Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Australia, trong báo cáo năm 1995 của mình, nhận định rằng, một trong những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt chính là việc các nhà ngoại giao và viên chức nói chung của chúng ta không sử dụng tốt tiếng Anh. Ngoài các thách thức về bối cảnh địa chính trị, về các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, thì tiếng Anh được các nhà nghiên cứu nước bạn “gạch đầu dòng” ra như một vấn đề đáng quan ngại.
Tôi đọc cái báo cáo ấy và tự hỏi rằng lời tiên đoán của người Australia đến hôm nay đã đúng bao nhiêu phần và sai bao nhiêu phần. Tiếng Anh có thực sự trở thành một rào cản trong quá trình hội nhập của Việt Nam hay không?
Nó sai một phần. Bởi Việt Nam cũng đã chuyển mình rất nhanh. Tiếng Anh được phổ cập khá nhanh với một quan niệm ở tầm xã hội. Mới đây, tôi mang cảm giác khá vui khi bắt gặp bài viết của một nhà ngoại giao Việt Nam trên một trong những tờ báo uy tín nhất thế giới bằng tiếng Anh.
Nhưng những nỗ lực ấy có vẻ vẫn chưa đủ. Người Australia vẫn đúng một phần. Thỉnh thoảng, chúng ta lại gây lên những “scandal” nho nhỏ bằng những lỗi chính tả tiếng Anh ngớ ngẩn khi đón tiếp các đại diện nước bạn trong các sự kiên ngoại giao. Hội nghị ASEAN Việt Nam 2010, trên đường Phạm Văn Đồng từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, ta vẫn đón khách bằng một tấm pa nô vĩ đại ghi dòng chữ “Well Come to”, thay vì “Welcome to”. Năm ngoái, một lễ ký kết quan trọng với đối tác quốc tế có 3 lỗi chính tả trong một tấm áp phích sau lưng đại biểu.
Người Australia vẫn đúng, bởi vì lỗi chính tả tiếng Anh ngây ngô xuất hiện dày đặc ở ngay các quầy vé và biển chỉ dẫn tại hai sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Khi mà bằng đại học của sinh viên cũng có thể sai chính tả tiếng Anh hàng loạt thì rất khó khẳng định rằng cái báo cáo của người Australia đã sai. Cho dù 20 năm đã trôi qua.
Chuyện sẽ không dừng lại ở cái banner, nếu như chúng ta nhìn vào các mối quan hệ của Việt Nam trong ASEAN hiện nay. Không tính tới các quốc gia có nền kinh tế lớn và giáo dục phát triển như Thái Lan, Singapore, Malaysia, thì ngay cả Campuchia cũng cho chúng ta cảm giác rằng họ… giỏi tiếng Anh hơn Việt Nam.
Đó là cảm giác của rất nhiều người Việt Nam đến thăm Campuchia. Do có một thời gian đón tiếp lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, người dân ở đây, đặc biệt là tầng lớp trí thức, nói tiếng Anh rất chuẩn. Trình độ tiếng Anh của tôi chỉ nhỉnh hơn người lái xe đưa chúng tôi đi làm phóng sự một chút. Trên đường phố Phnom Penh, tôi nhìn thấy trên những chiếc xe lam có poster quảng cáo của tờ Cambodia Daily – một tờ báo bằng tiếng Anh, sử dụng các phóng viên ngoại quốc có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Mô hình ấy cũng xuất hiện ở Myanmar, một quốc gia có trình độ phát triển kém Việt Nam khá xa. Tôi đi thăm tòa soạn báo Myanmar Times ở Yangon, mà cảm giác mình như người nói ngọng (mà đúng là ngọng thật).
Có lẽ tôi không cần phải giải thích thêm rằng, trong thế giới phẳng hôm nay, thì tiếng nói của một quốc gia không chỉ ở các buổi hội đàm, là tiếng nói của cá nhân các nhà ngoại giao. Trong thế giới phẳng, xã hội nào giỏi tiếng Anh hơn, xã hội đó được lắng nghe nhiều hơn. Thế mà người Australia thì vẫn đang đúng.
Đức Hoàng