết đã nộp 4.100 USD cho cò Huyền để sang Đài Loan giúp việc gia đình. Đã hơn 2 tháng trôi qua mà vẫn chưa có tín hiệu nào, chị phải buộc “cò” dẫn lên đây để hỏi.
Cò không chỉ làm trung gian cho một doanh nghiệp mà cùng lúc có thể làm tới hai ba hoặc hàng chục đơn vị. Dũng một tay môi giới ở Cẩm Giảng, Hải Dương, khẳng định miễn là tìm được "mồi" còn đi đâu cũng được, cứ chung chi đầy đủ, bất luận tay nghề, học vấn tới đâu. Theo lời Dũng thì anh ta làm cò cho 21 doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Trương Thị Thu Hà - một phụ nữ khoảng 30 tuổi, kế toán trưởng doanh nghiệp Hiền Linh - là người đã từng một lúc làm cho cả hai doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động. Trước đây Hiền Linh đã liên kết với Viglacera trong nhiều năm để đưa người qua các thị trường khác. Đến khi Maylaysia nhận lao động VN, Viaglacera lại không được phép xuất khẩu sang thị trường này. Nhưng Trương Thị Thu Hà lại có hợp đồng với đối tác nước ngoài ở Malaysia, vậy nên Thu Hà đã “mượn tay” Viaglacera tìm đến đối tác mới là Trung tâm Xuất khẩu lao động 1 của công ty Vinaforimex. Hai công ty chính danh cùng nhau ký kết một hợp đồng, rồi sau đó giao cho Thu Hà đạo diễn toàn bộ. Hà lo đầu vào rồi lại lo đầu ra với hai giấy phép xuất khẩu lao động cùng bản hợp đồng liên kết. Bù lại, hai doanh nghiệp này được hưởng mỗi nơi 200-300 USD. Hai đợt đầu đưa đi 31 lao động, đến đợt thứ 3, Hà cắt liên hệ với Viglacera để trực tiếp làm ăn với Vinaforimex đưa 14 người nữa qua Malaysia. Sự vụ đổ vỡ khi nhóm người này bị trả về nước. Cục Quản lý lao động ngoài nước phải vào cuộc nhưng rồi vẫn không chỉ được đích danh ai là người phải đền bù dứt điểm cho người lao động.
(Theo Tuổi Trẻ)