Trong tài liệu gửi cổ đông trước phiên họp bất thành cuối tuần vừa qua, lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (Mã CK: OGC) mở đầu bằng việc thừa nhận 2014 là một năm đầy biến động. Sau giai đoạn thuận lợi đầu năm, đến tháng 10, Chủ tịch Hà Văn Thắm vướng vòng lao lý do vi phạm các quy định pháp luật tại Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank). Biến cố này ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ hoạt động của tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên.
Ocean Group và một số đơn vị thành viên đã bị phong tỏa tài khoản tại ngân hàng để phục vụ điều tra vụ án. Việc này không chỉ gây rắc rối tài chính mà còn khiến nhiều hoạt động của tập đoàn và một số đơn vị thành viên 2 tháng cuối năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh doanh, hợp tác bị đình trệ.
Sự suy giảm lòng tin của khách hàng, đối tác khiến cho Ocean Group rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn cuối năm 2014, đầu năm 2015.
"Ocean Group và một số đơn vị thành viên đã được giải tỏa tài khoản tại ngân hàng, song hậu quả của những biến cố trong giai đoạn vừa qua là hết sức nặng nề", Hội đồng Quản trị công ty thừa nhận.
Tính chung năm 2014, Ocean Group lỗ sau thuế tới 1.370 tỷ đồng. Trong đó, mảng đầu tư tài chính và hoạt động kinh doanh khác chịu ảnh hưởng nặng nhất, lỗ 931 tỷ đồng sau khi Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng. Lĩnh vực bán lẻ và thương mại, khách sạn và dịch vụ cũng lần lượt lỗ 376 tỷ và 185 tỷ đồng.
"Việc Ocean Bank - đơn vị liên kết bị kiểm soát đặc biệt và đến tháng 4/2015 Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mua lại 0 đồng, chấm dứt mọi quyền và lợi ích của cổ đông đã dẫn tới việc toàn bộ giá trị đầu tư của Ocean Group tại Ocean Bank bị mất hoàn toàn", công ty này cho biết. Trước đó, Ocean Group nắm 20% vốn điều lệ Ocean Bank. Trong văn bản gửi lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, công ty ước tính sự kiện này sẽ khiến tài sản của tập đoàn tổn thất 971 tỷ đồng.
Anh Thanh (Từ Liêm) - một cổ đông cho hay cơn địa chấn vừa qua của Ocean Group khiến anh có giai đoạn "mất ăn mất ngủ", cổ phiếu của doanh nghiệp đang từ 15.000 đồng xuống dưới 3.000 đồng. "Một thời gian, OGC bị bán tháo trên sàn, tôi cũng lao vào bán theo vì cổ phiếu cứ mất giá từng ngày. Gần đây, OGC có tín hiệu tốt lên, còn một ít cổ phiếu, tôi thu xếp đi đại hội cổ đông để được biết thời gian qua công ty đã hoạt động, quản lý thế nào để ra nông nỗi này", anh Thanh chia sẻ.
Đại hội lần một bất thành khiến cổ đông này không khỏi thất vọng vì nhiều tâm tư chưa được bày tỏ cũng như những câu hỏi không nhận được sự trả lời của lãnh đạo công ty.
Mặc khác, một số cổ đông cho biết việc đi đại hội cổ đông là để tìm kiếm hy vọng. Bác Thủy (Ba Đình) cho biết mua được một ít cổ phiếu OGC, giá trị gần 2 triệu đồng nên bác cũng không có ý định sang tên, đọc tài liệu kế hoạch kinh doanh năm 2015 của công ty, bác có dự cảm tốt hơn.
Ocean Group đặt kế hoạch lãi 427 tỷ đồng trong năm nay, chủ yếu nhờ đầu tư tài chính và các hoạt động kinh doanh khác (392 tỷ đồng). Bất động sản, khách sạn - hai mảng kinh doanh chính của Đại Dương ước tính mang lại 78 tỷ và 96 tỷ đồng lợi nhuận.
