Trong bài viết Tiếp cận vấn đề về cội nguồn tiểu thuyết Lolita (К вопросу о генезисе романа Лолита) của nhà nghiên cứu văn học người Nga Irina Lvovna Galinskaya được in trong cuốn Vladimir Nabokov: những cách đọc đương đại (Владимир Набоков: современные прочтения), tác giả đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về các giả thuyết xoay quanh nguồn gốc của tác phẩm gây tranh cãi nhất thế kỷ XX.
Theo Irina Galinskaya, trong văn học Đức giai đoạn đầu thế kỷ XX đã xuất hiện một truyện ngắn mang tên Lolita của nhà văn Heinz Von Likhberg. Tác phẩm được xuất bản năm 1916, gần 40 năm trước sự ra đời Lolita của Nabokov và nằm trong tập truyện ngắn Giocondo bị nguyền rủa. Thông tin về sự tồn tại của Lolita tiếng Đức được nhà nghiên cứu Mikhail Maar công bố trên tờ báo Tin tức Frankfurt vào tháng 3/2004. Sau đó, có rất nhiều nhà nghiên cứu cùng đưa vấn đề "Ai là người phát minh ra Lolita" ra bàn bạc. Và cũng nhờ thông tin này, lần đầu tiên Lolita của Likhberg được nhiều người tìm đọc và bỗng chốc trở nên nổi tiếng.
So sánh giữa hai tác phẩm, một số ý kiến tỏ ra hoài nghi về sự sáng tạo của Nabokov. Họ cho rằng sáng tác của Nabokov dựa trên cốt truyện và lấy lại tên nhân vật nữ chính của Heinz Von Likhberg. Tuy nhiên, Nabokov và cả con trai ông Dimitri đều phủ nhận mối quan hệ của bản thân nhà văn với Likhberg. Chính Nabokov cũng từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng tiếng Đức của ông không tốt, rằng ông không muốn học nói tiếng Đức thông thạo vì sợ "làm hoen ố thứ tiếng Nga quý giá" của mình. Nhưng rõ ràng, việc một người ham đọc và thông thái như Nabokov sống và làm việc ở Đức một thời gian dài như vậy (khoảng 17 năm, từ 1921 đến 1937) mà không đọc một tác phẩm nào bằng tiếng Đức thì quả thật là khó tin. Đó là chưa kể ông còn là một dịch giả (từng dịch thơ Goethe sang tiếng Nga) và nhiều người khẳng định Nabokov rất giỏi tiếng Đức. Ông thậm chí còn chơi trong một đội bóng đá của người Đức, đàm đạo với chủ nhà và giao lưu với những người bán hàng trong các cửa hàng.
Tác giả bài viết Irina Galinskaya dẫn ý kiến của các nhà "Nabokov học" như Vadim Stark, Nicolai Anastasiev, Andreas Braitenstein... cho biết, phần lớn họ đều nghi ngờ việc Nabokov chối bỏ việc ông thông thạo tiếng Đức và đều cho rằng rất có khả năng Nabokov đã đọc truyện ngắn Lolita của Likhberg. Nhưng điều quan trọng nhất là họ đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Igor Volgin về tài năng và tầm cỡ của Nabokov: "Có thể nào trách Shakespeare về việc ông đã sử dụng những chi tiết khá nổi tiếng của dân gian để sáng tạo nên kiệt tác Romeo và Juliet? Có thể nói rằng Lolita là một cốt truyện khá tầm thường. Vấn đề ở đây là nó được viết như thế nào. Và giả sử rằng Heinz Von Likhberg có sẵn tài năng, ông sẽ không có đối thủ là Nabokov.
Vấn đề cội nguồn của tác phẩm cũng được đưa ra bàn luận xuất phát từ chính lời thổ lộ của Nabokov trong Lời bạt ấn phẩm Lolita xuất bản năm 1958 tại Mỹ. Trong đó nhà văn chia sẻ, "nguyên mẫu" của Lolita là nhân vật trong truyện ngắn Pháp sư (Волшебник) của chính ông. Đây là truyện ngắn được viết trong tháng 10, 11 năm 1939 ở Paris. Trong "một trong những đêm của thời chiến, khi người dân Paris phải che bớt ánh đèn bằng mảnh giấy màu xanh", nhà văn đọc tác phẩm cho một nhóm nhỏ bạn bè của mình nghe. Sau đó, như nhà văn thừa nhận, ông đã hủy bỏ tác phẩm khi qua Mỹ vào năm 1940. Nhưng một trong những bản đánh máy của truyện ngắn Pháp sư bằng cách nào đó vẫn còn được lưu giữ và năm 1991 nguyên bản tiếng Nga được in trong cuốn niên giám Văn học Nga - ba phần tư thế kỷ (trước đó tác phẩm đã được Dimitri Nabokov dịch qua tiếng Anh).
