So với tốc độ bề mặt của Trái Đất, trước đây lõi trong từng được cho là quay nhanh hơn. Tuy nhiên, từ năm 2010, nó bắt đầu quay chậm lại, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, Newsweek hôm 14/6 đưa tin. Hiện nay, lõi trong quay chậm hơn lớp bề mặt lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ và điều này có thể dẫn tới thay đổi độ dài của ngày.
"Khi trông thấy biểu đồ địa chấn hé lộ thay đổi này lần đầu, tôi rất kinh ngạc", John Vidale, giáo sư Khoa học Trái Đất ở Đại học thư từ, nghệ thuật và khoa học USC Dornsife, chia sẻ. "Nhưng khi tìm thêm hàng chục quan sát khác báo hiệu mô hình tương tự, kết quả rất chắc chắn".
Trái Đất bao gồm vài lớp là lớp vỏ, lớp phủ, lõi ngoài và lõi trong, mỗi lớp có đặc điểm và cấu tạo riêng biệt. Lớp vỏ là lớp ngoài cùng của Trái Đất và có độ dày trong khoảng 4,8 - 70,8 km. Bên dưới lớp vỏ là lớp phủ, vươn sâu khoảng 2.896 km, cấu tạo chủ yếu từ khoáng chất silicate giàu sắt và magie. Lõi ngoài nằm bên dưới lớp phủ, ở độ sâu từ 2.896 km đến 5.149 km, cấu tạo phần lớn từ sắt và nickel lỏng. Chuyển động của lõi ngoài tạo ra từ trường của Trái Đất.
Lõi trong là lớp trong cùng của Trái Đất với bán kính khoảng 1.223 km, tương đương kích thước Mặt Trăng, là khối cầu sắt và nickel rắn ở trung tâm hành tinh. Do nó nằm ở độ sâu cực lớn bên trong Trái Đất, các nhà khoa học phải dựa vào sóng địa chấn từ động đất để nghiên cứu chuyển động của lõi trong. Trong bài báo, nhóm nghiên cứu mô tả cách họ phân tích dữ liệu địa chấn từ 121 trận động đất giữa năm 1991 và 2023 gần quần đảo South Sandwich ở Nam Đại Tây Dương, cũng như dữ liệu từ nhiều vụ thử nghiệm hạt nhân.
Họ nhận thấy lõi trong đang quay chậm lại, kết quả từ sự cuộn trào chất lỏng ở lõi ngoài, kết hợp với lực hấp dẫn từ lớp phủ. Điều này có thể dẫn tới thay đổi nhỏ trong độ dài ngày, như chỉ ở mức vài phần nhỏ của một giây. Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả khoan sâu hơn sẽ hé lộ chính xác tại sao lõi Trái Đất quay chậm dần và những tác động của nó tới hành tinh.
An Khang (Theo Newsweek)