Trong bối cảnh đa phần dự án mới đang trong giai đoạn thi công phần móng và phần ngầm, dự án Starcity Lê Văn Lương phần lớn đã ghi nhận doanh thu vào năm 2014, Hội đồng Quản trị Ocean Group cho biết dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ trông chờ vào việc thoái vốn khỏi các dự án hiệu quả thấp, tái cơ cấu danh mục đầu tư và tìm kiếm các đối tác tiềm năng để hợp tác đầu tư, từ đó giảm áp lực vốn cho công ty.
Cụ thể, dự án HH thuộc khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng gồm 6 block cao 21-28 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 400.000m2 và tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OGC sở hữu 86,9% vốn) đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Song, Ocean Group đã tính tới việc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng lại cổ phần đang nắm giữ trong dự án.
Dự án trung tâm thiết kế thời trang – thương mại dịch vụ - cao ốc Văn phòng Lega Fashion House có quy mô 25 tầng nổi và 3 tầng hầm tại số 106, đường 3/2, quận 10, TP HCM trên diện tích 5.620 m2 cũng đang được nghiên cứu tìm đối tác có năng lực để hợp tác đầu tư, kinh doanh và khai thác chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của OGC cào dự án cho đối tác. Tổng vốn đầu tư của dự án là 947 tỷ đồng.
Nếu chuyển nhượng được các dự án, Ocean Group có thể thu xếp được một khoản tiền lớn nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính, cũng như việc năm 2014 chuyển nhượng thành công 90% cổ phần tại Công ty Cổ phần bán kẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) cho các đối tác khác khác đã mang về cho công ty khoản lợi nhuận 450 tỷ đồng.
Doanh nghiệp vẫn còn một số công trình đang thi công cần dòng tiền như tổ hợp trung tâm thương mại, nhà trẻ và nhà ở cao tầng - VNT Hạ Đình vốn 429 tỷ đồng, dự án Công viên - Hồ điều hòa Yên Hòa với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, dự án Gia Định Plaza vốn 716 tỷ đồng...
Kế sách bán tài sản để có dòng vốn lưu động cũng được Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Mã CK: OCH) áp dụng. Đơn vị này vừa bán toàn bộ 49,5% vốn tại Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông, đơn vị sở hữu và vận hành khách sạn Phương Đông 4 sao tại thành phố Vinh (Nghệ An) để lấy tiền hoàn thành dự án Khách sạn Starcity Nha Trang. Theo giá cổ phiếu ngày giao dịch, OCH thu được gần 50 tỷ đồng.
Lãnh đạo OCH cho hay trong năm 2015, công ty sẽ tiếp tục thoái vốn một số dự án hoạt động kinh doanh không hiệu quả hoặc thoái vốn một số dự án không thể thu xếp được nguồn tài chính để bổ sung nguồn vốn lưu động cho một số dự án sắp hoàn thành, đưa vào khai thác hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, việc thoái vốn, tái cơ cấu danh mục đầu tư có thể được coi là đối sách để Ocean Group vượt qua khó khăn, tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tập đoàn này còn tính đến việc hợp tác cùng các đơn vị khác để triển khai các dự án, giảm bớt áp lực vốn cho công ty.
Trao đổi với VnExpress, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho hay khi một công ty lâm vào cảnh bĩ cực, có ngay hai phương án phải được tính đến là cắt giảm chi phí và bán tài sản. "Nếu tài sản được bán đúng giá hoặc thấp hơn một chút sẽ khiến dòng tiền của doanh nghiệp lành mạnh hơn. Nhưng sự tái cấu trúc này chỉ mang lại lợi ích cho cổ đông trong trường hợp những tài sản, dự án này không còn cần thiết cho công ty", ông Hiển nhận định.
Theo vị này, trên thị trường chứng khoán hiện nay có một số đơn vị coi việc bán tài sản là một thành tích, tạo nên những cơn sóng cho cổ phiếu, song điều này không được lâu dài. "Doanh nghiệp đang yếu thì phải chọn phương án tái cấu trúc thích hợp, vẫn phải có dự án kinh doanh để đi lên", ông Hiển nói.
Phương Linh