![]() |
Người tiêu dùng khó nhận biết thịt nào đã được dùng thuốc. |
Tại một tiệm thuốc thú y ở quận Gò Vấp, TP HCM, một phụ nữ ngoài 40 tuổi nghe khách hỏi tên thuốc tỏ vẻ cảnh giác. Sau khi nghe họ trình bày ý định và đưa cho xem mẫu bột màu trắng ngà, bà ta tháo mắt kính xuống nhìn kỹ vào bịch thuốc rồi nhíu mày nhìn khách từ đầu đến chân một lát rồi cộc lốc: "Ở đây không có bán".
Tương tự, một chủ cửa hàng thuốc thú y rất nổi tiếng Gò Vấp cũng từ chối bán thuốc dù khách đã "kể khổ" về việc làm ăn thua lỗ, nợ nần, muốn tìm "bí kíp" để gỡ gạc. Ban đầu, người phụ nữ này tỏ vẻ thông cảm, chần chừ rồi hỏi người quen của khách là ai. Nghe trả lời xong chị chần chừ một hồi nữa rồi bảo mua bao nhiêu. Khách bảo chỉ mua 1 kg cho lợn ăn thử rồi mới mua tiếp đồng thời nhờ chị hướng dẫn cách pha trộn cho lợn ăn luôn. Không biết suy nghĩ thế nào, lát chị lại bảo: "Thuốc này có nhưng cách đây... 4-5 năm rồi, bây giờ không còn bán nữa".
Vậy nhưng với một người quen, làm nghề chăn nuôi thì mua thuốc này không có gì khó khăn. Chỉ một loáng, ông bạn này đã mang về khoảng 1 kg chất bột màu trắng. Sau khi trao thuốc và lấy lại 300.000 đồng tiền mua thuốc, ông bạn chỉ bảo: "Không thể mua được thuốc nếu không có người cũ dắt đến giới thiệu tận mặt. Thêm nữa, mỗi lần mua đều mua cả bao thuốc nặng 25 kg trở lên với giá 7,5 triệu đồng, và đương nhiên đã là dân trong nghề đi mua thuốc thì phải biết cách pha trộn cho lợn ăn. Không ai mua từng ký lẻ và chưa biết cách pha trộn cả!".
![]() |
"Thần dược" cho lợn, gà. |
Lần theo chỉ dẫn, phóng viên vượt hơn 50 km từ TP HCM để đến khu vực Hố Nai - nơi được mệnh danh là "trung tâm chăn nuôi lợn miền Đông Nam bộ" (thuộc huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Tại các trại này, việc cho lợn ăn gần như là việc... bí mật, đặc biệt là khâu chế biến thức ăn. Theo Hội Nông dân huyện Trảng Bom, người dân đã biết đến các loại thuốc tăng trọng cho lợn từ lâu nhưng việc chế biến thức ăn, liều lượng thế nào là chuyện bí mật của từng trại nuôi. "Trước đây, người nuôi lợn dùng bã khoai mì (sắn), sau lại chuyển qua các loại cám công nghiệp và dùng thuốc tăng trọng. Nói chung, pha trộn đủ kiểu", một cán bộ Hội Nông dân Trảng Bom nói.
Nhiều người chăn nuôi lợn ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước đã dùng "thần dược" này pha vào cám cho lợn ăn cách đây khoảng 5 năm nhưng thời đó còn rất ít người biết. Nó trở thành một "bí kíp" lưu hành chỉ trong giới "đại gia" chăn nuôi lợn. Đó là một loại bột màu trắng ngà, không mùi, vị rất gắt được những tay buôn mang về với số lượng ít từ Thái Lan hoặc Trung Quốc. Về sau, "bí kíp" bị lộ, giới chăn nuôi bình dân chịu khó săn tìm đã mua được và sử dụng. Nhu cầu nhiều, cung cũng phải tăng. Không những nhiều tiệm bán thuốc thú y mà cả nhiều cửa hàng bán vật dụng chăn nuôi và thức ăn cho lợn như máng ăn, cám, thức ăn gia súc cũng bán loại thuốc này.
Theo giới kinh doanh lợn, trên 60% lượng lợn trên thị trường có "ăn thuốc". Tuy nhiên, phải cho lợn ăn thuốc đúng thời gian thì mới xuất chuồng con lợn lực lưỡng, đầy thịt như ý. Có thể cho lợn "ăn thuốc" từ lúc lợn đạt khoảng 50-70 kg, sau đó khoảng 3 tuần đến hơn 4 tuần là lợn “vô” cả tạ cho đến hơn 1 tạ. lợn sẽ lớn nhanh như thổi qua từng ngày: mỗi ngày tăng 1,5-2 kg. Xương vai, xương đùi rút nhỏ lại, bắp thịt tứ chi nổi to lên và trở thành lợn siêu nạc nhanh chóng. Lúc này, đem lợn ra mổ thịt thì khỏi chê, toàn là thịt, mỡ rất ít.
Giá lợn hơi "siêu nạc" luôn cao hơn thịt lợn "thường" từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg, hiện đạt từ 20.500 đến 21.000 đồng/kg.
Một tiểu thương bán thịt lợn lâu năm ở chợ đầu mối thịt lợn Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết, thịt lợn "ăn thuốc" có lớp mỡ giữa lớp thịt và lớp da mỏng hơn lợn bình thường, nhưng màu thịt lợn "ăn thuốc" không đỏ hồng như lợn bình thường, có màu nhạt, hơi trắng xanh; đùi lợn "ăn thuốc" căng, to hơn đùi lợn bình thường nhưng thớ thịt to và xốp, ăn không mềm và dẻo như lợn bình thường...
(Theo Thanh Niên)