Truyện ngắn kể về một người đàn ông tên là Arthur lấy người mẹ ốm yếu của một cô bé chỉ vì say mê cô ta. Nhiều nhà nghiên cứu đưa ra lý do cho việc Nabokov nói rằng đã hủy bỏ tác phẩm này. Alexandr Pipersky chỉ ra điểm giống nhau trong tình tiết người đàn ông trưởng thành toan quyến rũ và cưỡng đoạt cô thiếu nữ trẻ tuổi trong tác phẩm của Nabokov và William Faulkner. Ông đưa ra một vài tình tiết xoay quanh cuộc sống của cô bé Julia trong bộ ba tác phẩm của W.Faulkner - Hamlet, Thị trấn, Biệt thự để chứng minh. Kết luận cuối cùng của nhà nghiên cứu là: lúc bấy giờ (thời điểm Nabokov sang Mỹ - năm 1940) W.Faulkner đã là một nhà văn tiếng tăm lừng lẫy, còn Nabokov chỉ là một người Nga lưu vong. Vì vậy, tuy hai tác phẩm được sáng tác ở hai bên bờ đại dương, nhưng Nabokov đã khôn ngoan chưa công bố truyện ngắn của mình. Tác phẩm chỉ được công bố sau khi Nabokov đã chết (1986 - lần đầu tiên với bản tiếng Anh do con trai nhà văn Dimitri Nabokov dịch).
Các nhà nghiên cứu các tác phẩm của Nabokov như Saimon Karlinsky, Boris Paramonov, Nicolai Anastasiev cũng chỉ ra mối liên hệ của Nabokov với nhà tâm lý học Havelock Ellis, đặc biệt trong việc sáng tạo tiểu thuyết Lolita. Trong Hãy nói đi ký ức, Nabokov có viết về những lời thú tội - được cho là ảnh hưởng từ những luận điểm của Havelock Ellis khi ông nói về các cô bé con có những ý đồ hư hỏng, sẵn sàng làm tất cả những hành vi được gọi là tội lỗi, thường xuyên và khắp mọi nơi. Nhà phê bình người Mỹ gốc Nga Saimon Karlinsky - người biên tập các thư từ trao đổi giữa Nabokov và Edmun Wilson còn khẳng định, Edmun Wilson đã gửi đến cho Nabokov những cuốn sách của Havelock Ellis. Nhà nghiên cứu minh chứng bằng tiểu sử của nhân vật Humbert. Humbert trong Lolita được Nabokov xây dựng theo hướng dẫn của Ellis trong cuốn giáo khoa Tâm lý học tình dục. H.Ellis nói đến hai kiểu người với hai vấn đề tâm lý: kẻ theo chủ nghĩa ấu dâm (say mê những cô gái nhỏ) hoặc người trí thức bị bệnh tâm lý. Rõ ràng là Nabokov đã xây dựng Humbert bằng cách kết hợp cả hai kiểu nhân vật này.
Về thủ pháp kể chuyện, những nhà nghiên cứu như Alfred Appel hay nhà văn Alain-Robbe-Grillet đều khẳng định nét tương đồng của Nabokov với James Joyce (tác phẩm Chân dung người họa sĩ thời thanh xuân) và D.Selindzher (tác phẩm Dành tặng Esme), đặc biệt trong cách xây dựng nhân vật song đôi vô hình. Kỹ thuật này không phải do ba nhà văn trên xây dựng nên mà đã xuất hiện trong bản ballad tiếng Anh cổ Anh hùng Turpin. Alfred Appel - người từng được Nabokov dạy tại Đại học tổng hợp Cornell - cho biết, Nabokov đã rất khó chịu khi được hỏi về điểm tương đồng này và khẳng định đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Sự thật là, trong Lolita có nhại lại một cách mỉa mai nhan đề tác phẩm của J.Joyce: Humbert nói về bức chân dung của một người họa sĩ như nói về một kẻ đê tiện trong thời thanh xuân của mình (trong Lolita tiếng Nga là: Bức chân dung của một kẻ ác ôn không ai biết đến (Портрет Неизвестного Изверга).
Lolita là một tác phẩm quá khó để có thể đọc và hiểu một cách thấu đáo. Nói về sự sáng tạo của Nabokov và sự tiếp tục những tranh cãi trái chiều về tiểu thuyết của ông ,nhà nghiên cứu văn học người Pháp Ren Gerr viết: "Những người đọc Nabokov nhất định phải có trình độ hiểu biết, kiến thức sâu rộng về văn học Nga, nói theo cách khác, anh ta không thể ngay lập tức khám phá được những ám chỉ được che giấu trong tác phẩm". Carl Proffer (nhà nghiên cứu người Mỹ) trong cuốn sách Những chiếc chìa khóa để đến với Lolita cũng cảnh báo: "Ai muốn nắm được việc đọc một tác giả - kẻ 'ác dâm' như Nabokov, cần phải có trong tay một cuốn bách khoa thư, một cuốn từ điển và sổ tay ghi chép, nếu muốn hiểu được thậm chí chỉ một nửa những lời văn trong đó".
Đỗ Thị Hường
(Trích dịch từ bài viết Tiếp cận vấn đề về cội nguồn tiểu thuyết Lolita (К вопросу о генезисе романа Лолита) được in trong cuốn Vladimir Nabokov: những cách đọc đương đại (Владимир Набоков: современные прочтения).